Bình hoa không hẳn phải làm bằng đất nung hoặc gốm sứ, mà trước nay cũng rất phổ biến những bình bằng gỗ khảm ốc hay vẽ sơn mài – loại này thì không thể chứa nước lâu. Cũng có loại bình bằng đồng hoặc đồng thau, cổ cao vút như hạc hoặc bè ra như cái vại – những bình này thường dùng để trang trí nơi thờ tự.
Kích thước có thể nhỏ xíu cho tới…khổng lồ nhét cả người vào lọt, loại to khủng ấy cũng không để chưng hoa cảnh gì cả. Loại bé tí thường được làm bằng các loại đá quý (cẩm thạch, mã não) hoặc chất liệu giả đá nhìn đẹp như ngọc hoặc trong xanh mờ như nước. Có loại bình gốm được bọc viền bằng kim loại (đồng hoặc vàng non) với ngụ ý “Thổ sanh Kim”. Tuy gọi là “bình” nhưng chúng cũng có đủ loại hình dáng, từ thon dài thẳng thướm cho tới ỏng ẹo ngả nghiêng, có loại vát nhọn mà cũng có kiểu bè xuống,…Vì có đủ chất liệu và hình dáng nên công dụng của bình không đơn giãn tí nào. Bình hoa có thể là Mộc hoặc Kim theo chất liệu, có thể là Hỏa hay Thủy theo hình dáng, có thể là tĩnh (dạng bình củ tỏi cổ thon) hoặc cũng có thể là động như kiểu bình miệng rộng.
Tại sao lại là cái Bình? Vì chữ “bình” có ý nghĩa tốt đẹp: “bình” là bằng phẳng, yên lặng, suông đẹp và vững bền. Tặng nhau cặp bình cũng như chúc nhau câu Bình An và Hòa Bình, chúc cho trong nhà không có sóng gió, mọi chuyện êm xuôi tốt đẹp. Ở những nơi Thiền phòng hoặc phòng thờ, bình hoa cũng mang ý nghĩa cầu được tâm bình lặng, sáng suốt. Có người mang hoa vào chùa cúng để cầu sắc đẹp, nhưng hoa nào cũng phải cắm vào bình cả, ngụ ý Âm Dương ở đây rất rõ: được tâm bình thì mới có nét đẹp bề ngoài. Hoa thì mỗi ngày phải thay, nhưng bình thì còn mãi – đã là “bình” thì phải ổn chứ!
Nhiều người bảo rằng chưng bình thì phải có nước, nếu không thì “tình duyên không tốt”. Lý giải thế nào thì các Cụ cứ ấm ớ. Thế sao không nói huỵch toẹt ra rằng cái bình nó tượng trưng cho Âm, cho cái “sinh thực khí” của người phụ nữ trong nhà. Cái bình mà trống hoác chả có gì cắm vào thì hóa ra là “cửa nhà bỏ hoang” ư? Bình mà “thiếu nước” thì “chuyện ấy” cũng chả xuông sẻ gì, nhưng có nước mà thiếu hoa đẹp cắm vào thì thành ra ao tù nước đọng, sinh ra hôi thúi và đầy…ấu trùng muỗi. Ông chủ mà cứ để bình nhà hoang lạnh như thế thì há chẳng phải dở lắm sao, chuyện tình duyên trong nhà lục đục, ông ăn chả bà ăn nem là lẽ đương nhiên. Theo Phong Thủy thì để bình không phạm vào cung Tình Duyên thì mới có hại, nhưng theo ý tôi thì để nơi nào cũng có hại cả. Có cái bình đẹp thì cứ mua nhiều hoa mà “cắm” vào, sáng cắm chiều cắm thì bảo đảm ngôi nhà sẽ đầy Sinh Khí ngay ấy mà…
Về mặt Ngũ Hành và các quy luật vận hành của nó thì không ai có thể bảo rằng “mê tín dị đoan”. Thổ sinh Kim, chứa Thủy, dưỡng Mộc và làm dịu sự bùng phát của Hỏa. Nhiều gia đình chỉ chăm chú cầu Tài (tiền, kim = vàng) nên chưng một cái bình hoa bọc đồng rất đẹp giữa phòng khách, để rồi vẫn không thấy tiền tới thăm nhà. Đó là vì chủ nhà hiểu phong thủy theo một cách quá đơn giãn và…dân gian. Vòng Ngũ Hành tương sinh tương khắc sẽ không quay nếu thiếu quy luật vận động Âm giáng Dương thăng. Nếu không có gì tác động thì Thổ không thể sinh ra Kim, đất không thể lên giá và hóa ra vàng 9999 được đâu.
Phong Thủy là một nghệ thuật sống thuận theo các quy luật của Tự Nhiên, chưa nói gì tới các mục đích cao xa hơn, nếu không thuận thì không thể vững bền. Vào nhà một người, chưa cần biết các phương vị, không cần hỏi tuổi hay mục đích trưng bày, chỉ cần nhìn thoáng qua là biết có Sinh Khí hay không rồi. Đất nước gió lữa đều có quy luật vận động của nó, và cũng không nằm ngoài Âm Dương. Muốn nó “nhả” năng lượng thì ta phải “sạc” trước, đưa Âm lên cao và đè Dương xuống thấp, để từ đó mới sinh ra sự vận động. Chưng bình hoa đúng phương vị nhưng chưa chắc đã đúng “cách”: bình gốm thuộc Thổ, mang tính Âm thì phải đặt cao – trên cái đôn thì mới ở vị trí có năng lượng (thế năng). Nước luôn chảy xuống thấp, thì nước muốn mang sinh khí phải được đổ đầy bình, trong khi cây phải cắm thấp, theo chiều hướng lên cao, không được vút cao lên gần đụng trần nhà (hết có khả năng vươn thêm được nữa). Bình hoa mà ở nơi tăm tối thiếu ánh sáng (hỏa, Dương khí) thì khó lòng có hành Thổ vượng - để từ đó mới có thể sinh Kim. Nếu chưng hoa lá mà không thấy chuyển động là thiếu Gió, trường hợp không thể thông gió tự nhiên (vì ồn) thì cũng nên có 1 cái quạt trần loại nhỏ, khấy động và quạt khí nóng trên trần xuống sàn. Hơn nữa, Hỏa là thứ không thể thiếu, vì nó là năng lượng Dương mạnh nhất, nếu không có ánh nắng chiếu trực tiếp xuống sàn nhà thì nên có đèn lửa thật. Thói quen chưng lên tủ cao kiểu thờ cúng thì lại hóa ra dở về mặt vận hành năng lượng. Các bộ đèn phải nên ở vị trí thấp gần sàn nhà, ngày nay đã có những loại dầu thơm thắp đèn chứ không còn xài dầu hỏa “hôi” như trước, các bộ đèn với ngọn lữa thật sẽ có giá trị cho Phong Thủy hơn là đèn ảo hay đèn điện. Không nên dùng chân đèn bằng kim loại (vì Hỏa Kim tương khắc), xài đèn sứ tốt nhất (Hỏa sinh Thổ). Trong Dịch lý, quẻ Âm trên Dương dưới mới được gọi là Sinh, từ đó mới có vận động. Âm Dương tuần hoàn thì Ngũ Hành mới sinh trưởng được.
Về khía cạnh mỹ thuật mà nói thì, trong phòng khách nên có hoa. Nếu không phải hoa thật thì hoa vẽ cũng được. Vẽ tay cho nó có “thần” chứ in chụp hàng loạt thì cứ như là chưng hoa chết ấy. Trong phòng, chỉ nên có 1 điểm nhấn, là trọng tâm của phòng, vd là bàn khách giữa bộ Salon. Hoặc chưng theo kiểu “đăng đối” để nhấn mạnh trục chính của căn phòng, kiểu này thường thấy ở những nơi trang trọng hoặc trong các ngày Lễ Tết. Nhiều hơn 2 là thừa rồi, bắt đầu xé loãng sự chú ý của khách, hoặc là gia chủ có ý chia nhỏ không gian chính phụ theo mục đích rõ ràng. Vd phòng khách lớn có đàn Piano thì nên trang trí riêng cho vị trí ấy một bình hoa. Một góc nhỏ chưng bày ảnh lưu niệm thì cũng nên có hoa để làm sống động hơn. Thật ra, chưng bình gì, hoa gì, màu gì, chưng thế nào,…là cả một sự tinh tế chăm chút, người có khiếu thẩm mỹ nhìn vào sẽ nhận ra cái khéo léo của chủ nhà.
Đôi khi bất ngờ tạt sang nhà người quen, không cần phải là khách quý, bạn có thể nhìn qua phòng khách mà đánh giá ngay rằng gia đình này có hạnh phúc hay là bất ổn. Hình thức sang trọng mắc tiền của đồ dùng nội thất không nói lên được cuộc sống “thật” trong gia đình. Ta không nên đánh giá vội nụ cười giòn tan của ông chủ, mà phải đánh giá sự hài lòng của “bà chủ” trong căn nhà ấy. Sáng sớm, bà chủ thay nước và cắm hoa tươi mới, lau chùi phòng khách sạch đẹp, bình hoa ở vị trí nắng ấm, bóng loáng,…dù không cần biết có khách nào tới thăm hay không. Đấy là gia đình hạnh phúc, không cần phải mê tín theo các quan niệm PT làm chi.
ST
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét