Thầy Và Trò

Tử Hạ hỏi Khổng Tử:
- Nhan Hồi là người như thế nào?
Khổng Tử đáp:
- Cái nhân của Hồi hơn ta.
- Tử Tống là người như thế nào?
- Cái biện của y hơn ta.
- Tử Do là người như thế nào?
- Cái dũng của Do hơn ta.
- Tử Trương là người như thế nào?
- Cái nghiêm của y hơn ta.


Tử Hạ đứng dậy thưa:
- Thế thì, sao bốn người ấy phải còn đến học với thầy?
Khổng Tử nói:
- Ngồi đây ta bảo cho: Ôi! Hồi biết Nhân mà không biết lúc phải bất nhân. Tử biết biện bác mà không biết lúc nào phải ấp a ấp úng. Do biết dũng mà không biết lúc nào phải nhút nhát, Trương trang nghiêm mà không biết lúc nào phải ung dung để hòa đồng với mọi người. Gom những cái của họ hơn ta mà đem đổi cái ta không bằng họ, ta không đổi. Vì vậy, bốn người ấy phải thờ ta làm thầy mà không hai lòng.

Em thân mến!

Ở thời đại chúng ta một người học trò chỉ xuất sắc môn chính yếu mà thiếu trung bình các môn phụ, thì cũng khó mà vượt qua các kỳ thi nơi chỉ cần đòi hỏi điểm trung bình của hết thảy các môn. Cũng thế, sự xuất sắc của cá nhân chỉ có nơi những con người phi thường, và phi thường đôi khi cũng đồng nghĩa với hạng bất bình thường. Có lẽ vì thế mà khi ngài Triệu Châu hỏi:
- Thế nào là đạo?
Hòa thượng Nam Tuyền trả lời:
- Tâm bình thường là đạo.
Trong một quyển kinh A Hàm, khi các đệ tử lớn của Phật hội họp nhau để bàn luận về tư cách cần thiết phải có của một tỳ kheo được xem là lý tưởng, mọi người lần lượt trình kiến giải như thế này:
- Ngài Mục Liên: đó là vị tỳ kheo thần thông đệ nhất.
- Ngài A Nan: học rộng nhớ nhiều…
- Ngài Xá Lợi Phất: trí tuệ…
Các ý kiến dị biệt ấy được đem trình Phật để thỉnh một lời kết luận. Đức đạo sư dạy:
“Vị tỳ kheo lý tưởng là người sớm mai, khoác y, mang bát đi vào thành khất thực, đúng ngọ về tịnh xá dùng cơm. Ăn cơm xong, rửa chén, dọn dẹp đi vài vòng cho tiêu cơm, nghỉ trưa một chút rồi xếp tréo chân, ngồi tĩnh tọa cho đến lúc lậu hoặc không móng khởi.”
Hóa ra, một nhân cách lý tưởng, không cần phải làm một hành động phi thường hay bất thường mà chỉ cần làm những chuyện rất bình thường như vậy.
Điểm thú vị của câu chuyện trên là câu trả lời của Khổng Tử: nhân, biện, dũng, nghiêm… ư? Tốt, nhưng chưa đủ! Cần phải biết lúc dùng, lúc bỏ những đức tính hay khả năng quý báu đó nữa kìa. Khổng Tử đã gặp kinh Kim Cang chỗ này: “Phật pháp là pháp bất định.” Một cái pháp, dù cho chính Phật nói ra, tuyệt hảo đến đâu, mà cứ tin đó là một chân lý bất di dịch, lập thành một khuôn khổ, truyền thống cứng ngắc thì… ôi! Thôi rồi! Vì thế mà Khổng Tử đã hóm hỉnh bảo: “Quơ hết những cái hay của họ đổi cái dở của ta, ta chẳng thèm” vậy.

Trích: HƯ HƯ LỤC
Thích Nữ Như Thủy

http://thuvienhoasen.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét