Củ ấu đen lạt lạt bùi bùi, cắn muốn mẻ răng nhưng nó là thứ quý giá của chị em tôi lúc đó. Thứ ấy Sài gòn không có mà bố tôi thì rất kỹ. Ông không cho gặm những thứ đen đúa mất vệ sinh. Song với dì thì ông chẳng bao giờ lên tiếng. Mỗi lần dì lên, ngoài việc được ăn những thứ linh tinh, tụi tôi còn không phải ngủ trưa. Thành mỗi lần tiễn dì về, tụi tôi cứ dặn tới dặn lui “Dì ơi! Nhớ lên mau mau, nhớ mua củ ấu cho con nữa nha”.Ngày cưới tôi, dì bác được mời trải giường cưới. Người ta tin rằng lũ trẻ sẽ hưởng được hơi hướm của những người đi trước khi mời họ làm việc đó. Lúc đầu mẹ tôi hơi do dự vì dì không có con. Song nhìn quanh nhìn quất thì chẳng ai được đủ tiền đủ bạc, lại hạnh phúc như dì và yêu vợ như bác. Không có con, bác vẫn chỉ có mình dì. Nhờ vậy, mẹ tôi gạt phăng nỗi lo, hy vọng con gái được chồng thương yêu và đủ tiền đủ bạc. Cũng phải, đời này có gì trọn vẹn mà đòi cho nhiều.
Không biết việc thừa hưởng hơi hướm ấy có bị quy luật nào chi phối nữa không? Chỉ biết dì không có con, còn tôi nếu không có niệm dừng nghỉ thì hai năm ba đứa cho đến ngày nhắm mắt cũng chưa ngừng.
Vừa đi chợ về thì điện thoại reo...
Xa xăm đâu đó, một giọng nói xa lạ vang lên:
- Chị ơi! Cô Nho bị xe đụng chết rồi.
- Hả, cái gì? Ai nói cái gì vậy?
- Em nói cô Nho chết rồi. Sáng nay trên đường lên Sài Gòn gần tới Vĩnh Long thì bị xe đụng chết rồi.
Bị chết vì xe đụng? Nhà tôi mà cũng có người bị chết vì xe đụng? Cái gì đó tưng tức trong ngực. Tôi không khóc mà thấy buồn cười. Tôi báo tin cho mọi người với ánh mắt buồn cười đó. Về đến Cần Thơ, ngồi bên cạnh quan tài rồi tôi mới bật khóc. Khóc đã đời và sung sướng. Không khóc, tôi sẽ chết mất.
Trên xe chỉ có mình dì chết. Ngồi đúng cái chỗ mà tôi dặn dì theo lập luận và sự tính toán của tôi. Cái chỗ bên phải, không ở hàng ghế dưới cùng, không ở hàng ghế trên cùng. Đó là chỗ mà nếu có tai nạn xảy ra thì xác suất tổn thương sẽ ít nhất. Vậy mà trong chuyến xe ấy chỉ có mình dì chết. Đầu bẹp gí một bên.
Tính gì được một khi nghiệp nhân đã có? Đủ duyên rồi thì nghiệp quả xảy ra. Mình chỉ có thể tính và làm được một điều. Đừng gây việc ác, cố giữ điều thiện và học cách bình thản với những được mất ở cuộc đời này.
Không làm việc ác tức không gieo nhân xấu. Không có nhân xấu thì dù đủ duyên bao nhiêu, mình cũng không phải gặt cái quả như hiện nay mình đang gặt từ những kiếp trước.
Giữ điều thiện, là để những nhân xấu mình lỡ tạo trong quá khứ không có cơ nẩy mầm, hoặc có nẩy mầm thì quả cũng ra èo uột. Họa nhỏ thì tiêu. Họa lớn giảm bớt. Cũng là để gieo nhân tốt cho tương lai.
Bình thản với những được mất ở thế gian là để có thể bình thản với những định nghiệp mà mình đã tạo trước đây. Định nghiệp là loại nghiệp mà dù có năng lực và phúc đức như Phật, mình vẫn phải trả. Dì tôi đó, không ai nghĩ dì sẽ chết bất đắc kỳ tử như thế. Hiền lành, đạo đức, không bao giờ bỏ giờ tụng niệm của mình hàng đêm. Ngày dì chết là khoảng ngày dì đang đi cúng dường rất nhiều nơi. Không ai nghĩ dì có thể chết như thế. Nhưng dì đã chết như thế đó. Quá khứ? Mình đã gây tạo những gì trong quá khứ? Không ai biết gì hết. Mình chỉ biết khi quả nó hiện ra.
Cái chết của dì khiến tôi ngẫm nghĩ nhiều hơn về hai từ “phước đức”. Ở đời, nó là thứ quyết định mọi thứ chứ không phải là sự tính toán. Suy nghĩ, tính toán chỉ là mớ vọng tưởng. Phước mà đầy đủ, tính sai cũng thành đúng. Họa đã tới rồi, tính đúng cũng thành sai. Chả trách người xưa nói “Thời thế tạo anh hùng”. Thời thế ấy chính là cái duyên đưa đẩy mình thành khôn ngoan, bản lảnh và thành công, cũng là cái duyên khiến mình thành ngu tối, suy bại. Duyên ấy là kết quả của cái nhân mình đã gieo trước đây. Nhân tốt thì sinh thời thế tốt. Nhân xấu thì sinh thời thế xấu. Thời thế tạo anh hùng là do anh hùng đã từng tạo thời thế.
Khoa học phát triển rất mạnh nhưng người chết vì tai họa và bệnh tật cũng tăng gấp bội. Bệnh này trị chưa xong lại lòi bệnh khác khó trị hơn. Mình có máy tính sóng thần, nhưng vùng có sóng thần mình lại chưa kịp trang bị. Mình tính vùng này xác suất xảy ra động đất rất ít nhưng nó đã xảy ra, tổn thất càng nặng. Cứ nhích đi một chút để tai họa và bệnh tật có thể xảy ra cho ngang với những gì khoa học đã ban phát.
Xe này đổ nguyên thùng container lên một xe khác. Đúng vào giờ đó, ngay đúng xe đó chứ không phải xe khác, không sớm một chút cũng không trễ một chút. Nó đụng nhau bên kia đường không chết, văng qua giải phân cách tới mình, mình chỏng cẳng giơ que. Đều bị sóng thần mà người lênh đênh trên đảo không sao, chết người trong bờ. Một đứa con nít không chết lại chết người có khả năng tự vệ cao hơn. Biết bao nhiêu điều để mình suy ngẫm. Nhưng mình ít khi tự hỏi về những điều đó.
Thứ quyết định cái nhích đi một chút hay trùng lấp một chút đó là hai từ phước đức. Phước, là những gì mình làm cho người khác. Đức, là do mình làm chủ những tham dục thuộc bản thân để không làm khổ người, khổ vật.Phước thường đi chung với đức nhưng có khi chỉ có phước mà chưa đủ đức. Ngày nay, con người làm phướckhá nhiều nhưng đức thì ít lắm. Do vậy, đời sống vật chất thật cao nhưng hung họa thì không thiếu.
Một lần tôi ghé vào một tiệm chạp-phô mua ít đồ dùng. Tôi lựa mua ít thịt hộp về cho bữa trưa của gia đình. Người đàn bà bên cạnh cứ liên tục hỏi chủ tiệm về đồ hộp Việt Nam. Tôi đưa cho bà hộp thịt nhà vẫn thường dùng, mác ngoại mà giá không hơn đồ nội bao nhiêu. Bà lắc đầu chỉ vì một lý do rất đơn giản:
- Ăn đồ Việt Nam để dân mình có việc làm. Dân họ giàu rồi. Hàng này thường là hàng nhập lậu. Ăn nó là tiếp tay cho một mớ người làm giàu trên xương máu người khác.
Lòng tốt của tôi bị đụng chạm. Tôi kháng cự:
- Một mình mình thì làm gì được với cái thế giới như hiện nay?
- Không cần biết. Tôi chỉ biết mình đã làm gì và không làm gì. Không góp tay vào những thứ tồi tàn đó là được.
Đúng là một con người lập dị! Nhưng những điều bà nói không khỏi khiến mình suy nghĩ.
Ai cũng hay đổ thừa cho hoàn cảnh nên đánh mất dần tính tự chủ của mình. Cái xấu của người này là cái nhân để kéo theo cái xấu của người khác. Thành tai họa của người này dính liền với tai họa của người khác. Mình chỉ cho khi tai họa đã tới với người chớ mình không biết cho đối với người chưa có tai họa.
Ở đâu có thiên tai, lũ lụt, nạn tai … mình đều san sẻ tiền bạc với sự thương cảm rất thật lòng, nhưng mình không biết bớt đi một chút ngon miệng để cuộc sống của người hạnh phúc hơn. Mình có thể mang một đôi giày trăm bạc nhưng lại chì chiết từng đồng với một người hàng rau. Mình gởi tặng rất nhiều nhưng lại bày trò gian dối hại người để có tiền gởi tặng. Mình cúng chùa không ít nhưng lại tranh giành bóp chẹt đồng lương của kẻ làm công. Thứ mình đưa ra ngang với tiếng chì tiếng bấc. Thứ người nhận được cũng ngang với nước mắt đã bỏ ra. Mình làm phước không phải vì thương người mà để nguôi ngoai phần nào nỗi bất an, để việc làm ăn của mình được trôi chảy dễ dàng, để cái tôi của mình được biết đến. Mình bán cái đức để mua cái phước chứ không phải là người có đủ cả đức lẫn phước.
Nhân duyên đưa đẩy, cái xấu của người này lại chính là cái duyên để dẫn đến cái xấu của người kia. Con người hiền lành bao nhiêu cũng dễ thành lanh lẹ thủ đoạn trong thời buổi khắc nghiệt. Cái tốt ẩn đi. Cái xấu phất cờ. Người đàn bà không biết giữ được tấm lòng cao cả ấy bao lâu khi ăn phải thịt hộp thối vài lần? Thứ này luôn liên quan mật thiết với thứ kia trong thế giới mà nhân duyên là quy luật chi phối tất cả.
Cái phước mình tạo thì mình nhận. Cái đức mình thiếu thì họa hoạn theo đó mà sanh. Họa hoạn sanh rồi, cái phước đã tạo không bù nổi cái đức đã thiếu. Nạn tai rồi, tiền bạc đổ vô không biết bao nhiêu cho đủ. Nhân quả cứ vậy mà nối tiếp xoay vần. Mình không thấy đầu mút phát sinh để mà ngăn chặn, chỉ tìm cách chữa cháy khi nó đã xảy ra. Chữa cháy trở thành bệnh lớn của người thời nay. Lá rách tới đâu đùm tới đó. Đùm đến khi nào hết được thì thôi.
Chữa cháy chớ không biết ngăn cháy nên việc cứ có để chữa cháy hoài. Nay lụt chỗ này, mai lỡ chỗ kia. Giúp cho cái cày chưa xong, thiên hạ mất quách con bò. Cứu trợ chưa xong, đã xuất hiện cảnh bán người qua biên giới. Có việc, ai cũng muốn đem tấm lòng để mà làm phước nhưng cái đức thường ngày thì bỏ mặc. Đức trở thành lập dị ở thế giới này.
Mọi người luôn nói “tài” phải đi đôi với “đức”. Nhưng dạy con trẻ thế nào để có “đức” thì không ai dạy. Ngay từ nhỏ không dạy, lớn lên nó hung hãn là chuyện bình thường. Bây giờ người ta ít dạy trẻ con “đói cũng phải giữ lấy lề” như các cụ ngày xưa. Bố mẹ không có thì giờ dạy con. Nếu dạy cũng chỉ lòng vòng trong mấy thứ sự nghiệp và tiền bạc. Bởi đồng tiền là tiên là Phật, là sức bật của lò xo… Có tiền tới đâu cũng được trọng vọng, cũng thành có hiếu, cũng thông mọi chuyện. Muốn học trường tốt việc đầu tiên là phải có tiền. Muốn nằm viện tốt cũng phải có tiền. Không thứ gì không tiền mà giải quyết được. Ngay cả trong môi trường pháp luật, là nơi nắm giữ cán cân công lý, tiền bạc vẫn là thứ trọng yếu. Nó quyết định sự thắng kiện không nhỏ.
Còn trong môi trường chùa chiền, nơi nắm giữ mạng mạch đạo đức, thí chủ Vip vẫn được sủng ái hơn hết. Không phải tất cả đều như thế, nhưng thực tế không phải là ít. Xét về mặt nhân duyên thì việc ấy không có gì lạ. Cúng nhiều thì hưởng nhiều, được ưu đãi nhiều. Nhân quả là như thế. Song ít người nhận biết được điều đó. Chỉ trên mặt hiện tượng mà luận, rõ ràng ở đâu đồng tiền cũng có giá. Càng nhiều tiền càng tốt. Chỉ cần có tiền là đủ. Cho nên, không ai dạy con biết đủ là hạnh phúc. Không ai dạy con cố gắng học giỏi để sau này còn ra giúp đời. Thầy cô cũng không có thời giờ để dạy học trò mình những câu như thế. Kết quả học tập của trẻ còn phải báo cáo không thật để lấy chỉ tiêu, nói gì đến những thứ to tát hơn.
Không dạy con trẻ ngăn bớt những ham muốn của bản thân nên thiếu một chút, chúng đi ăn trộm. Ăn trộm hụt mà lỡ tay thì giết người, thành ăn cướp. Lớn chút nữa, đút tiền để con vào đại học mà có cơ ngơi sự nghiệp với đời. Đồng tiền giải quyết mọi sự thành dù không dạy con nít ham tiền, bản thân nó cũng tự nhận ra mảnh lực đồng tiền là rất lớn. Heo rửa trộn chung với phẩm màu để phát tài phát lộc là chuyện đương nhiên. Báo chí rùm beng, pháp luật được thi hành. Nhưng chẳng có thứ gì suy giảm. Cái này mất thì cái kia lại trồi lên. Luôn có chuyện để làm. Đâu cũng có ngõ ngách để tội ác thông qua. Trong trường học bây giờ cũng có án mạng. Hai bà lớp 9 đánh ghen nhau bằng dao lam. Vừa tròn 14 tuổi đã biết giết bà lấy vàng đem bán. Mô Phật! Chữa cháy chớ có ngăn đâu mà có thể giảm bớt.
Mình sống trong guồng máy ấy rồi mình cũng thả người theo đó, quên tất cả. Mình chỉ cốt làm sao cho con mình ăn thật ngon, mặc thật đẹp, lo cho nó thật đầy đủ mà chưa bao giờ nghĩ ra được những điều người đàn bà kia đã nói. Mình chỉ dạy nó cái tài mà quên dạy nó cái đức. Mình chỉ dạy nó phấn đấu mà không dạy nó hướng phấn đấu. Không biết dạy con bỏ bớt những ham muốn của bản thân từ lúc 3 tuổi, thành lớn lên mình quản nó không nổi. Nó thích là nó làm, chẳng kể gì đến cha mẹ hay thiên hạ. Mình không dạy nó tấm lòng đối với mọi người nên ăn được ai, nó ăn cho hết. Cái không đức ấy là nhân để có cái quả tang thương không ở kiếp này thì ở kiếp sau. Hiện nay mình không đang nhận cái quả của những cái nhân ở đời trước sao? Người này một chút, người kia một chút mà thành muôn sự trong thế giới này.
Mình không thấy được nhân quả ba đời nối tiếp. Mình không thấy được cái nhân của tiền kiếp mà chỉ thấy được những tang thương con người đang gánh chịu rồi tìm cách chữa cháy.
Không ai có thể nói thẳng vào mặt một người mẹ vừa mất con rằng “Đó là do bà đã tạo nhân xấu trong quá khứ. Bà đã có những suy nghĩ không đúng và làm những việc không đúng nên kiếp này bà phải chịu như thế”. Không ai có thể nói thẳng với những người đang gặp sóng thần về hai chữ nhân quả. Không ai đành lòng như thế. Nhưng đó là sự thật. Hạnh phúc sung sướng hay đau khổ nạn tai đều từ trong chính mình mà ra. Mình đã gây tạo một điều gì đó trong quá khứ. Giờ đủ duyên thì nó hiện quả. Nhân tốt thì quả lành. Nhân xấu thì quả dữ. Phước khiến mình được đầy đủ no ấm, nhưng đức mới là thứ giúp mình thoát được tai ương hoạn nạn.
Ngày nay lụt lội tai nạn sông nước nhiều như thế, đứng về mặt khoa học mà nói, là do phá rừng, do hiệu ứng nhà kính gây ra. Song theo cái nhìn của Đức Phật, đó chính là hậu quả của lòng tham dục. Con người đời nay tham dục quá nhiều nên nạn tai sông nước không sao kể xiết. Chết chừng đó chưa thấm vào đâu. Còn nữa. Chưa biết ở đâu mà thôi.
Tấm lòng san sẻ của muôn người khi một người gặp rủi ro hay nạn tai là nỗi an ủi lớn lao đối với người đó. Nhưng những thứ đó chỉ là chữa cháy chớ không ngăn được cái cháy. Chữa cháy mà không ngăn cháy thì chữa đến khi nào mới rồi? Vấn đề đạo đức nếu không được đặt nặng, không trở thành việc thiết yếu đối với con trẻ từ lúc 3 tuổi thì lớp này nối tiếp lớp kia, suốt đời cứ sống mà chữa cháy. Lớp trước chết đi biến thành lớp sau để mà trả nợ. Kẻ gây cháy thì nhiều, kẻ chữa cháy thì ít, biết đến khi nào mới hết cháy?
May là còn những kẻ có tấm lòng chữa cháy.
Chân Hiền Tâm
Theo thuvienhoasen
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét