Ngày hôm nay, cư dân mạng không khỏi bàng hoàng và choáng váng khi được theo dõi đoạn clip ghi lại vụ việc "cướp cạn" hàng nghìn két bia trên đường phố Đồng Nai vào ngày 4/12 vừa qua.
Trước đó, vào khoảng 12h30', một chiếc xe tải chở hàng ngàn két bia do tài xế Hồ Kim Hậu (30 tuổi, quê tỉnh Bình Định) điều khiển từ TP.HCM đi TP. Phan Thiết. Tuy nhiên, khi đang lưu thông trên 1 tuyến đường của TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chiếc xe bất ngờ đổi hướng, khiến hàng nghìn thùng bia đổ ập xuống đường. Mặc dù thấy chiếc xe gặp nạn nhưng những người dân xung quanh vẫn rất bình thản và không ra tay giúp đỡ. Ngược lại, họ nhanh chóng băng qua đường rồi nhăm nhăm lao tới các thùng bia để tranh thủ "cuỗm" được chút ít đồ "miễn phí".
Trước tình huống này, tài xế khóc lóc, van xin, nhưng hàng trăm người vẫn đổ xô vào cướp đi số bia nằm la liệt trên đường. Chỉ sau khoảng 15 phút, đường phố trở nên vắng hoe bởi số bia cùng dòng người hôi của bỗng chốc "không cánh mà bay".
Hiện trường còn lại sau vụ "hôi" bia chỉ còn lại những mảnh chai vỡ. Ảnh: Tri thức.
Tuy nhiên, vụ việc này chỉ là "một giọt nước tràn ly", khiến cư dân mạng càng thêm bức xúc và phẫn nộ bởi đây không phải là lần đầu tiên diễn ra tình trạng hôi của tại Việt Nam. Đơn cử trong đó có vụ người dân tranh nhau nhặt 60 két bia của chiếc xe ô tô gặp nạn tại phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP. HCM vào đầu tháng 7 hay vụ tranh cướp 50 triệu rơi tung tóe ở giao lộ Bà Huyện Thanh Quan - Võ Văn Tần vào giữa tháng 10 vừa qua.
Qua hàng loạt những vụ hôi của này, rất nhiều người cho rằng hành động xấu xí của những người hôi của đó chẳng khác gì là ăn cướp giữa ban ngày, đặc biệt đáng buồn khi họ lại lợi dụng lúc người khác gặp nạn để chiếm đoạt tài sản. Sự vô tâm, tham lam của người dân khiến mỗi chúng ta đều phải lo lắng về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức con người, cũng như những hành vi không phù hợp với truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Khi xem xong toàn bộ clip này, cư dân mạng có nickname Ben Nguyen nhận xét: "Mỗi người chắc uống được vài lon bia cho hả hê cái lương tâm rẻ tiền của mình còn người lái xe phải đối diện với việc phải đền tiền toàn bộ và có thể sẽ bị đuổi việc. Nghèo/đói /khát không có nghĩa là được quyền ăn cướp của người khác"'
Độc giả Nguyễn Hiếu Trinh bức xúc lên tiếng "Ngày xưa lúc mới vào lớp 1 điều đầu tiên ba mẹ và cô giáo dạy luôn là "Nhặt của rơi trả lại cho người mất, hoặc không được gian dối tham lam ..." Khái niệm đúng sai rất mơ hồ nhưng chí ít bản thân chúng ta đều nên biết làm thế nào cho phải. Người lớn đàn ông đàn bà lớn hết mà còn như thế thì họ dạy con cháu họ như thế nào đây?... Lấy được vài lon hay vài két, Tết này khỏi mua bia nhưng khi uống nó có nghĩ đến việc mình làm đã góp phần cho cuộc sống của chú tài xế thêm khó khăn. Tết đến nơi, tiền đâu mà chú ấy có thể đền bao nhiêu đó két bia? Chưa kể chú sẽ bị cho thôi việc, khiển trách. Tết của chú sẽ thế nào, con cái chú sẽ có cái Tết ra làm sao... Vậy mà họ vẫn thu gom được thì thực sự không thể nào hiểu nổi. Liệu đạo đức con người đang xuống dốc? Hay tình thương đồng loại giữa con người với con người không còn tồn tại?..."
Hay "Chỉ còn từ "rẻ tiền" là miêu tả đúng nhất bản chất của những kẻ hám của như vậy thôi và rất đáng buồn khi bộ phận này lại chiếm số lượng đông đảo. Có dư tiền mua xe tay ga chạy nhưng lại đi giành giật từng lon bia rơi rớt của người khác cho bằng được để rồi lương tâm xem như bị tha mất, còn danh dự lại mặc nhiên mời gọi để người đời sỉ vả, chà đạp.
Những người này đã lợi dụng thời cơ để hôi của đâu khác trộm cắp bao nhiêu, chỉ có điều hôi của có cả lực lượng bầy đàn khổng lồ, trộm cắp thường đơn thân 1 tên, trộm cắp thì cố gắng giấu giếm, còn hôi của thì công khai hành vi trắng trợn mà kẻ cắp ti tiện đến mức đã không ý thức bản thân sai trái thế nào còn chặn đường, đánh đập người khác", một độc giả khác nhận xét.
Cùng chung nỗi bức xúc với những độc giả trên, một bạn có nickname Vo Minh Cong bình luận "Ý thức của người dân quá kém. Lòng tự trọng đã được đánh đổi bằng vài lon bia. Vật chất đã điều khiển ý thức. Lòng tham đã chiến thắng không có chỗ cho lòng tự trọng. Điều đáng buồn đó không phải là 1 cá nhân mà là cả một tập thể. Thật đáng xấu hổ. Chỉ vì cái lợi trước mắt mà bán rẻ đi chính lương tâm của mình. Nếu trong 15 phút đó họ thu gọn số bia lại gửi trả tài xế thì điều đó thật đẹp đẽ làm sao. Nếu cứ như thế này thì ngàn năm nữa cũng chẳng khá hơn được. Cứ bảo sao nước mình nghèo mãi. Cái nghèo nhất của nước ta là "nghèo ý thức". Đến bao giờ mới có ý thức giống người dân Nhật Bản sau vụ sóng thần ???!???"
Ngoài những lời bình luận thể hiện sự phẫn nộ trước hành vi hôi của đáng xấu hổ của một người dân, rất nhiều cư dân mạng cũng tỏ ra thương cảm cho người tài xế trong vụ tai nạn đáng tiếc này. Độc giả Linh An nhận xét "Khổ thân chú lái xe quá! Không phải lỗi do mình nhưng bị những người ý thức kém lấy trộm hết. Người ta khóc để xin đừng lấy thế mà một nhóm người vẫn hùng hục lao ra để ăn cướp giữa ban ngày! Liệu uống được ngụm bia vào có ngon không hay sẽ phải mang tiếng xấu đến suốt đời. Có thể họ nghĩ người ta không biết mình là ai nên họ cứ thoải mái hôi của, nhưng họ không nghĩ rằng lấy cái gì không phải của mình thì sẽ phải trả giá gấp trăm nghìn lần à?"
Độc giả Trang Lê thì liên tưởng tới vụ việc tài tử Paul Walker bị tai nạn xe hơi cách đây ít ngày: "Hôm nọ ở bên bài post của Paul Walker gặp tai nạn. Clip tại hiện trường cho thấy lúc ô tô của anh ấy bị đâm vào cây và bốc cháy thì gần như ngay lập tức có người dừng xe lại gọi 911 và cứu thương. Có nhiều bạn comment bảo là "đấy là người ta văn minh hơn thôi chứ sống tình cảm không bằng VN". Mình chả biết cái tình cảm mà bạn ấy nói là gì nhưng mà nhìn những cảnh này đi, chính đồng bào mình cướp bóc của đồng bào mình, 1 chữ gọi là giúp đỡ người gặp nạn cũng không có. Ngụy biện đổ lỗi cho ở đâu cũng có người này người nọ chứ hàng trăm người thế thì gọi là gì?."
Mỗi người dân Việt cũng cõ lẽ đã rất quen thuộc với những câu tục ngữ ca dao về đạo lý làm người đầy ý nghĩa như "lá lành đùm lá rách", "nhặt được của rơi trả người đánh mất" hay "thương người như thể thương thân"... Thế nhưng, trong một số trường hợp nào đó của cuộc sống, rất nhiều người đã vô tình "quên" đi những đạo lý làm người đó.
Vụ việc này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức cũng như hành vi của người dân trước tai họa và sự bất hạnh của người khác.