CỬA TRỜI RỘNG MỞ

Chư Thiên cõi trời Đao Lợi nhìn xuống cõi trần thấy nhiều người đau khổ, động lòng từ liền bạch với vua trời Đế Thích:
- Tâu Bệ Hạ, xin Ngài rủ lòng từ bi mở cửa cho người trần được vào thiên giới, như thế mọi người mới được công bằng bình đẳng.
- Không được, nghiệp dĩ thế nào phải chịu như vậy mới gọi là công bằng.
Nhưng Chư Thiên cứ tâu mãi nên Vua Trời đành cho mở cửa.


Chẳng bao lâu Vua Trời phải triệu tập Chư Thiên để thành lập lực lượng phòng chống tệ nạn xã hội và soạn thảo bộ luật hình sự.

۞

Lời góp ý:

“Trí không bi là trí thông minh điêu xảo
Bi không trí là bi thương hảo thương quàng”


Thật vậy, nhiều người lầm tưởng tình thương dung tục được phóng đại thành lòng từ bi. Lòng từ bi và tình thương yêu chẳng có chút quan hệ nào với nhau cả, thậm chí đôi khi còn trái ngược với nhau nữa là khác.
Từ được chính thức định nghĩa là không sân, và bi là không hại. Một người trong tâm không một mảy may hờn giận oán thù và không một manh tâm ác ý làm hại bất cứ chúng sanh nào, người đó hẳn đã loại bỏ ra ngoài ý niệm thường tình về thương và ghét. Thương và ghét là tâm địa chúng sanh trong vòng bản ngã. Còn từ bi thật sự thì vô ngã, vô lượng và vô cùng.
Lòng từ bi thâm sâu, quảng đại mà dường như dửng dưng lợt lạt (Lão Tử: tình thâm nhược đảm), lắm khi còn có vẻ như tàn nhẫn, vô tâm và bất động, nhưng như thế mới thật là lòng từ bi vô hạn. Dường như tàn nhẫn vô tâm bởi vì như thế mới có thể sáng suốt nhìn thấy chúng sanh chịu nhân quả nghiệp báo rành rành mà tâm không hề dao động. Trắc ẩn xúc động chỉ có trong lòng những kẻ tình thường.
Vì vậy từ bi không phải là ra tay cứu vớt người ác vào thiên đàng. Đó là bi không trí. Từ bi của bậc trí là chỉ khai thị cho người ác biết rõ nguyên nhân đau khổ mà họ tự làm ra. Nhưng ngay cả việc khai thị cũng phải tùy căn duyên chứ không phải bất kỳ ai cũng khai thị được.
Đem người ác vào thiên đàng đó là tình thương dung tục của kẻ ngu, vì hậu quả tất nhiên là... thiên đàng dậy sóng. Thấy người ác gặt quả khổ mà không một chút động lòng thương cảm của kẻ tình thường đó mới là từ bi đầy trí tuệ, vì đã thấy rằng chính quả khổ dạy cho người ác biết sai lầm của mình nên không để tình cảm chủ quan xen vào can thiệp. Đó là một cách thể hiện lòng từ bi tự nhiên của pháp (Thiên Chúa giáo: Bác ái của Đức Chúa Trời).
Đức Chúa nói :”Hãy vác thập tự giá mà vào thiên đàng”. Nghĩa là gánh chịu khổ đau chính là cách giải thoát ra khỏi khổ đau vậy.


Trích: Vi Tiếu
Tác giả: Tỳ kheo Viên Minh


http://www.trungtamhotong.org/NoiDung/ThuVien/ViTieu/ViTieu03.htm#m27

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét