“Sắc thân ngày nay được tạo nên do nghiệp quả của những hành động từ những đời trước đến nay. Trong sự kết hợp mới của ngũ uẩn, một bản ngã khác được tạo nên, và sự sống sẽ tiếp diễn như vậy, nhưng những quả mà người ấy đã gieo sẽ đi theo như bóng với hình, không bao giờ rời xa được. Dù có trở thành một người khác, đã gieo nhân tất phải hái quả. Ngay trong kiếp này cũng vậy, ví dụ như có một người đàn ông đang phải sống lang thang, nghèo khổ trong sự khốn cùng, đó là vì thuở nhỏ người ấy lười biếng, ham chơi, lớn lên lại không chịu học một nghề để kiếm sống. Tuy người đàn ông ngày nay không phải là đứa trẻ của ngày xưa nữa, nhưng sự khốn khổ của hắn hiện nay chắc chắn là hậu quả từ những hành động khi còn thiếu niên. Hãy biết rằng: “Dù có lên trời hay xuống biển, dù có vào tới sơn cùng thủy tận để lẩn trốn, thì vẫn không tránh thoát được quả báo của những nghiệp ác đã tạo. Ðồng thời, phước báo của những việc thiện chắc chắn sẽ đến với chúng ta. Một người đã đi xa lâu ngày và trở về bình an sẽ được gia đình, bạn bè quyến thuộc vui vẻ đón mừng. Cũng vậy, thành quả tốt lành của những việc thiện sẽ đón chờ chúng ta, dù trong kiếp này hay kiếp sau.”
Cũng trong kinh Pháp Cú, Phật đã dạy như sau:
“Việc ác thường dễ làm nhưng chẳng có lợi gì cho ta, ngược lại việc thiện có lợi cho ta lại rất khó làm. Ác nghiệp do chính mình tạo ra, chính mình sinh ra. Ác nghiệp làm hại kẻ ngu dễ dàng như kim cương phá hoại bảo thạch vậy.
Khi ác nghiệp chưa thành quả, kẻ ác cho là vui, đến khi quả thành thục rồi, mới thấy đau khổ. Khi nghiệp lành chưa thành quả, người lành tưởng là khổ, nhưng đến khi quả lành thành rồi, sẽ được an vui.
Hãy tránh xa điều ác như người đi buôn một mình mang nhiều của báu tránh xa con đường nguy hiểm, như người tham sống tránh xa thuốc độc. Bàn tay không thương tích có thể nắm thuốc độc mà không bị nhiễm độc, cũng vậy người không làm ác sẽ không bao giờ bị ác.
Muốn khuyên người khác sửa đổi, trước hết hãy sửa mình rồi sau mới sửa người được, vì tự sửa mình vẫn là điều khó nhất.
Làm dữ bởi ta mà nhiễm ô cũng bởi ta, làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta. Tịnh hay bất tịnh đều bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được.”
Trong thế giới ngày nay, những cám dỗ vật chất tràn đầy, kích thích lòng tham, sân, si đến cao độ, con người rất dễ tạo nghiệp ác, ác lại chiêu thêm ác, khiến nghiệp quả trùng trùng, làm cho tâm thần bất an, phiền não vô tận. Ðức Phật là người có trí tuệ thấu suốt, thấy hết được mọi nhân phiền não, nên đã chỉ cho chúng sanh phương cách để tự bảo hộ mình khỏi những con đường đen tối lầm lạc. Người Phật tử khi quy y Phật, Pháp, Tăng đều tự nguyện sẽ thọ trì ngũ giới, đó chính là phương cách để tự bảo vệ mình khỏi lưới ác nghiệt của quả báo. Ngũ giới đó là:
- Không sát hại
- Không trộm cắp.
- Không tà dâm.
- Không nói dối hay lừa đảo.
- Không uống rượu hay dùng những thứ ma túy kích thích làm mê mờ trí tuệ.
Ngũ giới nghe như có vẻ đơn giản, nhưng giữ được đúng như vậy không phải là chuyện dễ dàng. Khi xưa đại thi sĩ Bạch Cư Di nghe tiếng thiền sư Ô Sào là người giác ngộ, bèn đến tham vấn Phật Pháp. Thấy ngài ngồi trên cây, Bạch thi sĩ hỏi rằng:
“Thế nào là căn bản của đạo Phật?”
Thiền sư trả lời như trong kinh Pháp Cú:
“Chớ làm điều ác
Năng làm việc lành
Giữ tâm thanh tịnh
Ðó là lời Phật dạy.”
Bạch có vẻ coi thường, nói rằng:
“Ðiều đó thì đứa trẻ lên tám tuổi cũng biết rồi!”
Thiền sư bảo:
“Ðứa trẻ lên tám cũng biết, nhưng ông già tám mươi còn chưa làm được!"
Xem như thế, chúng sanh phần nhiều “biết tội mà vẫn phạm tội” như thường. Ðó là bởi vì bị lôi cuốn theo dục vọng, nên tạo nhân ác mà không biết sợ, chỉ khi quả đến rồi mới thấy đau khổ, có hối hận cũng đã muộn, như câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả”. Chúng sanh thì như vậy, còn Bồ Tát biết rõ những hành động nào sẽ tạo nên nhân xấu nên tránh xa không làm, do đó chẳng bao giờ thọ lãnh quả khổ.
Ðể cảnh cáo chúng sanh trước những quả khổ do phạm giới, Ðức Phật đã nói như sau trong kinh A Hàm:
“Phàm người phạm giới thời có năm điều suy hao. Năm điều ấy là gì?
Cầu tài lợi không được toại nguyện.
Dẫu có được tài lợi, ngày mỗi hao mòn.
Bất cứ đến đâu cũng không được mọi người kính nể.
Tiếng xấu đồn khắp thiên hạ.
Thân hoại mệnh chung sa vào địa ngục.
Trái lại, phàm người giữ giới sẽ có năm công đức. Công đức ấy là gì?
Cầu gì đều được như nguyện.
Tài sản đã có thì thêm mãi không hao sút.
Ở đâu cũng được mọi người kính mến.
Tiếng tốt đồn khắp thiên hạ.
Thân hoại mệnh chung được sanh lên cõi trời.
Chúng sanh vì tạo nghiệp nhiều nên khổ nhiều hơn vui, nhưng khi biết mình đã tạo nghiệp ác mà sám hối phản tỉnh, tu sửa tâm thân, thì tự người ấy sẽ tạo nên lợi lạc không chỉ cho mình mà còn cho cả thế giới chung quanh. Như trong kinh Pháp Cú nói:
“Người nào trước buông lung sau lại tinh tấn, người nào trước làm ác sau lại làm lành, người đó là ánh sáng chiếu cõi thế gian như vừng trăng ra khỏi mây mù.”
Khi đã biết tu, đã có chánh kiến mà thấy rõ lý nhân quả, thì dù quả xấu có đến cũng có thể đón nhận trong một tinh thần an định. Ngay các vị tu hành đến bậc cao tăng giác ngộ, có đầy đủ phước trí cũng còn phải trả nốt những nghiệp đã gây ra trong quá khứ, nhưng thái độ của các ngài thật là an nhiên tự tại, trước nghịch cảnh tâm vẫn như như bất động, đó chính là các ngài đã “ở trong sinh tử mà lìa được sinh tử, ở trong nghiệp mà lìa được nghiệp”. Ðó cũng là sự giải thoát thiết thực nhất mà những người vẫn còn trong phiền não vô minh như chúng ta phải nỗ lực để tự tu, tự chứng vậy.
Ngọc Bảo
Theo: ngocbao.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét