Hoa và người

Trên đời này, hoa là đẹp nhất, nên hoa là hình tượng của người đẹp. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du tả người đẹp Thúy Vân: “Hoa cười ngọc thốt đoan trang”, còn Thúy Kiều đẹp đến nỗi hoa phải ghen: “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”. Chẳng ai hơn ai , khuôn mặt người đẹp và hoa đào cùng ánh lên sắc hồng, như câu thơ của Thôi Hộ: “ Nhân diện đào hoa tương ánh hồng”.
Không chỉ là đẹp bề ngoài, hoa còn được ví như một nhân cách đẹp đẽ, sáng ngời, thủy chung, như người con gái trong bài thơ “Núi Đôi”của Vũ Cao. Người con gái mất đi vẫn như đóa hoa ngát hương thơm cho đời, còn người yêu chiến đấu cho lý tưởng cách mạng như là ngôi sao sáng:

“Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em sẽ là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm”.

Hoa được con người gán cho nhiều ý nghĩa, nhưng nếu liên hệ hoa với người, thì chung nhất vẫn là: hoa là phụ nữ, vì phụ nữ thuộc phái đẹp. Tuy nhiên, con người không thể chỉ bằng lòng với những ví von, ca ngợi, mặc cho những bất công mà phụ nữ gánh chịu suốt thời gian dài dằng đẵng trong lịch sử, trên mọi miền của hành tinh. Ngày 8/3/1908, 15.000 phụ nữ diễu hành trên các đường phố New York (Mỹ) để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc bắt trẻ con làm việc. Khẩu hiệu của họ là “Bánh mì và hoa hồng” (Bread anh Roses). Hoa tượng trưng cho cuộc sống tinh thần tốt đẹp, và cùng với bánh mì, tượng trưng cho nhu cầu vật chất, cả hai đều không thể thiếu cho con người.

As we go marching marching in the beauty of the day
A million darkened kitchens, a thousand mill lots gray
Are touched with all the radiance that a sudden sun discloses
For the people hear us singing: bread & roses, bread & roses!

(Trích lời bài hát Ngày Quốc tế Phụ nữ, theo Wikipedia)

Tạm dịch:

Trong khi chúng ta đi trong ngày vẻ vang này
Hàng triệu nhà bếp tối tăm, hàng ngàn nhà máy ảm đạm
Đã sáng lên bởi bất chợt một mặt trời rực rỡ
Vì mọi người nghe chúng ta hát vang “bánh mì và hoa hồng!”


Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi bài hát đó ra đời; cuộc đấu tranh của phụ nữ giành quyền sống và bình đẳng với nam giới đã đạt nhiều thắng lợi – nam nữ bình quyền trở thành lẽ đương nhiên- để đến ngày này, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 trở thành ngày vui chung cho tất cả mọi người, nữ cũng như nam. Trong ngày này, biết bao nhiêu đóa hoa tươi thắm trao về các mẹ, các chị, người yêu, nữ công nhân viên chức, công nhân, người lao động, sinh viên học sinh…nói lên sự trân trọng và thương yêu của xã hội và nam giới cho những người thân thiết khác phái. Hoa, từ chỗ tượng trưng cho khát vọng đời sống tốt đẹp, bây giờ đã nằm trên tay người phụ nữ, như thể hạnh phúc đã nắm được trong tầm tay.
Không những ngày 8/3 là ngày phụ nữ được tặng hoa, mà rải rác trong năm, theo phong trào, có những ngày mà khuôn mặt phụ nữ sáng lên với hoa tươi: Valentine’s Day 14/2, Ngày thành lập Hội LHPNVN 20/10… Phụ nữ vui là cả gia đình ông bà vợ chồng con cái đều vui, cả xã hội đều vui, phố phường tràn ngập hoa, nhà nhà rực rỡ hoa. Ngoài những ngày tôn vinh phụ nữ, còn có những ngày không thể thiếu hoa: các ngày lễ quốc gia, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, các ngày kỹ niệm ngành nghề, đám cưới, biểu diễn văn nghệ, khai trương, khánh thành, đám tang, và nhất là ngày Tết, các ngày lễ lớn của tôn giáo.
Vui nhất là người trồng hoa và người bán hoa. Giống hoa ngày càng phong phú, đẹp, to, khỏe; cửa hàng hoa mở ra càng nhiều, phô trương sắc màu, và đáp ứng mọi yêu cầu của khách. Chỉ cần có tiền là bạn sẽ có lẵng hoa, hoặc bó hoa tùy thích, bạn muốn cửa hàng đưa đến nhà hoặc đến nơi người nhận, tùy ý bạn. Nhìn hoạt động mua bán ở các cửa hàng hoa, ta dễ nhận ra xã hội đã giàu hơn, ít nhất từ tầng lớp trung lưu trở lên, và đã biết chơi hơn, có cung cách giao thiệp lịch sự hơn, đúng bài bản hội nhập quốc tế hơn. Trong đời sống văn minh phố phường, hoa có mặt quanh ta, rực rỡ, hào nhoáng, khi thì nói lên niềm hân hoan hay tri ân, khi thì làm công cụ trang trí, khi thì mang lời chia buồn thống thiết. Nhiệm vụ vinh quang nhất của hoa là nói hộ tình yêu, và trong trường hợp này hoa đòi hỏi sự tinh tế và đúng lúc của con người,và bản thân hoa có khi là sang như hoa hồng, có khi chỉ là hoa dại ven đường, miễn sao xứng đáng là thông điệp của tình yêu.
Ngoài nhiệm vụ vinh quang đó, hoa được con người gắn vào dòng chữ: “Thành kính phân ưu”, để nói lời chia buồn với tang quyến. Hoa làm vơi niềm đau, làm cho nghi thức thêm trang trọng. Nhưng có khi tang chủ là người quyền quý, giàu sang tột bậc, hoặc có quan hệ xã hội rộng rãi, hoa được nhận quá nhiều, dẫn đến lãng phí. Có cách nào chia buồn với tang gia mà không cần đến tốn kém hàng trăm triệu tiền hoa, và để dành số tiền đó đem giúp người khốn khó, cơ nhỡ, thì hay biết mấy? Đã có nhiều người trước khi mất đã để lại mong muốn như thế, và tang gia đã xử sự nhự thế: khi khách đến chia buồn, xin gửi tiền, thay vì đi vòng hoa, tang gia, sẽ dùng tiền đó làm từ thiện.
Xã hội càng bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì hoa cũng trở thành sản phẩm công nghiệp. Đó là kết quả của quá trình công nghiệp hóa từ việc lấy giống, trồng trọt, chăm sóc, chuyên chở, bảo quản, phân phối, bán hàng, tiếp thị..Người tiêu dùng nhiều khi tặng hoa mà chẳng nhìn kỹ hoa, còn thua cái chén, cái dĩa để người mua còn ngắm nghía và sử dụng lâu dài. Họa chăng hoa chỉ có được giá trị nhiều hay ít nhờ người tặng và người nhận có tình cảm mức độ như thế nào; còn nếu hoa chỉ là sản phẩm của một công thức làm ăn hoặc xã giao, thì số phận của hoa chẳng vẻ vang gì.
Tuy nhu cầu về hoa ngày càng cần thiết trong xã hội hiện đại, nhưng quan hệ giữa người và hoa thường thường là hững hờ. Hoa dầu có đẹp bao nhiêu, khi trao đổi mua ban, cũng chỉ là món hàng. Hoa chỉ thân thiết với người khi con người cùng sống với đời của hoa. Xã hội này vẫn còn rất nhiều người chung thủy với hoa biết dành không gian để kết bạn với cây – có thể là khoảnh vườn, có thể là một góc lan can, hoặc có thể là sân thượng, chịu khó chăm sóc và tưới bón, để rồi cây trả ơn bằng nụ hoa, thì niềm vui lâng lâng theo đời sống tăng trưởng của hoa, rồi hân hoan chia sẻ niềm vui với mọi người. Tình cờ, tôi biết được một người hết mình chơi phong lan: anh là người chủ cơ sở làm cửa sắt, do người quen giới thiệu đến làm cửa sắt cho tôi. Anh thích thú nhìn những giò phong lan, sa đà nói chuyện lan, và niềm nở mời tôi qua nhà anh xem phong lan. Thật kỳ lạ: trong sân bề bộn máy móc, đồ nghề, khung cửa, cây sắt, tiếng búa tiếng đe chan chát, sắt hàn xoèn xoẹt lửa, tôi ngẩn ngơ không biết ông này chơi hoa ở đâu, thì ra lan được đưa lên mái nhà, tôi phải lên cầu thang sắt cheo leo, bước lên mái tôn. Ôi, nghề chơi cũng lắm công phu! Phía dưới chân là làm, trên đầu là chơi, chơi với một khoảng trời đầy phong lan tươi tốt, đặc biệt là lan Cattleya và Vanda ra hoa rực rỡ, được tưới bởi giàn phun nước do anh thiết kế.
Nhờ hoa, con người cảm thụ vẻ đẹp của vạn vật, từ đó sống nhân ái, không bon chen hẹp hòi. Hoa kết nối tình thân giữa bạn bè khi cùng chiêm ngưỡng hoa, tặng nhau từng cây giông, từng mầm phong lan. Hoa làm ấm thêm mái ấm gia đình. Trong ngày sinh nhật của chị, anh hí hửng tặng hoa cho chị, thật là đẹp; còn chị, một ngày đẹp trời nào đó, tặng anh giò phong lan như thay lời muốn nói: “Đó nghe! Chăm sóc cho ra hoa nghe! Cây hạnh phúc đó!”.
Con người càng ngày càng giàu tri thức, nhưng tâm hồn thì dễ bị nguy cơ sa mạc hóa, do con người tự giới hạn môi trường sống của mình, không làm bạn với thiên nhiên, không lấy hoa cỏ làm niềm vui, không mở rộng tâm từ bi, thay vào đó là thế giới kỹ thuật số. là thế giới của công nghệ giải trí, tuy hấp dẫn, được việc, và có thể bổ ích, nhưng không phải là suối nguồn tươi mát. Giới trẻ có thể hào hứng với hoa, ví dụ như nô nức xem triển lãm hoa, chụp ảnh bên hoa, ào ạt tặng hoa như là fan tặng hoa cho thần tượng trong đêm trình diễn, những vẫn đầy rẫy hiện tượng không tôn trọng hoa, chẳng hạn ngắt hoa bẻ cành, ăn cướp, ăn trộm hoa, giẫm nát lên hoa. Hoa chỉ muốn đẹp trong trời tự do, thế mà phải nhờ cậy hàng rào vệ sĩ mắt chăm chăm nhìn vào người thưởng ngoạn trong ngày hội hoa, thật là nghịch lý. Rất nhiều người đã có Bánh Mì, thậm chí dư thừa, những vẫn thiếu Hoa Hồng. Không ở đâu xa, họ cần vun xới tâm nhân ái để Hoa Hồng lên nụ và nẩy nở.
Hoa càng đẹp thì con người càng cảm thương cho số phận mong manh, chóng tàn, lả tả rơi từng cánh. Nhà thơ Pháp nổi tiếng thời Phục Hưng Pierre de Ronsard (1524-1585), trong bài thơ “Mignonne, allons voir si la rose…” (Tiểu thư nhé, cùng ta ngắm hoa hồng) đã tiếc thương cho hoa hồng bạc mệnh, và ví nhan sắc con người như hoa hồng, cho nên tận hưởng thời thanh xuân:

…….

Donc, si vous me croyez, mignonne,
Tandis que votre âge fleuronne
En sa plus verte nouveauté,
Cueillez, cueillez votre jeunesse:
Comme à cette fleur la vieillesse
Fera ternir votre beauté.

Tạm dịch:
…….

Tiểu thư nhé, hãy tin ta,
Thời em như hoa nở
Với vẻ đẹp tinh khôi,
Hãy tận hưởng tuổi trẻ
Vì tuổi già như hoa kia
Sắc đẹp sẽ tàn phai.

Tuổi trẻ ơi, hãy phô diễn hết sắc xuân sáng ngời cũng như nét đẹp của trí tuệ và tâm hồn, nhưng đời người cũng như đời hoa, tất cả đều theo lẽ vô thường, không có gì mãi mãi, có sinh thời có diệt, cái vòng sinh tử, tử sinh cứ tiếp diễn. Cám ơn hoa hồng đã cho hương sắc, để trên thế gian này, con người lấy hoa làm biểu tượng cho cái Đẹp khả dĩ nâng cao giá trị cuộc sống. Cám ơn hoa hồng đã cho con người suy nghiệm về lẽ vô thường, để từ đó an nhiên tự tại, không bám víu vào hư danh, không mê mờ bởi hưởng thụ vật chất.■

Cao Huy Hóa

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 100


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét