Thế giới hiện tượng có muôn vàn sai biệt, một con người cá thể không thể nào biết hết mọi sự mọi vật. Tuy nhiên số nguyên lý, quy luật trong vũ trụ thì không nhiều lắm, do đó nếu một người hiểu và biết vận dụng nguyên lý một cách nhuần nhuyển thì sẽ là người thông minh có thể ứng phó tốt nhất với mọi hoàn cảnh và đạt được hiệu ứng mong muốn.
Thế nguyên lý là gì, làm sao nắm bắt được nguyên lý ? Nguyên lý là quy luật nền tảng phổ biến nhất của vũ trụ vạn vật. Nguyên lý thường là do các bậc thánh trí hoặc các nhà khoa học xuất chúng tìm ra. Người bình thường phải chịu khó học hỏi nghiên cứu mới nắm bắt được.
Có những nguyên lý khá giản đơn, dễ hiểu tuy nhiên không phải ai cũng tin. Ví dụ :
Nguyên lý Nhân Quả
Nghĩa là gieo nhân gì thì được quả nấy. Quá giản đơn phải không, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, trồng lúa được lúa. Trứng gà thì nở ra con gà, trứng vịt thì nở ra con vịt. Ai cũng hiểu. Tuy nhiên nguyên lý nhân quả không phải chỉ có hiệu lực trong trồng trọt, chăn nuôi. Nó còn có hiệu lực trong mọi lĩnh vực.
Người làm thiện thì sẽ được quả báo tốt, người làm ác thì sẽ bị quả báo xấu. Trong lĩnh vực này thì một số người có thể không tin, bởi vì hậu quả có thể không đến tức thời mà một thời gian lâu sau mới đến. Những người đánh bắt hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, phục vụ cuộc sống của họ bằng sinh mệnh của các loại chúng sinh khác, họ có thể không tin quả báo. Nhưng những thiên tai, nhân họa, bệnh tật, vô thường, nhiều loại đau khổ có thể đang chờ đón, rình rập họ. Trong lịch sử có ghi nhận tướng Bạch Khởi của nước Tần thời Chiến Quốc đánh thắng nước Triệu, bắt được hàng trăm ngàn binh lính nước Triệu, đem chôn sống hết. Sau Bạch Khởi chết đầu thai làm con trâu bị sét đánh chết, trên bụng con trâu còn hằn rõ chữ Bạch Khởi.
Các nhà khoa học nghiên cứu về luân hồi tái sinh, tìm thấy mối liên hệ vô hình giữa kiếp trước và kiếp sau, rõ ràng không thể phủ nhận. Luân hồi tái sinh còn hé lộ cho chúng ta thấy rằng thời gian, không gian, giới tính, chỉ là ảo tưởng. Một người từ hành tinh khác cách xa hàng trăm năm ánh sáng có thể tái sinh trên địa cầu, điều đó chứng tỏ khoảng cách hàng trăm năm ánh sáng là không có thật.
Trên mạng có nhiều tài liệu nói rằng ở chòm sao Pleiades (Thất Nữ) cách xa địa cầu 541 năm ánh sáng, có người sinh sống, họ là người Pleiadian. Tiếng kêu của họ là thông điệp họ truyền đến Địa cầu qua sự tiếp điển của bà Barbara Marciniak ở bang North Carolina, Mỹ. Những đạo lý của người Pleiadian được bộ não của bà Barbara Marciniak tiếp nhận theo kiểu mặc khải và được viết ra bằng tiếng Anh và in thành sách từ năm 1988.
Bà Barbara Marciniak, sinh năm 1948, sống tại bang North Carolina, Mỹ
Người Pleiadians là những sinh vật ngoài hành tinh từ các cụm sao trong chòm sao Taurus được gọi là Pleiades. Bà Barbara Marciniak tuyên bố rằng người Pleiadians chọn bà làm sứ giả của họ. Bà tiết lộ điều này trong cuốn sách của mình tiếp điển, “Những người mang đến ánh bình minh”. Theo bà Marciniak, thông điệp là: “Nếu bạn có thể giải thoát mọi người khỏi nghiệp cá nhân (sở tri chướng) của họ, họ có thể du hành trong vũ trụ.” Có nghĩa là họ không bị trói buộc bởi khoảng cách không gian, hay nói cách khác, khoảng cách không gian không có thật, người ở sao Thất Nữ cũng có thể đầu thai tái sinh trên địa cầu.
Thời gian tuổi tác không có thật cũng thể hiện rõ trong luân hồi.
Một cô bé 9 tuổi tên Shanti Devi là mẹ của đứa con trai kiếp trước nhưng nay là 10 tuổi. Video sau đây là chứng cứ thuyết phục về luân hồi tái sinh, nó cũng hé lộ tính chất ảo hóa của thế gian.
Câu Chuyện Luân Hồi Tái Sinh Của Shanti Devi – Việt dịch
Một câu chuyện cụ thể về luân hồi tái sinh khác đã được đài BBC quay thành video.
Titu được sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở ngôi làng phía bắc Ấn Độ. Ngay từ khi hơn 2 tuổi, cậu đã có thể nhớ lại toàn bộ những gì xảy ra trong tiền kiếp của mình từ tên tuổi, ngôi nhà, nghề nghiệp cũng như lý do chết và những gì diễn ra sau khi chết. Theo Titu, 6 tuổi, kiếp trước cậu có tên là Suresh Verma, làm nghề sửa chữa đồ điện tử và bán ti vi, cát xét và đầu đĩa tại ngôi thị trấn Agra, gần với ngôi làng hiện tại Titu đang sinh sống.
Titu cũng nói rằng cậu từng có một người vợ xinh đẹp tên Uma và 2 đứa con. Kiếp trước của Titu là Suresh bị trúng đạn và qua đời khi đang trên đường về nhà. Gia đình cậu sau đó đã làm tang lễ và hỏa táng rồi rải tro xuống dòng sông.
Khi kể về tai nạn kiếp trước, Titu nói rằng đó là một buổi tối tháng 8.1983, Suresh đi ô tô từ chỗ làm về nhà và bị một kẻ lạ mặt bắn chết. Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy kẻ lạ mặt đã bắn vào phía đầu bên phải, gần thái dương. Cùng chỗ đó, Titu cũng có một chiếc bớt bên phải đầu trùng với vết đạn xuyên. Rất có thể đó là dấu vết khiến cậu có thể nhớ lại tiền kiếp của mình.
Anh trai của Titu đã về Agra để xác minh sự việc và sững sờ khi gặp một góa phụ tên là Uma, ngôi nhà bán tivi, cát-sét cũ. Những gì góa phụ Uma kể về người chồng quá cố Suresh Verma càng làm cho anh trai Titu vã mồ hôi hột.
Ngay ngày hôm sau, bà Uma cùng 2 đứa con của mình đã đến nhà Titu để tìm hiểu sự việc. Bà chết sững khi Titu kể chuyện tình cảm của hai người. Cha của Suresh muốn trắc nghiệm Titu, một hôm dẫn cậu đến nhà Uma, dù 2 đứa con của Uma vui đùa cùng những đứa trẻ khác trong xóm nhưng Titu vẫn nhận ngay ra chúng là con của mình trong kiếp trước.
Trở lại Agra, Titu xem xét lại cửa hiệu Suresh Radio của mình và chỉ ra những gì đã thay đổi. Cậu bé nói chính xác những đồ vật được sắp xếp đúng chỗ hay không. Titu cũng nói rõ về số vàng cậu từng cất giấu trong nhà của mình ở Sahaganj, số vàng đó chỉ mình Suresh biết.
Câu chuyện tái sinh của Suresh Verma- VD
Titu biết chắc rằng Uma là vợ mình và hai đứa con của nàng cũng là con của mình, nhưng hiện tại cậu chỉ là đứa trẻ 6 tuổi thì làm sao làm chồng, làm cha ? Thời gian, tuổi tác có phải là đáng ngờ, là ảo hóa không có thật ?
Nguyên lý nhân quả thể hiện rõ trong những câu chuyện luân hồi tái sinh đã được kiểm chứng do tiến sĩ Chung Mậu Sâm sưu tầm và kể trong các video sau đây :
Nghiên cứu của Khoa học về Luân hồi Tái sinh
Nguyên lý Nhân Duyên
Nguyên lý nhân duyên đòi hỏi các pháp phải có số lượng tức là số nhiều mới có thể tạo ra các cấu trúc khác nhau làm nền cho sự nhận thức của 18 giới (lục căn, lục trần, lục thức). Thật là kỳ diệu khi các hạt cơ bản của vật chất như photon, electron…đều có thể tạo thành số nhiều và xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau trong không gian, tất cả vị trí đều liên kết với nhau trong hiện tượng liên kết lượng tử (quantum entanglement). Năm 2012 Maria Chekhova và các đồng sự tại Viện Khoa học Ánh sáng Max Planck và Đại học Moscow vừa tạo ra những trạng thái lượng tử chứa tới 100.000 photon, và tất cả chúng đều bị vướng víu với nhau.
Maria Vladimirovna Chekhova, Tiến sĩ Khoa học Đại học Moscow
Nguyên lý nhân duyên phản ánh kết cấu, cấu tạo của vật chất và tinh thần. Nguyên lý này có thể được hình dung bằng một hạt giống cần có điều kiện như đất, nước, phân bón…để phát triển, đâm chồi nẩy lộc, trưởng thành, ra hoa, kết quả. Đối với khoa học thì nguyên lý nhân duyên thể hiện rõ ràng trong kết cấu của vật chất và sinh vật. Cấu tạo đầu tiên của vật chất là nguyên tử gồm có hạt nhân (atom nucleus) và điện tử (electron). Hạt nhân gồm có hai loại hạt là proton và neutron. Proton cấu tạo bằng hai quark-up và một quark-down. Còn neutron cấu tạo bằng một quark-up và hai quark-down. Chung quanh hạt nhân có một hoặc nhiều electron chạy quanh. Số lượng proton, neutron và electron của nguyên tố này khác với nguyên tố khác. Hiện nay khoa học đã khám phá ra khoảng 118 nguyên tố khác nhau như sau :
Đối với sinh vật thì nguyên lý nhân duyên thể hiện trong kết cấu phân tử, tế bào, mô, cơ, xương, mạch máu, thần kinh. Trong nhân tế bào có một cơ cấu thông tin di truyền vô cùng tinh vi gọi theo tiếng Pháp là ADN (Acide DésoxyriboNucléique ) còn theo tiếng Anh là DNA (DesoxyriboNucleic Acid). Chính cơ cấu thông tin này hướng dẫn sự phát triển của một sinh vật từ lúc còn là trứng mới thụ tinh đến khi trưởng thành.
Cấu trúc phân tử AND chứa thông tin di truyền
Còn về mặt tâm sinh lý thì nguyên lý nhân duyên thể hiện trong Ngũ Uẩn bao gồm Sắc (vật chất), Thọ (cảm giác), Tưởng (tưởng tượng), Hành (vận động) và Thức (nhận biết, phân biệt).
Nguyên lý nhân duyên và nguyên lý nhân quả tương đối dễ nhận thấy, phần siêu hình của nhân quả nhiều người không tin nên cần có sự chỉ giáo của các bậc giác ngộ như Phật, Bồ Tát, người bình thường mới biết và có thể tin theo.
Nguyên lý nhân duyên được mô tả liên hoàn và chặt chẽ vừa hữu hình vừa siêu hình trong thuyết thập nhị nhân duyên của Phật giáo bằng mô hình dưới đây :
Trong mô hình này, vật chất chỉ chiếm 3 phần trong chuổi 12 khâu liên hoàn. Tuy vật chất là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất, các nhân tố tâm lý mới thực sự quan trọng, chiếm tới 9 phần. Vật chất chỉ chiếm 3 phần [0.5 trong Danh Sắc , 1 trong Lục Nhập (căn và trần), 0.5 trong Sanh, 1 trong Lão Tử]
Sự luân hồi tái sinh chứng tỏ rằng trong khâu Sanh có hai phần : thần thức (hồn) và thể xác (vật chất).
Tiếp theo đây là những nguyên lý rất sâu kín, rất khó nhận biết, Phật cũng đã có nói trong kinh điển nhưng có rất ít người hiểu thấu :
Nguyên lý vô minh
Nguyên lý nền tảng chủ yếu nhất của vũ trụ là vô minh. Vô minh đòi hỏi rằng chúng sinh cần phải ngu tối. Bởi vì phải có ngu tối, chúng mới mê lầm không biết rõ được sự thật. Không biết sư thật, chúng mới tuyệt đối tin tưởng rằng thế gian là có thật, từ đó chúng mới diễn tốt mọi vai trò trong đại hí trường cuộc đời với thiên hình vạn trạng cảnh giới biến ảo, với đủ loại tâm trạng vui, buồn, giận, ghét, sướng, khổ. Nếu chúng biết được sự thật, tất cả chỉ là tánh không chẳng có gì ráo trọi, thì làm sao có được cuộc hí trường của thế gian.
Vô minh không phải là sự không sáng suốt để phân biệt được đâu là đúng sai. Đúng hay sai cũng đều là vô minh. Vô minh là một bóng tối làm nền cho sự ảo hóa, nếu không có nó thì ảo hóa bất thành, vũ trụ không thể thành lập. Vô minh biểu hiện như thế nào ? Vô minh đòi hỏi sự thật cần phải được che giấu bớt một phần, giống như các nhà ảo thuật phải có cái gì đó che giấu không để cho khán giả thấy, hoặc ngay cả một nhà đặc dị công năng như Hầu Hi Quý cũng cần phải có một chút gì đó che giấu, chẳng hạn khi dùng tâm niệm di chuyển cái bàn mạ vàng của ông Lý Gia Thành, ông cũng phải có một tấm vải đen trải lên sàn nhà để cái bàn đội lên, hoặc khi biến ra thức ăn, ông phải dùng mảnh vải đậy cái tô lại, khi dỡ mảnh vải thì thấy thức ăn đã có trong đó. Bởi vì nếu có ai đó nhìn thấy thì sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Điều đó tương ứng với việc hạt electron nếu có người quan sát thì nó vẫn là hạt electron, khi đi qua hai khe hở thì nó tạo ra hai vạch giống như hạt đá hoa, nhưng nếu không có ai quan sát hay rình đo đạc, thì nó là sóng cho hiệu ứng giao thoa nhiều vạch.
Trước hết hãy nói về thế giới vật chất, vô minh biểu hiện ở tầm cơ bản nhất của vật chất là lượng tử (quantum) hay các hạt cơ bản (elementary particles). Trong thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris, đây là lần đầu tiên giới khoa học hiểu được ý nghĩa của vô minh mà PG đã đề cập trong kinh điển suốt hơn 2000 năm qua. Một hạt photon không hề có đặc trưng gì ráo trọi, nó cũng không thật sự hiện hữu, nhưng người làm khảo sát thấy có hạt photon, thấy có những đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin mà ông ta đo đạc được. Ông ta không hề biết rằng hạt photon và những đặc điểm của nó là do tâm của ông ta tưởng tượng ra. Đó chính là vô minh. Bất đẳng thức Bell đã chứng tỏ bằng toán học, không thể chối cãi, rằng các số đo không có sẵn, nó chỉ xuất hiện trong quá trình đo đạc, do con người tưởng tượng ra. Tính chất này, các nhà vật lý gọi là non realism (phi hiện thực). Người ta cũng rất ngạc nhiên khi thấy một hạt photon có thể xuất hiện đồng thời ở hai vị trí cách xa nhau trong không gian. Trong cuộc thí nghiệm do đại học Geneva Thụy Sĩ tiến hành năm 2008, hai photon cách xa nhau 18km. Nhưng chúng thực ra chỉ là một hạt mà thôi. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng rằng khoảng cách không gian 18km và số lượng 2 photon chỉ là biểu kiến, là ảo, là tưởng tượng. Nhưng chúng ta vẫn thấy, cảm nhận và đo đạc được bằng tất cả giác quan về khoảng cách không gian 18km, số lượng 2 photon với các đặc điểm về số đo của chúng. Năm 2012, Maria Chekhova của đại học Moscow còn có thể cho một photon xuất hiện ở 100.000 vị trí khác nhau, điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng số lượng cũng chỉ là ảo. Không gian không có thật, các nhà vật lý gọi là non locality (bất định xứ). Số lượng không có thật, các nhà vật lý bối rối tới mức không dám gọi tên bởi vì quá đỗi phi lý, nhưng cũng có người tạm gọi là non quantity (phi số lượng).
Vô minh khiến cho một sinh vật thượng đẳng có trí thông minh như con người cũng không thể nhận ra không gian, thời gian, số lượng chỉ là ảo tưởng không có thật. Vô minh khiến cho con người tưởng tượng thấy có vũ trụ vạn vật, thiên hà, mặt trời, hành tinh, sơn hà đại địa, cây cỏ sinh vật, muôn loài trong đó nổi bật là con người.
Vô minh khiến chúng sinh không nhớ tiền kiếp của mình, đó là điều cần thiết. Trong một số ít trường hợp có người nhớ được tiền kiếp và sẽ cảm thấy rất khó xử. Như trường hợp của Titu, cư xử thế nào với vợ con của mình kiếp trước ? Trong nhiều đời nhiều kiếp, người mẹ kiếp trước có thể trở thành người vợ của kiếp này, khi đó biết cư xử làm sao ?
Nguyên lý gán ghép hay thay thế (replacement)
Nguyên lý này cũng quan trọng không kém gì nguyên lý nhân quả hay nhân duyên nhưng trong thực tế rất ít người thấu hiểu. Trong kinh Hoa Nghiêm có nói : “Tâm như họa công sư, họa chủng chủng ngũ ấm. Nhất thiết thế giới trung, vô pháp nhi bất tạo…Nhất thiết pháp vô tự tính心如工畫師,畫種種五陰。一切世界中,無法而不造。…一切法無自性” (Tâm như họa sư khéo tay, vẽ đủ thứ ngũ ấm. Trong tất cả thế giới, không pháp gì mà không tạo ra được…Tất cả các pháp đều không có tự tính).
Tất cả các pháp đều không có tự tính nghĩa là các pháp các sự vật không có sẵn bất cứ đặc điểm, đặc trưng nào cả. Điều đó dường như trái với thực tế, chúng ta thấy vật nào, pháp nào cũng có đặc điểm riêng cả. Điều mà chúng ta không ngờ là chúng sinh, con người đã ứng dụng nguyên lý gán ghép hay thay thế mà không hay. Nghĩa là chúng ta đã tự động thay thế gán ghép thói quen tưởng tượng của mình vào sự vật mà không hay biết. Trong thế kỷ 20 có một cuộc tranh luận về khoa học rất lớn, rất cơ bản giữa hai nhà khoa học hàng đầu thế giới là Niels Bohr và Albert Einstein. Bohr nói rằng hạt photon không có sẵn đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin (chiều và vòng xoay). Chỉ khi có người quan sát đo đạc thì các đặc trưng đó mới xuất hiện, tức là đặc trưng là do người khảo sát gán ghép cho hạt photon chứ nó không có sẵn. Einstein tranh cãi kịch liệt, ông cho rằng hạt photon luôn luôn có sẵn đặc trưng, đó là khách quan, độc lập đối với người khảo sát. Hai ông tranh cãi từ năm 1935 cho tới khi cả hai qua đời (Einstein qua đời năm 1955, Bohr mất năm 1962) bất phân thắng bại. Người ta không biết làm cách nào để phân định ai đúng ai sai. Mãi tới năm 1964, một nhà khoa học Ái Nhĩ Lan đề xuất phương án có thể phân định đúng sai gọi là bất đẳng thức John Bell (tên của người này) nhưng khả năng của khoa học lúc đó chưa có bộ máy để dễ dàng tạo ra một sự liên kết lượng tử (quantum entanglement) là cơ sở thực nghiệm để áp dụng bất đẳng thức Bell. Năm 1967 có một nhà khoa học Mỹ trẻ mới tốt nghiệp tiến sĩ (Ph. D) tên là John Clauser, vốn là người ủng hộ lập trường của Einstein, cố gắng chế tạo bộ máy nói trên với mục đích để khẳng định là Einstein đúng. Nhưng khi hoàn thành bộ máy và tiến hành thực nghiệm thì John Clauser vô cùng thất vọng bởi vì nó chứng minh ngược lại. Năm 1982, một nhà khoa học Pháp là Alain Aspect, tiến hành một cuộc thí nghiệm lớn tại Paris để quyết định đúng sai một lần cho tất cả. Kết quả cũng giống như John Clauser đã làm, thực nghiệm chứng tỏ Bohr đúng, Einstein sai. Người ta rút ra hai kết luận quan trọng :
Vật (hạt photon) là phi hiện thực tức không có thật (non realism) nghĩa là photon chỉ là hạt ảo không có thật, chỉ là tưởng tượng.
Vật (hạt photon) là bất định xứ (non locality) nghĩa là hạt photon không có vị trí nhất định, ta quan sát ở đâu thì nó sẽ ở đó.
Thí nghiệm trên tiết lộ rằng vật không có sẵn bất cứ đặc trưng nào cả, tất cả mọi tính chất đặc trưng đều là do con người gán ghép cho vật. Kinh điển nói không sai chút nào : nhất thiết duy tâm tạo. Video sau đây mô tả chi tiết cuộc tranh luận thế kỷ giữa Bohr và Einstein :
Tranh Luận Giữa Bohr Và Einstein Về Cơ Học Lượng Tử
Nguyên lý thay thế được ứng dụng rất lớn trong tin học hiện đại. Chúng ta đều biết rõ dữ liệu (data) tin học chỉ là những con số nhị phân. Người ta dùng những con số nhị phân này để biểu hiện thay thế cho các ký tự A,B,C a,b,c, các chữ số của hệ thập phân 1,2,3,4,5…và bất cứ ký tự của bất cứ ngôn ngữ nào, thay thế cho hàng triệu màu sắc khác nhau, thay thế cho âm thanh, hình ảnh, video…trong khi lưu trữ. Bất cứ thứ gì cũng có thể dùng con số để thay thế nên gọi là kỹ thuật số (digital). Dữ liệu tin học chỉ là hàng hàng lớp lớp những con số nhị phân 0 và 1. Nhưng khi chúng ta nhìn vào màn hình thì thấy chữ viết, hình ảnh, video, còn tai chúng ta thì nghe âm thanh. Nghĩa là khi lưu trữ thì tất cả mọi dữ liệu chỉ là những con số nhị phân. Còn khi xem, khi sử dụng, thì những con số nhị phân đó được thay thế bằng những tính chất đặc trưng mà con người muốn thấy, muốn diễn tả. Những con số nhị phân không hề có bất cứ tính chất đặc trưng nào, chúng hoàn toàn vô nghĩa. Nhưng vì chúng được gán ghép, được thay thế bởi rất nhiều tính chất khác nhau do con người tưởng tượng ra, từ đó tạo ra công dụng rất lớn của ngành tin học hiện đại.
Vấn đề là phải xử lý thông tin cực nhanh cho kịp thời. Vì thế những con chip để xử lý thông tin, để làm công việc thay thế thật hiệu quả, được chế tạo ngày càng nhanh, các mạch điện ngày càng sát nhau để tiết kiệm diện tích của con chip, tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Các mạch điện trong con chip hiện chỉ còn cách nhau 12-14 nanomét và đang tiến tới chỗ chỉ còn cách nhau 10 nanomét. Con chip của các smarphone hiện nay có tới 8 nhân và đang tiến tới chỗ có 10-12 nhân để càng ngày càng cải thiện tốc độ xử lý.
Năm 1927, Werner Heisenberg đưa ra nguyên lý bất định (principle of uncertainty) để mô tả tính bất định của hạt electron, ông phát biểu rằng không thể đồng thời xác định vị trí và động lượng của hạt electron. Nguyên lý bất định là một biến tướng của nguyên lý gán ghép thay thế. Khi hạt electron bị nhìn, bị rình đo đạc thì nó đã bị gán ghép đặc trưng và trở nên xác định, nó sẽ phát ra tiếng kêu tại một máy dò Geiger xác định nơi người khảo sát đang nhìn.
Tiến Sĩ Amit Goswami Nói Về Tính Chất Electron
Hiểu rõ nguyên lý gán ghép là thực chất của thế gian, chúng ta không còn quá coi trọng lời khen chê của người khác bởi vì biết tỏng họ gán ghép chủ quan của họ, khen hay chê cũng chỉ là vọng tưởng của họ mà thôi.
Nguyên lý bất toàn
Năm 1931 Kurt Godel đưa ra định lý bất toàn (incompleteness theorems). Ý nghĩa triết học của định lý này nói rằng trong bất cứ hệ thống duy lý nào cũng có mâu thuẫn, có những điều không thể khẳng định cũng không thể bác bỏ, đó là tính chất bất toàn, không thể có sự tuyệt đối. Ý nghĩa này được cụ thể hóa trong một câu chuyện về người thợ cạo do Bertrand Russell sáng tác để chỉ rõ mâu thuẫn. Đó chính là Nghịch lý Russell , ông kể rằng :
Ngày xưa, có 1 ông thợ cạo, được nhiều người cho rằng sống ở làng Seville (thuộc Tây Ban Nha). Tại làng đó, tất cả đàn ông đều tự cạo râu hoặc nhờ thợ cạo. Và ông thợ này đã tuyên bố: “Tôi chỉ cạo râu cho những người đàn ông nào của làng Seville mà không tự cạo râu”.
Như vậy nam nhi của làng Seville chia làm hai nhóm : nhóm 1 tự cạo râu, nhóm 2 không tự cạo râu. Rắc rối là không biết xếp ông thợ cạo vào nhóm nào, vì : nếu xếp ông vào nhóm 1 thì ông không được tự cạo râu cho ông vì trái tuyên bố, mà không tự cạo râu thì phải xếp ông vào nhóm 2, mà nếu vậy thì sẽ được cạo râu, mà đã tự cạo râu thì phải xếp vào nhóm 1. Xếp cách nào cũng mâu thuẫn với tiên đề, nên mới gọi là nghịch lý.
Vì tính chất nền tảng rất quan trọng của định lý này nên nó xứng đáng được xếp vào hàng nguyên lý. Nếu dùng nguyên lý bất toàn để xem xét Phật giáo thì sẽ thấy giáo lý Đạo Phật có rất nhiều mâu thuẫn. Ví dụ :
Lý nhân quả có mâu thuẫn ở chỗ không thể xác định được nguyên nhân đầu tiên. Cái khổ hiện tại là quả báo của nhân ác quá khứ nhưng truy mãi cũng không bao giờ tìm thấy nguyên nhân đầu tiên bởi vì quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, tương lai bất khả đắc. Suy ra nhân quả chỉ là ảo tưởng không có thật.
Thuyết sinh vật tiến hóa của Darwin cũng phá sản, đó chỉ là phỏng đoán không phải là thực tế vì không thể xác định được sinh vật đầu tiên và quá trình tiến hóa từ sinh vật đầu tiên thành con người hiện nay, chưa kể là chứng cớ hóa thạch trong suốt quá trình dài hàng tỉ năm đó không thể tìm thấy, mặt khác nhiều chứng cớ hóa thạch còn phản bác thuyết tiến hóa. Chẳng hạn hóa thạch con dế cách nay 125 triệu năm thuộc kỷ Phấn trắng (Cretaceous Period) không khác chút nào so với con dế hiện tại, chứng tỏ không có tiến hóa.
Con dế hiện nay
Con dế hóa thạch cách nay 125 triệu năm
Người tu theo pháp môn Tổ Sư Thiền đều thuộc lòng 9 chữ mà hòa thượng Duy Lực thường nhắc đi nhắc lại “Vô sở cầu, vô sở đắc, vô sở sợ” Đã không cầu không đắc tức là vô tu vô chứng, vậy đâu cần tham thiền, tham thoại đầu để làm gì ?
Trong Kinh Kim Cang, Phẩm 22 Vô Pháp Khả Đắc có câu :
須菩提白佛言。世尊。佛得阿耨多羅三藐三菩提。為無所得耶。如是如是。須菩提。我於阿耨多羅三藐三菩提。乃至無有少法可得是名阿耨多羅三藐三菩提
Tu Bồ Đề hỏi Phật : “Thế Tôn, Phật đắc A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề (Anuttara samyak sambodhi – Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác) có phải là Vô Sở Đắc (không có cái được, không được gì cả) không ?”
“Đúng vậy, đúng vậy. Này Tu Bồ Đề, ta chứng A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, cho đến một pháp nhỏ bé nào cũng không có được, mới gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề”.
Như vậy chứng tỏ giác ngộ chỉ là ảo tưởng, không có thật, là vọng tưởng. Trong thế giới tương đối, có mê lầm mới có giác ngộ, còn trong bản thể niết bàn thì không có giác ngộ, cũng không có mê lầm. Đó là thực tướng tánh Không mà kinh điển Phật giáo luôn đề cập, tiêu biểu là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra). Quyển kinh này rất ngắn, chỉ có 260 chữ, nhưng đã nêu rõ yếu chỉ của Phật giáo : Ngũ Uẩn, Lục căn, Lục trần, Lục thức, Sinh Lão Bệnh Tử, Khổ Tập Diệt Đạo, các cặp phạm trù mâu thuẫn như Sắc Không, Dơ Sạch, Số lượng tăng giảm v.v… đều không có thật.
Thế nhưng Phật tử vẫn cần phải tham thiền, tu hành, giữ giới luật chứ đâu thể nào bỏ được. Bởi vì Phật tử mê muội, vọng tưởng, khổ, nên phải tu hành để giải thoát khỏi cái khổ tưởng tượng của mình, chứ Phật giáo không hề kiến lập bất cứ chân lý nào.
Tuy Tâm có khả năng không giới hạn, không pháp nào mà tâm không tạo ra được. Nhưng tâm không thể giải thoát cho chúng sinh hết khổ, bởi vì cái khổ của chúng sinh là vọng tưởng, mỗi người phải biết ngưng vọng tưởng thì mới hết khổ. Ngưng vọng tưởng cũng tức là chấm dứt vô minh, thì cuộc hí trường thế gian cũng hạ màn bởi vì chỉ còn tánh không trống rỗng, gọi là Tâm như hư không vô sở hữu.
Đó là những mâu thuẫn mà nguyên lý bất toàn chỉ ra. Từ đây chúng ta có thể suy ra rằng không thể có TOE (Theory Of Everything = Lý thuyết cho tất cả) bởi vì lý thuyết đó cũng như mọi môn khoa học, triết học và tôn giáo, đều có mâu thuẫn nội tại, có những điều không thể khẳng định cũng không thể phủ định. Chẳng hạn không thể khẳng định Thượng Đế tồn tại mà cũng không thể phủ định Thượng Đế.
Nguyên lý bất toàn biểu hiện là có mâu thuẫn trong bất cứ hệ thống duy lý nào, trong bất cứ phát biểu hay diễn tả nào, khiến cho mọi lời nói ra đều không có nghĩa thật.
Trong Kim Cang Kinh Giảng Lục 金剛經講錄 của Đạo Nguyên道源 có câu : Tu Bồ Đề, nhữ vật vị Như Lai tác thị niệm ngã đương hữu sở thuyết pháp. Mạc tác thị niệm! Hà dĩ cố ? Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật, bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu Bồ Đề, thuyết pháp giả, vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp. 須菩提!汝勿謂如來作是念:我當有所說法。莫作是念!何以故?若人言如來有所說法,即為謗佛,不能解我所說故。須菩提!說法者,無法可說,是名說法 (Này Tu Bồ Đề, ngươi đừng bảo Như Lai tạo tác ý niệm này : rằng ta đang có pháp để thuyết. Đừng nghĩ như vậy! Tại sao ? nếu có người nói Như Lai có pháp để thuyết là phỉ báng Phật, không thể hiểu điều ta nói. Này Tu Bồ Đề, người thuyết pháp, không pháp nào có thể thuyết được, đó mới là thuyết pháp).
Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử cũng nói :Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh 道可道非常道名可名非常名 (Cái đạo mà có thể nói được không phải là đạo thật thường hằng, tên gọi mà có thể nói ra được không phải là tên thật thường hằng). Tức cái gì có thể dùng ngôn ngữ để diễn tả thì không phải là cái chân thật, chỉ là giả danh mà thôi.
Như Lai không có thuyết pháp, vô pháp khả thuyết, Phật chỉ gợi ý cho tín đồ ngộ cái mà họ vốn có sẵn chứ không có kiến lập một cái chân lý nào cả, ai nói Phật có thuyết pháp là phỉ báng Phật vì Phật không có ý nói những điều giả danh như vậy. Các bậc thánh hiền điều biết những cái có thể dùng lời nói để diễn tả là cái giả. Cho nên những kẻ đi rao giảng đạo đức là treo đầu dê bán thịt chó. Các bậc thánh hiền không bao giờ đi rao giảng đạo đức là vì cái nguyên lý bất toàn, họ chỉ mong người đời ngộ ý mà quên lời.
Đó là lý do tại sao Phật phải đợi có người hỏi pháp, thì ngài mới trả lời, chứ không bao giờ đi rao giảng khơi khơi những điều Phật đã biết rõ là giả danh chứ không phải chân lý.
Truyền Bình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét