NGHỆ THUẬT LÀM VIỆC

Tôi có người bạn, một hôm bị người thân trong gia đình trách mắng, mặc dù trái tim anh cuộn trào như những con sóng nhưng để giữ không khí hòa thuận trong gia đình mình, bề ngoài anh vẫn rất bình tĩnh để hoàn thành công việc. Sau đó, anh nói với mọi người, anh nhận thấy mình đã không còn nghĩ đến bản thân, anh cảm thấy bản thân đã đạt đến giới hạn của “không có tôi”, nhưng mọi người không nghĩ như vậy nên vẫn vô tâm với những gì anh làm. Trường hợp này thường xảy ra với con dâu trong các đại gia đình truyền thống.

Trong một công ty, tổ chức, thường có người đóng vai những nhân vật như vậy, anh ta rất yêu quý công ty, vì suy nghĩ đến lợi ích của toàn công ty, anh đã hi sinh đi cái tôi nhỏ bé để hoàn thành cái “tôi” to lớn. Gọi là “hi sinh” vì họ thường tự nhận lấy những oan ức cho mình, trở thành người của quần chúng.
Một số người cho rằng nếu mình nhận oan ức để có thể đổi lấy sự bình an, hòa thuận cho cả gia đình, hoặc tổ chức, công ty thì sự hi sinh như vậy cũng đáng, đồng thời cũng là biểu hiện của vô ngã. Nhưng tạm thời nhân nhượng vì lợi ích cho tập thể có phải là việc tốt? Tạm thời nhân nhượng vì lợi ích tập thể phải chăng là biểu hiện của tinh thần vô ngã? Nếu bạn chịu ấm ức nhưng không mang lại lợi ích gì cho tập thể thì không nên làm. Ngược lại, nếu mình chịu ấm ức, chịu nhường nhịn, chịu thiệt thòi, phải bỏ ra công sức nhiều hơn so với những người cùng làm khác nhưng điều đó giúp mọi người cảm thấy vui vẻ thì bạn sẽ nhận được sự khen ngợi, tôn trọng của mọi người.
Tuy nhiên, đó không phải là việc làm được xem là vô ngã. Vô ngã không phải tồn tại ở cách nhìn bên ngoài, mặc dù người này rất tốt, có thể chịu thiệt thòi vì lợi ích của tập thể. Hay nói đúng ra, họ đã vì cái tôi to lớn mà bỏ đi cái tôi bé nhỏ, không để ý đến cái tôi nhỏ bé của mình mà trở thành cái tôi to lớn, nhưng họ vẫn không được xem là đã đạt đến vô ngã.
Có những người để đảm bảo lợi ích tập thể, để thực hiện kế hoạch của mình, họ tạm thời lép vế đợi chờ cơ hội. Chiêu này thường được mọi người gọi là “con dâu ước thành mẹ chồng”. Khi vẫn còn là con dâu, họ chịu khó nhẫn nhịn vì biết chỉ vài năm sau mẹ chồng không còn nữa, con gái trong nhà cũng sẽ lấy chồng, mình dần dần sẽ trở thành người phụ trách trong gia đình. Làm như vậy không có gì là xấu, nhưng không thể tính là vô ngã mà đó là bạn đang thể hiện sự kiên cố của “cái tôi nhỏ bé”.
Cả hai trường hợp trên đều không phải là vô ngã, một trường hợp chỉ là cái tôi lớn hơn, trường hợp còn lại chính là những ý đồ, những mong đợi, về căn bản không phải là “cái tôi”, trong gia đình có người như vậy không hẳn là điều xấu, ít nhất họ cũng biết đến đại thể nhưng vẫn chưa đến giới hạn của vô ngã.
Ngoài ra, còn có một loại người khác, cho rằng vô ngã là cái gì cũng không quan trọng, thực chất đây là cách nghĩ không thành thật. Loại người này thường có những yêu cầu, hi vọng vượt quá khả năng, với thái độ có cái tôi hay không đều không thành vấn đề, mục đích chính là để che đi những khuyết điểm của mình, như vậy đương nhiên không phải là sự vô ngã đích thực.
Phật pháp nói đến “vô ngã” là sự dung hòa chính mình, hoàn toàn không nghĩ đến vấn đề của chính mình, cũng không nghĩ đến môi trường bên ngoài với những lời khen ngợi, đem lại vinh dự cho chính mình, hoàn toàn không nghĩ đến “cái tôi” mà chỉ là sự cống hiến vô điều kiện.

HT. Thánh Nghiêm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét