Chọn đúng món khai vị. Ăn rau xanh với giấm hay còn gọi là salad trước khi dùng thức ăn chứa tinh bột có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Trong một nghiên cứu của Đại học bang Arizona (Mỹ), những người bị bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc khi mới chớm bị một điều kiện tiền thân của tiểu đường tuýp 1, gọi là đề kháng insulin, có lượng đường trong máu thấp hơn nếu họ tiêu thụ khoảng 2 thìa giấm ngay trước bữa ăn chứa carb cao. Giấm chứa axit axetic, làm ảnh hưởng đến các enzym tiêu hóa tinh bột nên có tác dụng làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, tiến sĩ Carol Johnston, tác giả chính của nghiên cứu cho biết. Trong thực tế, các nhà khoa học tin rằng tác dụng của giấm có thể tương tự như một loại thuốc hạ đường huyết.
Đi bộ. Đi bộ mỗi ngày không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn giúp ngăn chặn bệnh tiểu đường. Trong một nghiên cứu ở Phần Lan, những người có thói quen đi bộ 4 giờ/1 tuần, hoặc khoảng 35 phút/1 ngày có thể giảm nguy cơ bệnh tiểu đường xuống đến 80%, thậm chí nếu họ không mất kg nào. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những phụ nữ đổ mồ hôi nhiều hơn 1 lần/1 tuần có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường đến 30%. Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc khẳng định những người có lượng đường trong máu cao, tham gia vào việc tập thể dục vừa phải (và thực hiện lối sống lành mạnh) giúp hạn chế nguy cơ bị tiểu đường xuống 40%.
Lý do, tập thể dục giúp cơ thể sử dụng nội tiết tố insulin hiệu quả hơn bằng cách tăng số lượng thụ thể insulin trong các tế bào. Insulin giúp đường huyết di chuyển vào trong tế bào, nơi mà nó cần phải đi để cung cấp năng lượng và dinh dưỡng. Nếu không, nó sẽ bao phủ xung quanh và dính lên các thành mạch máu, cuối cùng gây ra vấn đề nghiêm trọng cho sức khỏe.
Ăn ngũ cốc. Bổ sung ngũ cốc trong chế độ ăn uống vừa giúp giảm cân, vừa giúp ổn định lượng đường trong máu. Theo Prevention, một lượng ngũ cốc hoàn hảo có tác dụng giảm tỷ lệ ung thư vú, tiểu đường tuýp 2, huyết áp cao và đột quỵ. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo cần đảm bảo tiêu thụ ít nhất 5 g ngũ cốc trong mỗi khẩu phần. Quinoa và yến mạch là ngũ cốc nguyên hạt tốt để ngăn chặn tiểu đường.
Thưởng thức cà phê. Nếu bạn là một fan cà phê, nên tiếp tục nhấm nháp thức uống tuyệt vời này vì nó đã được chứng minh có thể giúp ứng phó với bệnh tiểu đường. Sau 18 năm nghiên cứu ở 126.210 phụ nữ và nam giới, các nhà khoa học tại Trường Y tế công cộng Harvard (Mỹ) phát hiện những người có thói quen uống cà phê thường xuyên có thể hạ thấp nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường tuýp 2 từ 29-54%. Cà phê cung cấp chất caffein mà các nhà nghiên cứu tin rằng caffeine có tác dụng thúc đẩy sự trao đổi chất. Và cà phê, ngoài nguồn caffeine chính, còn chứa kali, magiê và các chất chống oxy hóa giúp tế bào hấp thụ đường hiệu quả hơn.
Tránh thức ăn nhanh. Các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên hệ giữa thức ăn nhanh với nguy cơ gia tăng bệnh tiểu đường. Kết luận này được các nhà khoa học tại Đại học Minnesota (Mỹ) rút ra sau khi họ tiến hành nghiên cứu 3.000 người trong 15 năm, tuổi từ 18 đến 30. Các nhà khoa học thấy rằng những người ăn thức ăn nhanh nhiều hơn 2 lần/1 tuần có xu hướng tăng cân rõ rệt và phát triển gấp đôi tỷ lệ kháng insulin - hai yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tiểu đường tuýp 2 so với những người ăn loại thực phẩm này ít hơn một lần/1 tuần. Bữa ăn với thức ăn nhanh được nạp với các chất béo trans không lành mạnh và carbohydrate tinh chế có thể làm tăng nguy cơ bệnh tiểu đường ngay cả khi cân nặng ổn định.
Hạn chế thịt đỏ. Phụ nữ ăn thịt đỏ ít nhất 5 lần/1 tuần có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2 cao hơn 29% so với những người ăn ít hơn 1 lần/1 tuần, kết quả nghiên cứu ở 37.000 người phụ nữ tại Bệnh viện Brigham and Women's Hospital ở Boston, Massachusetts (Mỹ) cho biết. Ngoài ra, cũng có bằng chứng cho thấy thường xuyên tiêu thụ thịt xông khói và xúc xích cũng có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2. Các nhà khoa học tin rằng cholesterol trong thịt đỏ và các chất phụ gia trong thịt chế biến là thủ phạm gây ra vấn đề này.
Quế có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu rất hiệu quả - Ảnh: Shutterstock |
Thư giãn mỗi ngày. Căng thẳng mãn tính có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao. Khi bị stress, tim đập nhanh hơn, hơi thở dồn dập hơn, dạ dày trở nên khó chịu và lượng đường trong máu cũng tăng vọt. Lý do khi stress tấn công, cơ thể sẽ chuyển sang chế độ chiến đấu, kéo theo mức độ đường trong máu cũng tăng cao để chuẩn bị hành động, tiến sĩ Richard Surwit, tác giả của cuốn The Mind-Body Diabetes Revolutionand giải thích. Nếu các tế bào của bạn kháng insulin, đường sẽ tích tụ trong máu, dẫn đến mức độ đường cao một cách mãn tính. Các bài tập thư giãn đơn giản (hít thở sâu, yoga, thiền) hoặc đi bộ có thể giúp ích trong việc quản lý căng thẳng, từ đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu, một nghiên cứu tại Đại học Duke (Mỹ) cho biết.
Ngủ đủ giấc. Một giấc ngủ ngon có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Nghiên cứu của Đại học Yale (Mỹ) tiến hành trên 1.709 đàn ông phát hiện những người thường xuyên ngủ ít hơn 6 tiếng/ngày tăng gấp đôi nguy cơ bệnh tiểu đường; trong khi đó, những người ngủ nhiều hơn 8 tiếng/ngày tăng gấp ba nguy cơ này. Ngủ quá ít hoặc quá nhiều đều gây hại cho hệ thần kinh và điều này làm cản trở hóc môn điều tiết lượng đường trong máu.
Một nghiên cứu của Đại học Columbia (Mỹ) cho thấy ngủ ít hơn 5 tiếng đồng hồ/ngày cũng làm tăng gấp đôi nguy cơ cao huyết áp.
Không sống lẻ loi. Theo các chuyên gia, bệnh tiểu đường có nhiều khả năng tấn công những người phụ nữ độc thân. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Diabetes Carecho biết những phụ nữ sống một mình có 2,5 lần khả năng phát triển bệnh tiểu đường so với những phụ nữ sống chung với bạn đời hoặc sống cùng bố mẹ, con cái. Các chuyên gia sức khỏe tin rằng các yếu tố lối sống có thể giải thích cho điều này. Những phụ nữ sống một mình có nhiều khả năng hút thuốc và ít có khả năng ăn uống lành mạnh.
Xét nghiệm máu. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho biết lượng đường trong máu cao hay thấp. Biết được lượng đường trong máu như thế nào sẽ giúp bạn thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện trước khi bệnh tiểu đường có cơ hội tấn công. Các chuyên gia khuyến cáo, những người từ 45 tuổi trở lên nên định kỳ kiểm tra có lượng đường trong máu. Người trẻ, những người có yếu tố nguy cơ như thừa cân, tiền sử gia đình, huyết áp hay cholesterol cao nên tiến hành xét nghiệm máu sớm hơn.
Ngọc Khuê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét