Nhưng chàng đuổi kịp, van nàng trở lại. Nàng không chịu, vì lúc ấy đang chuyển bụng. Vợ chồng vội vã tìm lùm cây mà sinh rồi cùng nhau trở lại. Ít lâu sau lại có thai, lại xin về nhà cha mẹ, lại bị không chịu. Nhưng ngày sinh sắp đến, nàng bồng đứa lớn trốn chạy. Khi chồng đuổi kịp thì nàng cũng chuyển bụng. Bấy giờ trời mưa lớn lắm, người chồng chạy tìm chỗ núp tạm. Anh đang sửa soạn thì bị rắn độc cắn chết tại chỗ, đúng lúc nàng sinh ra một đứa bé nữa. Khi gượng dậy được, nàng tìm thấy xác chồng. Vô cùng buồn khổ, nàng cho chồng chết là vì mình. Nhưng vì hai con, nàng cố gượng, mong lân la về nhà cha mẹ. Qua một đêm mưa lớn, nước suối dâng lên. Không cách gì mang hai con mà bơi lội, nàng đành để đứa nhỏ ở bên bờ này, mang đứa lớn lội qua trước, đặt nó ở bờ bên kia. Một mình, nàng một mình bơi lội để mang đứa nhỏ. Khi nàng mới đến giữa dòng thì một con diều hâu lớn bay liệng trên đứa nhỏ mà nó tưởng là miếng thịt. Nàng hét lớn xua đuổi, nhưng nó bổ thẳng xuống quắp mất đứa nhỏ. Đứa lớn nghe mẹ hét, tưởng mẹ gọi nên chập chững xuống suối, bị nước cuốn trôi. Trong một ngày mà Patàcàrà mất cả chồng và hai con. Nàng đang gào khóc thảm thiết thì một người đia qua. Nàng hỏi thăm cha mẹ thì biết mưa gió làm sập nhà, cha mẹ và người anh duy nhất cùng tử nạn và được hỏa táng cả rồi. Tin dữ làm nàng rụng rời, phát điên. Đến nỗi không nhớ mặc đồ lại, nửa người lõa lồ, tuôn chạy cùng khắp, vừa khóc vừa kêu trời ơi đất hỡi. Bấy giờ Phật đang thuyết Pháp tại lâm viên Cấp cô độc, thấy nàng chạy đến ở ngoài. Ngài dùng thần lực cho nàng chạy vào. Những người nghe Pháp đổ ra chặn lại "đừng để con điên này vào giảng đường". Nhưng Phật bảo họ đừng làm như vậy. Khi nàng chạy vào cách Phật một quãng có thể nghe nói được, Phật nói, Patàcàrà tỉnh lại đi con! Mới nghe tiếng Phật, nàng đã vội vàng đứng sững lại. Và rồi hết gào, hết khóc, rồi định thần lại, rồi biết mình đang lõa lồ nửa người. Nàng vội ngồi xuống, nhận một tấm vải người khác đưa cho, và che mình lại. Nàng hướng về Đức Phật, thổn thức kể lại nỗi bất hạnh của nàng: cha mẹ chồng con chết hết, người anh duy nhất cũng không còn. Phật an ủi nàng, Patacara, con đừng sợ! Con đang đứng trước một người che chở cho con. Bao kiếp luân hồi, con đã đổ nước mắt quá nhiều cho cha mẹ, anh em và chồng con. Con nên bớt thương tâm với nỗi bất hạnh hiện tại. Pháp thoại trong lúc này của Phật nói cho nàng là kinh Vô thỉ tương ưng- Anamatagga, nhận thức sự luân hồi vô cùng tận. Pháp thoại của Phật làm cho nàng như trút được gánh nặng. Ngài lại bảo, con chớ quá bi lụy vì người đã qua đời, mà hãy nghĩ đến việc làm sạch bản thân con. Con hãy gắng lên, hội nhập với Niết bàn. Nghe lời Phật dạy, Patàcàrà ý thức sinh mạng vô thường, tin vững vàng vào Pháp. Nàng xuất gia làm Tỷ kheo ni. Một hôm nàng khoát nước rửa chân, khoát lần thứ nhất nước chảy một chút rồi mất, khoát lần thứ hai nước chảy ra hơn một chút rồi mất, khoát lần thứ ba nước chảy ra xa hơn chút nữa rồi mất. Trong cơn đại-định, tâm nàng quán-thấy Đức Phật đang thốt lên: "Nầy tỳ-kheo-ni Patàcàrà, tâm con đang đi đúng đường và nhận thấy rõ tánh-cách vô-thường, vô-ngã và bất-toại-nguyện của thân-tâm ngũ uẩn. Ai đã thấu-đạt được thân-tâm ngũ-uẩn với ba đặc-tánh như thế, dầu chỉ sống được một ngày, vẫn còn hơn kẻ sống trăm năm mà mê-mờ về thân-tâm ngũ uẩn." Sau đó, Patàcàrà chứng-đắc được quả-vị A-la-hán.
Bấy giờ tại Kỳ-viên-tự, Đức Phật thốt lên bài Kệ như sau:
Sống trăm năm mê-mờ thân ngũ-uẩn
Sanh rồi diệt, cứ sanh-diệt thăng-trầm,
Sao bằng sống một ngày mà rành-rẽ
Lẽ vô-thuờng sanh-diệt của thân-tâm.
(Kệ số 113.)
Sống cả trăm năm mà không thấy đạo lý sinh diệt*, thì không bằng sống một ngày mà thấy đạo lý sinh diệt ấy.
* Đạo lý sinh diệt: sinh là biểu hiện, diệt là kết thúc; sự kết thúc của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn tiếp. Như vậy sinh ra là diệt, diệt là sinh; sinh không thật sinh, diệt không thật diệt.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét