Tôi nhớ một lần, vài năm trước đây, ngồi trong phòng của vị bác sĩ phân tâm học của tôi, tôi kể cho ông ta nghe về một cuộc gây gổ xảy ra giữa tôi với một người rất thân. Tôi không còn nhớ rõ chi tiết, nhưng hình như lần đó tôi có làm một việc gì mà người ấy rất giận, nhưng đối với tôi thì sự nóng nảy của cô ta là hoàn toàn vô lý và không chính đáng chút nào hết. Và trong lúc kể lại câu chuyện ấy, chính tôi cũng vẫn còn đang tức giận.
"Trong những trường hợp như vậy thì tôi chỉ có thể cố gắng thương yêu người ấy nhiều hơn thôi," Tôi nói với một giọng than trách, rút kinh nghiệm từ những năm tháng thiền tập, tâm từ, và thật lòng muốn thoát ra khỏi được nỗi sân hận đang hành hạ mình.
"Cái đó hoàn toàn vô ích," vị bác sĩ của tôi ngắt lời. Tôi có cảm tưởng như vừa bị một vị thiền sư nào đó đập cho một gậy. Ông ta nhìn tôi với đôi mắt soi mói như là ông rất ngạc nhiên trước sự khờ khạo của tôi.
"Giận thì có gì là sai quấy đâu?" Ông ta nói!
Và lần trao đổi ấy tôi vẫn còn ghi nhớ mãi, vì đó cũng là một vấn đề tiêu biểu mà chúng ta phải đối diện khi cố gắng dung hợp giữa tâm lý học của Phật giáo và phương cách trị liệu của Tây phương.
Chuyển hoá không có nghĩa là loại trừ
Đạo Phật thường có một thông điệp mà đôi khi có vẽ hơi mâu thuẫn về vấn đề tình cảm. Có lúc ta được khuyên phải biết cố gắng dẹp bỏ những tình cảm của mình, và có khi ta lại được dạy nên chấp nhận hết bất cứ những gì khởi lên. Thật ra cái giận có gì là sai quấy không? Ta có thể diệt được nó không? "Chuyển hóa" cơn giận có nghĩa là như thế nào?
Là một nhà tâm lý trị liệu, tôi phải đối diện với những câu hỏi ấy rất thường xuyên trong công việc của mình. Và tôi thấy được rõ rằng, "chuyển hóa" một cảm xúc, như là cơn giận, thường không có nghĩa đơn giản là ta đi tiêu diệt nó. Cũng như đạo Phật thường dạy rằng, tùy theo cái nhìn của mình, mà một kinh nghiệm nào đó sẽ khiến cho ta thêm khổ đau, hay là một phương tiện giúp ta giải thoát.
Vì vậy, chuyển hóa có nghĩa là thay đổi thái độ và quan điểm của mình. Nếu như chúng ta chỉ cố gắng thay đổi cảm xúc của mình, hoặc những nguyên nhân gây nên cảm xúc ấy, ta cũng có thể thành công đó! Nhưng sự thành công ấy rất tạm bợ, vì ta vẫn còn bị trói buộc bởi năng lực của sự thương ghét vào chính cảm xúc ấy, điều mà ta đang thật sự muốn được thoát khỏi.
Quan niệm sai làm ảnh hưởng đến sự tu tập
Tôi thấy dường như chúng ta đều có một khuynh hướng chung là muốn diệt những tình cảm ngay tận gốc rễ của chúng. Ta cho rằng chỉ có một cách duy nhất để giải thoát ra khỏi khổ đau là phải loại trừ nó hoàn toàn. Và nhận thức này cũng đã có một ảnh hưởng sâu đậm đến đường lối tu tập của ta. Mà dường như ngay chính trong một số những kinh điển cũng ám chỉ rằng, đây là điều mà ta cần nên cố gắng đạt đến. Như trong Vi Diệu Pháp có trình bày một số những cảm xúc thuộc loại bất thiện, và khuyên chúng ta nên làm mọi cách để loại trừ ảnh hưởng của chúng trong tâm mình.
Mỗi khi tôi đọc những câu truyện kể về các bậc thiền sư tự do bày tỏ cảm xúc của mình, hoặc là nổi giận, tôi cảm thấy hơi khó hiểu và bối rối. Những câu truyện này dường như mâu thuẫn lại với những điều tôi đã học. Chúng bắt tôi phải xét lại những gì mình đã thừa nhận một cách vô ý thức, về sự xấu xa của cảm xúc. Tôi nghĩ, sở dĩ chúng ta sẵn sàng tin vào khuôn mẫu này, một phần vì ta muốn đổ lỗi cho chúng là thủ phạm cho những khổ đau và khó khăn của ta. Ta muốn tin rằng, nếu như mình có thể bứng nhổ và tiêu diệt hết những cảm xúc ấy, ta sẽ có thể an nhiên bước theo dấu chân của đức Phật.
Không mong cầu thay đổi, mà hãy cảm nhận trọn vẹn
Thật ra ý muốn tiêu diệt những cảm xúc khó chịu ấy cũng rất phổ thông đối với những bệnh nhân trong ngành tâm lý trị liệu. Cũng giống như đa số các thiền sinh tin rằng, thiền tập có nghĩa là làm giảm bớt đi mọi tình cảm, những người bước vào tâm lý trị liệu thường hay sợ hãi và ghét bỏ những tình cảm khó khăn mà đã thúc đẩy họ đi tìm sự trị liệu.
Ví dụ, tôi có một người bạn rất thân, sau lần đổ vỡ của đời sống vợ chồng sau hơn mười năm chung sống, anh ta đi tìm sự giúp đở của khoa tâm lý trị liệu. Sự mong mỏi duy nhất của anh, là làm sao để thoát khỏi cái cảm xúc mà anh đang mang trong lòng. Anh ta khẩn cầu vị bác sĩ của mình giúp anh cất đi được nỗi đau, giúp anh loại trừ được cái cảm xúc mà anh không hề muốn.
Nhưng vị bác sĩ trị liệu của anh cũng là một thiền giả, Bà ta mới vừa rời một thiền viện Zen, nơi mà Bà đã sống trong ba năm trời. Vị bác sĩ khuyên anh nên tiếp xúc và có mặt với cảm xúc ấy, cho dù nó có khó chịu đến đâu chăng nữa. Bà ta không cố gắng giải quyết, và cũng chẳng hề giúp anh thay đổi những gì anh đang cảm nhận. Mỗi khi anh than thở về những bất an hoặc nỗi cô đơn của mình, thì Bà lại khuyến khích anh hãy cảm nhận những cảm xúc ấy cho sâu sắc hơn, và mỗi khi anh muốn tránh né thì Bà ta lại tiếp tục nhắc nhở và bắt anh phải quay lại đối diện với chúng.
Mặc dù người bạn của tôi không cảm thấy chút gì khá hơn, nhưng anh lại rất thắc mắc về đường lối trị liệu của vị bác sĩ, và từ đó anh bắt đầu tập thiền. Anh ta kể lại cái giây phút chính yếu trong kinh nghiệm thiền tập của mình, khi chứng bệnh trầm cảm (depression) của anh bắt đầu tan biến. Trong khi ngồi thiền anh cảm thấy rất khó chịu với những cảm giác ngứa ngáy, đau đớn, nhức nhối trong thân, mà anh không tài nào có mặt với chúng được. Anh nhớ lại, cuối cùng, có một lúc anh đã có thể quan sát và thấy được một cái ngứa bắt đầu khởi lên, tăng cường độ và rồi tự nhiên biến mất, mà anh không cần phải gãi hay làm gì hết.
Từ kinh nghiệm ấy, anh đột nhiên hiểu được lý do vì sao người bác sĩ trị liệu đã khuyến khích anh chỉ cần đơn giản có mặt với những trạng thái cảm xúc của mình. Và từ lúc đó chứng bệnh trầm cảm của anh cũng tự nhiên tan biến. Cảm xúc của anh chỉ thay đổi khi anh ta thôi không mong muốn nó thay đổi nữa!
Những quan điểm khác nhau về cảm xúc
Nhưng cũng có một số trường phái trong Phật giáo, cũng như trong ngành phân tâm học, không hoàn toàn chấp nhận cái tiềm năng chuyển hóa cảm xúc mà người bạn tôi đã kinh nghiệm. Những nhà phân tâm học chính thống, cũng như một số nhà học Phật theo truyền thống, xem những tình cảm như là những năng lượng rất mãnh liệt, tự chúng có tính chất đe dọa, bất an và đàn áp. Theo họ, phương cách hay nhất để đối trị là kiểm soát chúng, làm cho chúng quy phục, hay theo nhà Phật, là dập tắt chúng.
Quan điểm chung của họ là những cảm xúc mạnh hoặc những đam mê là những năng lực đen tối, chúng có những thúc đẩy riêng, và cần phải được điều chế một cách nghiêm khắc. Đối với môn phân tâm học chịu ảnh hưởng theo quan điểm này, thì một bệnh nhân được bình phục hoàn toàn là một người đã khám phá ra được hết tất cả những tình cảm nguyên sơ của mình, nhưng vẫn biết cách kiểm soát chúng, không cho chúng xen vào hạnh phúc của mình.
Và một người học phật chịu ảnh hưởng theo quan điểm này là một người không để cho những cảm xúc làm xao động đến sự tĩnh lặng thâm sâu của mình. Cũng vì những lý do ấy mà đôi khi chúng ta cảm thấy khó hiểu khi đọc những mẩu truyện như về cuộc đời của ngài Marpa, khi ngài than khóc sầu thương trước cái chết của đứa con trai mình. Tại sao một người như Marpa vẫn chưa vượt thoát ra khỏi cảm xúc của mình?
Nhưng trong đạo Phật và khoa phân tâm học cũng còn có một quan điểm khác nữa về vấn đề tình cảm. Quan điểm này chú trọng về vấn đề chuyển hóa (transformation) hơn là siêu vượt nó (transcendence). Theo cái nhìn này, thì những cảm xúc mạnh không bị xem như một kẻ thù, mà được tiếp xử như là một người anh em họ hàng bị thất lạc lâu năm.
Khi ta cho phép chúng có mặt trong ý thức của mình, những cảm xúc ấy sẽ thôi là một năng lực xa lạ, và được kinh nghiệm như là một phần không thể tách lìa của một toàn thể rộng lớn hơn. Và khi việc đó xảy ra, những cảm xúc ấy sẽ có một không gian để tự động được chuyển hoá, và đó cũng chính là tiến trình mà người bạn của tôi đã có dịp thoáng kinh nghiệm được trong thiền tập.
Thấy ra để đừng nhận nó là mình
Quan điểm của đạo Phật nhấn mạnh về sự chuyển hóa hơn là sự tiêu diệt mọi cảm xúc. Và ta thực tập chuyển hóa không phải bằng cách loại trừ những tình cảm khó khăn, mà là bằng cách "nhìn cho sâu sắc", bằng sự thấy ra. Ngày xưa lúc đức Phật vừa mới thành đạo ngài cũng đã thốt lên những lời tương tự:
"Ta đã dạo trong vô số kiếp sanh tử, đi tìm nhưng không thấy được người chủ của ngôi nhà tù này. Này kẻ cai tù ơi, bây giờ ta đã nhìn thấy ngươi. Từ bao nhiêu kiếp rồi, ngươi đã thiết lập bao nhiêu phen những nhà tù sanh tử. Bây giờ đây những bức tường đã bị phá vỡ, kèo cột đã bị đập nát. Ta đã nhìn rõ mặt mũi của ngươi rồi. Từ nay trở đi, ngươi không còn xây được một cái nhà tù nào nữa. Tâm ta bây giờ đã hoàn toàn tự tại. Mọi tham ái giờ đã dập tắt.”
Trong khoa tâm lý học ngày nay thì chúng ta hay nói đến việc bày tỏ cảm xúc hoặc là biểu lộ nó ra, nhưng thật ra thì ý muốn chung cũng vẫn là làm sao để loại trừ được nó. Và nếu ta không làm được việc ấy, ta có cảm tưởng như mình là một kẻ thất bại. Một khi cơn giận ấy nổi lên, ta lại có cảm tưởng như mình có trách nhiệm vì đã không loại trừ được nó. Chúng ta vẫn tiếp tục đối xử với những cảm xúc của mình như là một cá thể độc lập và riêng biệt. Ta không hề nghĩ rằng, thật ra còn có một đường lối khác nữa, là mình chỉ cần đơn giản có một ý thức sáng tỏ về nó.
Trong những trường hợp ấy, thường thường tôi trả lời như vầy, "Ta không cần phải làm gì với nó hết. Hãy để cho nó làm ta!"
"Câu trả lời đó rất là Thiền," bệnh nhân nói với tôi như vậy. "Nhưng rồi tôi phải làm như thế nào đây?"
Và đó cũng là một điểm rất quan trọng trong giáo lý của đức Phật. Theo Ngài thì chánh niệm và một ý thức sáng tỏ, tự chính nó là năng lực của sự thăng hoa. Năng lượng của chánh niệm giúp ta chuyển hóa được những cảm xúc tiêu cực của mình, thiếu nó ta không thể nào thực hiện được.
Theo lời dạy của Phật, chúng ta không cần phải lên án hoặc kết tội những cảm xúc tự bản năng của mình một khi chúng được phơi bày ra. Thay vì vậy, ta phải cần nên quan sát để thấy rõ được cái cảm nhận đi chấp-nó-làm-mình lúc nào cũng đi kèm sát theo với cảm xúc ấy. Khi ta nhận diện được cái chấp này rồi, nó sẽ phá tan được những phản ứng do cảm xúc gây ra, và mở ra một con đường mới tự do hơn.
Là một người tỉnh thức
Bằng cách chuyển sự chú ý của mình từ đối tượng cảm xúc sang chính cái chấp vào cảm xúc ấy, ta sẽ có thể kinh nghiệm được sự việc một cách rõ ràng và chính xác hơn. Việc ấy cũng giống như là khi ta cố gắng nhìn lên một vì sao xa mờ trên bầu trời đêm, thay vì nhìn thẳng vào nó, ta phải nhìn tránh sang bên một chút, và vì sao ấy sẽ hiện rõ lên hơn.
Khi ta thiền tập với ý định loại trừ những cảm xúc của mình, là ta vô tình ban cho chúng nhiều quyền năng hơn. Khi ta biết quan sát những cảm xúc khởi lên để thấy rõ được những cái chấp, nắm bắt, nằm sâu kín bên dưới, là ta đang tiếp xúc được với năng lượng chuyển hóa. Thay vì có mặc cảm tội lỗi, mỗi khi ta có một cảm xúc nào mạnh khởi lên, ta có thể sử dụng cơ hội ấy để nhìn sâu và thấy được cái bản năng tự chấp của mình.
Khi có người hỏi đức Phật, Ngài là ai? Phật không hề nói rằng Ngài là người đã tiêu diệt hết mọi tình cảm của mình. Đức Phật đáp rằng, Ngài là một người tỉnh thức.
Mark Epstein
Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét