Ông Tú có hai người con, một trai một gái. Cô con gái đã có vị hôn phu, là một chàng trai anh tuấn, có sự nghiệp, và lại là con trai của một gia đình gia giáo. Vì thế mà ông Tú rất hài lòng, định tâm năm tới, lúc cô con gái vừa ra trường thì cho làm lễ cưới. Trong suốt thời gian chờ đợi, anh chàng rể tương lai đã chứng tỏ mình là một chàng rể quý. Ngày nào sau giờ đi làm việc về chứ đừng nói là ngày nghỉ, anh đều có mặt ở nhà vợ tương lai. Không phải chỉ đến để hẹn hò chuyện trò với người vị hôn thê, mà anh có mặt trong gia đình nhà vợ như một thành viên thường trực mặc dù chưa cưới hỏi chính thức. Anh giúp ông Tú chỉnh lại những trục trặc của chiếc máy vi tính, trồng thêm vài cây hoa trong vườn, tỉa cành những cây kiểng. Anh cũng giúp bà Tú trong chuyện thiết kế lại căn bếp đã có phần hơi lỗi thời. Anh làm mọi chuyện trong nhà như một người con rể… quý.Ông Tú rất hài lòng, và thường khoe với bạn bè ông may mắn có đứa con gái, chứ nếu chỉ có con trai thì thật là buồn, vì cậu con trai chỉ thua chị nó có một tuổi mà chẳng được việc gì, suốt cả ngày không bao giờ thấy mặt, chẳng biết đi đâu. May là con gái ông đã đem về cho ông một đứa con trai khác. Đôi khi ông lại còn nghĩ giá như thay vì một trai một gái, ông có hai đứa con gái, thì nay ông sẽ có đến bốn đứa con, lại càng may mắn biết bao.
Có điều ông không biết, rằng cậu con trai thường vắng nhà nhưng rất kín miệng của ông cũng đã có một người bạn gái quen nhau từ mấy năm nay rồi. Gia đình cô ta đã chấm cậu ấy như là con rể, và định sẽ qua lại với gia đình ông Tú trước khi kết sui gia. Hóa ra cậu con trai của ông đối với nhà cô bạn gái, chẳng khác gì chàng thanh niên đến làm rể nhà ông, túc trực gần như hàng ngày, giúp đỡ cả gia đình những công việc cần đến một người đàn ông vì nhà đó không có con trai. Ông Tú cũng không hề nghĩ ra, có thể là gia đình của cậu rể quý của ông cũng than phiền với bạn bè là cậu con của họ cả ngày chẳng thấy mặt ở nhà, không giúp đỡ gì bố mẹ mà chỉ lo việc cho nhà người ta mà thôi. Ông Tú cũng không ngộ ra một điều là nhờ hai vợ chồng ông thương yêu con gái, và con cái đối với cha mẹ rất hiếu thảo, không khí gia đình đầm ấm thì thằng con rể tương lai mới thường xuyên lui tới, thân thiết với gia đình, chứ nếu con gái không tỏ lòng yêu thương cha mẹ thì cậu con rể cũng chẳng quan tâm gia đình người yêu đến như thế.
Ở đời có những quy luật rất tự nhiên. Ngày xưa, các ông vua cai trị thần dân, còn các bà hoàng hậu thì lo việc nội cung. Ngày nay có những người đàn bà giỏi hơn cả đàn ông trong rất nhiều lãnh vực, tuy nhiên lúc về đến nhà thì việc nấu ăn, chăm sóc con cái, phần lớn cũng đều là thiên chức của người vợ. Đến thăm một gia đình nào, thấy người chồng thay tã cho con, nấu ăn rửa chén bát, còn… bà vợ ngồi đọc báo… thấy nó làm sao ấy, mặc dù nhiều người đàn ông làm những công việc đó cũng rất giỏi. Người ta thường cười những ông chồng sợ vợ, chứ chẳng bao giờ nghe thiên hạ cười đàn bà sợ chồng. Tuy cái quan niệm: “Đàn ông năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng” đã quá xưa rồi, nhưng thời nay, đàn ông có lăng nhăng chút đỉnh, có bị chê cười thì cũng không bằng người ta coi thường những người đàn bà lang chạ. Tuy nói là nam nữ bình quyền, nhưng cũng có những cái khác nhau giữa nam và nữ. Ngày lễ các bà mẹ, ngày lễ phụ nữ, ai ai cũng nhớ, hoa ngoài chợ lên giá. Ngày lễ các ông cha, chẳng ai nhắc đến nhiều. Người ta thường nói “dâu là con, rể là khách.” Người ta thường đề cập đến vấn đề giữa cô dâu và bà gia, chứ ít nói đến chuyện rể với bà gia hay ông gia. Giỏi việc nhà là cái duyên của người đàn bà. Những người đàn bà làm công quả trong chùa, người ta gọi là dì vãi. Không nghe thấy ai nói đến danh từ “chú vãi”, mặc dù trên thế giới các đầu bếp danh tiếng phần lớn là đàn ông. Người ta thường nói đàn ông ga lăng, có ai nói đàn bà ga lăng đâu. Ngày lễ tình nhân, chỉ có chàng tặng hoa cho nàng, chứ hiếm khi thấy ngược lại. Đàn ông kéo ghế cho đàn bà, ít khi thấy đàn bà làm cái việc đó cho đàn ông. Người ta nói đàn bà rảnh rang ngồi không thường hay “buôn chuyện”, ít khi nghe chê đàn ông “ngồi lê đôi mách”. Dù cho nam nữ bình quyền đến đâu, cũng không thể lẫn lộn vai trò giữa đàn ông và đàn bà được. Dĩ nhiên là không thể nói đến chế độ mẫu hệ hiện vẫn còn tồn tại trên thế giới, nhưng chỉ là một con số không đáng kể. Và ngay cả trong chế độ mẫu hệ, con gái đi hỏi chồng, cưới chồng nhưng trời sinh cũng chỉ đàn bà đẻ con chứ đàn ông thì cũng không thể nào đẻ được.
Đàn ông nói chung ít để ý những chuyện lặt vặt nên thường bị chê… vô tình, nhưng không hẳn là thế. Có vợ rồi mọi chuyện để vợ lo toan, tiền lương đem về hết cho vợ, nên mấy cô em thường cho là một khi lấy vợ, anh trai thường không còn thương mấy cô em gái, và thường xẩy ra những mâu thuẫn giữa em gái và vợ. Thế mới có câu “mụ o nhọn mồm”là vậy. Ngược lại, vì thương vợ, để được lòng vợ thì đâu có muốn mất lòng mấy cô em vợ, nên anh rể luôn luôn được mấy cô em vợ thương yêu. Phần nhiều gia đình nào mọi chuyện linh tinh cũng do người đàn bà lo toan. Gia đình nào may mắn gặp người đàn bà khôn ngoan lanh lợi giỏi giang thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Trái lại gặp người đàn bà vụng về thì không những gia đình đã không được hạnh phúc, mà các ông chồng cũng bị mang tiếng lây.
Người ta thường nói “Anh em là ruột là rà, vợ chồng như áo cởi ra là rồi,”nhưng người ta cũng nói lại“Vợ chồng là ruột là rà, anh em có cửa có nhà anh em.” Lấy vợ rồi, cái gì cũng hỏi vợ, bởi vợ là cuộc sống mới của mình, là người duy nhất mình có thể chia sẻ mọi điều riêng tư, nhưng vợ lại không phải là máu mủ, mà chỉ là người dưng. Nhưng tự nghìn xưa, điều đó đã xảy ra như thế.
Chung quy, đàn ông con trai thường bị miệng tiếng khá nhiều chỉ vì luôn luôn bị nghi ngờ lấy vợ là chỉ biết có vợ mà thôi. Nhưng nghĩ cho cùng, đó cũng là một thứ quy luật của xã hội. Đàn ông thường bị mang tiếng là làm rể, theo vợ, nịnh vợ rồi quên hết. Thế thì nếu không có đàn ông hoặc đàn ông không phải như thế thì các bà vợ có bằng lòng không? Người con gái nào sẽ chẳng là vợ, và người con trai nào sẽ chẳng là chồng?
Ông Tú có một trai một gái, chứ nếu ông có hai đứa con trai thì chắc ông bà sẽ thất vọng và trách hai đứa con trai vô vị, chỉ biết phục vụ nhà vợ. Nhưng nếu ông có hai đứa con gái thì ông sẽ càng khen mấy cậu con trai nhà khác thật ngoan, thật tốt. Như hiện tại, ông chê cậu con trai của ông và lại khen cậu con rể tương lai của mình hết lời. Ở đời, chuyện khen chê, chuyện xấu tốt, làm sao nói được, chỉ nhận cho ra được những quy luật tự nhiên trong xã hội thì sẽ thấy lúc nào cũng thân tâm an lạc. •
Hoàng Tá Thích
Theo Tạp chí văn hóa Phật giáo số 166
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét