Chánh niệm là liều thuốc tốt nhất

"Tôi đã tốt nghiệp đại học y và khi đang thực tập trong ngành sức khỏe gia đình, tôi được gặp Sư ông Thích Nhất Hạnh và Tăng đoàn của Sư ông. Sau đó không lâu, bạn tôi mất đột ngột trong một tai nạn. Sự ra đi của anh giúp tôi quyết định đi theo con đường thực hành của Phật giáo. Tôi rời bỏ ngành y sau bảy năm học tập và trở thành một sư cô.


Tôi đã tu được 13 năm. Tuy nhiên, giờ thì tôi nhận thấy bạn không cần phải rời bỏ nghề nghiệp của mình để sống có chánh niệm, dầu đó là ngành y hay ngành nghề gì khác.
Trong tất cả mọi việc bạn làm, bạn có thể đem sự tỉnh thức về với hơi thở và thân.
Bạn có thể kết nối thân và tâm, thay vì giữ chúng tách biệt. Khi đứng dậy, hãy biết rằng mình đang đứng dậy. Khi rướn người, bạn có thể theo dõi hơi thở và các chuyển động của thân. Khi chánh niệm về thân, cái nghe của bạn sẽ sâu lắng hơn và bạn sẽ ý thức hơn về những gì đang xảy ra quanh bạn. Rồi hãy mang sự tỉnh thức đó vào cuộc sống hàng ngày và vào công việc của mình.
Hãy tưởng tượng bạn là một bác sĩ, đang lắng nghe bệnh nhân. Nếu bạn đồng thời cũng đang nghĩ đến bệnh nhân ở các phòng khác, nên hỏi bệnh nhân trước mặt nhiều lần cùng một câu hỏi, thì điều đó chỉ làm bệnh nhân thêm bệnh, thêm lo. Người bệnh đã cảm thấy bất lực khi phải nằm viện. Giờ họ còn nhận thấy bạn không thực sự có mặt với họ. Nếu tâm bạn đang nghĩ tới bệnh nhân ở nơi khác, thì bạn đang lãng phí thời gian của mình và của người bệnh.
Giây phút hiện tại là giây phút duy nhất chúng ta có.
Đó là giây phút duy nhất mà ta có thể tạo ra sự khác biệt cho bản thân và cho người khác. Dầu ta có đang làm gì và ai đang có mặt với ta - bản thân, bệnh nhân, bạn bè hay người lạ - nếu ta thực sự trụ vào hơi thở và thân, ta có thể sống trong giây phút đó rất sâu và được lợi ích.
Khi tôi còn là sinh viên ngành y, tôi đảm nhiệm chăm sóc một bệnh nhân ung thư túi mật giai đoạn cuối. Dầu chỉ mới được chẩn đoán khoảng ba tháng, nhưng căn bệnh của ông đã phát tán khắp nơi. Bệnh nhân này, ở độ tuổi 60, trở nên trầm cảm, và từ chối ăn uống. Ông cộc cằn, thô lỗ đối với các điều dưỡng và bác sĩ.
Lúc bắt đầu, ông ta cũng không thân thiện gì với tôi, nhưng dần ông trở nên cởi mở hơn. Sau đó bác sĩ cho ông được chọn lựa để mổ xem ung thư có thể được cắt bỏ an toàn không. Ông ta ngần ngại và lo sợ. Tôi bảo sẽ ủng hộ bất cứ sự lựa chọn nào của ông.
Cuối cùng ông quyết định mổ. Tiếc thay, các bác sĩ phẫu thuật khi mổ ra, họ thấy ung thư đã lan khắp các cơ quan cận kề, nên họ khâu bụng ông lại ngay.
Tối hôm đó tôi trực ca, nên vào thăm ông. Đã hai giờ sáng. Bệnh nhân ở cùng phòng với ông đã ngủ, ánh sáng duy nhất còn lại là ánh sáng từ ngoài hành lang. Tôi ngồi im lặng cạnh giường ông. Ông nói: “Bác sĩ biết không, tôi không còn hy vọng được cứu chữa. Nhưng, lạ kỳ thay, giờ tôi lại thấy bình tĩnh hơn bất cứ khi nào trước đây”.
Tôi chỉ ngồi bên ông. Trước khi mổ, tôi đã kể cho ông nghe về sự ra đi của bà tôi ở Việt Nam. Bà tôi biết mình sắp ra đi, nhưng rất bình thản về điều đó. Bà cho gọi tất cả con cái lại, dặn họ đừng cho tôi và em trai biết chuyện, vì chúng tôi đang ở Mỹ, bà không muốn làm ảnh hưởng đến việc học của chúng tôi.
Bà tôi vẫn tỉnh và bình an suốt những giờ cuối cùng của cuộc đời bà. Khi tôi được biết tin, sáu tháng sau khi bà mất, điều đó đã khiến tôi thay đổi ý nghĩ về cái chết. Khi ta sống tốt đẹp, và khi ta chết tốt đẹp, đó là món quà tặng cho bản thân, mà cũng là quà tặng cho những ai đã chứng kiến cuộc sống và cái chết của ta. Món quà vô úy thí thực sự là món quà vĩ đại nhất mà ta có thể tặng cho những người thân yêu của mình.
Tôi nói với bệnh nhân của mình: “Bà tôi đã ra đi êm ái và tốt đẹp. Ông cũng có thể chọn cách chết như thế. Ông có thể nhớ lại tất cả những điều tốt đẹp ông đã nhận từ cuộc đời và hãy cảm ơn đời. Ông có thể ra đi, đúng thời điểm của mình và duy trì sự bình an”.
Khi bệnh nhân của tôi trở về nhà, ông được sử dụng morphine để kiểm soát các cơn đau, nhưng ông trở nên bạo động, và bấn loạn. Vợ ông lo sợ và buồn đau vì điều này. Tuy nhiên, vào những giây phút chót, ông trở nên lắng dịu. Ngày hôm sau, bà gọi tôi và nói: “Ông ấy rất yên lặng, bình an. Dầu ông ấy không thể nói nữa, ông ấy biết tôi luôn có mặt bên ông, và điều đó khiến tôi rất hạnh phúc”. Bà nói với tôi rằng bà hạnh phúc ít nhất hai lần.
Trong sự thực hành tâm linh của tôi, với tư cách của một người tu, tôi không cảm thấy rằng mình đã rời bỏ ngành y. Thực ra, chánh niệm là loại thuốc hiệu quả nhất mà tôi có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày để chăm sóc bản thân, và cũng là loại thuốc vĩ đại nhất mà tôi có thể dành tặng cho người khác. Tôi không hối tiếc rằng mình đã bỏ thời gian 24 năm đến trường, sau đó xuất gia. Không có gì phải tiếc nuối khi bạn đã làm tất cả những gì mình có thể làm. Nếu bạn đã dốc lòng cho điều gì đó, thì khi phải bắt tay qua làm chuyện khác, cũng không có gì khiến bạn phải hối tiếc. Mỗi giây phút là một cơ hội để sống và khám phá bản thân".

Chân Đẳng Nghiêm

LDG: Tác giả là Sư cô Chân Đẳng Nghiêm, thế danh là Huỳnh Thị Ngọc Hương, đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, tại tu viện Lộc Uyển (Deer Park), bang California, Mỹ. Bài tự sự của Sư cô dưới đây được đăng trên một tạp chí Phật giáo Anh ngữ Shambhala Sun.

(Diệu Liên Lý Thu Linh chuyển ngữ theo "Mindfulness Is The Best Medicine", Shambhala Sun, 25 tháng 8, 2016)
 https://thuvienhoasen.org/a33707/chanh-niem-la-lieu-thuoc-tot-nhat

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét