Lời nói dối chân thành


Tôi vừa được nghe một câu chuyện thật thú vị: “Cà phê muối”.
Chuyện kể có một anh chàng, trong bữa tiệc tình cờ gặp một người đẹp. Vì cô ta quá đẹp nên anh ngại ngùng không dám làm quen. Tuy nhiên, gần cuối buổi, không nhịn được, anh đã lấy hết can đảm mời cô đi uống cà phê. Người đẹp ngạc nhiên, nhưng cũng nhận lời anh.

Đến quán cà phê, ngồi rất lâu chẳng biết chuyện gì để nói, vì anh quá bối rối, nên cô gái cũng chán nản, định đứng dậy ra về. Bất ngờ, anh gọi bồi bàn và nói khá lớn: Em cho tôi một ly cà phê và cho ít muối. Mọi người ngồi gần bàn anh ngạc nhiên, và nhất là cô gái. Cô hỏi: Anh thường uống cà phê với muối? Anh đáp: “Vâng. Nhà tôi ở gần vùng biển, nên tôi rất quen thuộc với cái vị mặn mặn của nước biển. Hôm nay ngồi đây với cô, bỗng nhiên tôi nhớ đến mẹ. Mỗi lần như thế, tôi đều uống cà phê với muối, mà tôi rất thường nhớ mẹ nên tôi uống cà phê với muối riết, đâm ghiền. Tôi xin lỗi nếu làm cô phiền lòng”. Cô gái đáp không sao, và không những như thế, cô lại cảm động; nghĩ rằng anh là một người con có hiếu, có nghĩa, có tình với nơi chôn nhau cắt rốn. Và cô có cảm tình với anh. Sau nhiều lần hẹn hò gặp nhau, hai người yêu nhau, lấy nhau và ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Mấy chục năm sau thì anh qua đời. Cô gái, bây giờ là một bà già, vô cùng thương tiếc chồng. Sau khi đám xong, cô ngồi sắp xếp lại những kỷ vật của chồng, cô tìm thấy một bức thư. Viết rằng: “Trong suốt cả cuộc đời yêu em, anh đã có một lỗi rất lớn là đã một lần nói dối em, và không bao giờ dám thổ lộ với em. Đó là lần đầu tiên ngồi với em trong quán cà phê, lúc thấy em sắp sửa đứng dậy ra về, anh quá bối rối và gọi bồi bàn chỉ là để tự trấn an, nhưng vì quá bối rối, anh đã xin muối vào cà phê thay vì đường. Lúc em hỏi, anh đành phải bịa ra câu chuyện để trả lời em. Sau đó, lúc nào đi với em, anh cũng đều phải uống cà phê với muối, và suốt mấy chục năm chung sống với em, ngày nào cũng được em pha cà phê muối cho anh, anh quen dần với cái hương vị đậm đà đó cho đến lúc phải từ giã em vĩnh viễn…”.
Câu chuyện thật cảm động và dễ thương đã làm cho tôi không ngừng suy nghĩ về hai chữ chân giả. Bây giờ ở đời, chân giả khó phân. Hàng giả bất cứ loại nào, nếu không căn cứ vào giá cả thì có nhiều loại khó phân biệt được đâu là thực, đâu là giả. Thậm chí, có khi hàng giả cũng bằng giá hàng thật. Chẳng hạn sừng tê, cao hổ cốt, hàng giả cũng phải bán bằng giá hàng thật mới lừa được người mua. Bỏ tiền mua nhầm một mẫu sừng tê hay một miếng cao hổ cốt giả, không những đã không chữa được bệnh mà còn có thể hại sức khỏe thì thật là tai hại.
Tuy nhiên, nếu là một món hàng giả không khác gì thật mà có thể dùng suốt đời không có ai phát giác được thì món đồ giả đó có khác gì đồ thật đâu.
Con gái tôi có viết một ca khúc, trong đó có một đoạn lời như sau “Em sẽ tin những lời nói dối của anh, nếu anh vĩnh viễn là của em”, đã làm tôi liên tưởng đến câu chuyện bịa đặt của anh chàng trong cà phê muối. Giữ được một lời nói dối suốt cả cuộc đời, và không bao giờ có một biểu hiện nào đi ngược lại lời nói dối đó, thì lời nói dối đó thật hay dối? Trong câu chuyện cà phê muối, nếu anh chàng kia không để lại bức thư cho vợ, thì câu chuyện cà phê muối của anh là thật hay giả?
Mới biết ở đời, thật giả thực khó phân. Có những lời nói dối cho qua chuyện, không mang đến một hậu quả tai hại nào, thì lời nói dối đó cũng là một lời nói dối tốt. Chẳng hạn không muốn đến một bữa tiệc, lấy cớ bị đau bất thình lình, cũng chẳng hại ai. Trong cuộc đời nầy, chắc chắn ai ai cũng đã từng nói dối. Không có ông chồng nào không một lần nói dối vợ, nhưng ngược lại, có nhiều chuyện nói dối không đem lại một hậu quả nào, lại còn có thể làm vui lòng người khác.
Một lời khen, một nụ cười, một câu cảm ơn không mất tiền mua. Dù không thật lòng thì những điều đó chắc chắn là có lợi chứ không có hại, vì làm cho người khác vui lòng. Vậy mà lạ thật, con người rất keo kiệt. Một lời khen, có thể tiết kiệm được, nhưng một nụ cười hay một câu cảm ơn có đáng là bao.

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 126 | HOÀNG TÁ THÍCH