Hạnh Khiêm Tốn

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột mà nghe”.
Khổng Tử xưa cũng nói: “Biết điều gì thì nhận là biết, không biết thì nhận là không biết, như vậy là biết.”
Lão Tử nói: “Người biết thì không nói, người nói thì không biết” (Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri).
Và Socrates: “Tất cả những gì tôi biết được là tôi không biết gì hết”.


Những lời hay ý đẹp ấy nói lên điều gì? Đó là thái độ khiêm tốn của một con người hiểu biết.
Trong thế giới chúng ta sống hiện nay, sự khiêm tốn dường như đã trở thành càng ngày càng khan hiếm. Những cạnh tranh trong trường đời khiến người ta thường tìm cách nâng cao bản ngã của mình, phô trương những khả năng dù đôi khi không có thật, hầu gây ấn tượng đối với người khác. Sự khiêm tốn nhiều khi bị hiểu lầm như là yếu kém, nhút nhát và thiếu tự tin – nhưng thực ra, khiêm tốn chính là một sức mạnh nội tại phát xuất tự nhiên từ một người có trí tuệ “biết mình, biết người” - tự tin nơi chính mình nhưng vẫn luôn cầu tiến và sẵn sàng học hỏi nơi người khác, ngay cả ở nơi những người thua kém hơn. Thói thường người ta hay tự hào với cái “tôi” của mình và dễ sinh lòng đố kỵ khi thấy người khác có vẻ nổi bật hơn. Tự làm cho mình chìm xuống là một cách “thêm bạn bớt thù”, không gợi lên sự ganh tỵ của người khác mà còn gây thiện cảm, nhờ đó trở thành một yếu tố đắc nhân tâm dễ đem lại thành công.
Nhà văn Lâm Ngữ Đường nói như sau:
“Điều quan trọng là khiêm tốn chính nó đã tự nâng cao giá trị cá nhân của con người trong xã hội, lòng khiêm tốn còn tượng trưng cho những con người đứng đắn, luôn luôn biết sống theo thời và biết nhìn xa. Con người có lòng khiêm tốn bao giờ cũng là những con người thường hay thành công trong lĩnh vực giao tiếp với mọi người.
Trong đức tính khiêm tốn, người có tài luôn luôn tự cho mình còn kém và cần phải học thêm nữa, người nào mang trong lòng một đức tính khiêm tốn luôn tự coi những thành công của mình như một sự an ủi và coi thường địa vị của mình, từ tinh thần tự hạ mình như thế mà những người có đức tính này thường thành công hơn ngoài những ước vọng của mình.”
Trong vấn đề kinh doanh, một cuộc nghiên cứu cho thấy những công ty nào có sự tăng trưởng vững chắc và đều đặn với lợi tức thu về gấp 3 lần trong vòng thời gian 15 năm hầu hết đều có một người lãnh đạo “bậc 5”. Những người lãnh đạo bậc 5 được định nghĩa như những người làm việc rất nhiệt tình, tận tụy lo cho công ty hết lòng nhưng cũng cực kỳ khiêm tốn. Họ tạo ra những thành quả siêu việt nhưng không bao giờ phô trương, và lẩn tránh không muốn người khác ca tụng mình quá mức. Một thí dụ điển hình là ông David Packard, thành viên đồng sáng lập hãng Hewlett-Packard, một trong những công ty sản xuất computer lớn nhất tại Mỹ. Ông tự coi mình là người của công ty HP trước, rồi mới đến chức vụtổng quản trị viên (CEO). Ông quản trị bằng cách bước ra ngoài văn phòng của mình để hòa nhập theo sát những diễn biến công việc trong mọi tầng lớp của công ty. Công ty thành công rực rỡ nhưng ông luôn tránh lộ diện trước công chúng. Châm ngôn của ông là: “Không nên khoe khoang những gì đã làm được, mà phải tiếp tục tiến tới làm những việc tốt hơn thế nữa.”
Những người như ông David Packard cho ta thấy là: càng thành công và lên cao bao nhiêu, sự khiêm tốn càng tăng bấy nhiêu, bởi vì họ biết rằng “núi cao còn có núi cao hơn”. Người càng giỏi và hoàn thành được nhiều nhất lại ít phô trương nhất, và sự tự tin của họ cũng ngang bằng với mức độ khiêm tốn. Edward Frederick Halifax nói: “Giá trị đích thực cũng như giòng sông, càng sâu bao nhiêu càng bớt ồn ào bấy nhiêu.” (True merit, like a river, the deeper it is, the less noise it makes).
Điều đó cũng giống như các bậc chân tu, khi đạt đạo giác ngộ thì không còn cái Ngã, không có cái nhìn phân biệt ta và người, cao và thấp nữa, bởi vì họ đã thấy rõ bản chất “Không” trong mọi tướng. “Càng tu càng thấy những sai lầm của mình từ trước đến nay”, thiền sư Soko Morinaga đã nói như vậy trong quyển tự truyện của ông. Quả thực, sự khiêm tốn chứng tỏ người ấy đã vượt lên được cái ngã của mình – đó là một quá trình tất yếu phải trải qua đối với người tu đạo Phật. Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đứng đầu Phật giáo Tây Tạng, cũng là vị nguyên thủ quốc gia, danh tiếng lẫy lừng thế giới, nhưng ngài lúc nào cũng tỏ ra khiêm nhường, bình dị, và chính điều đó lại làm cho ngài càng được kính nể hơn. Người đã giác ngộ hay có thực tài thường tự tin nơi chính mình và không cần phải chứng tỏ gì cả, cũng không cần ai biết đến, nhưng năng lực của người ấy vẫn tự tỏa ra như ánh sáng trăng sao trên bầu trời, khiến cho người biết đến đều đem lòng mến phục.
Trong kinh Pháp Hoa, có phẩm nói về Bồ tát Thường Bất Khinh như sau:
“Như xưa trong thời tượng pháp của đức Phật Oai Âm Vương, giữa hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, có vị Bồ-tát là Thường Bất Khinh, Vị Bồ-tát ấy phàm thấy hàng xuất gia, tại gia, nam nữ... đều cung kính lễ bái khen ngợi rằng : "Tôi rất kính trọng các ngài, không dám khinh mạn, vì các ngài đều tu hành đạo Bồ-tát, sẽ đặng thành Phật". Ngoài sự lễ bái tán thán ấy vị Tỳ-kheo kia không hề đọc tụng kinh điển gì, nhưng gặp ai cũng chỉ lễ bái, tán thán và nói : "Tôi không dám khinh các người vì các người sẽ được làm Phật". Đến nỗi có người vì tâm chưa đặng thanh tịnh, nổi giận, mắng nhiếc : Ông Vô trí Tỳ-kheo cớ sao đến đây tự nói tôi không dám khinh người và thọ ký cho ta sẽ thành Phật, đó chỉ là nói dối, ta không dùng làm chi ?” Có khi còn bị người ta lấy roi gậy, ngói đá đánh đập, ông trốn chạy qua một nơi xa mà còn lớn tiếng nói lại : "Tôi không dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật". Như vậy trải qua nhiều năm, dù bị khổ nhục cũng không sanh sân hận, nên các tăng thượng mạn Tỳ-kheo đều gọi vị Tỳ-kheo kia là Thường Bất Khinh. Vị Tỳ-kheo ấy khi mạng chung được nghe giữa hư không, Phật Oai Âm Vương nói kinh Pháp Hoa, đủ các công đức, lục căn thanh tịnh, sau rộng nói kinh Pháp Hoa lại cho mọi người đều nghe như mình đã được nghe vậy.”
Thường Bất Khinh là hạnh khiêm tốn, là tâm bình đẳng, xem tất cả mọi người đều có Phật tính như nhau nên đều kính trọng như nhau. Chẳng nghĩ mình trì giới mà khinh khi kẻ phạm giới, chẳng cậy mình có trí tuệ mà cho người khác là ngu si, chẳng khoe mình cao quý mà xem thường người hạ tiện… Vì luôn luôn khiêm tốn nhẫn nhục, không vướng theo các tướng nên tâm ý được trong sáng, sáu căn thường thanh tịnh, Bồ tát Thường Bất Khinh đã giác ngộ được diệu pháp nhiệm mầu. Đó cũng là một bài học dạy cho chúng ta triệt hạ tận gốc thói quen ngã mạn, với hình ảnh Bồ Tát gặp ai cũng lễ bái: “tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật”… Ngã mạn là chướng ngại lớn nhất trên con đường tu tập đến giác ngộ giải thoát, chỉ cần một phút ngã mạn nổi lên cũng đủ làm tiêu tan bao công đức tích lũy từ lâu, như câu chuyện của ngài Ngộ Đạt trong kinh Thuỷ Sám:
Xưa kia đời Đường trong triều vua Ý Tông, có ngài Ngộ Đạt quốc sư, pháp danh Tri Huyền, khi chưa là quốc sư tình cờ gặp một tăng nhân bị phong cùi đã tận tình săn sóc cho vị ấy. Khi chia tay, vị ấy cảm kích nên đã dặn rằng, sau này nếu bị nạn thì hãy đến tìm nhau ở núi Trà Lũng thuộc Bành Thành, Tây Thục, chỗ có hai cây tùng làm dấu.
Sau đó ngài Ngộ Đạt tu hành đạo đức, danh tiếng lẫy lừng, được vua ban chức quốc sư. Ý Tông thân hành đem pháp tọa trầm hương đến tặng và cung phụng rất hậu. Ngồi trên pháp tọa, Ngộ Đạt mống khởi niệm kiêu mạn, thấy trong thiên hạ không ai cao sang bằng mình. Nhưng liền sau đó,đầu gối ngài tự nhiên mọc một cái mụt “mặt người”, hành hạ đau đớn thấu xương, không lương y nào chữa nổi.
Chợt nhớ đến lời dặn năm xưa, ngài Ngộ Đạt đi về núi tìm, đến nơi nhằm lúc đã chiều tối, bàng hoàng nhìn khắp bốn phía, bỗng thấy hai cây tùng trong chỗ mây khói. Lần bước theo hướng ấy, ngài đến một nơi lầu cao, điện lớn, ánh sáng vàng ngọc lung linh xen nhau chiếu. Vị tăng nhân đã đứng đợi sẵn, đón tiếp niềm nở và mời ngài ngủ lại. Khi nghe kể về căn bệnh nan y, tăng nhân bảo không hại gì, ngày mai xuống suối rửa sẽ khỏi.
Sáng sớm đạo đồng dẫn ngài xuống suối, mới vốc nước, mụt ghẻ mặt người đã kêu lớn: “khoan rửa đã, ngài là người biết nhiều hiểu rộng, vậy có biết chuyện Viên Án với Triệu Thố trong Tây Hán thư chưa?” Ngài trả lời biết, cái mụt lại bảo: “tôi là Triệu Thố đây, còn ngài là Viên Án, đã xử tôi bị chém ở chợ, oan khốc thấu trời xanh. Từ đó mối hận không nguôi, tôi đã theo ngài đến mười đời, nhưng ngài là cao tăng, giới luật nghiêm tịnh nên tôi không có cơ hội báo oán. Nay ngài được hưởng sự đãi ngộ của vua mà sinh lòng ngã mạn, cái đức bị thương tổn nên tôi mới hại ngài được. Nhờ ơn tôn giả Ca Nặc rửa mối oan thù cho tôi bằng nước “từ bi tam muội” nên từ đây tôi không còn là kẻ oan gia của ngài nữa.”
Ngộ Đạt nghe vậy sợ hãi rụng rời tay chân, từ đó dựng thảo am ngay nơi chỗ ấy, viết kinh Thủy Sám ngày đêm đọc tụng sám hối.
Trong đạo Dịch nói về sự vận hành âm dương trong trời đất, cũng áp dụng với thuật xử thế của con người, Khiêm là yếu tố để lập lại thế quân bình trong vũ trụ vạn vật, giữ cho mọi sự được Trung và Chánh. Như câu nói: “Cái gì đi lên sẽ đi xuống” (what goes up must come down), đạo Dịch không ưa thích sự đầy, vì cái gì đầy quá sẽ đổ. Theo luận bàn của Trình Di về quẻ Địa Sơn Khiêm: “Quẻ này nói trong đất có núi, chứ không phải núi ở trong đất, là có ý nói rằng: trong chỗ thấp kém đã chứa sẵn cái cao cả của nó rồi… cho nên người quân tử xem đó hễ thấy cao thì hạ xuống, thấy thấp thì nâng lên, thấy rõ cái nghĩa “nén chỗ cao, nhấc chỗ thấp, bớt chỗ thái quá, thêm vào chỗ bất cập. Đem ra thi thố vào công việc thì rút bớt chỗ nhiều, bù vào chỗ ít… cân nhắc sự nhiều ít mà làm cho mọi việc được đều nhau thì sẽ có thăng bằng.”
Lão Tử cũng có nhiều câu khuyên người nên giữ đức khiêm tốn như sau:
- Thánh nhân đặt mình ra sau mà thân lại được ở trước (chương 7).
- Không dám đứng trên trước thiên hạ (chương 67)
- Người khéo chỉ huy thì tự đặt mình ở dưới người, như vậy là có cái đức không tranh (chương 68).
- Đạo trời không tranh mà khéo thắng (chương 73).
- Chỉ vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình (chương 22, chương 66).
Không tranh cao thấp, hơn thua, được mất cho nên không gây xung đột, không tạo nghiệp và tâm được bình an. Như vậy, Khiêm là cái đức không thể thiếu trong thuật xử thếcũng như trong công việc, và nhất là trong sự tu tập lại càng cần thiết để hạ bớt cái ngã của mình, chuyển tâm vị kỷ thành tâm vị tha, mở rộng tầm nhìn khai phá những điều mới lạ của thế giới hiện hữu. Như vũ trụ vạn vật trong sự vận hành được quân bình nhờ tác động của Khiêm, con người sống hài hòa an vui cũng nhờ đức tính khiêm tốn, từ bi và bình đẳng trong sự giao tiếp đối xử với tha nhân.


Ngọc Bảo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét