Đức Phật nói cho chúng ta biết hết thảy mọi thứ trên cuộc đời đều do nhân duyên mà sinh khởi và cũng do nhân duyên mà đoạn diệt; tương tự như vậy, các phiền não khổ đau sở dĩ phát sinh là do duyên gần gũi với cái ác, với các đối tượng xấu ác hoặc do tiếp xúc với môi trường không thân thiện; và do vậy để ngăn tránh các phiền não khổ đau thì con người cần phải tránh xa cái ác, tránh xa các đối tượng xấu ác hoặc môi trường không lành mạnh.
Đây là phương pháp giữ cho mình khỏi rơi vào phiền não khổ đau nhờ biết cách tránh né, tức biết rời bỏ cái ác, xa lánh các đối tượng xấu ác hay môi trường không hiền thiện khiến cho các phiền não khổ đau không có lý do sinh khởi và tăng trưởng. Đức Phật dạy cái ác nguy hại giống như thuốc độc; thế nên, người biết trân quý sự sống thì cần phải biết tránh né cái ác, không nên dính vào, như tránh xa thuốc độc vậy [1]. Trong bản kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ, Đức Thế Tôn nói rõ về ý nghĩa và lợi ích của pháp môn tránh né (parivajjana):
“Và này các Tỳ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ? Này các Tỳ-kheo, ở đây, Tỳ-kheo như lý giác sát tránh né voi dữ, tránh né ngựa dữ, tránh né bò dữ, tránh né chó dữ, rắn, khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước. Có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các vị đồng phạm hạnh có trí nghi ngờ, khinh thường; vị ấy như lý giác sát tránh né chỗ ngồi không xứng đáng ấy, trú xứ không nên lai vãng ấy và các bạn độc ác ấy. Này các Tỳ-kheo, nếu vị ấy không tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tránh né như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa. Này các Tỳ- kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ”. [2]
Thật là rõ ràng và giản dị lời Phật chỉ bày về cách thức ngăn tránh các phiền não khổ đau, được gọi là pháp môn đoạn trừ các lậu hoặc do tránh né (àsavà parivajjanà pahàtabbà). Đó là biết xem xét, cân nhắc và tránh né các đối tượng xấu ác hay các nơi chốn nguy hiểm, khiến cho các lậu hoặc (các phiền toái khổ đau) không có lý do sinh khởi, đi đến đoạn trừ. Lậu hoặc (àsava) là một thuật ngữ Phật học chỉ cho những gì mê lầm, xấu ác, ô nhiễm, gây phiền toái khổ đau, phát sinh do dục vọng (dục lậu), ngã chấp (hữu lậu) và tà kiến (vô minh lậu), làm cho con người thành ra mê mờ, không tỉnh táo, không sáng suốt, rơi vào lối sống sai trái xấu ác khiến phiền não khổ đau cứ tiếp tục sinh khởi và kéo dài không dứt. Chẳng hạn, ai cũng biết rằng làm ác thì sẽ khổ đau, nhưng do lòng tham chi phối và thúc giục nên con người thành ra mê mờ, quên mất hậu quả khổ đau, cứ tiếp tục làm ác, không có từ bỏ; kết cục là con người phải rơi vào phiền não khổ đau do lòng tham hay hành vi sai trái của chính mình. Do vậy, lòng tham được xem là một lậu hoặc (àsava), vì nó làm cho con người trở nên mê mờ, mù lòa, rơi vào đường ác và chịu bất hạnh khổ đau. Một ví dụ khác, ai cũng hiểu rằng sân hận là nguyên nhân khiến phiền não khổ đau phát sinh, khổ cho mình và khổ cho người, nhưng do không kiềm chế được lòng giận dữ bực phiền nên con người rơi vào các hành động sai trái, tạo tội ác cho mình và gây khổ đau cho người. Vậy nên, sân hận cũng được xem là một lậu hoặc (àsava), vì nó làm cho con người mê mờ, mất hết lý trí, rơi vào các việc làm bất thiện và chịu bất hạnh khổ đau. Theo lời Phật thì vị Tỳ-kheo nào có sự xem xét thấu đáo như vậy về lậu hoặc cũng như về các nguyên nhân khiến lậu hoặc sinh khởi và biết cách tránh né chúng tức là vị ấy có khả năng đoạn trừ các phiền lụy khổ đau, trước mắt cũng như lâu dài.
Cứ theo định nghĩa trên thì tránh né là một pháp tu rất căn bản mà hết thảy mọi người cần nắm bắt và thực hành để có được cuộc sống an ổn, tránh cho mình khỏi các phiền muộn khổ đau. Hẳn nhiên, có rất nhiều thứ nguy hại trong cuộc đời, nếu biết tránh né thì con người sẽ tránh được các phiền toái khổ đau, nhưng nếu không biết tránh né thì từ đó tai họa khổ đau sẽ phát sinh. Chẳng hạn, để giúp cho người Phật tử xây dựng đời sống hạnh phúc an lạc, hạn chế các phiền toái khổ đau phát sinh, đạo Phật khuyên mọi người tuân giữ năm giới cấm (pancasìla) hay tránh xa các hành vi bất thiện như sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu. Về sự tai hại của việc phá giới, rơi vào lối sống bất chánh và sự lợi ích của việc giữ giới, tránh xa các hành động bất thiện, Đức Phật nhấn mạnh:
“Này các Tỳ-kheo, có năm sự nguy hại này cho kẻ ác giới, phá giới. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, do nhân phóng dật, bị tổn thất tài sản lớn. Này các Tỳ-kheo, đây là sự nguy hại thứ nhất cho kẻ ác giới, phá giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, đối với kẻ ác giới, phá giới, tiếng ác đồn xa. Này các Tỳ-kheo, đây là nguy hại thứ hai cho kẻ ác giới, phá giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, khi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa- môn, vị ấy đi đến hội chúng ấy, có sợ hãi, có hoang mang. Này các Tỳ-kheo, đây là nguy hại thứ ba cho kẻ ác giới, phá giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, khi mạng chung, tâm bị mê loạn. Này các Tỳ-kheo, đây là sự nguy hại thứ tư cho kẻ ác giới, phá giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, kẻ ác giới, phá giới, sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỳ-kheo, đây là nguy hại thứ năm cho kẻ ác giới, phá giới.
Và này các Tỳ-kheo, có năm lợi ích cho vị có giữ giới, đầy đủ giới. Thế nào là năm?
Ở đây, này các Tỳ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, do nhân không phóng dật, thâu được tài sản lớn. Này các Tỳ- kheo, đây là lợi ích thứ nhất cho vị giữ giới, đầy đủ giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, với người giữ giới, đầy đủ giới, tiếng lành được đồn xa. Này các Tỳ-kheo, đây là lợi ích thứ hai cho kẻ giữ giới, đầy đủ giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, có đi đến hội chúng nào, hoặc hội chúng Sát-đế-ly, hoặc hội chúng Bà-la-môn, hoặc hội chúng Gia chủ, hoặc hội chúng Sa-môn, vị ấy đến không sợ hãi, không hoang mang. Này các Tỳ-kheo, đây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới, đầy đủ giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, khi mạng chung, tâm không bị mê loạn. Này các Tỳ-kheo, đây là lợi ích thứ tư cho người giữ giới, đầy đủ giới.
Lại nữa, này các Tỳ-kheo, người giữ giới, đầy đủ giới, khi thân hoại mạng chung sanh lên cõi lành, Thiên giới, cõi đời này. Này các Tỳ-kheo, đây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, đầy đủ giới”.[3]
Trong bài kinh giảng cho thanh niên Singalaka, Đức Phật nói đến các tai họa khổ đau của lối sống lười biếng phóng dật và khuyên những người tại gia cư sĩ nên tránh xa sáu thói quen không lành mạnh khiến hao tổn sức khỏe và tài sản như đam mê rượu chè, du hành đường phố phi thời, la cà đình đám hý viện, đam mê cờ bạc, giao du bạn ác, thói lười biếng. Sau đây là những lời khuyên dạy hết sức căn bản và thiết thực của bậc Đạo sư nhấn mạnh về pháp môn tránh né cái ác dành cho người cư sĩ:
“Này Gia chủ tử, đối với vị Thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân để phung phí tài sản… vị này đã thực hành để chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung, vị này sanh ở thiện thú, Thiên giới.
Thế nào là bốn nghiệp phiền não được diệt trừ? Này Gia chủ tử, đó là nghiệp phiền não sát sanh, nghiệp phiền não trộm cắp, nghiệp phiền não tà dâm, nghiệp phiền não nói láo.
Thế nào là không làm ác nghiệp theo bốn lý do? Ác nghiệp làm do tham dục, ác nghiệp làm do sân hận, ác nghiệp làm do ngu si, ác nghiệp làm do sợ hãi. Này Gia chủ tử, vì vị Thánh đệ tử không tham dục, không sân hận, không ngu si, không sợ hãi, nên không làm ác nghiệp theo bốn lý do.
Thế nào là không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản? Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu là nguyên nhân phung phí tài sản. Du hành đường phố phi thời là nguyên nhân phung phí tài sản. La cà đình đám hí viện là nguyên nhân phung phí tài sản. Đam mê cờ bạc là nguyên nhân phung phí tài sản. Giao du ác hữu là nguyên nhân phung phí tài sản. Quen thói lười biếng là nguyên nhân phung phí tài sản.
Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm: Tài sản hiện tại bị tổn thất, đấu tranh tăng trưởng, bệnh tật dễ xâm nhập, thương tổn danh dự, để lộ âm tàng, và thứ sáu là trí lực tổn hại. Này Gia chủ tử, đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm: Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não. Này Gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm: Luôn luôn tìm xem chỗ nào có múa, chỗ nào có ca, chỗ nào có nhạc, chỗ nào có tán tụng, chỗ nào có nhạc tay, chỗ nào có trống. Này Gia chủ tử, la cà đình đám hý viện có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm: Nếu thắng thì sanh oán thù, nếu thua thì tâm sanh sầu muộn, tài sản hiện tại bị tổn thất, tại hội trường (pháp đình) lời nói không hiệu lực, bằng hữu đồng liêu khinh miệt, vấn đề cưới gả không được tín nhiệm, vì người đam mê cờ bạc không xứng để có vợ. Này Gia chủ tử, đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, thân cận các ác hữu có sáu nguy hiểm: Những kẻ cờ bạc, loạn hành, nghiện rượu, những kẻ trá ngụy, lường gạt, bạo động là những người bạn, là những thân hữu của người ấy. Này Gia chủ tử, thân cận ác hữu có sáu nguy hiểm như vậy.
Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh”, không làm việc; “quá nóng”, không làm việc; “quá trễ” không làm việc; “quá sớm”, không làm việc; “tôi đói quá”, không làm việc; “tôi quá no”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm lại không làm. Tài sản chưa có không xây dựng lên, tài sản có rồi bị tiêu thất. Này Gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy”. [4]
Nhìn chung, tránh né các việc làm xấu ác, các đối tượng xấu ác hay các nơi chốn xấu ác là một pháp môn tu tập hết sức căn bản và thiết thực do Đức Phật giảng dạy và được đề cập nhiều nơi trong kinh điển đạo Phật. Đó chính là lẽ sống tỉnh táo và sáng suốt, nhận thức rõ hay như lý giác sát về phiền não khổ đau, về nguyên nhân của phiền não khổ đau và nỗ lực đoạn trừ chúng bằng phương pháp tránh né, không để cho mình rơi vào các việc làm xấu ác, không để cho mình bị các đối tượng xấu ác hay môi trường xấu ác lôi kéo, chi phối, sai sử. Đây là ý nghĩa của pháp môn đoạn trừ các lậu hoặc do tránh né được nói đến trong đạo Phật, cũng đồng nghĩa với phương pháp đoạn trừ phiền não khổ đau nhờ biết tránh né hay loại bỏ các nguyên nhân đưa đến phiền não khổ đau, rất thiết thực và lợi ích cho người Phật tử trong mục tiêu tu học Phật pháp, cần cầu một đời sống “vô thượng an ổn thoát mọi khổ ách”.
Chú thích:
Pháp cú, kệ số 123
Kinh Tất cả lậu hoặc, Trung Bộ
Kinh Ác giới, Phá giới
Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Trường Bộ
Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 190
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét