Tuổi sồn sồn

Nói về tuổi tác, thì mỗi người có một quan niệm riêng. Người thì nhấn mạnh đến cái “hình dong” bên ngoài. Kẻ thì nhấn mạnh đến cái “tâm tính” bên trong:
Soi gương thì thấy mình già,
Soi lòng thì thấy vẫn là thanh niên.
Vì vậy mà ca dao đã từng nói:
Trai ba mươi tuổi đang xoan,
Gái ba mươi tuổi đã toan về già.
Thế nhưng, cũng chính ca dao lại bảo:
Trai ba mươi tuổi mà già,
Gái bốn mươi tám đang ra má hồng.
Có lẽ tuổi thọ của các cụ ta ngày xưa hơi bị ngắn, nên mới phát ngôn như vậy, chứ còn thời nay thì ba mươi hay bốn mươi tám vẫn cứ còn oai phong lẫm liệt, chẳng nhằm nhò gì. Riêng trường hợp của cụ Nguyễn Công Trứ, thì quả thật là hoạ hiếm. Sách kể lại rằng: Năm 73 tuổi, ông cưới một nàng hầu và tổng cộng ông có tất cả 14 bà vợ. Đêm tân hôn, giai nhân hỏi ông bao nhiêu tuổi – Tân nhân lục vấn lang niên kỷ – ông đã chẳng ngần ngại trả lời: Ngũ thập niên tiền, nhị thập tam. Có nghĩa là năm mươi năm về trước, anh mới có hăm ba à!
Nhìn dòng đời lặng lẽ, các cụ ta ngày xưa đã ngán ngẩm mà bảo:
Âm thầm ngày tháng trôi qua,
Năm kia nào có đợi ta bao giờ.
Đúng thế, chẳng ai có thể cản được những bước chân âm thầm của thời gian. Cứ nhìn vào sắp nhỏ, lớn lên như thổi, chúng ta mới nghiệm ra gánh nặng tuổi đời đang đè xuống đôi vai còm cõi và dấu ấn thời gian đã in đậm trên khuôn mặt chúng ta.
Cách đây đã lâu, một cô bé Việt kiều hớn hở đến thăm gã. Phối kiểm lại bộ nhớ, gã thấy được rằng: khi khăn gói quả mướp theo thày bu xuống tàu đi vượt biên, cô bé này còn đang ở lứa tuổi “babilắc”, suốt ngày chơi ô ăn quan và nhảy cò cò ở sân nhà thờ, thậm chí còn anh dũng mặc quần đùi đi móc cua ngoài đồng về cho chị nấu canh riêu, thế mà giờ đây đang độ đào tơ trổ mã, đẹp như một nàng tiên, giống hệt một bài thơ đã diễn tả:
Hồng hồng tuyết tuyết,
mới ngày nào chưa biết cái chi chi,
mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.
Tất cả những điều vừa trình bày, chỉ có ý muốn nói lên rằng: Chẳng ai mà cứ trẻ mãi, tới một lúc nào đó mình sẽ phải già. Thời gian chính là một vị khách bất đắc dĩ, không mời mà đến, từng bước chân âm thầm, nó đưa chúng ta đi qua những chặng đường đời. Từ ấu nhi đến thiếu nhi, từ thiếu nhi đến thiếu niên, từ thiếu niên đến thanh niên, từ thanh niên đến trung niên, từ trung niên đến lão niên, để rồi cuối cùng đẩy mỗi người chúng ta bước qua khung cửa hẹp, đó là cái chết. Chúng ta giống như cây lúa được gieo trồng, cứ âm thầm nảy mầm, lớn lên, rồi đâm bông kết trái cho tới mùa gặt. Dĩ nhiên, đây chính là qui luật chung của sự phát triển, nhưng vẫn có những luật trừ, bởi vì nhiều người cũng đã chết rất trẻ:
Lá vàng còn ở trên cây,
Lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời.
Sở dĩ như vậy là vì cái chết ở trước mặt người già, nhưng lại ở sau lưng người trẻ và nó chẳng miễn trừ cho bất kỳ một ai:
Trăm năm nào có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cỏ khâu xanh rì.
Hôm nay, gã xin “bàn ra tán vào” về lứa tuổi trung niên. Đó là lứa tuổi từ 35 đến 55. Lứa tuổi này được gọi bằng những tên khác nhau, chẳng hạn lứa tuổi đã “toan về già”, bởi vì trẻ thì không còn, mà già thì lại chưa đến. Lứa tuổi xế trưa hay lứa tuổi ngả bóng về chiều, bởi vì trưa thì đã qua rồi mà chiều thì mới đụng tới tí xíu. Nếu thi vị hoá một chút thì gọi đó là lứa tuổi “thu đông”, bởi vì mùa thu cuộc đời thì đang qua đi và mùa đông cuộc đời thì cũng sắp tới. Còn theo cách nói của giới bình dân, thì đó là lứa tuổi “sồn sồn”. Vậy lứa tuổi này có những đặc điểm nào?
* Đặc điểm thứ nhất mà dường như ai cũng ngán ngẩm nhận ra, đó là sự tụt giảm về sức khoẻ, sự kiệt lực sau những năm dài miệt mài lao động vì cơm áo gạo tiền, hay vất vả kiếm sống vì chén cơm manh áo. Người ta có thể coi bốn mươi lăm tuổi là đỉnh cao cuộc đời, rồi sau đó bắt đầu đi xuống ở triền núi bên kia. Tới cái mốc này, mắt người ta bỗng mơ huyền mờ, phải vội vã ra tiệm cắt ngay một chiếc kính lão, để khỏi trông gà hóa cuốc. Rồi từ đó, lục phủ ngũ tạng bắt đầu lỏng lẻo. Nhất là khi đã bước vào tuổi “ngũ tuần”, thì sức kéo bị giảm sút một bậc, làm việc lâu một xíu là cảm thấy mệt mỏi, uể oải ngay tức thời.
Sức kéo giảm sút đã đành, mà tuổi năm mươi còn là khởi điểm cho đủ mọi thứ bệnh hoạn. Nào cao huyết áp, nào nhồi máu cơ tim, nào tai biến mạch máu não, nào loét bao tử, nào đái… đường. Bản án tử hình dường như đã được treo lơ lửng trên đầu quí cụ thượng thọ ngũ tuần. Chúng ta giống như cái máy nổ, sau một thời gian dài sử dụng, thế nào cũng bị rệu rạo. Không hư chỗ này, thì cũng hỏng chỗ kia.
* Cùng với sự sút giảm về sức khoẻ, việc sản xuất các kích thích tố, nhất là các kích thích tố về đường sinh dục cũng cạn kiệt, thành thử nhiều người bỗng dửng dưng với những sinh hoạt vợ chồng, không còn khắng khít mặn nồng như thuở còn trai trẻ. Thậm chí có người, chồng cũng như vợ, còn lảng tránh, như những cô cậu học trò tìm đủ mọi lý do để lẩn trốn, sợ phải trả bài cho thầy cô giáo. Và đây cũng là một trong những lý do làm cho đời sống vợ chồng bị trực trặc và dẫn tới những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng mà chẳng dám nói ra.
* Tới lúc này thì con cái đều đã khôn lớn. Chúng đều rời xa mái ấm, để xây dựng một cuộc đời riêng, một gia đình riêng, thành thử cuộc sống của phần nào cũng bị đảo lộn. Người ta rảnh rỗi hơn, những cũng lại cảm thấy trống vắng hơn. Đi ra thì cũng chỉ mình với ta. Đi vào thì cũng chỉ ta với mình. Hơn thế nữa, thời gian phần nào cũng đã làm cho tình yêu của chúng ta bị xói mòn, không còn thắm thiết như cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, thành thử nảy sinh những cái nhìn tiêu cực về tương quan vợ chồng, dần dần đi tới chỗ chán nhau. Nhưng vì con cái và dư luận xã hội, nên đành phải kéo lê những ngày tháng vô vị, nhạt nhẽo.
* Ngoài ra là thái độ bi quan. Bi quan vì cảm thấy cuộc đời mình đã bắt đầu xế bóng và đang đi dần vào cảnh hoàng hôn với những bệnh tật mắc phải. Bi quan vì thấy mất mát, bởi ông bà cha mẹ và ngay cả những bè bạn thân yêu lần lượt ra đi, để lại trong lòng mình một nỗi lo lắng: nay người, mai ta. Lúc nào thì cái chết lên tiếng vẫy gọi, để rồi bản thân cũng sẽ phải cúi đầu vâng nghe.
* Sau cùng là sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân. Theo các nhà tâm lý, thì sự khủng hoảng trong đời sống hôn nhân thường xảy ra vào hai thời kỳ:
- Thời kỳ thứ nhất, đó là những năm đầu của đời sống vợ chồng. Nguyên do là vì trước hôn nhân, hai người thiếu chuẩn bị, không được giáo dục đầy đủ về những bổn phận và trách nhiệm của mình, cũng như không được hiểu rõ về những khía cạnh tâm sinh lý của đời sống chung. Tiếp đến là vì sau hôn nhân họ mới khám phá ra những sai lỗi khuyết điểm của nhau. Có ở trong chăn mới biết chăn có rận và đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Sau khi tận hưởng tất cả những cái mới mẻ của hôn nhân, giờ đây cả hai phải đối đầu với cái thực tế tẻ nhạt và đơn điệu được lập đi lặp lại, cộng thêm vào đó là những khó khăn mới trong cuộc sống.
Sau đây là bản kể tội của đôi vợ chồng trẻ mà gã lượm được ở đâu đó, khi lang thang trên mạng:
Vợ kể tội chồng: Ngày mình yêu, anh lúc nào cũng hào hoa phong nhã, dịu dàng tới nỗi em cứ ngỡ mình hạnh phúc nhất đời, vì “vớ” được hoàng tử. Về với nhau một nhà rồi, thì ôi thôi, hoàng tử của em bỗng chốc hóa thân thành chàng… cóc ghẻ. “Ghẻ” theo đúng nghĩa đen thật nhé! Em thực không tài nào chịu nổi khi tối tối anh ôm chân… gảy đàn, trong khi mắt vẫn dán vào màn hình máy tính chơi game. Có giục anh đi tắm, anh lại viện cớ đang bận “công thành”, “việc tắm là việc cỏn con, nay không làm để mai cũng được”. Đành rằng anh chẳng vội gì, nhưng lỗ mũi của em thì sắp… viêm dị ứng, vì mỗi ngày được “hít hà” không ít thứ mùi khó hiểu thoảng ra từ cơ thể của anh… Căn nhà nhỏ xinh của chúng mình, em dọn dẹp mỗi ngày gọn gàng là thế, anh cũng chẳng tiếc thương. Cứ đi làm về, áo quần anh vứt đầy trên ghế, rồi tàn thuốc lá rơi rớt khắp thảm, trên sàn. Thật xấu mặt em mỗi khi nhà bất ngờ có khách. Và còn nhiều nhiều nữa…
Chồng kể tội vợ: Chẳng biết anh có nên gọi em bằng biệt danh dịu dàng “bồ câu bé nhỏ” nữa hay không, vì giờ em đã biến ra… quạ khô khó tính mất rồi. Dường như chẳng ngày nào em thôi phàn nàn cả. Em luôn nghĩ ra lý do để cự nự, bắt lỗi anh. Điển hình là, em lúc nào cũng chê anh… bẩn. Anh đã đọc đâu đó, họ nói, mùi đàn ông là thứ mùi quyến rũ nhất cơ mà. Có thể lý thuyết này không đúng với vợ anh, nhưng em tìm cách khác “góp ý” cho anh chứ. Thái độ rất “thiếu tính xây dựng” của em đôi lúc làm anh tự ái. Bất chấp. Tuy nhiên vẫn có khi anh hý hửng tắm táp sạch sẽ nhằm làm em vui. Thế nhưng niềm hân hoan tắt ngóm khi anh “khều” em mà chỉ nhận được cái nguýt dài, em hỏi: “Thế đã đánh răng chưa đấy?” Em bị chứng sạch sẽ thái quá. Hẳn nhiên, anh vui vì em biết lo cho nhà cửa gọn gàng, nhưng cái gì trở nên thái quá cũng đều có hại. Như hôm rồi nhé: Đám tài liệu rất quan trọng của anh, để chúng trên bàn như thế, anh vơ cái được ngay, rất tiện. Vậy mà em chẳng nói một câu, dọn dẹp tuốt luốt, xếp rất ngay ngắn vào tủ hồ sơ. Báo hại anh ngay ngày hôm sau có thuyết trình ở công ty, toát mồ hôi vì để quên tài liệu. Anh không nói lại vì lo em giận dỗi… (Huyền Anh).
Nhiều người cho rằng sự khủng hoảng này thật cần thiết vì nó giúp cho đôi bạn được trưởng thành và nhờ sự trưởng thành mà cuộc tình của họ sẽ bền vững và hạnh phúc hơn.
- Thời kỳ thứ hai đó là tuổi trung niên. Một tác giả nào đó đã viết: Trong thời kỳ này, người đàn ông xem ra đã nếm đủ mùi vị của cuộc sống gia đình; do đó dễ sống hướng nội hơn. Về phía người đàn bà, sau khi đã trải qua mọi khía cạnh của đời sống hôn nhân, nếu không cảm thấy được thỏa mãn, họ dễ bị cám dỗ quay về với những ước mơ của thời niên thiếu. Ở lứa tuổi này người đàn bà dễ rơi vào những cuộc phiêu lưu mà họ không lường trước được. Một người chồng khép kín, một người vợ mộng mơ chính là nguyên nhân đưa đến cơn khủng hoảng trong thời kỳ thứ hai của đời sống hôn nhân.
Theo gã nghĩ, có hai sự kiện đã tạo thành cuộc khủng hoảng của lứa tuổi trung niên.
Sự kiện thứ nhất, đó là hội chứng muốn bù lỗ
Ở vào lứa tuổi trung niên, người ta dường như đang ở trên đỉnh cao của sự ổn định và thành đạt. Sau bao nhiêu năm vất vả để làm ăn và bận rộn để tạo nên sự nghiệp, người ta bỗng cảm thấy tiếc xót, vì cho tới tuổi này mà vẫn chưa biết mùi đời. Người ta muốn hưởng thụ để bù lỗ cho một thời trai trẻ theo kiểu:
Chơi xuân kẻo hết xuân đi,
Cái già xồng xộc nó thì theo sau.
Và một trong những cách bù lỗ rất phương hại cho hạnh phúc gia đình, đó là đèo bòng bồ nhí. Sau đây là câu chuyện của một ông tên là Khương:
Hơn 50 tuổi và có mọi thứ trong tay, ông Khương lấy làm tiếc cho cuộc sống chẳng biết gì đời của mình, nên muốn trải nghiệm. Và từ khi ra “trường đời”, được kề cận, được tiếp xúc với những cô gái đẹp, ông đâm ra ngán nhìn vợ. Trước khi lấy được học vị tiến sĩ, ông chỉ là một thầy giáo nghèo với đàn con nheo nhóc. May nhờ vợ ông là người tháo vát, giỏi giang. Bà nghỉ dạy, ngày ngồi chợ bán hàng, tối may quần áo thuê, tạo điều kiện cho ông học hành. Trước sự hy sinh hết mình của vợ, ông chỉ biết có mỗi việc học và dạy học. Thế rồi sau 20 năm vùi đầu vào đèn sách, ông muối tiếc cho thời trai trẻ của mình. Và thế là ông chấm ngay một cô sinh viên mà ông đang hướng dẫn để làm đề tài cao học, thay thế cho bà xã, khiến cho bà và các con đều té ngửa. (Báo Phụ nữ).
Sự kiện thứ hai là thèm tự do
Ở vào lứa tuổi trung niên, con cái đều đã khôn lớn và ra riêng. Người ta không còn bị ràng buộc vào một chương trình sinh hoạt cứng nhắc: giờ nào đưa con đến trường, giờ nào đón con về nhà, giờ nào đi chợ nấu ăn… và người ta muốn được thảnh thơi và tự do sống cho riêng mình. Hoặc là để làm những việc mà đã từng ước mơ, hoặc là để thư giãn, giải trí như lòng mình mong mỏi. Thế nhưng, đằng sau những ý đồ tốt đẹp ấy, cũng thấy loáng thoáng những nguy cơ đe doạ cho sự vững bền của hôn nhân.
Một vị thẩm phán tại Saigon, chuyên trị những vụ ly hôn của lứa tuổi trung niên cho biết như sau: Hơn 90% những đôi vợ chồng ly hôn ở tuổi này đều có gia đình ổn định, thành đạt và con cái trưởng thành. Họ đã phải trải qua nhiều khó khăn mới tạo dựng được sự nghiệp rạng rỡ và gia đình hạnh phúc. Nhưng khi đã đạt được những điều đó, họ lại lơ là chủ quan, quên không bồi đắp cho tình cảm vợ chồng. Trong khi đó, người đàn ông ở tuổi này lại có nhu cầu được sống cho mình sau bao nhiêu năm vất vả với sự nghiệp và gia đình. Vì vậy, nếu vợ chồng không hiểu nhau, không kịp thời điểu chỉnh và nhắc nhở, sẽ dễ dẫn đến tình trạng hưởng thụ sa đà. Người trong cuộc không nghĩ sự hưởng thụ của mình sẽ gây ảnh hưởng tới gia đình, nhưng khi bị cuốn vào những cuộc vui, họ dần dần mất kiểm soát và sẽ phạm sai lầm. Khi đó vợ con không chấp nhận, xảy ra mâu thuẫn, rồi chia tay là điều khó tránh.
Hai vợ chồng nhà kia, đều là những người có địa vị và danh tiếng trong xã hội. Thời cực khổ, cả hai cùng chung lưng đấu cật, để các con có được một cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Hai người con đầu của họ giành được học bổng du học ở Mỹ, còn cô con út cũng du học tự túc theo hai anh. Các con đi rồi, trong anh bỗng trổi lên khát khao được tự do. Anh chia sẻ: Lúc nhỏ, tôi phải giữ em để ba mẹ đi làm, không được đi chơi. Lớn lên vào đại học, chỉ biết miệt mài với sách vở, ăn ngủ có giờ nên cũng rất gò bó. Đến lúc cưới vợ, sinh con thì phải lo cho gia đình nên tư do cá nhân đúng nghĩa đối với tôi là điều rất xa xỉ. Vì vậy, khi các con đi xa, không còn phải đưa đón, nên hết giờ làm việc là anh ra quán lai ra cùng đồng nghiệp. Thời gian về nhà của anh cứ trễ dần: 7 giờ, 10 giờ và có khi đến tận 3 giờ sáng. Thứ bảy và Chúa nhật, anh không đi đám giỗ hay tân gia, thì cũng cà phê cà pháo với bè bạn. Bị choáng trước sự thay đổi đột ngột của chồng, ngày nào chị cũng đón anh bằng những trận trách móc. Thế là cãi nhau, chiến tranh lạnh cũng nhiều mà chiến tranh nóng cũng lắm… Vậy để vượt qua sự khủng hoảng này, chúng ta cần phải làm gì?
Trước hết chúng ta cần xác tín rằng: khủng hoảng, bất hoà, cãi cọ trong gia đình là chuyện thường ngày ở huyện và tự bản chất nó không phải là dấu hiệu xấu, bởi vì những trở ngại vốn dĩ đã là một phần của cuộc sống và là những biểu lộ qua đó con người thể hiện được ý chí tự do của mình. Nếu vợ chồng sợ đụng chạm, sợ tranh luận, sợ bất cứ một sự bất đồng nào trong gia đình, thì rất có thể đó là dấu chỉ họ chưa thực sự yêu thương nhau. Phải coi những va chạm với nhau là điều không thể tránh khỏi trong đời sống vợ chồng: bát đũa còn có khi xô đẩy huống nữa là vợ chồng với nhau. Thậm chí có người còn cho rằng: Cứ sau 7 năm, hay cùng lắm là sau 10 năm chung sống với nhau, thế nào vợ chồng cũng gặp khủng hoảng.
Tiếp đến là dù có bất đồng, bất hoà thì cũng đừng bao giờ to tiếng hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Sự to tiếng và đấm đá là dấu chỉ của việc thiếu tôn trọng và yêu thương. Người ta không thể nói sự thật như ném đá vào mặt người khác. Sự thật giống như ánh sáng, chỉ có thể thuyết phục bằng cách đi xuyên qua nhè nhẹ mà thôi. Bởi vì:
Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
Hay như một câu danh ngôn: Người ta có thể bắt được nhiều ruồi chỉ bằng một giọt mật, hơn là dùng cả một thùng dấm chua.
Thay vì to tiếng và sử dụng bạo lực, chúng ta hãy biết lắng nghe. Thực vậy, biết lắng nghe là biết khiêm tốn, biết tôn trọng người khác và nhất là biết thật sự yêu thương người bạn của mình. Lắng nghe là cả một nghệ thuật giúp chúng ta có thể trả lời cho sự thật và tránh quan trọng hoá vấn đề hoặc xoá bỏ được những nguyên nhân đưa tới bất hoà.
Sau cùng, là con nhà có đạo, con nhà hai phần, chúng ta còn phải cậy dựa vào ơn Chúa với một đời sống đức tin vững mạnh. Vì đối với Chúa, không gì là không có thể. Có một đời sống đức tin vững mạnh, nghĩa là có lòng tốt, có sự thành thật, có tinh thần hy sinh và nhất là biết tha thứ. Bằng một đời sống như vậy, vợ chồng mới có thể giải quyết êm thắm những bất đồng với nhau, bởi vì chỉ nơi Thiên Chúa, chúng ta mới thực sự tìm thấy lời giải đáp cho những vấn đề xem ra bị bế tắc và không còn lối thoát.
Để kết luận, gã xin đưa ra một vài hình ảnh để bàn dân thiên hạ cùng suy gẫm:
* Tình yêu vợ chồng là như cây nho, càng đâm rễ sâu trong vùng đất có nhiều sỏi đá, thì càng sản xuất được nhiều rượu ngon. Tình yêu vợ chồng là như một thân cây mà rễ của nó có đâm sâu dưới đất đá, thì mới đứng vững được trước những sóng gió và giông bão của cuộc đời. Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được khám phá và lớn lên qua những thử thách và khó khăn trong cuộc sống.
* Đời sống vợ chồng là như một bản nhạc. Hát cho đúng từng nốt không phải là chuyện dễ. Người thì không có tai để nghe cho chính xác, kẻ thì không có giọng hát đúng tiêu chuẩn. Có những chị vợ đánh giá sai về quyền lợi của mình, nhưng cũng không thiếu những anh chồng chẳng biết đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của vợ. Nhiều chị vợ có khuynh hướng phiền muộn, lo lắng hoặc gây hấn, khiến anh chồng chỉ biết đáp trả bằng những lời lẽ cộc cằn thô thiển, thậm chí bằng những cử chỉ bạo lực. Cả hai, chồng cũng như vợ, đều tỏ ra là những người chưa trưởng thành và chưa đóng trọn vai trò phối ngẫu của mình.
* Và sau cùng là hình ảnh Socrate. Ông là một triết gia sống vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên, đồng thời cũng là một kẻ bất hạnh vì phải chung sống với một bà vợ khó tính, thuộc vào hàng sư tử Hà đông. Sau những kinh nghiệm đắng cay, ông đã phát biểu như sau: “Nếu có được một người vợ hiền, bạn sẽ được hạnh phúc. Còn nếu chẳng may gặp phải một người vợ không ra gì, bạn sẽ trở thành một triết gia hữu ích cho mọi người.”
Một triết gia khác cũng đã nói với các sinh viên trong ngày ra trường như thế này: “Tôi cầu chúc cho các bạn có được một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Các bạn hãy để sẵn một cuốn sách trong tầm tay của mình. Mỗi khi gặp chuyện bất hoà hay cãi cọ, các bạn lập tức cầm lấy cuốn sách ấy và đọc ngay. Tôi tin các bạn sẽ mau chóng gia tăng kho tàng kiến thức của mình.”
Ăn theo vào đó, gã xin cầu chúc bàn dân thiên hạ có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, bằng không thì cũng sẽ trở thành những triết gia hữu ích cho đời, hay ít nữa là sẽ tích luỹ cho mình nhiều kiến thức tuyệt vời.


Gã Siêu
Theo Chuyện phiếm của Gã Siêu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét