Bà Zenkei Blanche Hartman là một giáo thọ trụ trì thiền viện San Francisco Zen Center, thuộc dòng thiền Tào Động của thiền sư Shunryu Suzuki (tác giả quyển Thiền tâm, Sơ Tâm). Bà Hartman thường phụ trách phần trả lời cho các câu hỏi của độc giả trên một báo Phật học. Có một độc giả viết thư hỏi bà,
“Tôi lớn lên trong một gia đình theo Thiên Chúa Giáo, và được dạy rằng có một linh hồn bất tử sau khi chết. Mặc dù bây giờ là một Phật tử, nhưng ảnh hưởng của tôn giáo lúc còn nhỏ vẫn còn là một vấn đề. Lý trí của tôi nói rằng, phải có một cái gì đó mang lại sinh khí, sự sống cho một người, và nó rời khỏi thân này khi người ấy chết.
Trong Phật giáo Nguyên Thủy chúng ta cũng có những câu truyện về tiền thân của đức Phật, như trong bộ Jataka của Tiểu Bộ kinh. Và trong truyền thống Phật giáo Tây tạng, cũng có nói đến những vấn đề tái sanh, như là đức Dalai Lama.
Xin quý vị hoan hỷ giúp cho tôi hiểu thêm về cái gì đi tái sinh. Cái gì mà chưa bao giờ từng sinh, chưa từng diệt? Đó có phải là tâm thức? Ý thức? Hay nó là trống không? Đối với tôi thì dường như đó cũng giống như là một linh hồn bất tử.”
Tôi nghĩ, có lẽ câu hỏi ấy cũng là một thắc mắc chung của đa số chúng ta. Và chắc cũng sẽ không có một lời giải đáp nào thích đáng cho hết tất cả, vì ta chỉ có thể tự chính mình khám phá ra điều ấy mà thôi. Thật ra ta có thể tìm thấy câu trả lời ấy ngay trong chính sự sống này, bây giờ và ở đây, xin gửi bạn chia sẻ dưới đây của bà Hartman.
--- oOo ---
Câu hỏi về “Việc gì xảy ra khi chúng ta chết?” hay là “Có một cái gì tiếp tục chăng, và nếu có, thì đó là gì?” đã tạo nên biết bao nhiêu là những bàn luận, giải thích trong giới tu học qua nhiều thế kỷ. Trong văn chương nhà Thiền, thì chúng ta có thể kể đến một mẩu chuyện tiêu biểu trong Bích Nham Lục, Tắc 55, Đạo Ngô đến nhà cúng điếu.
Đạo Ngô và Tiệm Nguyên cùng đi đến một nhà kia để điếu tang. Tiệm Nguyên vỗ vào quan tài hỏi, “Sống hay chết?” Đạo Ngô nói, “Ta không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên hỏi, “Tại sao Thầy không nói?” Đạo Ngô đáp, “Không nói là không nói.”
Lúc trở về đến nữa đường, Tiệm Nguyên lại hỏi, “Thầy mau nói cho tôi, nếu không tôi đánh Thầy đó.” Đạo Ngô nói, “Đánh thì cứ việc đánh, nhưng mà ta vẫn không nói.” Tiệm Nguyên bèn đánh.
Sau đó Đạo Ngô qua đời. Tiệm Nguyên đến gặp Thạch Sương kể lại câu chuyện khi xưa. Thạch Sương nói, “Ta cũng không bảo là sống mà cũng chẳng bảo là chết.” Tiệm Nguyên hỏi, “Tại sao ông lại không nói?” Thạch Sương đáp, “Ta nhất định không nói.” Tiệm Nguyên nghe, đột nhiên tỉnh ngộ.
Theo ý của tôi thì chủ yếu của câu truyện trên muốn nói rằng, mỗi chúng ta phải tự chính mình trải nghiệm, tự mình phấn đấu với câu hỏi về sống và chết ấy. Và sẽ không một ai khác có thể trả lời thắc mắc ấy được dùm cho ta.
Người chồng quá cố của tôi rất thích kể về một câu truyện của nhà sinh lý học nổi tiếng Pavlov. Khi Pavlov sắp mất, ông nằm trên giường bệnh với các đệ tử quay quần chung quanh. Bên ngoài trời tuyết đang rơi. Ông bảo một người học trò của mình ra ngoài và mang vào cho ông một nắm tuyết. Pavlov chăm chú nhìn thật lâu vào nắm tuyết để trên dĩa đang từ từ tan. Rồi ông thốt lên, “À, thì ra là vậy!” và nhắm mắt qua đời.
Theo tôi biết, thì mỗi tôn giáo đều có một vài mẩu truyện nói về việc gì xảy ra khi thân này mất đi, với một gợi ý là có một cái gì đó cũng sẽ vẫn còn tiếp tục. Và đa số những truyền thống tôn giáo mà tôi biết, đều nhấn mạnh đến một điều quan trọng này: là ta sống cuộc sống của mình như thế nào, vì những hành động có chủ ý của thân, của lời nói và tâm ý mình, sẽ có hậu quả và ảnh hưởng đến những gì xảy ra kế tiếp.
Theo tôi nghĩ thì suy đoán về vấn đề sống và chết sẽ không mang lại lợi ích gì nhiều cho mình. Chi bằng ta hãy nuôi dưỡng sự tu tập trong ta, hoặc nhìn thấy được Phật tánh trong tất cả những người mình đang tiếp xúc. Thú thật, ở giai đoạn này trong đời mình (tôi bây giờ đã 87 tuổi, với năng lượng suy giảm và sự di chuyển khó khăn), tôi chú trọng hơn vào sự nuôi dưỡng tình thương đối với tất cả mọi người, và cố gắng luôn đối xử với mọi người như mình muốn được người khác đối xử.
Sự tu học của tôi là làm sao để mình có thể phát triển được khả năng tiếp xúc, kinh nghiệm giây phút hiện tại này một cách trọn vẹn, để tôi cũng có thể kinh nghiệm được những gì xảy ra khi tôi thở hơi cuối cùng của mình.
Khi thời gian ấy đến, tôi thật sự hy vọng rằng tôi có thể đối diện với sự huyền bí này với một thái độ hiếu kỳ và tự tại. Hoặc như nhà thơ Mary Oliver đã diễn tả một cách tuyệt vời trong một bài thơ của bà “When Death Comes”
Khi cái chết đến,
như một tảng băng lạnh trôi giữa con tim
tôi muốn bước qua ngưỡng cửa
với một sự kinh ngạc và hiếu kỳ
Nó sẽ như thế nào đây
căn nhà nhỏ xinh tối ấy?
Và từ đó tôi biết nhìn tất cả
với tình người rộng lớn anh em
và tôi thấy thời gian chỉ là một ý niệm
và sự bất diệt có thể là điều thật có
Và tôi nghĩ đến mỗi cuộc sống như một đóa hoa,
đều giống nhau, như những hoa cúc giữa cánh đồng,
mà cũng lại vẫn hoàn toàn cá biệt.
Khi tất cả qua rồi, tôi không muốn phải tự hỏi
Nếu mình đã làm một cái gì thực, và đặc biệt cho đời này
Tôi không muốn thấy mình phải sợ hãi và thở dài,
hay trách móc gì ai
Vì tôi không muốn,
mình đơn giản chỉ là một người khách
hờ hững ghé qua chơi cuộc đời này.
nguyễn duy nhiên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét