Thấp thoáng trong gió mây Yên Tử, vầng trăng khuyết vẫn óng ánh, như một nụ cười trôi.
Đêm trên chùa Hoa Yên, Đêm thiêng. Tiếng suối Ngự Dội rì rầm, Hơi thở của rừng ngan ngát hương. Ngàn trúc lao xao gió.
Cây đại cổ xưa gần ngàn năm tuổi vẫn còn đứng bên vách núi, vẫn nở những chùm hoa trắng, vẫn nhớ mong cánh hạc vừa bay qua ánh hoàng hôn.
Đêm thiêng Yên Tử. Tôi nhớ người xưa quá. Nhân Tông, Anh Tông, Huyền Quang, Nguyễn Trãi …
Đi trong rừng trúc, thương nhớ người xưa. Cảnh đêm Yên Tử Thiền vị và thi vị.
Tôi nhớ cuộc leo núi ban ngày và tôi chờ ban mai, Trong khuất tịch non cao, tiếng chim đêm kêu như rót thơ và hồn hoa như bay lượn trong gió. Đêm nay tôi hiểu ra rằng tại sao Hải Lượng Thiền sư Ngô Thời Nhiệm bảo hồn hoa không phải là hoa cũng như thân chim chẳng phải là chim ( Điểu thân phi điểu, hoa hồn phi hoa ).
Đêm nay trên Yên Tử, tôi nhìn thấy cái vô hình là hữu hình, vĩnh cửu là phù vân.
Tôi nghe tiếng cười nói của những bậc thầy tôi yêu. ÔI ! Trúc Lâm ! Ôi Ức Trai ! Tiếng cười của họ trong mây gió.
Đợi trời ửng hồng, tôi trèo lên một bờ đá phẳng, nhìn xuống biển xa xanh.
Một cây lau trắng đơn độc đứng đó trước tôi và đứng cao hơn tôi, đong đưa trong gió tinh mơ.
Mây trắng và sương mờ dìu nhau bay trong không gian phớt hồng hư ảo, thấm ướt những giọt ánh sáng li ti. Những đỉnh núi xa từ từ hiện lên, chập chờn biêng biếc.
Những áng thơ xưa in bóng Yên Tử cũng bay về, Nguyễn Trãi từng qua đây và đề thơ chùa Hoa Yên:
Yên Sơn sơn thượng tối cao phong
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồn
Vũ trụ nhân cùng thương hải ngoại
Tiểu đàm nhân tại bích vân trung …
( Đề Yên Tử sơn Hoa Yên Tự )
Nắng lên. Không gian như nở ra ánh sáng. Dường như trên Yên Tử bạn có thể nhìn thấy toàn thể vũ trụ, nhìn thấy tận cùng vũ trụ. Trời hông hồng biển xanh lấp lánh bạc. Có ai nghe thấy tiếng gì trong mây biếc kia không ? Tiếng ai cười nói đấy ?
Hay tiếng cười của chính Ức Trai ?
Trong nắng ban mai, tôi táo bạo chuyển ngữ văn thơ của Người :
Nơi đỉnh non Yên cao ngất
Mới tinh mơ đã ửng trời
Mắt nhìn vũ trụ xanh khơi
Ai nói cười trong mây biếc …
Yên Sơn thượng tối cao phong
Trên níu Yên Tử nơi đỉnh cao nhất. Yên Tử linh thiêng không phải vì là đỉnh núi tuyệt cao.
Dù rất ngoạn mục, núi cũng chỉ có độ cao hơn một ngàn thước (1.068m).
Cái cao nhất của núi Yên Tử là độ cao không nơi nào có, là độ cao của “Núi vua hóa Phật” .
Đó là độ cao tâm linh.
Đó là độ cao mà Trúc Lâm (vua Trần Nhân Tông) nói tới trong bài ca “ Được thú lâm tuyền thành đạo”
Khuất tịch non cao
Náu mình sơn dã …
Thanh nhàn vô sự
Quét tước đài hoa …
Giác tánh quang quang
Trần duyên rũ hết
Thị phi chẳng hề …
Vì vậy , ai cũng có một đỉnh non Yên, một đỉnh non thiêng để mà lên.
Trong bài “ Vân Tiêu am”, vua Trần Anh Tông miêu tả núi Yên như sau :
Đình đinh bảo cái cao ma vân
Kim tiên cung khuyết vô phàm trần …
( Lọng cao sừng sững chạm mây
Cung tiên kỳ diệu nào đây bụi trần …)
Ní Yên , đ1o là cõi ánh sáng , là nơi tâm vằng vặc , là nơi tánh sáng ngời .
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
Vừa mới canh năm trời đã ửng hồng. Ánh sáng vừa mới tỏa đã lập tức chạm vào Yên Tử. Như thể mặt trời mọc là mọc từ núi thiêng, là mọc cho núi thiêng.
Nhật nguyệt như thay nhau soi chiếu Yên Tử
Cũng trong bài “Vân Tiêu Am” Anh Tông đã hình dung 3 điều kỳ tuyệt :
Thanh phong táp địa vô hưu yết
Minh nguyệt đương không kiểu băng tuyết
Thử phong thử nguyệt dữ thử nhân
Hợp thành thiên hạ tam kỳ tuyệt
( Gió bay trên đất vô ngần
Trăng lơ lửng sáng một vầng tuyết phơi
Gió, trăng cùng ở bên người
Hợp nên tam nguyệt dưới trời là đây )
Có thể hiểu rộng ra, ba điều kỳ tuyệt ở dưới trời là ánh sáng, gió và con người
Yên Tử được bọc trong ánh sáng ,của Mặt trời , Phật và Mặt trăng Phật , trong ánh bạc lung linh của trăng, và ánh hồng óng ả của mặt trời .
Đây cũng là ngày đối diện Phật , đêm đối diện Phật .
Đấy là ánh sáng của bất sinh bất diệt , ánh sáng của chư Phật hiện tiền .
Còn nhớ câu chuyện Trúc Lâm thị tịch ở am Ngọa Vân . Khi Bảo sát đến am , Nhân Tông mĩm cười mà bảo :
– Sao đến muộn thế , ta sắp đi đây . Pháp gì chưa rõ thì hỏi đi
Bảo Sát liền hỏi :
– Khi Mã Tổ bệnh , vị viện chủ mới hỏi rằng “ Gần đây Tôn đức thế nào ?” và Mã Tổ đáp “ Ngày đối diện Phật, đêm đối diện Phật”. Là ý thế nào ?
Trúc Lâm lớn tiếng đáp :
– Ngũ đế, Tam hoàng là vật gì ?
Sau đó đến ngày mồng 1 tháng 11 vào nữa đêm, tròi trong sao sáng. Trúc Lâm nói:
– Đến giờ ta đi
Bảo Sát hỏi :
– Tôn đức đi đâu bây giờ ?
Trúc Lâm nói :
– ….Chư Phật thường hiện tiền ,
Nào có đi hay đến .
Rồi Người ngồi theo kiểu sư tử tọa mà hóa .
Trúc Lâm lặng lẽ ra đi trong ánh so Mai sáng rực, trong ánh hồn đang tỏa lan trên đỉnh non Yên.
Đó chính là ánh hồng mà Nguyễn Trãi nhìn thấy khi đứng trên Yên Tử. Mới tinh mơ đã ửng trời.
Ánh hồng mọc trên núi thiêng. Một cảnh tượng siêu phàm như thể chỉ có ở cung Tiên.
Và bắt chước người xưa, tôi cũng đứng trên non Yên mà ngắm bầu trời ửng sắc hồng.
Giữa khuất tịch non cao, tôi cảm thấy từng tia sáng mát lạnh kỳ diệu chạm vào người.
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Ta nhìn vũ trụ đến tận cùng biển xanh. Đôi mắt Ức Trai như bao trùm vũ trụ, Dường như vũ trụ thức giấc trong đôi mắt thi ca. Dường như biển xanh đang trải mình trong mắt xanh, trong đôi mắt phóng màu xanh vô tận.
Đó là đôi mắt đang ôm choàng thế giới , ôm choàng ánh sáng .
Thi hào Basho Nhật Bản cũng nhìn biển như thề :
Ôi biển hoang vu
Ngân hà vươn trải
Trên đảo Sado
( Ara umi ya
Sado ni yokotau
Ama no gawa
Basho miêu tả : “trước mắt tôi là biển động hoang vu , muôn trùng sóng gió , bên trời xa kia là đảo Sado. Giải ngân hà óng ánh sẽ nối liền đảo với bầu trời đêm …”
Cứ thế, đôi mắt người và biển và trời nối liền nhau. Không có trong và ngoài. Không có hữu hạn và vô hạn.
Biển, ngân hà, và đảo Sado của Basho.
Biển, mặt tròi và biển của Nguyễn Trãi.
Cả hai đếu là thi ca trong ý nghĩa sâu thẳm nhất : Ôm cả thế giới vào lòng, mà cái tâm của ánh sáng, mắt nhìn vũ trụ xanh khơi.
Tiểu đàm nhân tại bích vân trung
Trong làn mây biếc có tiếng người cười nói. Câu thơ lạ thường này kéo mây biếc vào cõi nhân gian.
Trong mây biếc có “người” (nhân) chứ không phải thần tiên nào.
Tiếng nói cười của người vang lừng trong mây biếc. Mây bay trên núi Yên như bay bên cạnh con người. Con người đi trog mây nói cười tự tại.
Như Nguyễn Khuyến nói :
Chùa xưa ở lẫn cùng cây đá
Sư cụ nằm chung với khói mây …
Người và mây cùng nằm, cùng trôi, cùng nói cười trong một thế giới sai biệt.
Thấp thoáng trong gió mây Yên Tử là trăng sao, là mặt trời, là thiền sư, là thi sĩ. là rừng trúc, là hồn hoa, là tiếng chim, là tiếng suối… Là tiếng nói cười xôn xao mà cũng là niềm tịch lặng linh thiêng.
Là ai nói cười trong mây biếc. Đó chính là tiếng cười trong mắt xanh ta, tiếng cười trong cõi vô tâm.
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 15 | NHẬT CHIÊU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét