Để cảm nhân được lòng ấm áp tự nhiên thật sự là gì, thường chúng ta phải trải qua sự mất mát. Trong bao năm ròng rã, ngày qua ngày chúng ta bị thói quen đẩy đi, sống đời sống mà chúng ta coi là hiển nhiên.
Rồi một hôm, chúng ta hay người thân gặp một tai nạn, một chứng bệnh trầm kha, khi đó những tấm che như được tháo gỡ khỏi cặp mắt chúng ta. Chúng ta nhìn thấy sự vô nghĩa của bao nhiêu thứ chúng ta bám víu.
Khi mẹ tôi mất, tôi được giao nhiệm vụ kiểm lại những đồ đạc cá nhân của bà. Việc này làm cho tôi bị đã kích nặng nề. Mẹ tôi đã cất giữ bao nhiêu là hộp giấy tờ và đồ nữ trang rẻ tiền mà bà tích lũy, mang theo qua nhiều lần dời chỗ ở.
Chúng làm cho bà có cảm giác an toàn và hiện hữu, và bà đã không thể từ bỏ chúng. Giờ đây những thứ đó chỉ còn là những thùng đồ tạp nham vô nghĩa. Trước mắt tôi, những thứ đó không mang một ý nghĩa nào, những món đồ rỗng không, thế mà mẹ tôi đã bám chặt vào chúng. Nhận ra điều này, tôi cảm thấy buồn và ưu tư. Từ đó, tôi không bao giờ có thể nhìn những đồ vật cất giữ của tôi theo cách đó. Tôi nhìn chúng với cái nhìn không quí trọng cũng không coi thường, và đối với tôi, mọi nhãn hiệu, mọi quan điểm và ý niệm về chúng đều mang tính chất độc đoán.
Đó là một kinh nghiệm về sự ấm áp nền tảng không che đậy. Sự mất đi người mẹ và nỗi thất vọng khi nhìn thấy rõ cách chúng ta phê phán và tôn vinh, về những thành kiến, thích và không thích, làm cho tôi cảm thấy thương xót cho tình trạng mà loài người cùng gánh chịu. thế giới gồm những người giống như tôi, tự tạo ra nhiều thứ rỗng không và chịu đau khổ từ những thứ rỗng không đó.
Khi cuộc hôn nhân thứ hai của tôi thất bại, tôi trải qua một nỗi buồn thấm thía, một nỗi đau không duyên cớ và những thứ tôi sử dụng để tự bảo vệ vỡ tan ra từng mãnh vụn. Tôi ngạc nhiên cảm nhận một điều là song song với nỗi đau, tôi cảm thấy lòng mình khởi lên một sự mẫn cảm tự nhiên. Tôi cảm nhận một sự cởi mở và một thứ tình cảm chan hòa với những người tôi gặp thoáng qua trong bưu điện hay ở tiệm tạp hóa. Tôi thấy tôi gần gũi với những người mà tôi gặp, họ giống hệt như tôi – hoàn toàn sinh động, có thể thô bạo hay tử tế, có thể bị vấp, ngã xuống và đứng lên. Từ trước tôi chưa bao giờ trải qua kinh nghiệm về sự thân mật gần gũi với những người không quen biết nhiều như vậy. Tôi có thể nhìn vào mắt của người bán hàng ở tiệm tạp hóa, những người thợ sữa xe, những hành khất, những trẻ con, và cảm thấy sự giống nhau của chúng tôi. Khi tim tôi nhói đau, phẩm chất của sự ấm áp tự nhiên, những thứ như lòng lân mẫn, thương xót và biết ơn, khởi lên một cách tự nhiên.
Sự khủng hoảng và khổ đau kết nối con người với nhau bằng khả năng thương yêu và đùm bọc là chuyện bình thường. Và sự tàn phai nhanh chóng của việc mở lòng này, để trở nên sợ hãi, thận trọng và khép kín hơn, cũng là chuyện bình thường. Do đó, vấn đề không phải chỉ là làm sao để mở lòng ra với trạng thái kết nối, giao hòa, ấm áp nền tảng đó của tâm, nhưng còn là làm sao để giữ được trạng thái dễ tan vỡ đó được bền lâu.
Lần đầu tiên gặp ngài Dzigar Kongtrul, người hiện nay là thầy tôi, ngài nói với tôi về sự quan trọng của đau khổ. Ngài đã sống và dạy ở Bắc Mỹ trên mười năm và nhận ra rằng học trò của ngài tiếp nhận và thực hành giáo pháp chỉ ở mức độ cạn cợt cho đến khi họ trải qua sự đau khổ không thể nguôi. Giáo lý của Đức Phật đối với họ chỉ là một loại giải trí, một thứ học đòi hay dùng để xả hơi, nhưng khi đời sống ở vào tình trạng rã rời, giáo pháp và sự tu tập trở nên thiết yếu như thức ăn hay thuốc uống.
Lòng ấm áp tự nhiên khởi lên khi chúng ta trải qua kinh nghiệm khổ với tất cả những tính chất đẹp đẽ của con tim: tình thương, tâm bi mẫn, lòng biết ơn, sự đồng cảm dưới mọi hình thức. Nó cũng chưa nỗi cô đơn, đau khổ và sợ hãi. Trước khi những tính chất tốt đẹp không bền vững này được làm cho bền vững, trước khi có những thứ khác xen vào, những cảm nhận đến tự nhiên này được thai nghén với lòng lân mẫn, đón nhận và quan tâm. Những cảm nhận mà chúng ta đã cố ý lẩn tránh này có thể làm cho lòng chúng ta mềm lại và chuyển hóa chúng ta. Sự mở lòng ra cho sự ấm áp tự nhiên đôi khi dễ chịu, đôi khi gây khó chịu. Tu tập là không lẩn tránh những cảm nhận không ưa thích khi chúng khởi lên. Qua thời gian, chúng ta có thể ôm ấp chúng như những cảm nhận êm ả của tâm từ và lòng biết ơn chân thật.
Khi làm một việc đưa đến những cảm giác không vui, thường phản ứng tự nhiên của chúng ta là khép lòng lại. Nhưng nếu không có những chất liệu nào đó làm cho cảm giác không thoải mái của chúng ta mạnh lên, chúng ta vẫn còn có cánh cửa mở vào con tim chân thật của chúng ta. Lúc đó, chúng ta có thể nhận ra tâm chúng ta đang khép lại để cho một hố ngăn cách từ từ mở ra và một tiến trình thay đổi xảy đến. Trong cuốn My story of Insight, bà Jill Bolte Taylor đưa ra một dẫn chứng khoa học cho thấy rằng thời gian hiện hữu của một cảm xúc chỉ kéo dài trong một phút rưỡi. Sau đó, chúng ta phải làm cho cảm xúc đó sống lại và tiếp tục.
Thông thường, một cách tự nhiên, chúng ta làm cho cảm xúc sống lại bằng cách tạo ra một cuộc đối thoại bên trong , dựng lên một người nào đó như là nguyên nhân gây ra sự không thoải mái của chúng ta, và chúng ta đưa mũi tấn công vào đó. Chúng ta không muốn tiếp xúc với những cảm giác không vui. Đó là thói quen từ ngàn xưa. Nó làm cho niềm ấm áp tự nhiên của chúng ta bị khuất lấp, khiến cho những người như bạn và tôi, những người có khả năng thương yêu và cảm thông, có thể tàn hại lẫn nhau. Khi ghét những người làm khơi dậy cảm giác sợ hãi hay bất an nơi chúng ta, những người đem đến cho chúng ta những cảm giác không mong muốn, và coi họ như nguyên nhân gây ra sự không thoải mái của chúng ta, chúng ta có thể trở nên tàn ác, coi thường và ngược đãi họ.
Hiểu được điều này tôi được thúc đẩy dốc lòng trong việc thực hiện những hành vi ngược lại. Tôi không luôn luôn thành công, nhưng qua thời gian, tôi tập quen dần, buông bỏ tâm phản kháng mà không cần cố gắng, và tin rằng tôi có khả năng sống và kết nối với người khác trong bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta dành ra mỗi ngày một khoảng thời gian để ý đến những người không quen biết, thực lòng quan tâm đến họ, chúng ta có thể nhìn sâu vào vẻ mặt, vào áo quần, vào bàn tay của họ. Có rất nhiều cơ hội để thực hiện điều đó, đặc biệt nếu chúng ta sống trong những thành phố. Có những người ăn xin mà chúng ta vội vã bước qua; có rất nhiều người mà chúng ta gặp trên đường phố, ngồi bên cạnh trên xe buýt, trong phòng chờ đợi. Mối liên hệ trở nên mật thiết hơn khi người nào đó gói cho chúng ta món hàng, đo áp suất máu cho chúng ta , đến sữa cho chúng ta ống nước bị rò rỉ…
Thực hành lòng từ đối với những người chúng ta gặp trên đường phố có thể là một pháp môn tu tập hàng ngày. Khi đó, những người không quen biết trở nên rất thật đối với tôi. Họ đi vào lòng tôi bằng những con người có niềm vui và nỗi buồn giống tôi, những người có cha mẹ, láng giềng, bằng hữu, người thương kẻ ghét giống như tôi. Tôi cũng bắt đầu có nhận thức cao hơn về những sợ hãi, phê phán, thành kiến khởi lên không nền tảng trong tôi về những người bình thường mà tôi chưa từng gặp từ trước. tôi có thể nhìn sâu vào sự giống nhau giữa tôi và những người đó, nhìn sâu vào cái đã che khuất tôi, tạo sự ngăn cách trong tôi. Với sự trưởng thành trong nhận thức về nền tảng tốt đẹp cũng như về tính chất hàm hồ nơi chúng ta, việc thực hành này mở ra trong chúng ta lòng ấm áp tự nhiên và đem chúng ta đến gần hơn với thế giới chung quanh.
Khi chúng ta vẫn còn mãi mê hướng vào bản thân, khi chúng ta không ý thức về những cảm nhận của mình và cắn lưỡi câu một cách đui mù, chúng ta sẽ bị dẫn đến những phê phán cứng nhắc, những cái nhìn bướng bỉnh chấp trước, móc chúng ta vào những thói quen khó sửa. Điều đó làm cho chúng ta khép lại trước những người đưa đến cho chúng ta cảm giác bị đe dọa.
Khi chúng ta coi những hoàn cảnh khó khăn như là cơ hội để vươn lên trong can đảm và khôn ngoan, trong kiên nhẫn và lòng tốt, khi chúng ta ý thức sâu hơn về những mầm mống làm cho chúng ta khép kín tâm hồn, không cho những tính chất tốt đẹp của tâm hồn nẩy nở và phát triển, khi đó cảm nhận về khổ sẽ kết nối chúng ta với những sự không thoải mái và không vui của người khác. Những thứ mà chúng ta thường coi là khó chịu giờ đây trở thành suối nguồn cho tình thương. Mới đây có một người đàn ông nói với tôi rằng ông dấn thân trong việc giúp đỡ những người phạm tội về tình dục vì ông biết rõ về họ. Khi còn là một người vị thành niền, ông đã lạm dụng tình dục một cô bé. Một thí dụ khác, một phụ nữ kể với tôi rằng khi còn nhỏ, cô rất ghét người anh đến nỗi mỗi ngày cô đều nghĩ cách giết chết người anh. Điều này khiến cô đem tình thương đến giúp nhưng thanh thiếu niên đang ở trong tù vì phạm tội giết người. Cô làm việc với họ bằng sự tôn trọng, lòng bình đẳng vì cô hiểu rõ họ.
Đức Phật dạy rằng những điều khổ rõ ràng nhất của con người là bịnh và già. Hiện nay tôi đang trong độ tuổi bảy mươi, tôi hiểu rất rõ về điều này. Gần đây, tôi có xem một cuốn phim về một cụ già khốn khổ bảy mươi lăm tuổi, sức khỏe tàn tạ và bị gia đình ruồng bỏ. Sự tử tế duy nhất trong đời sống của bà cụ đến từ một con chó Collie. Tôi cảm nhận một sự đồng cảm sâu xa đối với bà, có thể hơn cả những người con của bà. Một sự thay đổi lớn xảy ra trong tôi: một thế giới hoàn toàn mới của sự cảm thông, tình thương và lòng lân mẫn.
Đó có thể là giá trị của sự đau khổ cá nhân của mỗi chúng ta. Nó làm cho chúng ta hiểu trực tiếp được rằng tất cả chúng ta đều trong cùng một con thuyền, và một điều duy nhất có ý nghĩa là chăm sóc cho nhau.
Khi chúng ta cảm thấy sợ hãi, không thoải mái về một thứ gì đó, từ thâm sâu, cảm giác này có thể kết nối chúng ta với sự sợ hãi và không thoải mái của người khác. Chúng ta có thể dừng lại và tiếp xúc trực tiếp vào sự sợ hãi. Chúng ta có thể va chạm trực tiếp với sự xót xa của cảm giác bị loại bỏ và sự đau đớn của cảm giác bị coi thường. Dù chúng ta ở nhà hay nơi công cộng, hoặc bị kẹt trong đám nghẽn giao thông, hay bước vào rạp chiếu bóng, chúng ta có thể dừng lại và nhìn những người khác ở đó và nhận ra rằng trong đau khổ và niềm vui, họ đều giống hệt chúng ta. Họ không muốn cảm nhận sự đau đớn thể xác hoặc cảm giác bất an, cảm giác bị chối bỏ. Giống như chúng ta, họ muốn được tôn trọng và thoải mái.
Khi chúng ta tiếp xúc với sự đau buồn hay nỗi sợ hãi, sự tức giận hay lòng ganh tỵ của chính mình, chúng ta đang trải qua sự đau buồn và nỗi sợ hãi của mọi người, đang tiếp xúc với sự tức giận, lòng ganh tỵ của mọi người. Khi thức giấc giữa đêm với sự tấn công của nỗi băn khoăn và khi nếm trọn vẹn mùi vị của nó, chúng ta đang chia sẽ nỗi lo âu, sợ hãi của toàn thể loài người và loài vật. Sự khổ đau, thay vì chỉ gói ghém nơi riêng mình, có thể trở thành sợi dây kết nối chúng ta với tất cả mọi người trên địa cầu đang trong cùng tình trạng khó khăn như chúng ta. Những tình tiết khác nhau, những nguyên nhân khác nhau, nhưng mùi vị thì như nhau. Đối với mọi người, tức giận và ganh ghét, thèm muốn và khao khát chỉ có cùng một vị. Và do đó nó chứa đựng sự biết ơn và lòng lân mẫn. Có thể có hàng vạn chén đường, nhưng tất cả đều có cùng một vị ngọt.
Với những cảm giác mà chúng ta đang trải qua, vui vẻ hay buồn phiền, hạnh phúc hay khổ đau, chúng ta đều có thể nhìn vào người khác và tự nhủ: “Giống như tôi, họ không muốn có cảm giác khổ đau đó”. Hoặc “Giống như tôi, họ trân trọng những cảm giác vui vẻ đó”.
Khi sự tan vỡ xảy ra mà chúng tôi không thể hàn gắn, khi chúng ta mất đi cái gì thân mến, khi toàn thể sự việc không vận hành tốt đẹp mà chúng ta không biết phải làm sao, đó là lúc mà sự ấm áp tự nhiên, sự ấm áp của lòng cảm thông và lân mẫn của chúng ta, chờ đợi để được mở ra, để được ôm ấp. Đây là cơ hội để chúng ta trải ra ngoài cái bong bóng tự vệ và nhận ra rằng chúng ta không bao giờ đơn độc. Đây là cơ hội để chúng ta hiểu được rằng, dù ở đâu, bất cứ người nào chúng ta gặp, trong bản thể đều giống như chúng ta. Sự đau khổ của chúng ta, nếu chúng ta hướng về nó, có thể mở ra trong chúng ta một sự kết nối thế giới bằng tình thương.
PEMA CHODRON
Chuyển ngữ: Thị Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét