Thấy vậy đó, không dễ chút nào! Thấy vậy đó là thấy trong sự chuyển động, trong sự đổi thay không ngừng. Thấy như mộng huyễn, như bào ảnh…không dể chút nào! Và điều thú vị, khi vượt qua được cái “thị” rồi sẽ thấy cái “như”, “Chân như”, “Như như”. Có khi sững sốt, có khi bỡ ngỡ. Ngày hôm qua đâu rồi? Dòng sông có còn níu mãi bờ sông? Thả một hòn sõi đánh dấu chỗ thuyền trôi? Cầu vồng bảy màu rực rỡ kia chỉ là hơi nước tung tóe và một chút nắng nhoài qua kẽ lá? Vậy mà không phải vậy. Không phải vậy mà vẫn vậy. Một lúc nào đó có thể vượt qua, vượt ra, vượt lên để mà ngẩn ngơ. Ấy là lúc cái thấy, cái nghe nằm ngoải những đường dẫn truyền thần kinh-vật lý và sinh lý. Thấy như thật là chưa phải thật. Mới gần thật. Còn phải bóc tách nhiều lớp vường víu chằng chịt, xô đẩy dày đặc chung quanh.
Khi có tuổi, mắt ta mờ đi, tai ta lãng đãng. Nhờ vậy mà cái nhìn cái nghe bớt vướng víu bộn bề, bớt lận đận đếm đo. Hôm nào đó ta chợt nhìn ra ta, nhìn ra người. Rồi thấy người cũng là ta, mà ta cũng là người. Chu Mạnh Trinh kêu lên: “Ta cũng nòi tịnh, thương người đồng điệu. Có người Tư Mã đượm mùi áo xanh nắn nót giàn bầu nậm. Có người xuống ngựa, có kẻ dùng chèo, canh khuya lau lách đìu hiu”.
Sẻ chia, ấy là hạnh phúc. Hạnh phúc rất đơn sơ. Huy Cận nói vây. Chợt nghe tiếng chim. Chợt thấy ánh nắng. Là lay ngoài khung cửa. Mới toanh, lạ lẩm, giật mình. Như chàng thi sĩ sụp lạy cái bông bụp ngoài bờ rào hàng ngày vẫn lại qua. Lâu nay vẫn nhìn mà không thấy. Vẫn nghe mà không biết. Thân quen mà xa lạ. Thì ra phép lạ quanh đây: khi bước đi những bước lẫm đẫm trẻ thơ, khi đứng tần ngần dáng đứng người lớn…Rồi tủm tìm cười một mình, tức cười. Không phải muốn cười mà tức cười. Tức mà cười. Nụ tức cười đó là nụ cười của tượng đá ngàn năm hay của người đẹp trong tranh có phải? Cho nên nó bỡ ngỡ mà hồn nhiên, nó ngây ngô mà huyền bí, nó…nói không được!
Một nhà sư sau khi tu hành đắc đạo đã bộc bạch: “Tôi ba mươi năm trước khi chưa học thiền, thấy núi là núi, thấy sông là sông, sau nhân theo bậc thiện tri thức, chỉ cho chổ vào, thấy núi chẳng phải núi, thấy sông chẳng phải sông, rồi nay thể nhập chốn yên vui, lại thấy núi là núi, thấy sông là sông”.
Tuổi 65 như tuổi 15. Bước vào một thời kỳ mới lạ. Dậy thì mà không phải dậy thì. Không phải dậy thì mà dậy thì. Nhìn đã khác, thấy đã khác. Đã thấy núi là núi, thấy sông là sông chưa?
Đỗ Hồng Ngọc (Tặng NC) |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét