Như vậy, trong cõi trần gian ô trọc này, có thể có những người đã hoán chuyển từ phàm nhân thành thánh nhân vẫn đang sống lẫn lộn với chúng ta, mà ta không biết tới. Bởi vì không có thánh nhân thực sự nào tự nhận mình là thánh nhân cả, mà phần nhiều là do những người có cơ duyên tiếp xúc đã cảm nhận như vậy mà thôi.
Theo thiển ý, tiến trình chuyển hóa từ phàm qua thánh cũng qua nhiều cung bậc, mà có lẽ chỉ có người chứng đắc mới tự biết được. Tuy nhiên, một người đạt tới mức “thánh” không chỉ vì trí tuệ của sự giác ngộ và công đức của những điều lành đã làm, mà còn có thể tỏa ra một từ lực ảnh hưởng đến tâm của người trước mặt. Từ lực đó đem lại sự an lạc và hứng khởi, và cũng làm dấy lên một niềm tin trong lòng người đối diện.
Trong tháng vừa qua, miền Nam California đã có cơ duyên đón tiếp một vĩ nhân của thời đại, Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, trong đại lễ khánh thành chùa Điều Ngự. Không đi tham dự, nhưng tôi đã ở nhà theo dõi chương trình truyền hình trực tiếp. Điều làm tôi để ý nhất, có lẽ là thái độ khiêm tốn, bình dị, mà luôn ung dung tự tại của Ngài. Những cử chỉ của ngài rất hồn nhiên, rất bình thường như một con người bình thường, nhưng vẫn có một vẻ gì cao quý khiến người ta phải kính trọng. Tuy chỉ qua màn hình, nhưng tôi dường như cảm nhận được từ lực toát ra từ Ngài, qua bộ mặt lúc nào cũng tươi cười hỷ xả, qua lòng từ bi thể hiện đối với tất cả những người được tiếp cận. Một con người phải có sức hấp dẫn siêu phàm mới thu hút được hàng ngàn vạn người từ đủ mọi sắc tộc, mọi tôn giáo khác nhau đến để gặp mặt, mặc cho thời tiết nóng lạnh, phải chịu đựng những bất tiện, ngay cả tốn kém nữa. Như vậy, điều gì đã tạo ra từ lực siêu phàm ấy?
Tìm hiểu tiểu sử của ngài, ngay từ thuở ấu thơ đã được tôn vinh như vị vua tinh thần và chính thức của đất nước Tây Tạng, rồi khi đất nước bị ngoại bang xâm chiếm đã phải sống đời lưu vong nơi xứ người, mang nặng trên vai trọng trách của một nhà lãnh đạo. Kể từ đó trong suốt 60 năm qua ngài đã tranh đấu không ngừng nghỉ, tìm một giải pháp tự trị cho quê hương để bảo vệ cho dân tộc và nền văn hóa truyền thống. Có lẽ hơn ai hết, cuộc đời của ngài đầy dẫy những thử thách gian nan, những nỗi niềm u uất và trăn trở trước hành động dã man của kẻ xâm lược bá quyền muốn xóa bỏ một đất nước dân tộc đã từng một thời có một quá khứ vinh quang. Nhưng chính những khó khăn trở ngại đó lại là cơ duyên cho ngài rèn luyện con người của mình, để trở thành một biểu tượng của tình thương và trí tuệ mà mọi người trên thế giới đều phải kính phục. Ngài đã nói như sau về kinh nghiệm của mình:
Trường hợp của tôi, ở tuổi 16 đã mất tự do, và đến 24 tuổi thì mất quê hương. Tôi đã là một người tỵ nạn trong suốt 40 năm, với trách nhiệm nặng nề trên vai. Khi tôi nhìn lại, thấy cuộc đời mình không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, qua suốt những năm tháng đó, tôi đã học được lòng từ bi, về sự quan tâm săn sóc đến người khác. Tinh thần ấy đã đem lại sức mạnh nội tại trong tôi.
Những đau khổ gặp phải chắc chắn sẽ góp phần thăng tiến trong sự tu tập tâm linh, nếu bạn có thể chuyển hóa những tai họa và sự bất hạnh qua con đường Đạo pháp.
Những thời kỳ khó khăn xây đắp cho ta sự quyết tâm và sức mạnh nội tại, qua đó ta có thể nhìn ra được sự vô ích của những cơn nóng giận. Thay vì nổi giận, hãy nuôi dưỡng một mối quan tâm sâu xa và sự kính trọng đối với kẻ đã xâm hại đến ta, bởi vì chính nhờ những hoàn cảnh thử thách họ đã tạo nên mà ta mới có cơ hội vô giá để thực hành hạnh nhẫn nhục.
Cũng nên nhớ rằng thời kỳ đem lại lợi lạc nhất cho trí tuệ và sức mạnh nội tại lại thường là thời kỳ có nhiều khó khăn nhất. Bằng cách ứng xử đúng đắn - ở đây một lần nữa ta lại thấy sự tối quan trọng của việc khai triển một thái độ tích cực – kinh nghiệm đau khổ có thể làm cho ta mở mắt thấy được thực tại. Ví dụ như, kinh nghiệm riêng của tôi trong đời tỵ nạn đã cho tôi nhận ra rằng những nghi thức kéo dài lê thê, vốn là một phần quan trọng trong đời sống của tôi ở Tây Tạng, là hoàn toàn không cần thiết.
Trong những bài giảng pháp, Đức Đạt Lai Lạt Ma đều nói về sự phát triển lòng từ bi. Nghe qua thì không có vẻ gì là mới lạ hay cao siêu, nhưng khi nhìn đến con người của ngài, mới thấy được năng lực kỳ diệu của lòng từ bi như thế nào. Lòng từ bi ấy hẳn là đã kết tinh từ một trí tuệ bao la thấy rõ tính Không trong mọi người mọi việc, từ đó phát xuất một tâm vô ngã và bình đẳng, xem tất cả mọi người đều như nhau, không phân biệt sang hèn hay giầu nghèo. Chính lòng từ bi ấy đã là chất liệu hun đúc nên từ lực tỏa ra từ ngài, khiến cho đi đến đâu, sự hiện diện của ngài cũng có thể đem lại sự an bình và hứng khởi cho tất cả những người có may mắn được diện kiến.
Chade-Meng Tan, đồng chủ tịch uỷ ban vận động đề cử ứng viên giải Nobel hòa bình và tác giả sách bán chạy nhất theo NYT, đã viết một bài với đề tài “Ai là người bạn đã gặp hay làm việc chung gây cảm hứng nhiều nhất?” như sau:
Không cần phải nghi ngờ gì cả, người tạo hứng khởi nhiều nhất mà tôi đã gặp là Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lần đầu tiên tôi gặp ngài vào năm 2005, khi ngài đến thăm trường Đại Học Stanford. Lúc đó, tôi là một trong những người đóng góp nhiều nhất cho Đại học Stanford để lập chương trình học về Tây Tạng, nên khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tới, tôi được mời như một VIP đến dự buổi tiệc trưa khoản đãi.
Trước khi gặp ngài, tôi đã nghĩ là mình sẽ thất vọng. Bởi vì tôi có một số kỳ vọng về người thánh thiện phải như thế nào, và tôi đoan chắc là ngài sẽ không đạt tới những tiêu chuẩn đó. Tôi nghĩ chắc ngài chỉ là một ông già trọc đầu nói những lời giả dối mà thôi.
Thế mà, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã vượt qua cả những kỳ vọng cao nhất của tôi. Thật là đáng thán phục!
Điều đầu tiên làm tôi ngạc nhiên là sự ấm áp và hoan hỉ của ngài. Ngài thân thiện với tất cả những người diện kiến. Ngài mỉm cười với mọi người, cầm tay họ, và cười một cách tự nhiên thoải mái. Ngài không có cái vẻ kiểu cách giống như những người thường có nhân viên bảo vệ theo hầu.
Điều thứ hai khiến tôi ngạc nhiên là trong cuộc nói chuyện buổi trưa của ngài, có lúc vấn đề Tây Tạng được nêu ra. Bạn có thể thấy được rằng, đây là một đề tài rất thương tâm cho người Tây Tạng, bởi vì những người Tây Tạng ở chung quanh tôi đều hoặc là khóc, hoặc là cố cầm nước mắt, nhưng ngài vẫn nói chuyện một cách bình thản, không có một dấu vết giận dữ nào trong giọng nói, và luôn nhấn mạnh đến nguyên tắc bất bạo động, sự cảm thông lẫn nhau, và biểu lộ tình cảm đối với người dân Trung Hoa. Tôi ngồi ngay trước sân khấu, vì ở hàng danh dự, nên thấy rõ mắt ngài khi đang nói. Ngay lúc đó, tôi đã vững tin rằng, ngài chính là một Con Người Chân Thật. Mặc dù phải trải qua bao đau khổ trong cuộc đời, người này đã không hề tỏ ra bất cứ một sự giận dữ, thù hận hay cay đắng nào. Tôi thật hoàn toàn thán phục.
Ngày hôm sau, tôi lại càng thán phục hơn sự thông minh của ngài. Tôi đang theo dõi cuộc đối thoại của ngài với những chuyên gia khoa học thần kinh trên sân khấu. Ngài đang ở đó giữa một nhóm học giả uyên bác, mà vẫn giữ vị thế của mình rất vững vàng. Ngài hỏi những câu thật thông minh, và nêu lên những điểm trong đó hàm chứa sự hiểu biết có tính cách khai sáng. Sau một lúc, người ta bắt đầu nghi rằng ông già trọc đầu hay cười này lại là người thông minh nhất trên sân khấu.
Nhưng giây phút kinh ngạc nhất của tôi là khi Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời một câu hỏi về tình thương và sự đau khổ. Đề cập đến một buổi thuyết trình trước của Bill Mobley chứng minh rằng những vùng tương tự ở não sáng lên khi một người đang đau cũng như khi người ấy đồng cảm với một người khác đang đau, ngài đã đưa ra một vấn đề quan trọng mà không ai nghĩ tới. Ngắt lời người thông dịch viên, ngài giải thích bằng giọng tiếng Anh chập choạng rằng, có ít nhất hai loại tình thương, tình thương cho người thân của mình (mà ngài gọi là “tình thương giới hạn”) và tình thương cho người xa lạ (mà ngài gọi là “tình thương chân thực” ). Cả hai có tính chất khác nhau, do đó cần phải được nghiên cứu một cách riêng biệt. Nếu những biểu hiện trên não của cả hai đều giống nhau, ngài nói, “thì tôi cảm thấy bộ não thật là điên rồ”. Tất cả mọi người đều cười ồ lên. Bill Motley có ấn tượng về ngài đến nỗi, ông nói rằng, “Đây là một trong những kinh nghiệm khai thị cho ta biết rằng, cách suy nghĩ mạch lạc như thế đã hoàn toàn định rõ một công trình khảo cứu 20 năm như thế nào. “
Con người của Đức Đạt Lai Lạt Ma, với trí tuệ và lòng từ bi rộng lớn, đã chinh phục sự ngưỡng mộ của mọi người trên thế giới như thế nào, ở đây không cần nhắc đến nhiều. Điều đáng nói là ngài có vẻ ưu ái đặc biệt đến cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vốn đã là một lực lượng đông đảo ủng hộ ngài và Phật giáo Tây Tạng. Có lẽ vì cộng đồng người Việt và Tây Tạng có những hoàn cảnh giống nhau. Kể từ sau tháng 4 năm 1975, miền Nam Việt Nam bị mất vào tay cộng sản, những người dân tìm đường bỏ nước ra đi sống đời lưu vong không khác gì những người dân Tây Tạng. Hơn bốn mươi năm trôi qua, mọi sự tưởng như đã nhạt nhòa, nhưng rồi hiểm họa mất nước lần nữa ngày lại càng hiện ra rõ rệt hơn, với nguy cơ hoàn toàn rơi vào tay ngoại bang và bị diệt vong, như Tây Tạng ngày nào. Điều khác biệt là người Tây Tạng may mắn có một vị lãnh đạo siêu phàm vĩ đại, còn người Việt Nam thì không. Hơn bao giờ hết chúng ta phải biết tỉnh ngộ mà rút kinh nghiệm từ bài học Tây Tạng, để cố tìm đường thoát ra khỏi vũng lầy càng ngày càng lún sâu. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng đã lên tiếng cảnh cáo: “Nếu người Việt Nam không làm gì cả, Việt Nam rồi cũng sẽ trở thành như Tây Tạng.”
Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày quân Trung Cộng tràn vào cưỡng chiếm Tây Tạng. Thời gian làm mòn mỏi nhiều thứ, kể cả quyết tâm và hi vọng, nhưng người dân Tây Tạng dù trải qua đến mấy thế hệ vẫn luôn nung nấu trong lòng ý chí phấn đấu cho đất nước được ra khỏi thảm họa diệt vong, vẫn coi Đức Đạt Lai Lạt Ma như vị lãnh tụ tối cao dù ở trong hay ngoài nước. Và người lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng, dù đã trên 80 tuổi, vẫn còn nuôi hi vọng một ngày nào đó mọi sự sẽ xoay chiều, để đất nước của ông vẫn còn nguyên vẹn và dân tộc của ông sẽ sống trong tự do, hạnh phúc.
Có một lần đến thăm nhà người bạn, tôi thấy trên tường có treo một khung hình trong đó có bài thơ của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đây là những lời nói của ngài được dịch ra tiếng Anh như một bài thơ, với sự cho phép của ngài. Nghe nói, bài thơ này đã được treo khắp nơi ở Dharamsala, nơi cư ngụ của ngài ở Ấn Độ gần biên giới Tây Tạng. Bài thơ này đã đem lại sự xúc động và niềm cảm hứng không chỉ cho dân tộc Tây Tạng, mà còn cho tất cả mọi người ở bất cứ mọi nơi, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Xin tạm dịch như sau:
Không bao giờ bỏ cuộc
Dù bất cứ chuyện gì xẩy ra
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Hãy khai triển tâm bạn
Có quá nhiều năng lượng đã tiêu dùng
Vào việc phát triển trí óc
Thay vì để khai triển tấm lòng
Hãy mở lòng từ bi
Không phải chỉ cho bạn bè thân thuộc
Mà cho tất cả mọi người
Hãy mở lòng từ bi
Làm những việc đem lại hòa bình
Trong tâm và cho cả thế giới
Làm những việc đem lại hòa bình
Và tôi nhắc lại rằng
Đừng bao giờ bỏ cuộc
Dù bất cứ chuyện gì xẩy ra quanh mình
Cũng không bao giờ bỏ cuộc!
(Đạt Lai Lạt Ma thứ 14)
Nguyên bản:
Never give up
No matter what is going on
Never give up
Develop the heart
Too much energy in your country
Is spent developing the mind
Instead of the heart
Be compassionate
Not just to your friends
But to everyone
Be compassionate
Work for peace
In your heart and in the world
Work for peace
And I say again
Never give up
No matter what is going on around you
Never give up
(Dalai Lama XIV)
Dù hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dân tộc Tây Tạng vẫn chưa bỏ cuộc.
Dù một ngàn năm ở dưới ách xâm lăng, dân tộc Việt Nam đã không bỏ cuộc.
Vậy thì có lý gì ta lại bỏ cuộc trong lúc này?
Ngọc Bảo
Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Tháng 7/2016
http://www.ngocbao.org/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét