“Tâm vô phân biệt”

“Tâm vô phân biệt” là đặc tính siêu việt của đạo Phật, cũng còn gọi là “tâm bình đẳng” của chánh đẳng chánh giác, chỉ có nơi các vị đã giác ngộ hoàn toàn. Vô phân biệt không có nghĩa như những kẻ ngu si không biết hay dở, tốt xấu, mà là nhìn xuyên thấu qua được những khác biệt bề ngoài của hình thức để thấy được bản chất bên trong đồng đều của vạn pháp. Nam hay nữ, trắng hay đen, thực vật hay động vật, tất cả đều được cấu tạo từ bản chất của thiên nhiên vũ trụ, đều sinh ra từ tứ đại rồi lại trở về với tứ đại qua một quá trình “thành, trụ, hoại không” như nhau. Với cái nhìn từ bản chất đó, sự phân biệt giữa cao và thấp, mê và ngộ, sanh và tử v.v.. cũng bị xóa mờ, để chỉ thấy những biểu hiện muôn mặt của Không và Sắc từ một nền tảng Chân Không Diệu Hữu bao la.
Con người sinh ra luôn luôn chạy đuổi theo hạnh phúc bằng đủ mọi cách, có khi bằng tiền tài danh vọng, bằng sự chiếm hữu vật chất hay tinh thần, bằng những tình thương yêu chân thật hay giả dối, và cao hơn nữa là bằng sự tu tập tâm linh. Phải chăng vì từ đáy tâm hồn người ta luôn luôn có một khoảng trống bất an nào đó khởi nguồn từ một ngộ nhận về con người của mình như một cá thể cô đơn và độc lập khác biệt với tất cả, cho nên phải luôn luôn tìm cách bảo vệ, che chở cho con người riêng biệt ấy?
Từ mười mấy năm nay, tôi thường đi dự những ngày tu học mỗi tháng với các nhóm Thiền. Tôi gọi đó là “một ngày đi tìm hạnh phúc”, một thứ hạnh phúc bình an cho tâm hồn. Nhưng hạnh phúc bình an trong những giây phút đó cũng vẫn mong manh và sẵn sàng tan đi khi phải đối diện với những hoàn cảnh sống thực của đường đời vạn nẻo. Dù là hạnh phúc gì đi nữa, nếu còn phải tìm kiếm, còn phải cố tạo ra thì cũng vẫn chợt nổi chợt tan như bong bóng nước. Nếu đặt mục đích chính trong sự tu là đi tìm sự an lạc thì đó cũng vẫn là đuổi theo vọng tưởng. Vì ở dưới đáy tâm hồn, khoảng trống bất an vẫn còn đó, sự sợ hãi đau khổ muốn bảo vệ con người riêng biệt của mình vẫn còn đó. Tu là để giác ngộ chân lý, để thấy được bản chất của mọi hiện tượng mà được tự tại, giải thoát. Lúc ấy không còn phải tìm kiếm an lạc, cũng không cần phải né tránh khổ đau , vì khoảng trống bất an của cái ngã huyễn vọng đã biến thành khoảng Không trong sáng thanh tịnh của tâm nguyên thủy. An lạc thật sự chỉ có khi không còn sợ hãi đau khổ, khi thấy đau khổ và hạnh phúc đều không khác trong bản chất vô thường của chúng. Nói cách khác, khi không còn phải chạy đuổi tìm an lạc hạnh phúc, tự đó đã là an lạc hạnh phúc rồi. Ðó cũng là cái Dũng có được do tâm bình đẳng, tâm vô phân biệt, xem nghịch cảnh hay thuận cảnh đều như nhau. Dù là cơn mưa phùn của hạnh phúc, hay cơn mưa bão của đau khổ, những giọt nước mưa đó cũng không làm thấm ướt được lớp áo của người có cái Dũng đó.
Sinh lão bệnh tử vẫn còn đó, nhưng trong những khoảnh khắc của cuộc đời, hạnh phúc đến trọn vẹn với những gì thật nhỏ nhoi trước mắt.

Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.

(Tô Thùy Yên)

Trích: Mưa không ướt áo
Tác giả: Ngọc bảo


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét