Duyên và nợ

Trong thế gian người ta thường nói có nợ mới có duyên, đúng như vậy, duyên của thế gian đến như một sự nhân quả, đến để trả nợ cho nhau ở kiếp trước.
Trong sự tái sinh luân hồi, duyên sẽ tồn tại, nhân - quả ân oán đời trước sẽ theo duyên này đến đời sau. Thời đức Phật còn tại thế có câu chuyện, hai mẹ con nhà nọ thất lạc nhau lúc đứa con còn rất bé vì chiến tranh nên họ lưu lạc nhau, đến khi họ gặp nhau thì họ không còn nhận ra nhau là mẹ - con nữa mà họ đem lòng yêu nhau vì họ thấy có cái gì đó quyến luyến giữa hai người?!
Đến ngày họ làm lễ thành hôn, lúc đó Phật đi qua và đức Phật khuyên ngăn cuộc tình đó, đức Phật gọi đó là Nghiệp Duyên.

Nhưng bị họ chống đối quyết liệt, họ phải đến với nhau cho bằng được. Cuối cùng Ngài sử dụng Thiên nhãn thông giúp cho họ thấy quá khứ của chính mình, hai mẹ con đã nhận ra nhau.
Trong đạo Phật thì kiếp trước và kiếp này hay quá khứ của kiếp này không hoàn toàn khác nhau mà là một, một sự chuyển đổi, hoán đổi và liên tục từ cảnh giới này sang cảnh giới khác nhưng nghiệp lực không thay đổi.
Lấy ví dụ: Hai vợ chồng thương nhau sống với nhau hạnh phúc, nhưng bỗng nhiên người vợ hay người chồng lại có thêm người khác bên ngoài. Đó là nhân quả của duyên và nợ. Điều này bị xã hội vô cùng lên án đó là vi phạm đạo lý làm người, là tội lỗi nặng nề. Phật giáo thì xem đó như là món nợ mà người đó phải trả, hoặc chính họ tạo ra một nghiệp mới (nợ).
Đến với đạo Phật, phải biến chuyển đổi tình cảm và nợ duyên đó thành phước lành giúp cho mình tinh tấn trong việc phụng sự đạo Pháp mới mong được giải thoát được nợ duyên đó. Để hướng đến cuộc sống an lạc, hạnh phúc ngay tại đời này.
Còn đối với những người không thấm nhuần giáo lý cao siêu nhiệm mầu của đức Phật thì xem nó như là một trò chơi tình ái và dục vọng, vì vậy mà nghiệp vẫn còn, và tự chuốc lấy khổ đau, khi gia đình ly tán, ghen tuông, kiện tụng đeo đẳng đời sống của ta....Và do vậy, luân hồi duyên và nợ.
Trong cuộc sống thường ngày có rất nhiều thắc mắc khó lý giải như:
“Vì sao ở thế gian có đôi vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi rồi chia tay? Vì sao có đôi bạn trẻ yêu nhau rất lâu khi sắp thành hôn lại bỏ nhau?
- Đó là duyên, nợ đã hết.
Vì sao hai người vừa gặp nhau trong giây lát đã tin tưởng và yêu say đắm?
Vì sao có đôi vợ chồng người vợ bị đánh đập, mắng chửi tàn nhẫn nhưng vẫn tận tâm chăm sóc chồng không bỏ được?
Vì sao có người luôn quan tâm lo lắng và hết mực yêu thương người bạn ngoài đời hơn cả chính mình?
Tất cả là vì nợ - duyên vẫn còn, đó là nghiệp của mình tạo ra ở kiếp trước nên mình phải trả. Là người con Phật phải biết tu tập lấy tâm từ bi hóa giải nghiệp chướng đó mới mong thoát khỏi luân hồi duyên nợ, đó mới là trách nhiệm của người có hiểu đạo Phật!
Và cứ như thế ta tu tập từ đời kiếp này sang đời kiếp khác thì chúng ta tìm đến cái Duyên với Phật Pháp. Chúng ta sẽ hưởng Phước lành nếu biết tạo cái duyên nợ của thế gian đến với Phật Pháp.
Có thể duyên đó đến trong giây lát rồi biến mất và cũng có thể duyên đó tồn tại mãi mãi đến kiếp sau vì trong duyên đó còn có nợ. Nhưng còn nợ của duyên thì phải trả, không trả thì còn nghiệp mà còn nghiệp thì không thể giải thoát.
Như vậy chúng ta phải tu tập ngay từ kiếp này, giây phút này đừng để chậm hơn, để chúng ta có cuộc sống an lạc tương ứng.

Đừng trách Mẹ
Đừng trách Cha
Đừng trách người ta sao thay lòng đổi dạ
Đừng trách cuộc đời không đủ rộng bao la
Đừng trách gió mùa xa
Đừng trách lá nơi này sao cứ hoài rớt vội
Đừng trách những con người đã một lần lầm lỗi
Hãy tự trách mình sao không đủ thứ tha

(Thiện Tâm)


Thờ cúng chỉ mang tính cách tượng trưng, thế rồi những tôn giáo cổ xưa đã biến thành những nghi lễ huyền bí và những buổi hiến tế phức tạp..., tưởng qua đó họ có thể được cứu rỗi. Nhưng Đức Phật xem đó chỉ là giới cấm thủ (mê tín, dị đoan, hình thức ràng buộc), và Ngài dạy rằng chỉ có sống đúng pháp (Dhammànudhammà patipanno vihàrati)mới là tôn kính, cúng dường, lễ bái Như Lai một cách cao thượng.
Xưa có một người xuất gia theo Phật chỉ mong hàng ngày được lễ bái và chiêm ngưỡng 32 tướng tốt của Ngài. Đức Phật trách:“Dẫu cho hàng ngày con có nắm chéo y Như Lai và bước theo từng dấu chân của Như Lai thì cũng vẫn xa Như Lai vời vợi. Người nào sống đúng Pháp mới gọi là gần gũi, cung kính, lễ bái, chiêm ngưỡng Như Lai một cách chân chính”.
Hàng ngày sống bên Đức Phật, lễ bái, chiêm ngưỡng và đặt trọn niềm tin ở Ngài vẫn còn bị Ngài khiển trách, huống nữa chỉ biết lễ lạy, tụng đọc trước tượng Phật bằng đá để cầu xin cứu độ thì muôn đời cũng không bao giờ nếm được chút hương vị giác ngộ giải thoát.
Tin tưởng, lễ bái, cung kính, chân thành, tri ân, tinh khiết,... là những nhân tố của phương tiện thờ cúng, nhờ đó đem lại hạnh phúc, hân hoan, thái hòa, an lạc,... cho những kẻ sơ cơ. Nhưng cho đến một lúc nào đó phải biết thoát ra khỏi phương tiện, vì dù tin Phật dưới bất cứ hình thức nào cũng đều phải tự mình sống đúng chân lý, nếu không thì muôn đời vẫn như lão ăn xin với con cá rô cây vô vị.

Buông xả phiền não theo lời Phật dạy


Buông xả mọi phiền não trong cuộc sống để tâm bình an là niềm hạnh phúc lớn nhất của mỗi người...
Khả Anh

Ai cũng biết hạnh phúc được xây dựng trên nền tảng sự bình an và tự tại. Đây là ước mơ của cuộc đời mà con người chúng ta ai cũng mong mỏi đạt tới.
Theo vòng quay thời gian khiến cho nhịp sống càng trở nên hối hả và gấp gáp hơn. Con người luôn lo toan và tất bật với miếng cơm manh áo để sinh tồn thì việc tìm được sự thanh thản trong tâm hồn không phải điều dễ dàng.
Bởi vậy, tại sao có rất nhiều người giàu sang, đạt được những gì mình mong muốn nhưng vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Bởi họ luôn gặp phải căng thẳng, đấu tranh để giữ vững những gì mà mình đang có.
Trong cuộc sống, khi cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng thì có rất nhiều người tìm tới nguồn cội tâm linh như đi chùa lễ Phật để cầu may, cầu an hoặc đọc những cuốn sách Phật Pháp với mong muốn tìm về sự bình an và giải tỏa những bế tắc.
Khi đức Phật còn tại thế, Ngài có đặt một câu hỏi cho một vị Sa môn là: "Tuổi thọ của con người dài trong bao lâu?" và vị Sa môn đã trả lời là: "Chỉ dài bằng một hơi thở". Đức Phật nói: "Đúng vậy. Ông là người hiểu đạo" (trích trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương).
Cuộc sống mỗi con người chúng ta chỉ tồn tại trong một hơi thở vậy tại sao chúng ta cứ để tâm mình mãi luẩn quẩn trong "u mê" và "phiền não"?
Nếu như con người biết buông xả trong đời sống hiện tại. Buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù chấp nhặt. Đồng thời xả đi những mưu cầu tính toán cho bản thân, xả đi những "tham - sân - si" trong cuộc sống thường nhật thì sẽ tự tìm thấy cho mình niềm an vui và thanh thản trong tâm hồn.

Bởi khi biết buông xả thì tâm ta mới trong sáng để vượt qua những cám dỗ của tham, sân, si, của mạn nghi ác kiến để rồi nhìn thấy niềm vui xung quanh ta.
Có buông xả được thì lòng ta mới rộng mở, ai nói gì không vừa ý cũng bỏ qua mà không chấp. Nếu ai có làm điều gì xúc phạm cũng dễ dàng tha thứ, mà nếu có giận có buồn thì chỉ một vài phút hoặc một vài giờ, cùng lắm qua một đêm rồi quên hết đi cho đời mình được an vui.
Nhưng hãy hiểu rằng buông xả không có nghĩa là buông bỏ, dẹp hết tất cả để chỉ lo cho bản thân mình. Không có nghĩa là chối bỏ, trốn tránh trách nhiệm trong cuộc sống.

Là người con Phật, chúng ta buông xả nhưng phải luôn giữ trọn vẹn trách nhiệm của một con người. Để bồ đề tâm thêm vững chắc, để trả ơn công lao sinh thành của cha mẹ, để vẫn chu toàn mọi việc, mọi bổn phận.
Tất cả được làm với tấm lòng bao dung mở rộng như một vị Bồ tát, xử xự theo tinh thần "Từ - Bi - Hỷ - Xả". Còn đích đến nào tuyệt với hơn khi biết tìm lại và trở về với chính cuộc sống nội tâm của chúng ta, để trở về với sự thanh thản trong tâm hồn.
Bởi khi tâm hồn trong sáng, vui vẻ, là chúng ta đang tiến dần đến mục tiêu, thành công của cuộc sống mà chúng ta mong đợi. Chúng ta làm việc sẽ tốt hơn, sống đam mê hơn, nhân hậu, tha thứ và rộng mở, học thêm được nhiều điều...
Song quan trọng nhất là chúng ta được hạnh phúc, nhận nhiều yêu thương khi biết buông xả, có lẽ đó chính là quy luật và cũng là nghệ thuật sống, mang lại sự bình an cho mỗi người...

Sưu Tầm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét