“Y nghiệp”


Thư gởi bạn xa xôi,

Bạn ơi, câu hỏi của bạn đặt ra hơi khó đó, lại có chút gì như hằn học, mỉa mai, chua chát nữa, nên tôi đành phải viết mấy dòng này cho bạn. Bạn hỏi tôi nghĩ gì về Người thầy thuốc hôm nay? Tôi nghĩ đơn giản thôi bạn ạ: không có Người thầy thuốc hôm nay hay hôm qua, ngày mai gì cả. Người thầy thuốc là người thầy thuốc vậy thôi. Dù xã hội có nhiều biến động, y học tiến bộ không ngừng, quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân có nhiều thay đổi nhưngNgười thầy thuốc vẫn là người thầy thuốc. Anh ta được sinh ra, được làm nghề y vì cái nghiệpcủa mình, cái mà ngày nay gọi là “vocation”, thiên hướng, “Trời cho” đó! Cho nên Người thầy thuốc dù ngày xưa được coi là phù thủy, quan đốc, đại phu hay ngày nay được coi là người cung cấp “dịch vụ chăm sóc sức khỏe” (health care provider) gì đi nữa thì anh ta cũng phải luôn đứng trước lương tâm. Dân gian mình có câu hay bạn nhớ không? “Làm nghề thuốc mà ác đức thì đẻ con không có lỗ đít”!Bạn thấy đó, trong tên gọi Người thầy thuốc gồm có cả ba: Người + Thầy + Thuốc. Người thì có Nhân đạo. Thầy thì có Nhân đức. Thuốc thì có Nhân thuật. Nhân đạo, nhân đức, nhân thuật hợp lại thành cái gọi là… “Y đức”. Không có nhân đạo, nhân đức thì còn lâu mới có y đức. Cho nên Y đức là chuyện không dễ. Không chỉ được đào tạo, dạy dỗ ở trường Y mà phải “gieo trồng” từ hồi niên thiếu, từ trong gia đình, từ môi trường xã hội. Đó là lý do tại sao bà mẹ thầy Mạnh Tử phải ba lần dời nhà! Dĩ nhiên trường Y có trách nhiệm lớn. Cho nên khi ra trường, hành nghề, người thầy thuốc bị ràng buộc bởi những luật lệ rất nghiêm gọi là Nghĩa vụ luận y khoa (déontologie médicale), có tổ chức để “quản lý” nghề nghiệp về mặt y đức cũng như bảo vệ uy tín cho ngành y. Nhưng nói cho cùng, kẻ “quản lý” chặt chẽ nhất vẫn là lương tâm nghề nghiệp. Bạn hẳn còn nhớ những bài học hồi nhỏ xíu của bọn mình: “Thấy người hoạn nạn thì thương / Thấy người tàn tật lại càng trông nom / Thấy người già yếu ốm mòn / Thuốc thang cứu giúp cháo cơm đỡ đần / Trời nào phụ kẻ có nhân / Người mà có đức muôn phần vinh hoa”(Quốc văn Giáo khoa Thư, lớp đồng ấu)…Thật ngạc nhiên ngày nay “lớp trẻ” không còn học những bài học thuộc lòng này nữa! Cũng vậy, những bài như “ Cha sinh, mẹ dưỡng / Đức cù lao lấy lượng nào đong / Thờ cha mẹ ở hết lòng…”; rồi Anh em nhà họ Điền; Lưu Bình Dương Lễ; Đừng phá tổ chim v.v… đều là những bài học thuộc lòng từ tấm bé.
Bây giờ khi mà y khoa hướng về đồng tiền (Money-Driven Medicine, một phim tài liệu gần đây của Mỹ) thì người ta đã đưa lại lời thề Hippocrates vào trường y, lập ra Hiến chương Y nghiệp (Professionalism) và đề ra những y luật chặt chẽ, chọn “đầu vào” rất kỹ – như có trường buộc sinh viên muốn học y phải qua một cuộc phỏng vấn bởi hội đồng gồm một giáo sư, một điều dưỡng và một đại diện… bệnh nhân!
Bởi, trong suốt “hành trình” của kiếp nhân sinh: Sinh lão bệnh tử, giai đoạn nào mà chẳng cần có mặt người thầy thuốc phải không?

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc.

(Tiếp theo)  Định viết vắn tắt mấy dòng cho bạn trong thư trước đó là đủ nhưng bạn đã hỏi thêm “một vài chi tiết” nên mới có phần “tiếp theo” này vậy.

1. Bạn đã đọc chuyện này chưa? Chuyện kể ông Biển Thước (401-310 trước Công nguyên), một thầy thuốc người nước Triệu thời Đông Chu liệt quốc nổi tiếng là “thần y”, một hôm Ngụy vương hỏi Biển Thước: “ Ta nghe nói ba anh em nhà Thầy đều giỏi y thuật, thử nói ta xem trong ba người, y thuật của ai cao minh nhất?”
Biển Thước đáp: “Anh cả của thần y thuật cao minh nhất, anh hai của thần thứ nhì, còn thần kém nhất trong ba anh em”.
Ngụy vương ngạc nhiên: “Vậy sao Thầy nổi tiếng trong thiên hạ còn hai anh Thầy không ai biết đến?”
Biển Thước đáp: “ Vì anh cả thần chữa bệnh cho người khi bệnh chưa xảy ra, người bệnh trông như không có bệnh gì cả cho nên người ta không ai biết anh thần đã phòng bệnh cho họ từ trước; còn anh hai của thần trị bệnh ngay khi người ta mới phát bệnh, nên người ta cho rằng anh hai thần chỉ chữa được bệnh vặt mà không biết rằng nếu để bệnh trầm trọng thì nguy hiểm tính mạng nên chỉ nổi tiếng ở vùng quê, còn thần thì chữa khi bệnh tình người ta đã nguy ngập, tính mạng bị đe dọa… Điều thần làm là phá huyết mủ, phẫu thuật, đắp thuốc, những việc dính đến máu me, nên thần mới vang danh thiên hạ, nhưng dù bệnh có cứu được cũng thường để lại di chứng… Thần thua xa hai anh thần nhưng thiên hạ ít người biết vậy! (Trang Tử tâm đắc, Nxb Trẻ 2011).
Có thể nói Y đức… cao nhất chính là phòng bệnh, giúp cho người ta khỏe mạnh, ít đau ốm hoặc nếu có bệnh thì được chữa sớm khi bệnh chưa nặng vậy. Dĩ nhiên thứ “y đức” này đừng mong người ta biết đến làm chi! Hải Thượng Lãn Ông cũng tự xưng mình là “ông già lười” vì ước mong không còn ai bệnh tật để mình được rảnh rang làm thơ uống rượu ngoạn cảnh đó thôi.

2. Có những nguyên tắc chung hay còn gọi là những giá trị cơ bản của Y đức (phổ quát trên toàn thế giới) được dạy ở các trường Y xuyên suốt quá trình nhiều năm học tập và khi ra trường được tiếp tục giám sát bởi Tổ chức nghề nghiệp (Ordre des médecins, Bác sĩ đoàn) với Nghĩa vụ luận y khoa (luật) một cách chặt chẽ.
Dĩ nhiên Y đức không thể dạy lý thuyết suông mà cần có những bài học thực tiễn từ cuộc sống (hành nghề), những trải nghiệm trong ứng xử, giao tiếp giữa thầy thuốc với bệnh nhân, với đồng nghiệp, với cộng đồng v.v… và nhất là những tấm gương để noi theo.
Thế hệ mình may mắn, ngoài Bắc có các thầy như Hồ Đắc Di, Tôn thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Trần Hữu Tước…, trong Nam có các thầy Phạm Biểu Tâm., Nguyễn Hữu, Trần Quang Đệ, Đặng Văn Chiếu… Thực ra thì thời nào, ở đâu cũng có những tấm gương y đức tốt đẹp, chẳng qua nó không “nổi bật” như một số trường hợp vi phạm y đức thôi! Và đúng như bạn nói, không chỉ y đức mà đạo đức nói chung trong xã hội ta ngày càng xuống cấp! Cốt lõi vẫn là nền giáo dục từ thuở còn thơ của gia đình và nhà trường.

3. Mình ghi lại đây các nguyên tắc chung hay còn gọi là giá trị cơ bản của Y đức để bạn tham khảo::
1) Làm điều có lợi nhất cho bệnh nhân (Beneficence)
2) Trước hết, không làm điều có hại ( Primum non nocere),“First, do no harm”.
3) Tôn trọng sự Tự chủ (Autonomy)
4) Bảo mật (Confidentiality)
5) Công minh (Justice). Không kỳ thị , phân biệt đối xử (Non- discrimination).
6) Tôn trọng nhân phẩm (Dignity)
7) Thỏa thuận với thông tin đầy đủ (Informed Consent)
8) Nói sự thật (Telling the truth)

Vẫn còn có rất nhiều những vấn nạn (dilemma) về y đức đang tiếp tục được tranh luận như vấn đề An tử (Euthanasia), Điều trị phù phiếm, Phá thai, Thụ tinh nhân tạo, Can thiệp di truyền, Cấy ghép tạng, Thử thuốc lâm sàng, Truyền thông sai lạc v.v…

4. Báo Doanh nhân Saigon Cuối tuần có bài viết nêu vấn đề có một số thầy thuốc “veston cà-vạt” lên TV quảng bá cho một thứ thuốc chưa “evidence-based” nào đó, gây bức xúc cho người dân… thì thật ra cũng đã có quy định trong Nghĩa vụ luận y khoa, thí dụ không được dùng bút danh khi viết báo về vấn đề y tế (phải để tên thật, cơ quan làm việc để chịu trách nhiệm) và luôn “thận trọng về những tác động có thể có của những tuyên bố đối với công chúng”….

Dưới đây là vài thí dụ:

Điều 13 Nghĩa vụ luận hành nghề y khoa, (Hội đồng quốc gia Y sĩ đoàn Pháp)
Khi bác sĩ tham gia hoạt động thông tin truyền thông mang tính chất giáo dục y tế, dù sử dụng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, cũng chỉ được đề cập đến các dữ liệu đã được xác minh, phải thận trọng và lưu ý về những tác động có thể có của những tuyên bố đối với công chúng.
Điều 11 và 20 Nghĩa vụ luận nghề Y sĩ (Saigon, 1964)
Y khoa không được thực hành như một nghề thương mại. Đặc biệt cấm: trực tiếp hay gián tiếp mọi phương sách quảng cáo, những biểu thị liên hệ đến y khoa mà không có mục đích chuyên nhất về khoa học hay giáo huấn.
Cấm chỉ mọi hành vi có mục đích giúp đỡ bất cứ người nào hành nghề y khoa bất hợp pháp. Bác sĩ phải cẩn thận về việc sử dụng danh nghĩa, địa vị hay những tuyên bố của mình. Không chấp nhận cho sử dụng danh nghĩa hay việc hành nghề của mình với mục đích quảng cáo…
Bạn thấy đó, Y đức là chuyện… dài.
Thôi cho ngừng ở đây vậy nhé!

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc
(10 – 2013).

http://www.dohongngoc.com