Thưa ông, trong một bài báo trước đây ông có đưa ra khái niệm “hạnh phúc bình quân đầu người”, theo đó, có một số quốc gia hiện nay không còn chỉ dựa trên GNP để tính “thu nhập bình quân đầu người”mà hướng tới GNH (Gross National Happiness). Nhìn lại mười năm đầu thế kỷ 21, theo ông “bình quân hạnh phúc”của loài người tăng hay giảm?
Đỗ Hồng Ngọc: Chúng ta biết rồi đó , vài năm gần đây là thời kỳ của khủng hoảng kinh tế nặng nề trên toàn thế giới, “thu nhập bình quân đầu người” (per capita income) đã giảm rõ rệt, số người thất nghiệp ngày càng đông, các chính phủ đều phải dùng nhiều biện pháp vĩ mô để can thiệp mà cũng chưa đi đến đâu. Tuy vậy,theo tôi, hình như nhìn chung thì “hạnh phúc bình quân đầu người” (per capita happiness) lại có vẻ …tăng lên đáng kể! Có lẽ nhờ khủng hoảng kinh tế mà mọi người mới có cơ hội để giật mình,thấy ra hạnh phúc không chỉ là tiền bạc của cải, từ đó nhìn lại cách sống hưởng thụ vật chất, chạy theo tiêu thụ bấy nay của mình là phù phiếm, là vô nghĩa. Bây giờ người ta lại nhận ra những giá trị “mới”, chẳng hạn tiết kiệm, và thực chất…đã biết tiết kiệm, ăn chắc mặc bền, tích cốc phòng cơ…Đầu năm 2009, báo chí Mỹ kêu gọi mọi người nên ăn uống lành mạnh, vừa để tránh béo phì (một đại dịch hiện nay ở Mỹ và đang toàn cầu hóa….) vừa để tăng nghị lực, tăng lòng tự tin, một thứ hạnh phúc không ngờ! Báo chí Anh thì khuyên mọi người nên có nếp sống lành mạnh như năng đi nhà thờ nghe nhạc …miễn phí, năng tập thiền định, quán từ bi và năng vận động thể lực, đặc biệt khuyên nên tự trồng rau trong vườn nhà để ăn “vừa an toàn thực phẩm”, vừa tiết kiệm, nhất là nhờ đó sẽ tìm thấy hạnh phúc, sự thanh thản trong tâm hồn! Họ nói, lạ lắm,cứ cuốc đất trồng rau đi rồi khắc biết: lúc đó nó làm cho ta không còn phải vướng bận so đo tính toán nát óc với những con số chứng khoán, tiền vàng lên xuống chi nữa, trái lại ta tìm thấy niềm vui lạ lùng khi nhìn những rau cải xanh tươi mơn mởn từ bàn tay ta làm nên…. Như vậy, trên toàn cục, ta thấy hình như có sự “tỉnh giác”chút đỉnh rồi đó, người ta bắt đầu nói nhiều hơn tới bảo vệ môi trường sống, phát triển bền vững, chăm lo đời sống tinh thần, làm từ thiện, phục vụ cộng đồng v.v..!
Nhiệt độ của trái đất cứ tăng đều như thế thì trong tương lai con người sẽ đốt chínhngôi nhà của mình, vậy chúng ta phải làm gì trước một thảm họa được báo trước?
Đỗ Hồng Ngọc: Thì người ta đã chẳng phóng vệ tinh đi dò tìm các hành tinh khác trong vũ trụ để chuẩn bị “bỏ của chạy lấy người”rồi đó sao? Nga, Mỹ rồi bây giờ đến Trung Quốc, Ấn Độ…lần lượt tìm đường rồi đó. Có điều, các phi thuyền này không to như chiếc tàu của ông Noe thuở nọ nên chỉ có một số ít tỷ phú và…hoa hậu được đi thôi. Bây giờ họ đang tập đi cho quen dần rồi đó. Họ sẽ trú ở một hành tinh băng giá, hoặc nóng đến khoảng 1.200 0c , đầy đá sỏi hoặc cũng có chút đỉnh nước như nước đọng lỗ chân trâu vậy…Theo tính toàn của các nhà khoa học thì cứ cái đà tiêu thụ như thế này ta cần phải có đến 4 trái đất mới đủ cung phụng. Nhưng hình như kết quả là họ chẳng tìm thấy hành tinh xanh nào đáng sống ngoài trái đất để di dân nên đành họp nhau lại ở Copenhagen như chúng ta biết để bàn chuyện biến đổi khí hậu. Dĩ nhiên, kết quả Copenhagen không đi đến đâu, nhưng ít nhát cũng đã tạo ra một ý thức, phải làm cái gì đó trước khi quá muộn.
Virus lạ, dịch bệnh bủa vây loài người như ma trận. Chúng ta sẽ chống trả thế nào?
Đỗ Hồng Ngọc: Việc gì phải chống trả? Không phải tự nhiên mà virus lạ sinh ra. Nó vốn là những virus “quen” với ta từ đời kiếp nào, lâu nay ta vẫn sống chung hòa bình với nó đó chứ, thế rồi ta phá hủy môi trường sống của nó, khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, gây biến đổi khí hậu,trái đất nóng lên làm cho nó hết đường sống sót nên nó phải biến thể để thích nghi, rồi sinh sôi nẩy nở bất thường để tồn tại, do vậy mà độc lực cũng thay đổi làm ta không kịp trở tay. Nó cũng đau khổ lắm chứ! Con người lâu nay sống hòa hợp, tương tác trong một thế cân bằng sinh thái, nay bị xáo trộn nên sinh bệnh hoạn là điều tất nhiên. Nhưng thực ra bệnh tật lại chủ yếu do cách sống của ta, cách ăn uống, cách sinh hoạt của ta, tạo điều kiện cho các vi trùng virus tấn công. Vấn đề cốt lõi vẫn là lòng tham không đáy của con người. Chúng ta tìm cách…tận diệt các loài khác, nào phá hủy rừng rú, tận diệt cỏ cây, đào bới đất đai, chặn nghẹt sông ngòi…thì chúng thế nào cũng phải quật lại. Bởi rừng có thần rừng, sông có thần sông…mà! Bây giờ chúng ta phải ru rú trong xó nhà với máy lạnh, với ánh sáng giả, với hoa lá giả, và thậm chí phải mua oxygen về để thở cũng là chuyện dễ hiểu. Có lần về miền Tây, tôi đau nhói thấy người ta chặt mất mấy cây cổ thụ trăm năm tuổi bên bờ sông Cửu Long để xây biệt thự ngói đỏ au, rồi mua mấy cây cau kiểng về thay thế. Tôi bỗng nhớ chuyện anh em nhà họ Điền trong Quốc văn giáo khoa thư. Cây cũng có thần cây chứ? Rồi thần sẽ phải lên tiếng chứ! Khi có dịp thăm Đà Lạt gần đây, tôi ngạc nhiên thấy ngày càng nhiều đồi trọc, thông trụi lủi, thay vào đó là những building cao tầng. Chắc là mùa Noel năm rồi, nhà nào cũng có một cây thông giả trong phòng khách sang trọng lập lòe ánh điện chớp tắt.
Trái đất thì nóng lên nhưng tình người hình như đang nguội dần. Tâm hồn người ngày nay hầu hết đều được đeo khẩu trang. “Mười năm chân bước trên đường dài, gặp nhau không nói không nụ cười, chút tình dường như hiu hắt bay) (*). Từ “vô cảm”mà báo chí báo động nhiều gần đây có phải là một căn bệnh?
Đỗ Hồng Ngọc: Nhờ khẩu trang mà mọi người phụ nữ đều trở nên xinh đẹp như nhau đó chứ. Ở ngoài đường bây giờ không thấy ai ngoái đầu nhìn lại như xưa. Họ cứ lạnh lùng ào ào đi như dòng thác. Cái mũ bảo hiểm cũng đã giúp cho “tóc gió thôi bay” rồi! Nhiều người gặp nhau giữa đường chào hỏi rôm rả mà không ai biết ai là ai, ai cũng bịt mặt trùm đầu cả, chẳng khoái lắm ru? Có người bảo hai người yêu nhau bây giờ ngồi bên nhau phải nói chuyện qua điện thoại di động. Khi cần tỏ tình phải dặn nhau tắt máy di động, nếu không thì nó reo bất tử làm ta biến ngay thành người khác. Nhưng hình như bù lại cho tình yêu, người ta phát triển…tình dục. Không thấy văn chương phim ảnh bây giờ muốn nổi tiếng mau, muốn có người xem đông phải có sex đó sao? Nhưng tôi tin, rồi đây con người sẽ nhận ra tình ngỡ đã phôi pha, nhưng tình bỗng lại về…để vẫn mãi còn thấy sóng lao xao bờ tôi…
Đúng là “có điều gì gần như niềm tuyệt vọng” (*) nhưng rồi mỗi sớm mai thức dậy vẫn “mây che trên đầu và nắng trên vai” (*) nhìn quanh vẫn “những giọt mưa, những nụ hoa, hẹn hò gặp nhau trước sân nhà”chúng ta vẫn còn hy vọng?
Đỗ Hồng Ngọc: Thấy không tuyệt vọng chỉ là “gần như”thôi. Bởi chả có gì phải tuyệt vọng cả. Con người khôn lắm. Mà nếu không khôn thì thiên nhiên sẽ dạy khôn cho nó ngay thôi. Một trận bão khủng khiếp không phải là một bài học sao? Một trận động đất kinh hoàng không phải là một bài học sao? Rồi các dịch bệnh thế kỷ đang đe dọa toàn cầu…không phải cũng là một bài học sao? Người mà thấy được những giọi mưa những nụ hoa hẹn hò gặp nhau trước sân nhà hẳn là những người hạnh phúc nhất. Bởi vì hạnh phúc vốn rất đơn sơ. Anh chàng phi công bị rớt máy bay giữa sa mạc của St-Exupery đã tìm thấy hoàng tử bé của mình, anh chàng chăn cừu xứ Provence cũng chưa bao giờ hết những cô tiểu chủ ngủ trên vai khi có một vì sao đi lạc. Cuộc sống rồi vẫn mãi tươi xanh cho dù đôi khi con người ráng nhuộm lên nó màu đen hay màu đỏ, màu trắng hay màu xanh cho thỏa lòng tham, lòng sân của họ. Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng… Em hồn nhiên rồi em sẽ bình mình!
Vâng. Loài người tiến bộ đang tự vấn và tỉnh ngộ. Người ta đã bắt đầu giảm đi sự sùng bái vật chất và mọi giá trị được nhìn lại. Sự hào nhoáng bên ngoài đã bớt đi sức hấp dẫn. Ông nghĩ gì khi những hình tượng bình thường như chiếc xe đạp, như bữa cơm chiều trong mỗi gia đình… và những con người bình thường nữa… ngày càng được nhắc đến?
Đỗ Hồng Ngọc: Đó là đời sống chân chính. Đời sống chân chính được làm nên bởi những con người bình thường. André Maurois đã nói như vậy. Những con người bình thường thì luôn có những ước mơ cao đẹp mà.
Cám ơn ông. Chúc ông hạnh phúc bước vào tuổi “trẻ vĩnh viễn”.
Đỗ Hồng Ngọc: Xin cảm ơn. Trong cuốn Những người trẻ lạ lùng tôi có viết khi bước vào tuổi bảy mươi, người ta…trẻ vĩnh viễn, bởi hoàn toàn không có cái gọi là thời gian khi người ta luôn biết sống trong từng sát-na của hiện tại vậy…
(*) Lời ca của Trịnh Công Sơn
Huyền Chiêu ghi | Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 100
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét