Khi ta có khái niệm về Bụt, ta cũng có khái niệm về cái đối lập với Bụt, tức là Ma. Chúng ta thấy Bụt và Ma là hai kẻ thù. Trên sự thật, Bụt làm ra Ma và Ma làm ra Bụt. Chân lý của thực tại vượt thoát ý niệm Bụt và Ma.
Trong kinh có câu “Niết bàn sinh tử thị không hoa”. Cả hai đều là hoa đốm giữa hư không, là những ý niệm mà chúng ta có ở trong đầu. Khi quý vị tập một vở kịch cho các em trong Gia Đình Phật Tử, nếu muốn đưa Bụt ra, thì phải đưa Ma ra để làm nổi bật Bụt. Bụt cũng cần Ma để hiện hữu. Khi muốn đưa ra một vị anh hùng, ta cũng cần phải đưa ra một tên gian manh để vị anh hùng đó nổi bật. Sở dĩ anh hùng, đó là anh hùng đối với tên trộm cắp, sở dĩ là trộm cắp đó là tên trộm cắp đối với anh hùng. Sở dĩ là ngày, vì cái đó đối với đêm, sở dĩ là đêm vì cái đó đối với ngày.
Kinh điển có khi diễn tả Đề Bà Đạt Đa đã tạo rất nhiều khó khăn cho Bụt trong khi Ngài còn tại thế. Có kinh điển lại nói Đề Bà Đạt Đa là phương tiện để nêu rõ những đức tánh quảng đại, quang minh của Bụt. Bóng tối rất cần để người ta biết bóng tối là cái gì. Bụt có vai trò của Bụt. Ma có vai trò của Ma. Hai bên cần nhau. Tôi có viết một câu chuyện để nói về chân lý khó chấp nhận đó:
“Có một hôm đang đứng gác cho Bụt ngồi thiền trong động đá, đức A Nan thấy Ma vương lững thững đi tới. A Nan đâu có thích gặp Ma, thầy chỉ muốn gặp Bụt thôi. Ông núp sau cội cây, hy vọng Ma đi lạc đường cho khỏe, chớ nếu nó quấy nhiễu Bụt thì vô ích quá. Nhưng không biết tại sao Ma vương Ba Tuần khôn quá, nó nhắm đúng động của Bụt mà đi tới.
A Nan không thể tránh được nữa. Thầy ló mặt ra, nói: “Anh còn tới đây làm chi? Anh không mắc cỡ sao? Anh không nhớ ngày anh bị đức Thế Tôn đánh bại xiểng niểng dưới cội Bồ Đề sao? Mặt mũi nào mà tới đây nữa, anh đi đi cho rồi! Bụt không tiếp anh đâu, anh là kẻ thù của Bụt”.
Thầy A Nan nói một thôi dài như vậy, vì hồi ấy thầy còn yếu. Thiên Ma Ba Tuần cười ha hả: “Thiệt vậy hả? Bụt có nói rằng Ngài có kẻ thù hả?” A Nan lúc đó mới chột dạ: hình như thầy mình chưa bao giờ dạy mình như vậy. Kết quả, thầy nói: “Thôi anh đứng đây. Để tôi vô thông báo với Ngài”. Bụng A Nan rất buồn, vì nếu vô thông báo mà Bụt đồng ý tiếp Ma vương thì rầu lắm, nên vừa đi vô thầy vừa hy vọng Bụt sẽ bảo rằng: Ra nói với nó là ta không ở nhà, hoặc ta đang bận hội nghị. Nào dè, khi nghe báo, Bụt nói: “Vậy hả? Thiên Ma Ba Tuần ngoài đó hả? Hay quá! Vui quá!” Và Bụt đứng dậy, đi ra ngoài, tự thân đón tiếp Ma vương.
Thầy A Nan buồn lắm, đi lò dò sau Bụt, thấy Bụt chấp tay chào Ma vương (“sen búp xin tặng người, một vị Bụt tương lai”), rồi cầm tay Ma vương hỏi “Sao, lâu nay anh mạnh giỏi không? Công việc như thế nào, làm ăn ra sao?” A Nan thiệt là buồn, thầy không ngờ đức Thế Tôn lại ưu ái đối với Ma vương như vậy. Bụt kéo Ma vương vào động, phân ngôi chủ khách, mời ngồi đàng hoàng, rồi quay lại bảo thầy A Nan đi pha trà.
Thầy A Nan rầu lắm. Pha trà cho đức Bổn sư một ngày ba bốn chục lượt thầy cũng vui, nhưng pha trà cho Ma vương uống thì không vui tí nào. Song thầy mình đã dạy thì mình không thể không vâng lời. Trong khi đợi nước reo, A Nan lắng nghe để biết Bụt nói gì với Ma vương. Bụt lặp lại: “Sao? Hồi nãy tôi hỏi nhưng chưa nghe anh trả lời. Anh làm ăn khá không? Anh mạnh khoẻ không?”. Ma vương mới đáp: “Rầu lắm anh ơi, tôi chán làm Ma vương quá rồi! Bây giờ tôi muốn làm một cái khác”.
Bụt hỏi tại sao chán. Ma vương nói: “Anh được mặc áo cà sa, tôi chỉ được mặc áo giấy. Đi với anh ai cũng vui vẻ cười nói hết, còn đi với tôi toàn là bọn ma quỷ mặc áo giấy, nếu nói thì nói ra toàn những câu lắc léo trục trặc khó hiểu. Khi thở, họ thở ra toàn những khói nghi ngờ. Rồi bây giờ bọn lâu la của tôi lại bắt đầu nói những chuyện nào là trí tuệ, giải thoát, nào là công bằng xã hội, nào là Thiền, Tịnh, đạo pháp, dân tộc … đủ thứ hết. Nên tôi chán ngấy, muốn đem tất cả đệ tử của tôi giao hết cho anh. Bây giờ, tôi không muốn làm Ma vương nữa, tôi muốn anh cho tôi làm một cái khác”.
Thầy A Nan run quá. Nếu Bụt chấp nhận vai trò Ma vương, để Ma vương chấp nhận vai trò Bụt, thì đời mình coi như là tiêu ma. Bụt nhìn Ma vương rồi trang trọng nói: “Bộ anh nghĩ mình làm Bụt sướng lắm sao? Anh có biết mỗi ngày họ dán lên lưng tôi biết bao nhiêu nhãn hiệu không? Anh có biết là người ta đã đặt vào miệng tôi những câu nói không thể nào tưởng tượng được và bảo đó là do đức Thế Tôn thuyết hay không? Anh có biết là người ta làm một cái nhà thật lớn, đặt tượng của tôi lên để thu nhận nào chuối, nào xôi, nào ổi, nào xoài không? Có khi họ còn làm một cái kiệu để tượng tôi lên đó, đoạn khiêng tôi đi ngất nga ngất ngưỡng như người say rượu từ phố này sang phố khác. Nhân danh tôi, họ làm những chuyện rầu lắm, nào hội trưởng, phó hội trưởng, ra ứng cử bên này, ra ứng cử bên kia, không chịu tu học gì hết. Tôi nghĩ là anh nên làm bổn phận của anh cho đàng hoàng. Đó là tốt nhất. Mỗi người có một phận sự đặc biệt và phải làm với tất cả lương tâm của mình”.
Nói xong, Bụt đọc lại bài kệ tóm tắt nghĩa lý Ngài đã nói. Lúc đó nước bắt đầu sôi.
Câu chuyện đó, tôi viết để làm bài tựa cho một cuốn sách của một vị linh mục dòng Tên, xuất bản bên Mỹ, tựa là The Book of Psalams. Linh mục Daniel Berrigan là một người từng tranh đấu rất nhiều cho công bằng xã hội, cho hoà bình. Tôi nghĩ rằng hay hơn hết là mình nên để độc giả bên đó biết được một chút giáo lý bất nhị của đạo Bụt, để họ biết rằng khi nào mình còn chia hai phe chánh tà, thì thế giới vẫn còn loạn lạc, đau khổ. Ở các nhà thờ Tây phương, người ta thường gây cảm tưởng rằng chúng ta là dân của Thượng đế, rằng tất cả chúng ta đều làm đúng hết. Còn kẻ thù của chúng ta ở bên Nga, bên Tàu, bên những nước không thân thiện với chúng ta, họ đều là tà ma hết. Chia ra như vậy để chúng ta rất sung sướng được đứng về phe chánh và những người kia không đứng về phe chúng ta, tức đang đứng về phe tà ma.
Quan niệm này có thể gây chiến tranh, gây sự kỳ thị trên thế giới lâu nay. Trong những phim làm cho con nít Tây phương, vai bên phía chánh có nét mặt rất Tây phương, và nhiều khi nét mặt của những người bên phe tà lại có vẻ Á Đông. Đó là một hiểm hoạ kỳ thị rất lớn mà ta phải suy xét.
Cơ Đốc Giáo hiện đang được thực tập tại các nước Tây phương là một thứ Cơ Đốc Giáo đã bị Tây phương hoá rất nhiều, theo kiểu suy nghĩ Tây phương. Nếu chúng ta không khéo thì Phật giáo cũng sẽ được nhận thức qua lối suy tư của người Tây phương, rồi Phật giáo cũng sẽ biến hình, méo mó. Chúng ta phải thực tập Tâm Kinh Bát Nhã thật kỹ lưỡng để vượt thoát khuynh hướng lưỡng nguyên của tư tưởng Tây phương.
Nguyên tắc của chúng ta là nguyên tắc bất nhị (không phải là hai). Hôm trước chúng ta đã học phương pháp đối trị với thân và tâm. Thân và tâm của chúng ta là một, chứ không phải là hai. Những cảm thọ như giận, hờn, buồn, chán v.v… không phải là tà ma mà chính là chúng ta. Chúng ta phải đối trị những cảm thọ đó với tất cả sự ưu ái và với thái độ bất bạo động, ta mới có thể đạt tới sự an lạc.
http://langmai.org/…/vien-…/giang-kinh/kinh-tinh-yeu-bat-nha
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét