TÌNH YÊU THƯƠNG




Tình yêu thương chân chính chẳng "vị" cái gì cả. Nó là nó. Nó hồn nhiên và trong vắt, trong veo, vì không còn bị vẩn đục bởi sự có mặt của tư tưởng. Tình yêu thương chân chính chẳng bao giờ là kết quả của một sự cân nhắc, một sự tính toán, so đo xa gần, hơn thiệt. Tình yêu thương chân chính được ban rải hồn nhiên và đồng đều, không phân biệt đối tượng, y như những loài hoa quý ban rải hương sắc của chúng.

Phải có cái mà Ngài J. Krishuamurti gọi là cuộc chuyển hóa thật sự của cơ cấu tâm lý con người hay còn gọi là cuộc cách mạng nội tâm triệt để hầu giành lại sự tự do tuyệt đối, hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối, ràng buộc của kiến thức và kinh nghiệm, tức của tư tưởng, thì bấy giờ một chân trời mới, chân trời của tình yêu thương chân chính, bao la mới mở rộng chan hòa. Cuộc chuyển hóa ấy, cuộc cách mạng ấy bắt đầu và chấm dứt bằng lối sống phi thời gian, phi không gian...




Một hôm có tiếng gõ cửa. Mở cửa ra, bạn thấy một người ngoại hình tiều tụy, xác xơ. Bạn muốn đóng sầm cửa lại cho bõ ghét, nhưng lại chợt nhận ra y là một người trong thân tộc. Người thân này tuy đã lâu bạn không gặp lại, nhưng có nghe nói là hồi này đương sự lâm vào cảnh khó khăn, cùng quẫn vì lỡ vận, sa cơ, đến chỗ đói cơm, rách áo. Bạn miễn cưỡng mời vào, nhưng trong tâm đã nghĩ: Anh này chắc lại đến vay mượn, xin xỏ gì đây. Thế là bạn hững hờ, lạnh nhạt, chẳng muốn trò chuyện và cũng chẳng mời khách lấy một một ly nước trà theo thông lệ nữa. Sau vài lời thăm hỏi xã giao, người thân ấy cất lời vay mượn bạn một số tiền để có vốn làm ăn, đúng như bạn đã tiên đoán. Khách vừa dứt lời thì lập tức, y như một chiếc máy điện toán, mọi dữ kiện tích lũy từ thuở nào có liên hệ đến người thân kia, được lần lượt đưa ra, và nhanh như chớp, khúc phim được chiếu lại vô cùng rõ nét:
Anh này trước đây rất giầu có, thừa hưởng cả cái gia tài kếch sù do cha mẹ để lại. Nhà hai ba nếp. Tiền bạc như nước. Lên xe, xuống ngựa. Thân tộc xa gần chẳng ai sánh kịp. Cơ nghiệp như thế mà chẳng biết giữ lấy, lại đổ đốn ăn chơi đàng điếm, ném tiền qua cửa sổ để mua lấy những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm, nên nay mới tán gia, bại sản. Lúc còn giầu có, anh chẳng nghĩ gì tới họ hàng, bè bạn; ngược lại còn nghênh ngang, kiêu ngạo, mục hạ vô nhân, khinh khi bằng hữu, quyến thuộc. Chính bản thân mình có lần gặp khó khăn tạm thời, tìm anh để nhờ giúp đỡ, thế mà anh đã nỡ lòng lánh mặt.

Khúc phim vừa dứt thì bạn lại nghĩ tiếp:

Trước nay mình chẳng vay mượn, nhờ vả gì anh. Nay gặp cơn đen, vận túng anh đến gõ cửa nhà mình, mình chẳng có nghĩa vụ gì phải thi hành và cũng chẳng có ơn huệ nào phải đền đáp cả. Có cho vay, cho mượn thì cũng phải "trông giỏ bỏ thóc", chứ ai dại gì mà lại đem tiền mồ hôi, nước mắt ném sông, ném biển bao giờ. Với những người biếng nhác, chây lười, ham mê khoái lạc, chẳng biết tính trước lo sau, thì cần phải để cho đương sự có một bài học thấm thía mới được. Đúng vậy, chỉ có khổ đau và nhục nhã mới là ông thầy hữu hiệu nhất thôi. Nay đương sự chưa chắc đã tỉnh ngộ mà vội vàng giúp đỡ thì cũng vô ích. Ngựa lại theo đường cũ ngựa đi. Mình nên từ chối thẳng tay để anh ta có dịp hồi tỉnh, sáng mắt, âu cũng là một việc làm tốt.
Nhưng rồi bạn lại đắn đo:
Nếu mình không giúp đỡ, đáp ứng lời khẩn cầu của đương sự, thì chắc chắn anh ta sẽ gióng trống, khua chiêng trong họ, ngoài làng và mọi người lại đua nhau lên án mình keo kiệt, chỉ biết bo bo giữ của, chẳng biết cứu giúp anh em, dòng họ. Thôi thì đương sự vay mười, ta chỉ cho một, hai, gọi là có cũng được rồi. Như vậy ta cũng tỏ cho mọi người biết là ta có lòng yêu thương quyến thuộc, và chính đương sự cũng chẳng ta thán vào chỗ nào được. Hơn thế, giúp người thì người khác lại giúp mình. Người Anh chẳng đã có những câu ngạn ngữ như:
- Một hành vi tốt chẳng bao giờ lại mất.
- Sự tử tế là một cuộc đầu tư chẳng bao giờ thất bại.
Thế là bạn quyết định như đã tính toán, tức là cho người thân này vay một chút đỉnh tiền bạc cho qua chuyện. Quyết định này xét ra hợp lý. Hợp lý ở chỗ bảo toàn được thanh danh chẳng ai có thể chê cười. Hợp lý ở chỗ nếu đương sự sau này không có khả năng hoàn trả thì dù có mất cũng chẳng bao nhiêu.
Thế rồi, sau khi người thân đó ra về, thì lại một tiếng gõ cửa thứ hai. Khác với trước, lần này mở cửa ra, bạn gặp một khách lạ cực kỳ sang trọng. Trang phục và dáng dấp rõ ra là một bậc thượng lưu. Bạn tưởng khách lầm nhà, nhưng sau được khách xác nhận là khách muốn gặp bạn, thì bạn nghĩ ngay:
Đây hẳn là một một nhân vật quan trọng trong chính giới, hay nếu không thì cũng phải là một doanh gia cỡ lớn. Khách tìm đến nhà mình, chẳng mang danh tới, cũng mang lợi vào. Sự hiện diện của khách chắc là một sự may mắn đến với gia đình mình.
Thế là bạn vồn vã, ân cần để tỏ lòng hiếu khách. Bạn trò chuyện lễ phép, chào mời đon đả, như thể đã cùng khách quen thân từ mấy kiếp rồi.
Lề lối suy nghĩ và hành xử trên này chẳng phải của riêng bạn, mà là của hầu hết mọi người có mặt trên trái đất này. Tâm lý của con người nói chung là thế. Cũng chẳng phải tâm lý này mới xuất hiện đây, mà biết bao nhiêu thiên niên kỷ rồi, nó vẫn vậy, và trước sau không đổi. Có thể nó bén nhậy hơn, sâu sắc hơn, nhưng chiều hướng và nội dung thì luôn luôn cố định, ấy là: con người lúc nào cũng tham lam, vị kỷ, cũng chạy theo danh, lợi và quyền lực như bao giờ.
Để thỏa mãn tính tham lam, vị kỷ và lòng ham chuộng lợi, danh, quyền lực ấy, con người đã không từ một điều gì không làm. Mọi mưu toan, tính toán, rồi thiết kế, bầy mưu cũng chỉ nhằm thỏa mãn tham vọng của cái "ta". Cái "ta" đây có thể là cá nhân, mà cũng có thể là tập thể, như phe ta, nhóm ta, đảng ta, nước ta, khối ta, v.v... Trước kia với nền văn minh còn thấp kém thì hậu quả không mấy quan trọng, nhưng ngày nay với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, tính tham lam vị kỷ ấy nhiều lúc đã đe dọa cả sự sống còn của nhân loại trên hành tinh này.
Tuy tham lam vị kỷ là thế, nhưng con người lúc nào cũng khéo léo che đậy bản chất ấy. Có nói đến thì con người lại chối cãi, phủ nhận một cách ngoan cố. Con người cũng còn bầy ra các hình thức tu hành nói là để tiêu diệt, loại trừ tham, sân, si và nhất là tính tham, cái tính mà con người ai cũng công nhận, là đầu dây, mối nhợ của muôn vàn tội ác. Nhưng có xử dụng hình thức này, hình thức khác, có khoác mầu áo này, mầu áo khác thì tham lam, vị kỷ vẫn còn đó. Mấy thiên niên kỷ rồi con người theo tôn giáo này, tôn giáo nọ để mong tu tâm, sửa tánh, nhưng nào có hiệu quả gì đâu. Gia đình vẫn chán vạn xung khắc, đổ vỡ. Xã hội vẫn đầy rẫy tranh chấp, sát phát. Cộng đồng nhân loại vẫn rối ren, sóng gió. Đôi lúc người ta đã phải nghĩ rằng thế giới đang trên đà sa sút, suy đồi; nhân loại đang trên khuynh hướng thoái lui, băng hoại. Có làm gì đi nữa thì cũng chỉ là những biện pháp "ngoài giầy gãi ngứa" hời hợt, phiến diện, vì một gia đình ấm êm, hạnh phúc; một xã hội an bình, trật tự; một thế giới hòa bình, ổn định chỉ có thể xuất hiện khi có tình yêu thương chân chính mà thôi. 
Tình yêu thương là một mỹ từ được con người đua nhau nói tới. Người ta nói đến nào là tình yêu thương nhân loại, tình yêu thương đất nước, đồng bào, nào là tình yêu thương giai cấp, nào là tình yêu thương đồng nghiệp, bằng hữu, nào là tình yêu thương giữa những người trong thân tộc, trong gia đình, v.v...
Riêng đối với tôn giáo thì các vị giáo chủ trước đây và các hàng chức sắc trong đạo sau này, thường lợi dụng mọi cơ hội để kêu gọi tình yêu thương một cách rộng rãi, bao quát như yêu thương không phân biệt kẻ thù, người thân, yêu thương cả cỏ cây, muông thú.
Nhưng xét cho cùng, suy cho kỹ, vô tư, thành thật mà xét suy thì cái mà người đời gọi là tình yêu thương ấy chỉ là một nhóm từ rỗng tuếch của chót lưỡi, đầu môi. Những lời kêu gọi tình yêu thương cũng chỉ là những lời kêu gọi trong sa mạc.
Hơn thế, nhiều khi kêu gọi yêu thương, người ta lại đi đến một kết quả đảo ngược là tiêu diệt yêu thương. Chẳng hạn như lời kêu gọi yêu thương đất nước, yêu thương giai cấp, yêu thương dân tộc, v.v... Đã có cái là đất nước ta, giai cấp ta, dân tộc ta, tất phải có cái không phải là đất nước ta, không phải giai cấp ta, không phải dân tộc ta. Ta càng yêu thương cái "ta" bao nhiêu thì lại càng ghét bỏ cái "không ta" bấy nhiêu. Cái không khí hận thù bao trùm nhân loại từ bao lâu nay cũng chính do cái tình yêu thương có tính cục bộ và phân biệt này.
Khi nhận định về mối tương quan giữa các quốc gia trên thế giới một chính trị gia Pháp đã phải nói: "Nhân loại đã sống trong trạng thái xã hội, nhưng các quốc gia trên thế giới vẫn sống trong trạng thái thiên nhiên". Trạng thái thiên nhiên là trạng thái của muông thú chốn rừng xanh. Làm gì có tình yêu thương ở chốn sơn lâm ấy, nơi mà vì sự sống còn của chính mình và chủng loại mình, sinh vật này đã ăn thịt các sinh vật khác một cách dã man, tàn bạo.
Chẳng làm gì có tình yêu thương thật sự trên trái đất này, có chăng cũng chỉ là trên bình diện ngôn từ, văn tự mà thôi. Bề ngoài thì giương cao ngọn cờ tình yêu thương, nhưng bề trong thì con người lúc nào cũng mài nanh, giũa vuốt để sẵn sàng tiêu diệt đồng loại vì tham vọng cá nhân, phe, nhóm. Đúng là: "Miệng Bồ tát, bụng một bồ dao găm".
Trên bình diện toàn cầu đã vậy, còn trên bình diện nhỏ hẹp hơn như quốc gia, thậm chí đến làng, thôn, xóm, ấp thì tình trạng cũng chẳng hơn gì. Người ta cũng phân biệt, cũng kỳ thị địa phương, tôn giáo, sắc tộc, chính kiến. Người ta cũng lập đảng, lập phái, kéo cánh, kéo bè, nhân danh chuyện này, chuyện nọ, để thanh toán, đàn áp những người không cùng phe nhóm, hầu chiếm lấy quyền lực, ưu thế mà thủ lợi trên đầu, trên cổ những người khác cho thỏa lòng tham lam cố hữu.
Tóm lại, chẳng làm gì có tình thương yêu chân chính giữa con người với con người trong các cộng đồng lớn, nhỏ. Mỉa mai thay khi nói đến tình yêu thương nhân loại!
Còn với giai cấp, bàng hữu, đồng nghiệp v.v... thì nói chung cũng chỉ vì lợi ích tương đồng, tương hỗ, gần hay xa, trực-tiếp hay gián-tiếp, người ta đã phải kết-hợp với nhau. Sự kết hợp này, nhiều khi chỉ có tính giai đoạn, được gọi là tình yêu thương.
Nhưng còn với đôi lứa, với gia đình, quyến thuộc như cha mẹ, con cái, anh chị em ruột thịt thì sao? Liệu giữa những người này có tình yêu thương hay không?
Trong các loại tình yêu thương thì tình yêu thương giữa nam nữ, vợ chồng là mạnh mẽ nhất. Người ta sẵn sàng vượt mọi khó khăn gian khổ vì người yêu. Người ta sẵn sàng làm mọi việc, kể cả những việc phi nhân nghĩa, phi đạo lý vì người yêu, và người ta cũng có thể hy sinh vì người yêu.
Tuy thế, tình yêu thương nam nữ cũng chỉ là kết quả của tính toán, so đo. Hai bên nam nữ yêu thương nhau vì mỗi bên có hội đủ một số điều kiện mà bên kia mong đợi. Bên nữ thì nhan sắc, sự đoan trang, đoan chính. Bên nam thì tài năng, bằng cấp, sự nghiệp. Và chung cho cả hai bên thì tuổi tác, phong độ khả ái, tính tình, nết na, sở trường, của cải thụ đắc, khả năng kiếm tiền, sức khỏe, thanh danh, gia thế, v.v... Dĩ nhiên những điều kiện này có đổi thay tùy theo trường hợp. Chẳng hạn gặp bên nam ham thích của cải, tiền bạc thì bên nữ giầu có dù không hội đủ mức độ duyên dáng đòi hỏi cũng vẫn có sức lôi cuốn đối phương. Đôi khi một bên vì quá nặng về điều kiện này mà các điều kiện khác lại trở nên lu mờ. Ví dụ với người con gái mà sắc đẹp vào hàng chim sa, cá lặn lại gặp bên nam hiếu sắc thì tất cả các điều kiện như thanh danh, gia thế, của cải thụ đắc, tính nết, v.v... thậm chí đến tuổi tác cũng trở nên không đáng kể.
Dù bề nào đi nữa, dù muốn nói gì thì nói, tình yêu thương giữa nam nữ cũng vẫn là sự gặp gỡ của các điều kiện. Bạn đâu có yêu thương bất cứ người khác phái nào. Gặp trường hợp ông Adam và bà Eva thì chẳng nói làm gì, còn trường hợp một bên có hai ba đối tượng để theo đuổi, thì nhận định trên càng trở nên dễ hiểu. Bạn cân nhắc, đối chiếu, suy trước, nghĩ sau, bù qua, sớt lại, rồi mới đi đến một quyết định mà bạn gọi là yêu thương.
Có trường hợp mà người ta quen gọi là tiếng sét ái tình nghĩa là một người trai gặp một người gái là yêu liền, yêu mê mệt, yêu bất chấp, chẳng đếm xỉa đến một điều kiện nào. Ta ngỡ đây là yêu thương đích thật. Nhưng không, đây chỉ là si mê. Yêu thương mà như bị thôi miên, bùa chú, mất hẳn vẻ tự chủ, tính sáng suốt.
Càng dễ hiểu hơn nữa, khi ta thấy những đôi trai gái yêu thương nhau tha thiết, keo sơn, gắn bó, nhưng đến khi thành vợ, thành chồng thì chẳng bao lâu lại thay lòng, đổi dạ, ghét nhau như quân thù, quân hằn. Trên bình diện quan sát, dò xét để đánh giá, bạn có thể lầm lẫn, và bạn cũng không có khả năng dò xét đối tượng cho đến ngọn nguồn, lạch sông. Nên khi gần gũi, chung sống, bạn mới phát hiện ra những thiếu sót ấy nơi người bạn đời. Có những điều kiện bạn tưởng là có, thì lại hóa không. Có những điều kiện bạn ngỡ là tròn đầy thì thực tế lại khiếm khuyết. Thế là cái gọi là tình yêu thương phai lạt, tan vỡ, vì những điều kiện làm cơ sở, nền móng cho nó không còn hội đủ.
Nhưng ngay với các cặp vợ chồng có cuộc sống chung gọi là hạnh phúc thì cũng chưa chắc đã phải là họ yêu thương nhau mà là họ cần nhau, vì đôi bên đều có những nhu cầu muốn thỏa mãn và đã được thỏa mãn ở một mức cao như nhu cầu danh vọng, của cải, nhu cầu sinh hoạt trong tổ ấm gia đình, nhu cầu có con cái nối dõi, nhu cầu sinh lý, nhu cầu nương dựa vào nhau, v.v... Ấy là chưa kể đến những trường hợp bề ngoài vợ chồng vẫn cơm lành, canh ngọt tưởng như có hạnh phúc, nhưng bề trong họ phải cắn răng chung sống vì một lý do nào đó, như tương lai con cái, như danh dự cá nhân, như thanh danh gia đình, dòng họ, hay vì một thế kẹt nào đó mà chỉ họ mới biết.
Nếu tình yêu thương giữa nam nữ mạnh mẽ nhất, thì tình yêu thương giữa những người cùng huyết thống như cha mẹ với con cái, như anh chị em với nhau, lại tự nhiên nhất, tự nhiên như mây trời, sóng biển, không khiên cưỡng, không giả tạo. Vì tự nhiên nhất, cơ bản nhất và nẩy nở sớm nhất, nên còn được coi là một loại tình cảm thiêng liêng. Tuy thế nó cũng không phải là tình yêu thương đúng nghĩa, ít nhiều vẫn có mưu toan, tính toán lẻn vào.
Có những bậc cha mẹ minh thị quan niệm "dưỡng nhi đãi lão" nghĩa là nuôi con chờ lúc tuổi già, coi việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái như đem tiền bạc gởi quỹ tiết kiệm, hay như một cuộc đầu tư. Ta thấy có những bậc cha mẹ thường công khai tuyên bố là hạp với đứa con này, mà không hạp với đứa con khác. Sinh con ra, cha mẹ thường gởi gắm bao nhiêu hy vọng vào con, muốn con mình phải thế này, phải thế nọ. Hạp hay không, hạp ít hay hạp nhiều là tùy ở con nào đáp ứng được hay không, đáp ứng ít hay nhiều niềm hy vọng ấy. Vì vậy cha mẹ đâu có yêu thương tất cả những đứa con như nhau. Đứa yêu thương nhiều, đứa yêu thương ít, đứa được nâng niu, chiều chuộng, đứa bị ghét bỏ, lạnh nhạt. Chắc chắn những đứa con đĩnh ngộ nhất, thông minh nhất sẽ được cha mẹ yêu thương hơn hết vì cha mẹ nghĩ rằng những đứa con ấy sau này sẽ làm rạng rỡ gia đình, dòng họ và sẽ là trụ cột cho cha mẹ tựa nương. Tôi đã từng thấy vài trường hợp cha mẹ dồn tình cảm yêu thương vào một đứa con nhỏ nào đó. Miếng ăn ngon, quần áo đẹp, đồ chơi tốt, đều dành ưu tiên cho nó. Cha mẹ có đi đây, đi đó cũng ưu tiên cho nó đi theo. Tìm hiểu ra mới biết những bậc cha mẹ này đã được một ông thầy tướng số nào đó đoan chắc những đứa con này mai sau sẽ thành đạt và giầu sang hơn tất cả các anh chị em nó.
Đến lúc con cái đã trưởng thành, các bậc cha mẹ cũng thường có một đường lối đối xử đặc biệt với những người con nào hiện gặp thời, gặp thế, có chức, có quyền, ăn ra, làm nên, và lại thường miệt thị, khinh khi những người con kém cỏi, hay không gặp may mắn.
Vì vậy, tục ngữ Việt Nam đã có những câu:

Cũng thì mẹ, cũng thì cha
Người thì chín rưỡi, người ba mươi đồng.


Cũng thì mẹ, cũng thì cha
Cành cao vun xới, cành la bỏ liều.

Ta cũng lại thấy tình phụ tử hay mẫu tử thường biến thiên theo hoàn cảnh của con cái.
Hai người con, một được cha mẹ yêu thương vì có chức, có quyền, có tiền, có bạc, một bị cha mẹ rẻ rúng, xem thường, vì địa vị xã hội không, mà sản nghiệp cũng không. Nay bỗng dưng có cảnh biển dâu đảo ngược, biến mây ra chó, làm trúc hóa rồng, thì trường hợp này tình yêu thương của các bậc cha mẹ ít nhiều thường có đổi thay.
Còn tình yếu thương của con cái đối với cha mẹ thì hầu như lại biến thiên nghịch chiều với sự trưởng thành của con cái. Lúc còn thơ trẻ, còn sống trong vòng tay cha mẹ, thì tình yêu thương cha mẹ mạnh mẽ, khắng khít. Nhưng càng trưởng thành thì tình yêu thương ấy lại càng giảm thiểu, lơi lỏng. Và đến một lúc người con trưởng thành có gia đình riêng, có cuộc sống biệt lập, thì tình yêu thương đối với cha mẹ bị ý niệm nghĩa vụ lấn lướt. Người con trưởng thành chỉ còn nghĩ rằng cha mẹ sinh ra ta, chịu đựng bao nhiêu cực nhọc, vất vả cả thể xác lẫn tinh thần để nuôi nấng, dạy dỗ ta nên người, nay dù ở hoàn cảnh nào ta cũng có nghĩa vụ đền đáp công ơn trời biển ấy.
Sự đền đáp này cũng có nhiều hình thức tùy theo nền văn hóa và tổ chức xã hội của từng nơi. Chẳng hạn như tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, thì cha mẹ già yếu được con cái đưa vào các viện dưỡng lão, cung cấp tiền bạc khi cha mẹ có nhu cầu. Thỉnh thoảng, năm thì, mười họa tới thăm viếng một lần, ngoài ra chỉ vấn an cha mẹ qua thư tín, qua điện thoại. Còn trong các xã hội Đông phương, như Việt Nam ta chẳng hạn, thì thông thường trước nay là con cái trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ. Khi cha mẹ khỏe mạnh thì miếng ngon, miếng ngọt bồi dưỡng, sớm tối thăm hỏi. Khi cha mẹ đau yếu thì thuốc thang chạy chữa, v.v... Nhưng dù có như vậy đi nữa, thì những hành động ấy cũng không hẳn hoàn toàn bắt nguồn từ tình yêu thương cha mẹ, mà có thể chỉ là những hành động đền đáp rập khuôn, công thức, nặng tính tập quán. Ai cũng làm vậy, nếu không làm theo thì sợ người đời chê trách, lên án và sợ danh thơm, tiếng tốt bị bôi đen, xóa nhòa.
Trừ những trường hợp hoàn cảnh tài chánh không cho phép thì đành, còn trực tiếp nuôi dưỡng cha mẹ nói đây cũng chỉ có nghĩa là con cái giữ cha mẹ ở nhà, rồi bỏ tiền thuê người hầu hạ cha mẹ, chứ đã có mấy ai đích thân săn sóc cha mẹ già yếu, bệnh hoạn bao giờ. Đành rằng cuộc sống của chúng ta ngoài xã hội không cho phép chúng ta làm khác. Nhưng nếu may mắn gặp được một hoàn cảnh thuận tiện nào đó khiến chúng ta có dịp đích thân phụng dưỡng cha mẹ già yếu, bệnh hoạn, thì chắc chắn chúng ta có thể trác lượng được lòng yêu thương của chúng ta đối với các đấng sinh thành. Chúng ta sẽ thấy biết được chính xác, sẽ nhận diện được đầy đủ, hai năm rõ mười, cái mà ngôn từ đầu lưỡi xưa nay vẫn gọi là lòng yêu thương cha mẹ.
Đúng vậy, chỉ có đích thân thực hiện dịch vụ thiêng liêng này đối với cha mẹ, chúng ta mới có cơ hội điều tra về chính mình, về lòng yêu thương phụ mẫu nơi mình. Cứ việc điều tra cho sâu sắc, triệt để, cho vô tư, vì có ai đòi mình phải công bố kết quả điều tra đâu mà phải e ngại, đắn đo. Sâu sắc và triệt để nghĩa là không bỏ qua một chi tiết nhỏ nhặt nào. Vô tư nghĩa là thấy biết lòng mình thế nào thì ghi nhận như vậy, không thêm bớt, không bênh vực, biện hộ.
Bản thân tôi đã may mắn có dịp tốt để làm chuyện này. Vốn là một sĩ quan QLVNCH tôi bị tập trung cải tạo sau biến cố tháng 4-1975. Tù hơn bẩy năm được thả về, tôi sống nhờ vợ con. Tôi còn mẹ già, lúc ấy 79 tuổi. Để cho vợ con rảnh tay bươn chải kiếm sống, tôi trực tiếp hầu hạ mẹ già trong thời gian 10 năm. Những năm đầu, mẹ tôi còn khỏe thì công việc hầu hạ cũng đơn giản, dễ dàng thôi. Nhưng càng những năm về sau, sức khỏe mẹ tôi kém dần, thì công việc hầu hạ có phần phức tạp và vất vả hơn. Có vài anh bạn thân trước kia là đồng nghiệp, đồng liêu, nay là đồng cảnh, thường hay lui tới thăm hỏi, truyện trò. Thấy tôi hầu hạ mẹ, anh nào cũng khen "Anh thật là người con có lòng yêu thương cha mẹ". Tôi không dám nhận lời khen này. Tôi chỉ là người muốn đền đáp phần nào công ơn to lớn của cha mẹ thôi. Còn lòng yêu thương cha mẹ thì, như tôi đã rõ, khi có, khi không. Có, khi tôi hầu hạ mẹ với tâm hiện tiền. Không, khi có tư tưởng xen vào.
Mới đây, tôi lại thấy báo chí đăng tại Hưng Yên, một người con gái đã đánh chết mẹ già.
Tôi cũng lại thấy bên Mỹ có quy chế bảo vệ người già chống lại sự ngược đãi của con cháu gọi là "Elderly abuse statute".
Tôi tin rằng có nhiều người, qua báo chí trong và ngoài nước, hẳn đã biết và còn nhớ chuyện một người, thuộc dòng dõi, gia đình quyền quý miền Nam Việt Nam, đã vì tham lam tài sản, tiền bạc, ra tay hạ sát cả song thân để cho di chúc do các cụ làm sớm có hiệu lực.
Trong Phật học cũng có nói đến A Xà Thế hạ ngục vua cha là Tần Bà Xa La cho đến chết để cướp ngôi báu. Mẹ của A Xà Thế là Vi Đề Hy lén mang thực phẩm đến ngục thất tiếp tế cho chồng. A Xà Thế biết được, bèn hạ ngục luôn cả mẹ.
Thì ra trên thế gian này xưa nay tình yêu thương đúng nghĩa đối với cha mẹ hầu như vắng bóng.
Trong lúc sắp kết thúc đoạn văn này thì một sự việc xẩy ra ngay trong xóm, phù hợp với đề tài đang viết, nên tôi ghi lại vài dòng:
Số là trong cư xá đường Nguyễn Tri Phương, Saigon, nơi gia đình tôi đang cư ngụ, có một bà nhà nghèo, cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Đến lúc bị lâm bệnh trầm kha, kéo dài, thì thuốc không đủ uống. Bà có hai con trai, người con thứ hầu như chẳng nghĩ đến đáp đền nghĩa mẹ, chẳng chu cấp tiền bạc để mẹ ăn uống, thuốc thang, thậm chí cũng chẳng tới lui thăm viếng. Nhưng lúc mẹ chết thì chính anh ta lại chủ trương làm ma cho lớn. Thế là anh ta bán đi các vật dụng trong nhà, mượn thêm tiền của bà con, quyến thuộc, tổ chức tang lễ thật trọng thể để được, như anh ta nói, mát mặt với thiên hạ, hãnh diện với bà con khu phố. Rõ ràng là anh nầy chẳng vì yêu thương mẹ mà hành động như vậy. Anh chỉ muốn mượn cơ hội để mưu cầu danh thơm, tiếng tốt cho bản thân mà thôi.
Từ ngày sang định cư ở Hoa Kỳ này, tôi lại thấy nhan nhản những "thằng con trời đánh" bảo lãnh cha mẹ già yếu sang đây, một vùng đất lạ, rồi đối xử lạnh lùng, thậm chí bỏ rơi, chẳng nuôi dưỡng, chẳng chu cấp. Không những thế, còn luôn luôn tỏ thái độ dè bỉu, khinh khi lề lối sinh hoạt "Việt Nam" của các cụ nữa. Tôi cũng thường nghe bạn bè, quyến thuộc sang Mỹ trước tôi, than phiền về những người con có lối sống Mỹ hóa, cư xử với cha mẹ lạt lẽo, hờ hững như người dưng.
Còn tình huynh đệ cũng vậy. Cổ kim, Đông Tây, người ta đã chứng kiến không biết bao nhiêu cảnh huynh đệ tương tàn do tranh chấp danh, lợi, quyền ở quy mô lớn cũng như nhỏ, giữa những người anh em ruột thịt.
Trong lịch sử chẳng thiếu gì cảnh "Bì oa chử nhục". Anh em trong hoàng tộc chém giết nhau để tranh giành tước vị. Học Phật chắc chúng ta cũng thường được nghe nói tới A Dục Vương (Asoka 274-236 trước tây lịch) vì Ngài là người có công lớn trong việc hoằng dương Phật pháp. Ngài đã giết 99 trong số 101 ngưòi anh em của Ngài trong cuộc tranh giành quyền lực chốn hoàng cung.
Trên thế gian này, những người kém may mắn, gặp cảnh bần hàn, cơ cực, năng lui tới anh chị em để nhờ vả, thì sớm muộn cũng bị anh chị em chán ghét, xa lánh. Và trong anh em, người giầu sang cũng thường đưa ra lập thuyết "kiến giả nhất phận", để từ chối, hoặc tối thiểu hóa sự giúp đỡ đối với những thân nhân ruột thịt hẩm hiu.
Thảng hoặc có sự giúp đỡ nào đó giữa những người cùng trong huyết thống thì cũng không phải là một sự giúp đỡ mà Phật học gọi là ba la mật, nghĩa là giúp đỡ mà như không giúp đỡ, một sự giúp đỡ hoàn toàn vô tư bắt nguồn từ lòng yêu thương chân chính mà ra.
Tóm lại tình yêu thương không thể đi đôi với tư tưởng. Chúng vốn bất khả tương dung. Có mặt của tư tưởng là tình yêu thương ra đi, hay nói khác đi tình yêu thương chỉ xuất hiện khi tư tưởng ngưng dứt. Tình yêu thương nằm ở ngoài phạm vi của tư tưởng vì bản chất của tư tưởng là vị kỷ, vị ngã. Như hai ví dụ nói ở phần trên, bạn nào có yêu thương người thân đang gặp khó khăn kia, mà bạn yêu thương bạn. Bạn cũng chẳng yêu thương người khách lạ sang trọng kia mà bạn yêu thương chính mình. Khi còn tư tưởng thì tình yêu thương chân chính không thể ló dạng. Cái mà người đời gọi là tình yêu thương chẳng qua cũng chỉ là một loại bình phong, một loại chiêu bài để che dấu, để ngụy trang những theo đuổi vị ngã mà thôi.
Nói như vậy ta lại có cảm tưởng rằng tình yêu thương chân chính đồng nghĩa với lòng vị tha. Tinh yêu thương chân chính dĩ nhiên đối nghịch với những toan tính vị kỷ, hay những theo đuổi vị ngã, nhưng nó cũng không đồng nghĩa với lòng vị tha. Tinh yêu thương chân chính chẳng "vị" cái gì cả. Nó là nó. Nó hồn nhiên và trong vắt, trong veo, vì không còn bị vẩn đục bởi sự có mặt của tư tưởng. Tình yêu thương chân chính chẳng bao giờ là kết quả của một sự cân nhắc, một sự tính toán, so đo xa gần, hơn thiệt. Tình yêu thương chân chính được ban rải hồn nhiên và đồng đều, không phân biệt đối tượng, y như những loài hoa quý ban rải hương sắc của chúng.
Phải có cái mà Ngài J. Krishuamurti gọi là cuộc chuyển hóa thật sự của cơ cấu tâm lý con người hay còn gọi là cuộc cách mạng nội tâm triệt để hầu giành lại sự tự do tuyệt đối, hoàn toàn thoát khỏi sự chi phối, ràng buộc của kiến thức và kinh nghiệm, tức của tư tưởng, thì bấy giờ một chân trời mới, chân trời của tình yêu thương chân chính, bao la mới mở rộng chan hòa. Cuộc chuyển hóa ấy, cuộc cách mạng ấy bắt đầu và chấm dứt bằng lối sống phi thời gian, phi không gian. Ngoài ra, chẳng làm gì có tình yêu thương. Có đề cập đến tình yêu thương thì cũng chỉ làm hoen ố tình yêu thương mà thôi. Đúng vậy, khi có mặt của tư tưởng thì yêu thương chỉ là một thủ đoạn, một mánh khóe để che lấp lòng tham lam, vị kỷ, thâm-căn, cố-đế nơi con người trên thế gian này.

TRÍCH: GIẢI THOÁT TỨC THÌ
Tác giả: Nhi Bất Nhược

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét