Phật Giáo Và Địa Lý Phong Thủy


Đối với vạn vật trong cõi nhân gian, Phật giáo đều có sự quan sát thấu đáo, hiểu rõ thiên có thiên lý, địa có địa lý, nhân có nhân lý, vật có vật lý, tình có tình lý, tâm có tâm lý. Trên thế gian bất kỳ sự vật gì cũng có cái “lý” riêng biệt của nó, địa lý phong thủy tất nhiên cũng có “nguyên lý” của nó. Địa lý là dựa vào địa hình và phương vị thiên thể mà sinh ra tầm ảnh hưởng đối với con người, đây là thường thức của tự nhiên; thuận với lẽ tự nhiên có thể thu được thời cơ thuận lợi, đạt được địa thế cực tốt của non sông; trái với tự nhiên, sẽ có kết quả ngược lại.

Mưu cầu cuộc sống bình an, mong mỏi xa lìa những muộn phiền âu lo, xưa nay đều như vậy. Nhưng mà, thái độ của người bình thường, đối với các sự vật không hiểu, không biết, không thể nhìn thấy, thường mù quáng mò mẫm suy đoán chủ quan, gán ghép méo mó, thậm chí mê hoặc tin nó, vì vậy dễ dàng bị mê tín thần quyền điều khiển, khống chế. Người Trung Quốc từ xưa đến nay tin tưởng một cách tuyệt đối vào thuyết “địa lý phong thủy có thể ảnh hưởng tới phúc họa của một đời người”, là một ví dụ.
Địa lý phong thủy cố nhiên có nguyên lý của nó, song không phải là chân lý rốt ráo. Đứng ở góc độ của thuyết Nghiệp lực và thuyết Nhân quả trong giáo lý của Đức Phật để xem xét, ta thấy rằng lành dữ họa phúc, đều là do nghiệp nhân thiện ác của kiếp quá khứ tạo thành quả báo của đời nay, vốn không phải chịu tác động chi phối hay thao túng của phong thủy địa lý. Hơn nữa, dưới cái nhìn thời-không của Phật giáo, người học Phật biết rằng hư không vốn không có phương vị tuyệt đối, ví như hai người là A và B ngồi đối diện nhau, bên phải của A là bên trái của B, phía trước của B là phía sau của A, trong thời-không vô biên, không ranh giới, sinh mệnh thật sự của chúng ta là đang ở khắp mọi nơi, không chỗ nào không có mặt, làm gì có chuyện phân chia phương vị thời-không? Khi một người có thể giác ngộ để thể chứng được bản lai diện mục của chính mình, thì bản thể tự tâm liền biến khắp hư không, tràn ngập pháp giới, ngang khắp mười phương, dọc cùng ba đời, dung hòa thành nhất thể với thời-không vô hạn, vì vậy phương vị không ở chỗ khác, mà là ở ngay trong tâm của mỗi chúng ta.
Thời đại Đức Phật, trong Bà-la-môn-giáo thuộc xứ Ấn Độ, có thuyết “sáng sớm tắm rửa, kính lễ sáu phương, có thể tăng thêm tuổi thọ và của cải”. Lúc bấy giờ, Thiện Sanh – con của một vị trưởng giả ở thành Vương Xá, mỗi sáng sớm sau khi tắm rửa xong, liền y vào pháp của Bà-la-môn hướng về sáu phương lễ bái. Đức Phật nói với ông ta rằng: Sáu phương (đông, nam, tây, bắc, thượng, và hạ) có thể phối hợp với cha mẹ, thầy cô, vợ chồng, gia tộc, đầy tớ, Sa môn (Srmaṇa) Bà- la-môn…; tiếp đó, Ngài thuyết về năm pháp cung kính mà mỗi một con người tùy theo phương vị của mình đều phải tuân giữ khi đối xử với người khác tùy theo phương vị của họ, điều đã được nêu trong kinh Thiện Sanh. Đức Phật mượn năm việc này hướng dẫn cho tín chúng cách giao tiếp, ứng xử đúng với đạo đức luân lý gia đình; đồng thời qua đấy cho biết phong thủy, địa lý cần phải xây dựng trên luân lý, thế lý, pháp lý, và cả tâm lý; chỉ cần chúng ta thành tâm, cõi lòng thanh thản, thì “mỗi ngày đều là ngày đẹp, khắp nơi đều là nơi đẹp”, cho dù đi khắp thiên hạ, đều là địa lợi nhân hòa, lương thần cát nhật (ưu thế về địa lý được lòng người, ngày lành tháng tốt), bởi vì tất cả phước điền đều không rời xa tâm địa.
Phật giáo là một tôn giáo trí tín, tất cả giáo lý Phật giáo như Nghiệp lực, Nhân quả, Tam pháp ấn, Tứ diệu đế, Bát thánh đạo, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, đều có mục đích chung là nhằm khai mở trí tuệ của chúng sinh, giúp đỡ chúng sinh nhận thức đúng bản chất của thực tướng nhân sinh, từ đó đi đến giải quyết các phiền não khổ đau, đạt được giải thoát tự tại, sao có thể mê tín dị đoan địa lý phong thủy, chỉ tăng thêm phiền não, vọng niệm và si mê mà thôi?
Trong kinh Di giáo, Đức Phật khuyên răn đệ tử rằng: “Coi tướng lành dữ, tính tử vi, suy luận hão huyền, coi bói tính số; những việc coi ngày giờ tốt xấu như thế này đều không nên làm”. Luận Đại trí độ quyển 3 nói: “Người xuất gia lấy thuật xem tinh tú, nhật nguyệt phong vũ… để tồn tại, là cầu miếng ăn” là một trong những cách mưu sinh không chính đáng mà Đức Phật khuyến cáo người xuất gia cần phải tránh xa. “Coi tướng lành dữ” chính là một trong “ngũ tà mệnh” (năm cách kiếm sống không chính đáng), người con Phật nên lấy đó làm lời cảnh tỉnh, nhắc nhở cho chính bản thân mình. Phật giáo không cho rằng phong thủy địa lý, hiện tượng thiên văn giờ ngày là có liên quan với điềm lành dữ của con người; nếu những người con Phật lấy điều này để duy trì mạng sống, cầu miếng cơm manh áo, thì đã rơi vào những điều cấm trong giới luật của Phật giáo, bởi vì đây không phải là chánh nghiệp, cũng chẳng phải là chánh mạng.
Phật giáo cho rằng “mọi người đều có Phật tính”, chính là muốn chúng ta nhận thức chính mình, khẳng định chính mình, và tin tưởng vào chính mình, từ đây làm chủ nhân của chính mình. Vì thế, chỗ tốt lớn nhất trong việc học Phật, chính là làm cho chúng ta vượt thoát ra ngoài sự mê tín dị đoan thần quyền, không chịu sự chi phối của địa lý phong thủy, trả lại cho chính mình một đời sống tự do tự chủ.
Điều mà thầy phong thủy Trung Quốc nghĩ rằng địa lý tốt nhất phải là “phía trước có chim Chu tước, phía sau có chim Huyền vũ, bên trái có rồng cuộn, bên phải có hổ chầu” (tiền Chu tước, hậu Huyền vũ, tả long bàn, hữu hổ cứ), thực ra chính là “trước có phong cảnh, sau có núi cao, bên trái có dòng sông, bên phải có thông lộ”. Lấy điều kiện sinh hoạt tốt nhất trong môi trường sống hiện đại mà nói, có thể tóm tắt bốn điểm sau đây:
Phải có hệ thống thông gió, xung quanh bốn hướng, thông thoáng không bị cản trở;
Phải có ánh sáng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, ấm áp, sạch sẽ;
Phải có khoảng trống để ngắm nhìn, mênh mông bát ngát, cõi lòng siêu thoát;
Phải có thông lộ, ra vào dễ dàng, ta người đều thấy tiện lợi.
Nói tóm, chỉ cần có thể tiện lợi cho sinh hoạt, trong cõi lòng vui vẻ thoải mái, đấy chính là địa lý phong thủy tuyệt vời nhất.
Phật giáo cho rằng bên ngoài nếu có được địa lý môi trường chung quanh tốt đẹp, cố nhiên là điều rất tốt lành, nhưng quan trọng hơn cả là nội tâm cũng phải có địa lý phong thủy tốt đẹp. Nghĩa là nội tâm bên trong có: thông gió tốt – dòng suy nghĩ thông suốt; ánh nắng tốt – nhiệt tâm cởi mở; tầm nhìn tốt – nhìn về tương lai; con đường tốt – Bồ đề chánh đạo, đây chính là “long huyệt” tốt đẹp nhất, cao vời nhất của nội tâm bên trong. ■

Nguồn: Phật giáo và thế tục, in trong bộ sáchPhật học giáo khoa thư của Đại sư Tinh Vân, NXB. Từ Thư Thượng Hải, năm 2008, trang 83- 86.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 169

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét