GN Xuân - HT.Viên Minh (Thành viên Hội đồng Chứng minh GHPGVN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng thiền Vipassana - Viện Nghiên cứu Phật học VN) trong câu chuyện "Tết xưa trong cửa thiền" chia sẻ:
Món quà Tết đầu tiên thầy tôi tặng là một hình tượng bảo tháp tôn trí xá-lợi Phật. Đó là Tết đầu tiên tôi ở chùa (năm 1964), khi đó tôi 20 tuổi. Năm ấy, tôi bị “ảnh hưởng” bởi phong trào đấu tranh của Phật giáo chống chế độ Ngô Đình Diệm, hay nói đúng hơn là cảm được sự chuyển biến trong tâm mình từ phong trào trên nên từ một Phật tử tham gia Gia đình Phật tử, tôi quyết định xuất gia tại chùa Tam Bảo (TP.Đà Nẵng).
Món quà Tết đầu tiên thầy tôi tặng là một hình tượng bảo tháp tôn trí xá-lợi Phật - HT.Thích Viên Minh chia sẻ và nói đó như nhân duyên để Hòa thượng xây bảo tháp thờ xá-lợi Phật tại chùa Bửu Long hiện nay
- Ảnh: Vũ Giang
Vì Tết năm 1964 là Tết đầu tiên thoát khỏi chế độ áp bức của Ngô Đình Diệm, đánh dấu bằng đỉnh cao của phong trào Phật giáo năm 1963 nên không khí đón năm mới rất hoan hỷ. Món quà Tết thầy tặng tôi năm đó là hình tượng bảo tháp tôn trí xá-lợi Phật, đến bây giờ khi đã làm được bảo tháp tôn trí xá-lợi tại chùa Bửu Long (Q.9, TP.HCM) tôi mới nghĩ đến nhân duyên ngày cũ, y như một sự dự báo của sư phụ để mình làm việc sau này.
Tết ở chùa xưa nay đều giống nhau, là dịp để đón Phật tử về chùa lễ Phật, chư Tăng tụng kinh chúc phúc lành cho Phật tử, rồi gửi cho họ món quà bình an đầu năm (thường là sách, hoặc ấn phẩm có những lời Phật dạy, lời giảng hay để sách tấn họ).
Truyền thống đón Tết theo Phật giáo Bắc tông và Nam tông không khác nhau nhiều lắm, vì ngày Tết thực ra là văn hóa dân tộc còn người tu, nếu hiểu cho sâu sắc thì ngày nào cũng là ngày Tết, mùa nào cũng là mùa xuân, cũng là dịp tu tập, chuyển hóa để đạt an vui cho bản thân và cho mọi người. Tôi nhớ dịp Tết, có chùa còn làm lễ tắm Phật, nhiều người lấy nước đó để uống trong ý nghĩa tiếp nhận sự an lành.
Có thời gian tôi ở chùa Kỳ Viên (Q.3, TP.HCM) thì Tết đến thấy Phật tử đi chùa thường hái lộc. Đó là cái chưa được hay vì những Phật tử đi hái lộc kiểu đó sẽ làm trụi hết cây lá trong chùa, tổn hại hơn là được phước. Sau này, thấy đó là nhu cầu của Phật tử nên chùa chuẩn bị sẵn hoa thay lộc để Phật tử nào đến cũng nhận được hoa trong ngày đầu năm mang về.
Ngoài ra, mỗi năm, ở chùa Nam tông có lễ kiết giới Si-ma, trong ngày lễ đó sẽ cột các dây ngũ sắc quanh chùa, sau đó nhà chùa thu các dây đó và kết thành vòng (dạng dây đeo) gọi là dây cát tường tặng Phật tử. Trong sinh hoạt ở chùa, tôi nhớ mỗi dịp Tết đến, các huynh đệ thường tập hợp lại và cùng nhau đảnh lễ chúc Tết thầy, sau đó thầy sẽ có huấn từ, dặn dò, định hướng tu tập cho từng người, tặng quà Tết hoặc lì xì đầu năm.
HT.Thích Viên Minh - Ảnh: Vũ Giang
Kể từ năm 1965 tôi rời chùa vào học Đại học Vạn Hạnh, ở chùa Kỳ Viên, rồi làm Phật sự, được bổ nhiệm trụ trì chùa Bửu Long nên Tết thường không thể về được. Nhất là những năm sau này, khi chùa Bửu Long phát triển, ngày Tết có những phái đoàn Phật tử tới tham quan, lễ Phật, nhiều đoàn lên tới cả ngàn người nên thường ở chùa để trò chuyện, chia sẻ với Phật tử. Thi thoảng thì có đọc thơ để tặng, tôi thường tặng Phật tử bài thơ: “Mùa xuân nào có đến/ Mùa xuân nào có đi/ Lòng ta hoa nở mãi/ Thơm ngát nụ huyền chi”.
Ý của bài thơ này tôi gửi gắm, mùa xuân không đến không đi, mà mùa xuân có đến có đi thì trong lòng người tu hoa vẫn nở mãi, còn nụ huyền chi là tâm hòa đồng với vạn pháp. Mong rằng, tất cả Phật tử đều có mùa xuân trong lòng mình, thật thanh thoát...
Đình Long ghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét