Gió lẻ là câu chuyện về một cô bé quên mất tiếng nói loài người. Trong nỗi hoang mang của kẻ lạc loài, số phận run rủi cho cô gặp hai kẻ đồng hành kém may mắn khác; và họ đã dạy cho cô những tiếng nói quen thuộc. Nhưng rồi tình cảnh thật trớ trêu khi cô nhận ra mình mãi mãi không thể hòa nhập được với thế giới con người mà cô đã từng bị chối bỏ, bởi cô nhận ra giữa tiếng nói, hơi thở và “những ý nghĩ chạy xuyên qua mạch máu” đôi khi hoàn toàn không giống nhau. Thất vọng khi khoảng cách với thế-giới-người ngày càng xa vời vợi khiến cô co mình vào một cõi riêng, bất định… Ở đó ranh giới giữa sự sống và cái chết gần như bị xóa nhòa.
Một câu chuyện đầy cảm xúc về nỗi cô đơn, tổn thương, sự mất mát và cái chết.
Cách viết mới, nên người khen không ít, người không chấp nhận cũng nhiều thiệt nhiều. Nhất là, người quen với Nguyễn Ngọc Tư chân quê dung dị, bảo Gió lẻ khác chị xưa quá, như cô gái chân quê một bước đi ra thành thị, với câu chữ làm duyên làm dáng. Thực ra, bỏ qua để chấp nhận những đổi thay mới của chị, người đọc vẫn không thể nào khỏi rưng rưng với những câu chuyện mà chị viết ra. Gió le cũng vậy.
Bạn sẽ khó mà không ám ảnh với những đời Gió lẻ trong truyện. Cô bé quên mất tiếng người, và hành động lạ lẫm của cô là ói mửa khi nghe những người mà cô gặp trên đường có những lời nói dối.
Còn anh tài xế xe tải, người cho cô gái quá giang trong quyết định không biết đi đâu về đâu của mình, thì đôi lúc, vẫn có những suy nghĩ về cuộc đời dễ làm bạn thoáng rùng mình, vì nó quá trúng với cuộc đời mà bạn đang đi qua: “lựa chọn yêu thương với một người đồng nghĩa với việc mất mát những niềm vui. Đồng nghĩa với cái chết, sự phản trắc, sự lìa bỏ, sự tan vỡ…”.
Gió lẻ làm nổi lên một Nguyễn Ngọc Tư rất khác, Nguyễn Ngọc Tư của năm 2008. Người ta sẽ khó biết chị còn bước thêm bước nào, đi về đâu nữa trên con đường văn nghiệp của mình.
....
Nguyễn Ngọc Tư có lạ, có mới, có biến đổi câu chữ kỳ ảo làm cho bạn có khi hơi mất đi chút xíu cảm tình. Nhưng đọc những câu chuyện của chị, bạn khó mà kiềm nén những rung động thật, về kiếp người, và những góc cạnh rất thật của từng con người trong cõi Ta bà.
NHÃ MY
Mời xem đoạn trích trong truyện "Gió lẻ" của Nguyễn Ngọc Tư
"... Nằm nhìn trăng trôi trong rẫy bắp, em từng nghĩ, khi mình nói trở lại, câu đầu tiên là gì ?
- Mầy đừng liếm chân tao, nhột lắm!
Câu đó em sẽ nói với con Cò. Nó hay làm em tỉnh giấc bởi sự hí hửng vô chừng, chỉ là bóng trăng, lá rơi hay mùi một con chó cái xa xa… Cái lưỡi ướt lạnh của nó bắt đầu lượn lờ lên gót chân rồi lên đến bắp chân, đầu gối em. Những cơn rùng mình từ đó chạy lên đỉnh đầu, làm nên một vòng sóng ran cả người.
Em ghét cảm giác đó, nên em định nói với con chó. Nhưng rồi em lại nói câu khác :
- Đi.
Đó là buổi sáng em bỏ lại rẫy bắp sau lưng, đi dọc theo con đường chập chờn lau lách, xập xòe bướm bay. Em tới một ngã ba, gặp một cái quán nước thưa người. Con Cò lẽo đẽo đi theo, thật ra cái từ "đi" nó chẳng hiểu, vì em chưa từng nói, nhưng nó biết có cơn đau nào đó đang xảy ra, bằng những tia máu vằn trong mắt, bằng chuyển động của ngón tay, của cái hất mặt, nhíu mày, của bước chân oằn trĩu…
*
Ba ngày nằm bệnh với Dự như bằng ba năm. Nằm trong chăn, cậu hình dung chiếc xe tải sáng nay đi ngang qua một ngôi miếu nhỏ, bà nội Dự đang nằm ngủ trong đó, nón lá rách úp mặt, đầu gối trên chiếc bị bàng cũng rách. Bảy năm lưu lạc rách nát thân già. Mình đã bỏ qua cơ hội tìm thấy bà, ý nghĩ đó làm Dự không yên. Ngày mai, cũng qua cung đường đó, cái miếu đó, nhưng bà nội không còn ở đó nữa. Những con đường đã cuốn bà trôi cùng chúng.
Dự cầm tấm hình của bà nội, nó đã quăn queo, nhàu nát. Hàng trăm bàn tay đã cầm nó lên, khi trả lại kèm theo những cái lắc đầu. Ngày Dự đi khỏi nhà với cái đầu cạo trọc bóng, như một lời thề, "không tìm được bà nội con không về…". Mẹ Dự sụt sùi, "thiên hạ mênh mông, biết đâu mà kiếm hả con ?".
Dự không tin thiên hạ lại rộng hơn cái thành phố này. Lòng cậu bị một cái dằm thép cháy đỏ trong đó, cháy từ buổi trưa Dự bỏ cuộc bi-a với bạn để chạy về nhà coi chừng bà.
- Bà nội báo hại con quá. Phải bà chết sớm con khỏe.
Dự ngờ rằng, vì câu nói trong lúc dằn dỗi này mà bà nội bỏ đi. Dự phải tìm bà, quỳ dưới chân xin lỗi… Bây giờ thì cũng chẳng nhớ sẽ nói với bà những gì, khi gặp lại. Tất cả đã mỏi mê, Dự tìm bà chỉ vì muốn tìm, vậy thôi.
Nằm quẩn quanh hết giường tới võng, không lái xe, không khuân vác, không lau dọn, trêu ghẹo cô giúp việc của chủ nhà rồi cũng chán, Dự thấy rã rời, ừa thì mai đây tìm được bà nội, rồi sau đó? "Sau đó" là một cái một khoảng trong veo vô tận.
Buổi chiều chiếc Landu quay lại, Dự nhảy ào ra cửa, mừng húm, cảm giác xa lâu lắm rồi. Một phần là do cô gái, khi trở lại, cô đã biết ngọng ngịu nói vài câu ngớ ngẩn, "có mắc rảnh không?" hay "nút áo rời kìa". Dự mắc cười quên cơn ớn lạnh, lúc lau dọn chỗ sàn xe thủng, cô gái ngậm ngùi "chỗ đây rách rồi…".
*
Em chẳng nhớ là mình đã nói câu gì khiến ông Buồn mỉm cười, hôm đó. Bắt đầu từ miệng, nụ cười bùng ra, gương mặt ông rạng rỡ, như có một hòn than sẽ sàng cháy, làm rựng hồng lên những tro lạnh chung quanh.
Lúc lời bật ra khỏi môi, thì em đang nghĩ tới tổ chim sâu trên nóc căn chòi cuối rẫy. Chẳng biết chuyện ở đâu mà chúng nói ríu ran cả ngày. Em hình dung vầy, con chim chồng nói :
- Anh vừa gặp một con voi chết trong rừng.
Vợ nó hỏi ngay, trời sao con voi đó chết? Vậy là giả thuyết được đặt ra, và câu chuyện trở nên bất tận, hết con voi thì tới đàn kiến đang bò đi, chắc là bò tới chỗ con voi, rồi nước suối chảy vòng qua xác con voi, rồi cái tán cây phía trên con voi. Hôm sau thì tới chuyện một cành hoa rụng. Câu chuyện trong trẻo và vui nhộn không bao giờ chấm dứt, bất chấp mưa, nắng, bất chấp gió lẻ gió bầy. Em luôn nghĩ, không biết trên thế gian này có con chim nào tìm tới cái chết vì tiếng hót của con chim khác ? Có con chó nào bỗng dưng đâm đầu vào đá vì tiếng sủa của con chó khác? Có con bò nào nhảy xuống sông tự chìm chỉ vì tiếng kêu của con bò khác ?
Tiếng nói của con vật không dùng để làm tổn thương nhau, em nghĩ. Cho đến bây giờ em cũng nghĩ vậy. Nên khi em nói theo kiểu - của - chim, đã làm hai người họ phì cười. Có lần em đã học nói giống con người, chỉ vài từ ngắn ngủi thôi, nhưng em mướt mồ hôi, kiệt sức :
- Sao ông buồn vậy?
Và người được hỏi cau mặt, phun một bãi nước bọt. Có vẻ ông không thích tiếng người.
*
Những lúc cạo râu, gã mới nhìn lại mình. Trong gương là khuôn mặt của cha gã, đôi mắt sâu của mẹ và đôi mày rậm ngang tàng của anh trai. Tất cả họ đã chìm, hoặc trong biển sâu hoặc trong lòng nước Mỹ.
Gã còn lại những con đường. Gã đi làm lơ xe khi chỉ mới mười ba tuổi. Với vài ba bộ đồ, gã đi khắp, đi theo kiểu con vắt trong vườn chuối mùa mưa, chỉ cần một điểm tựa, con vắt búng mình đến một nơi và từ nơi đó, nó lại vươn ra đi tiếp. Chỉ khác là vắt cần máu để sống, gã chỉ cần được đi.
Dự gặp gã lần đầu thì gọi đại ca, bởi "“em nhìn là biết dân giang hồ liền…". Với vẻ lì lợm cố hữu, vong gia thất thổ, lấy xe làm nhà, lấy những con đường làm bầu bạn, lâu lâu ghé qua ngấu nghiến đàn bà, lơ đảng những món tiền kiếm được... gã giang hồ hơn mọi giang hồ.
Giờ dù quanh quẩn đi lại ở mấy chợ quen, nhưng gã vẫn không lấy làm buồn. Những con đường đó vẫn biến đổi mỗi ngày: cô chủ quán đã cắt tóc cao, cây me tây thay lá, thêm cái tủ thuốc lá được đặt bên vỉa hè, những thùng rác được thay mới, một bảng hiệu đã sơn lại, vài cái đèn đường tắt, panô giăng ngang đầu "Giải quần vợt mở rộng" hôm nay đã bị mưa làm rơi mất chữ t…
Chẳng bao giờ những con đường lại biến mất sau giấc ngủ quên trên gác xép, như cả nhà biến mất, khi gã lên tám tuổi....
Trích: Gió lẻ
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét