Chết là một hiện tượng tự nhiên, một quy luật chung trong cuộc sống không ai có thể tránh khỏi. Dù là người giàu hay nghèo, sang hay hèn, đã sanh ra trên cõi đời này không sớm thì muộn chắc chắn có một ngày chúng ta phải từ bỏ tất cả để ra đi, dù chúng ta có muốn hay không muốn.
Trong Tương Ưng Bộ Kinh (Saṁyutta-nikāya), Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh đều phải chết, mạng sống kết thúc bằng cái chết, chết là một điều không thể tránh khỏi”[1].Chết là một sự thật hiển nhiên, dù vậy, phần đông người ta không thích đề cập đến vấn đề này, không thích thảo luận về cái chết, vì cho rằng chết là một điều xui xẻo, một điều bất hạnh, không nên thảo luận, không nên bàn tán, nhất là vào những ngày đầu năm, vào dịp sinh nhật hay cưới hỏi, từ ‘chết’ được xem là một điều cấm kỵ, tuyệt đối không được nhắc đến. Theo lời Phật dạy, điều may mắn hay rủi ro, bất hạnh xảy đến với chúng ta là do cái nhân chúng ta đã làm, đã tạo ra; nếu chúng ta làm các hành động thiện lành thì chúng ta được an vui; trái lại, nếu chúng ta làm những việc tổn hại mình, tổn hại đến người thì chắc chắn chúng ta phải nhận lấy hậu quả xấu, nhận lấy những điều rủi ro, bất hạnh. Do vậy, nếu ai cho rằng bàn luận về cái chết là một điều cấm kỵ, một điều xui xẻo thì đó là tà kiến, là mê tín dị đoan, là không đúng với lời Phật dạy.
Tâm trạng sợ chết khổ hơn là chết
Trong một buổi nói chuyện với chủ đề “Làm thế nào để sống không sợ hãi, âu lo”, Hòa thượng Tiến sĩ Sri Dhammanandaphát biểu: “Chết, tự nó không phải là điều khủng khiếp, chính nỗi ám ảnh sợ chết mới là điều khủng khiếp nhất trong tâm trí con người”[2]. Thật vậy, chết là một quy luật vận hành tự nhiên của kiếp nhân sanh, là một quá trình sanh và diệt của các thực thể, không có gì đáng sợ cả nhưng chính tâm trạng sợ chết làm cho người ta cảm thấy buồn rầu, chán nản, làm cho người ta mất hết nghị lực sinh tồn và mất hết niềm tin trong cuộc sống, thậm chí là bị trầm cảm, bị điên loạn. Chuyện kể vào thời xa xưa, các quan lại Trung Quốc thường dùng cách tra tấn ‘sợ hãi khiến phát điên’ để tra tấn tù nhân; họ trói tay chân tù nhân lại rồi bắt những người ấy ngồi phía dưới những túi nước treo trên cao, khi những túi nước nhỏ (rỉ) hết nước cũng là lúc mạng sống của họ chấm dứt. Từng giọt… từng giọt nước cứ đều đều nhỏ xuống trên đầu các tù nhân, chẳng bao lâu những giọt nước bé xíu ấy trở thành những nhát búa nặng trịch bổ lên đầu họ và làm cho họ sợ chết đến phát điên.
Trong cuộc sống có trường hợp khi một người nhận được tờ giấy báo cho biết mình đã mắc chứng bịnh nan y, lúc ấy người bịnh chẳng khác nào như người bị kết án tử hình bằng một cái chết từ từ. Họ có cảm giác như đang ở phía cuối con đường, cảm giác là thần chết đang chực chờ để bắt họ. Sự thật thì không phải vậy, đó chỉ là trạng thái tâm lý mà thôi, và chính trạng thái tâm lý tiêu cực đó làm cho người ấy trở nên tiều tụy, khổ đau. Khổ không phải do căn bịnh hành mà do chính thái độ sai lầm của họ. Nếu người bịnh biết điều chỉnh cảm xúc, biết chuyển đổi thái độ sống lạc quan yêu đời, biết mỉm cười thay vì phải khóc, trạng thái tinh thần vui vẻ sẽ giúp người bịnh vượt qua được bịnh tật. Một nhà tâm lý học đã nói: “Nếu như chúng ta không cho phép mình buồn thì không một ai hay một sự kiện nào có thể làm cho mình buồn khổ được”. Như vậy, con người có khả năng làm chủ dòng cảm xúc của mình, và trong rất nhiều bài kinh Đức Phật cũng đã khẳng định điều này. Thật sự, mỉm cười không thể chữa lành những chứng bịnh nan y nhưng thái độ sống lạc quan tích cực có khả năng tạo nên một kháng thể làm cho người bịnh sống thanh thản hơn giữa những biến động của đời thường, giữa những đau đớn về thể xác và tinh thần mà họ phải gánh chịu. Bác sĩ Alexis Carel khẳng định: “Những ai giữ được tinh thần thư thái, an tịnh ngay giữa những xáo trộn của nhịp sống hiện đại thì đều có khả năng miễn nhiễm được các căn bịnh thuộc về tinh thần”[3].
Tìm hiểu từ ‘chết’ qua kinh điển
Thông thường, người ta cho rằng chết nghĩa là chấm dứt mạng sống, là người đó không còn giao tiếp với những người xung quanh bằng hình hài xương thịt này nữa. Chết theo quan niệm thế gian cũng đã được nói đến hơn 2.600 năm trước trong Kinh Đại Bổn (Mahāpadāna Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh:Ngày ấy, hoàng tử Vipassī (tiền thân của Đức Phật) trong một lần đi dạo bốn cửa thành đã nhìn thấy một xác chết nằm bên vệ đường, lần đầu tiên trong đời thấy một người chết nên hoàng tử đã hỏi người đánh xe “Sao người ấy được gọi là người chết?” Người đánh xe đáp: “Thưa hoàng tử, người ấy được gọi là người chết bởi vì hiện tại cha mẹ và bà con họ hàng không còn thấy người ấy nữa; và người ấy cũng không còn thấy cha mẹ hay những bà con ruột thịt khác”[4]. Theo các học giả phương Tây: chết nghĩa là chấm dứt sự tồn tại, chấm dứt sự hiện hữu của cá nhân đó trong gia đình, trong xã hội, và trong thế gian này. Khoa học định nghĩa: Chết là sự chấm dứt của tất cả các chức năng sinh học giúp duy trì một cơ thể sống. Y học thì cho rằng: chết nghĩa là não bộ không còn hoạt động, là máu trong cơ thể không còn lưu chuyển và tim hoàn toàn ngưng đập.
Xuyên suốt qua những lời Phật dạy trong Tam tạng giáo điển, có nhiều danh từ Pāli đồng nghĩa hoặc tương đương nghĩa với từ ‘chết’ được tìm thấy như “maraṇa (chết), cuti (tử vong), cavanatā (từ trần) bheda (tan rã), antaradhāna (hoại diệt), maccu (tạ thế), kālakiriyā (chấm dứt thọ mạng) v.v…[5] Trong những danh từ này, ‘maraṇa’ và ‘cuti’ thường được sử dụng và được biết đến nhiều nhất; ‘maraṇa’ có nguồn gốc từ ngữ căn √mar, nghĩa là ‘chết’ hay ‘hoại diệt’, ‘cuti’ có nguồn gốc từ ngữ căn √cu, nghĩa là ‘chết’, ‘biến đổi’ hay ‘đi qua’[6]. Theo các nhà chú giải, ‘maraṇa’ thường được dùng trong Kinh tạng, ‘cuti’ thì thường được dùng trong Luận tạng hay Vi Diệu Pháp[7]. Nếu nói rõ hơn thì từ ‘maraṇa’ thường được dùng để chỉ trạng thái xả bỏ thân năm uẩn này, trạng thái lìa đời của một chúng sanh hữu hình[8]; trong khi đó ‘cuti’ thường được dùng để chỉ sự chấm dứt hay là sự biến đổi của một sát-na tâm, tâm cuối cùng sanh khởi trong tiến trình tâm thức của mỗi cá nhân trước khi lìa đời, đó là ‘tử tâm’ (cuti-citta)[9].
Theo quan niệm của Phật giáo được trình bày trong các bản Kinh như Kinh Đại Niệm Xứ (Mahāsatipaṭṭhāna Sutta) thuộc Trường Bộ Kinh, ‘chết’ được Đức Phật định nghĩa như sau: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là chết? Mỗi mỗi hạng chúng sanh trong từng giới loại, sự tạ thế, sự từ trần, thân hoại, sự diệt vong, sự chết, sự tử vong, thời đã đến, các uẩn đã tận diệt, sự vất bỏ tử thi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là chết”[10]; trong Trung Bộ Kinh và Tương Ưng Bộ Kinh, chết được Đức Phật diễn giải với những danh từ kinh điển hơn, như: “Chết là sự biến mất, là sự hoại diệt của thân năm uẩn, sự hoại diệt của các căn, sự tan rã, sự chấm dứt mạng sống”[11]. Trong Luận tạng như Bộ Pháp Tụ, Chú giải Bộ Pháp Tụ hay Bộ Phân Tích, ‘chết’ thường được định nghĩa như là “sự chuyển đổi, hư hoại, tiêu mất, tán vong, quá vãng, tan rã uẩn, bỏ xác, dứt mạng quyền từ thân hữu tình của mỗi mỗi chúng sanh”[12]. Hòa thượng Mahasi khi giảng về Kinh Chuyển Pháp Luân (Dhammacakkapavattana Sutta) đã giải thích: “Chết là sự chấm dứt mạng sống, là sự tan rã của các thực thể thuộc về tinh thần và vật chất; nếu nói theo thuật ngữ Vi Diệu Pháp thì chết là sự hoại diệt hoàn toàn của danh (nāma) và sắc (rūpa) trong một tiến trình sanh diệt liên tục không dừng nghỉ”[13].
Theo Vi Diệu Pháp, không phải khi chấm dứt mạng sống này mới gọi là chết, mà mỗi chúng sanh chết trong từng giây từng phút, vi tế hơn là chết trong từng sát-na. Trong Chú giải Bộ Phân Tích và Thanh Tịnh Đạo Luận, Ngài Ñāṇamoli phân loại chết có ba dạng: (i) chết trong từng sát-na (khaṇika–maraṇa), (ii) chết theo quy ước (sammuti-maraṇa), và (iii) cái chết đoạn diệt hoàn toàn (samuccheda-maraṇa)”[14]. Chết trong từng sát-na là chỉ cho sự tan rã, sự hoại diệt liên tục của các hiện tượng vật chất và tinh thần trong cơ thể của một chúng sanh. Nói về tinh thần hay tâm, thì chỉ trong một cái nháy mắt của chúng ta đã có hơn 1.000 tỷ lần tâm sanh và diệt, nghĩa là tâm sanh diệt với một tốc độ cực kỳ nhanh; về vật chất hay sắc thì trong một giây, sắc sanh và diệt hơn 58 tỷ lần[15]. Như vậy, chỉ trong một cái nháy mắt hay chỉ trong một giây không biết có bao nhiêu danh (yếu tố tinh thần) và sắc (yếu tố vật chất) trong cơ thể chúng ta chết đi, thế nên các nhà chú giải nói ‘chết trong từng sát-na’. Chết theo quy ước là chỉ cho cái chết thông thường của thế gian, hay còn gọi là qua đời, là chấm dứt mạng sống của một chúng sanh hữu hình, như ông A, bà B đã chết. Chết theo quy ước thế gian có hai là chết đúng thời (kāla-maraṇa) và chết không đúng thời (akāla-maraṇa):chết đúng thời là cái chết xảy ra khi phước và thọ mạng của người đó đều chấm dứt, chết không đúng thời có thể hiểu là chết bất đắc kỳ tử. Chết đoạn diệt hoàn toàn là chỉ cho sự nhập diệt hay nhập Niết-bàn của chư Phật và các bậc Thánh A-la-hán, khi các Ngài lìa đời thì tất cả phiền não, lậu hoặc cũng hoàn toàn cắt đứt, đó là kiếp sống cuối cùng của các Ngài.
Bốn nguyên nhân đưa đến cái chết
Chết là một phần của cuộc sống bởi có sanh ắt phải có tử ‘sanh tử như thủy triều’, nó xảy ra với mỗi chúng sanh không có trường hợp ngoại lệ. Không ai mời, chúng ta hiện hữu trong cõi đời này; và cũng không ai bảo, chúng ta âm thầm lặng lẽ ra đi; nhưng khi nào chúng ta đi và ra đi như thế nào vẫn luôn là ẩn số đối với nhiều người! Một số người chết lúc tuổi còn xanh, một số khác chết lúc trung niên, và cũng có người khi về già mới chết. Lại nữa, có người chết vì bệnh, người chết vì già, người chết vì tai nạn, người chết vì uất ức buồn lo, chết vì cùng đường bít lối, chết vì không có cơm ăn, không có nước uống, chết vì thời tiết khắc nghiệt v.v… Có thể nói, có rất nhiều nguyên nhân làm cho người ta phải chết. Theo lời Phật dạy trong Vi Diệu Pháp, có 4 nguyên nhân chính làm cho người ta phải lìa đời, đó là chết do thọ mạng hết, chết do nghiệp hết, chết do nghiệp và thọ mạng đều hết, và chết do sự can thiệp của nghiệp hủy diệt[16].
1. Chết do thọ mạng hết (āyukkhaya-maraṇa)
Thọ mạng là mạng sống của chúng sanh và chư thiên trong thế gian này hay ở các cảnh giới khác. Theo lời Phật dạy, trong tam giới (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) có tất cả 31 cõi: 11 cõi dục, 16 cõi sắc, và 4 cõi vô sắc; thấp nhất là cõi địa ngục (Niraya) và cao nhất là cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ (Nevasaññānāsaññāyatana-bhūmi). Chúng sanh trong những cảnh giới khác nhau sẽ có thọ mạng khác nhau, thọ mạng của các vị Phạm thiên ở cõi sắc và cõi vô sắc là xác định từ 1/3 kiếp cho đến 84.000 kiếp (1 kiếp bằng 1 lần sinh diệt của trái đất này). Thọ mạng của chư Thiên ở 6 cõi trời dục giới cũng xác định, từ 500 năm cõi trời (9.000.000 năm cõi người) cho đến 60.000 năm cõi trời (9.216.000.000 năm cõi người). Nhưng thọ mạng của các chúng sanh trong 4 cõi khổ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la) là không xác định, những chúng sanh này phải trả quả khổ vì những nghiệp bất thiện đã tạo, sự giới hạn về tuổi thọ của họ tùy thuộc vào những hành động xấu ác mà họ đã làm. Thọ mạng của con người cũng không xác định, có những em bé mới sanh ra đã chết, có em 1 hay 2 tuổi thì chết, và cũng có người sống đến trăm hay hơn trăm tuổi mới lìa đời. Thế nên, Đức Phật dạy, thọ mạng của con người là không xác định, vì không xác định nên có người chết trẻ, có người chết lúc trung niên và cũng có người chết lúc tuổi già. Dù con người chết ở bất cứ lứa tuổi nào nhưng khi chết tức là thọ mạng đã chấm dứt; nói theo thế gian là người đó hết số nên chết. Chết do thọ mạng hết, được Đức Phật ví dụ như lửa của cây đèn dầu tắt là do tim đèn (bấc) bị cháy hết[17].
Đức Phật cũng dạy rằng nếu một người chết do thọ mạng hết nhưng nghiệp tái tạo(janaka-kamma) chưa hết. Nghiệp tái tạo là những nghiệp tốt hoặc xấu, thiện hoặc bất thiện tạo duyên cho một chúng sanh tái sanh một kiếp sống mới. Theo các bản chú giải, nghiệp tái tạo là những năng lực tạo nên yếu tố tâm linh (danh uẩn) và vật chất (sắc uẩn) của một chúng sanh lúc nhập vào thai mẹ. Chính năng lực cuối cùng ấy (nghiệp tái tạo) có khả năng xác định hình thức cũng như cảnh giới tái sanh của một chúng sanh trong kiếp sống kế đó. Thế nên, nếu ai đó chết do thọ mạng hết nhưng năng lực của nghiệp tái tạo chưa hết thì năng lực ấy sẽ đưa đến một kiếp sống mới hoặc cùng cảnh giới, hoặc cao hơn hay thấp hơn tùy theo nghiệp của họ đã tạo.
2. Chết do nghiệp hết (kammakkhaya-maraṇa)
Nghiệp là những hành động có chủ ý (cetana), có thể là thiện hay bất thiện, và có thể biểu hiện qua thân, qua lời nói hay ý tưởng. Tất cả các hành động có chủ ý đều được gọi là nghiệp, ngoại trừ hành động của chư Phật và chư vị A-la-hán, bởi vì các Ngài đã tận diệt vô minh và ái dục, hai nguyên nhân chính tạo nên nghiệp. Trong Vi Diệu Pháp toát yếu, Hòa thượng Nārada liệt kê rất nhiều loại nghiệp, theo phương thức tác dụng hay chức năng có 4: nghiệp tái tạo, nghiệp trợ duyên, nghiệp cản trở, nghiệp tiêu diệt; theo thứ tự trổ quả liên hệ đến việc tạo ra một chúng sanh có 4: trọng nghiệp, cận tử nghiệp, thường nghiệp, và nghiệp không xác định, v.v… Nghiệp được đề cập trong tiêu đề này là chỉ cho nghiệp tái tạo (janaka-kamma), tức là nghiệp có khả năng tạo ra yếu tố vật chất và tinh thần cho một chúng sanh trong một kiếp sống mới.
Nghiệp tự nó là một định luật – định luật nghiệp báo (nhưng không phải là số mạng hay tiền định), và mỗi loại nghiệp tự động tác hành trong phạm vi của nó, không có sự can thiệp nào từ bên ngoài. Chính năng lực của nghiệp sẽ quyết định việc sống hay chết của một chúng sanh, thế nên khi năng lực của nghiệp tái tạo nên một chúng sanh đã hết thì cái chết xảy ra mặc dù thọ mạng của người ấy vẫn còn. Trường hợp này có thể hiểu có một vài em bé khi sanh ra đã bị bịnh bẩm sinh, phải chịu đựng rất nhiều khổ đau do bịnh tật, thời gian không lâu sau đó các em lìa đời, sự ra đi của các em đồng nghĩa với sự chấm dứt các nghiệp xấu ác. Chết do nghiệp hết, được Đức Phật ví dụ như lửa của cây đèn dầu tắt là do hết dầu.
3. Chết do nghiệp và thọ mạng đều hết (ubhayakkhaya-maraṇa)
Nghiệp trong trường hợp này chỉ cho nghiệp trợ duyên (Upatthambhaka-kamma), nó không có năng lực tạo ra một kiếp sống mới nhưng có thể hỗ trợ và nâng đỡ cho nghiệp tái tạo. Tức khắc ngay sau khi một chúng sanh được thọ thai, nghiệp trợ duyên sẽ lướt tới để yểm trợ cho nghiệp tái tạo; nghiệp trợ duyên thiện sẽ giúp cho chúng sanh ấy có sức khoẻ, tài sản, hạnh phúc; trái lại nghiệp trợ duyên bất thiện sẽ đưa đến bịnh tật, phiền não, khổ đau. Năng lực của nghiệp tái tạo nên một chúng sanh đến một lúc nào đó chấm dứt và nghiệp trợ duyên cho thọ mạng của chúng sanh ấy cũng đồng chấm dứt thì cái chết xảy ra, trường hợp này được gọi là chết do thọ mạng và nghiệp đều hết. Ví như có người sống đến 70, 80 năm hay hơn thế nữa đó là do thọ mạng của họ sống đến chừng ấy tuổi, và cũng nhờ năng lực của nghiệp trợ duyên nâng đỡ và hỗ trợ nên cuộc đời của họ kéo dài đến bảy tám mươi năm. Khi cả hai, thọ mạng và năng lực của nghiệp đều đến giai đoạn diệt thì chúng sanh ấy phải lìa đời. Chết do thọ mạng và nghiệp đều hết được Đức Phật ví dụ như lửa của cây đèn dầu tắt là do tim (bấc) và dầu đều cháy hết.
4. Chết do sự can thiệp của nghiệp hủy diệt (upacchedaka-maraṇa)
Nghiệp hủy diệt (upaghātaka-kamma) là nghiệp thứ tư trong 4 loại nghiệp được xếp loại theo phương thức tác dụng; nó không những chặt đứt mà còn hủy diệt sự ảnh hưởng của nghiệp tái tạo và tạo ra kết quả của riêng nó. Theo định luật nhân quả nghiệp báo, tiềm năng của nghiệp tái tạo có thể bị tiêu diệt do một năng lực nghịch chiều hùng mạnh hơn được tạo nên trong quá khứ, năng lực nghịch chiều này luôn tìm cơ hội để sanh khởi và nó có thể bộc phát một cách bất ngờ khi đủ nhân đủ duyên; có thể ví như lực cản một mũi tên bay, làm cho mũi tên dừng lại và rơi xuống đất. Nghiệp hủy diệt có năng lực bộc phát rất bất ngờ, nên đôi khi thọ mạng của chúng sanh vẫn còn, nghiệp trợ duyên cho kiếp sanh tồn vẫn còn, nhưng do một nhân duyên nào đó bất ngờ xảy ra nghiệp hủy diệt sanh khởi với một năng lực cực mạnh cắt đứt dòng sanh mệnh của chúng sanh ấy, làm cho mạng sống của người ấy phải chấm dứt một cách rất đột ngột, nói theo thế gian là chết bất đắc kỳ tử. Chết do sự can thiệp của nghiệp hủy diệt được Đức Phật ví dụ như lửa của cây đèn dầu tắt là do gió hay do ai đó thổi tắt, hoặc cây đèn ngã nên lửa tắt.
Trong 4 nguyên nhân đưa đến cái chết vừa nói trên, 3 loại đầu được gọi là chết đúng thời (kāla-maraṇa), nghĩa là đúng nhân đúng duyên nên cái chết xảy ra; loại thứ tư là chết không đúng thời (akāla-maraṇa) hay là chết bất đắc kỳ tử. Trong Kinh Mi Tiên Vấn Đáp (Milindapañhā), Ngài Na-tiên(Nāgasena)đã giải thích nhiều cách khác nhau về cái chết không đúng thời và Ngài cũng đưa ra những ví dụ cụ thể. Ngài liệt kê có bảy trường hợp được gọi là chết không đúng thời, chết trong thời gian tuổi thọ của chúng sanh ấy vẫn còn,đó là chết đói, chết khát, chết do rắn độc cắn, chết do bị ảnh hưởng bởi chất độc, chết do bị té vào lửa, chết do bị rơi vào sông suối ao hồ, và chết do bị ám sát. Ngoài bảy nguyên nhân trên, Ngài Na-tiên còn cho biết thêm hầu hết các trường hợp chết không đúng thờixảy ra là do những tác động từ bên ngoài như là thời tiết quá lạnh hay quá nóng, do mưa lũ quá nhiều hay là do hạn hán v.v…[18]
Quán niệm để sống an vui, chết nhẹ nhàng
Quán niệm về cái chết (maraṇānussati) là một trong 40 đề mục thiền định (samatha-bhāvanā), đề mục này giúp hành giả nỗ lực tinh tấn tu tập, dứt trừ sự tham ái, dính mắc vào bản thân và cuộc sống, không tầm cầu tài sản một cách bất hợp pháp; xa hơn giúp hành giả có thể đối diện với cái chết một cách thanh thản, nhẹ nhàng, an lạc, như các bậc Tổ sư thường nói: “Sống như đắp chăn đông, chết như cởi áo hạ”, hành giả cảm thấy rất thong dong tự tại dù là đang sống hay đang cận kề bên bờ sanh tử! Trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy: “Quán niệm về cái chết nếu được tu tập và phát triển sẽ mang đến lợi ích lớn, kết quả lớn, vượt thoát sanh tử, đưa đến trạng thái bất tử. Do vậy, quán niệm về cái chết nên được tu tập, nên được phát triển”[19].
Cũng trong Kinh Tăng Chi, Đức Phật dạy đệ tử Phật muốn được sống an vui, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai, có hai việc cần phải làm mỗi ngày. Thứ nhất, mỗi sáng sớm thức dậy chúng ta nên nghĩ rằng từ sáng cho đến tối có rất nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta phải chết như đi lỡ té trúng chỗ nhược cũng có thể chết, xe tông cũng chết, ăn trúng thực cũng có thể chết, cây rớt trúng cũng chết v.v… Thứ hai, mỗi tối lên giường trước khi ngủ chúng ta cũng nên suy niệm từ tối cho đến sáng có rất nhiều nguyên nhân làm cho chúng ta phải chết, lỡ trúng gió cũng chết, lạnh quá cũng chết, huyết áp lên cao cũng chết v.v…[20] Những điều này được Đức Phật nói hơn 26 thế kỷ qua nhưng hiện tại ngày nay không phải là không có. Ngày nọ, một sinh viên đang theo học tại một trường đại học quốc tế, tháp tùng thầy cô đến tham quan một thiền viện; trong lúc đang đi bộ trong khuôn viên thiền viện cùng mấy huynh đệ thì một nhánh cây gãy và rớt ngay đầu của sinh viên ấy, người đó đã ngã xuống và té xỉu, may mắn là nhánh cây không quá lớn nên không đưa đến tử vong. Do vậy, nên biết chuyện gì cũng có thể xảy ra, nếu đủ nhân đủ duyên thì tự nhiên quả sẽ trổ và có thể trổ bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống của chúng ta.
Trong Thanh Tịnh Đạo, Ngài Buddhaghosa diễn giải, những ai muốn thực hành pháp quán niệm về cái chết trước tiên nên tìm một nơi thích hợp, ngồi yên tịnh, lưng thẳng và quán niệm như sau: “Mạng sống của con người không bền vững, chết là một điều chắc chắn” hoặc đơn giản chỉ ghi nhận “chết, chết”[21]. Thực hành như vậy với sự tinh tấn và chánh niệm liên tục, các phiền não sẽ dần dần được chuyển hóa, tâm an trú và chứng đạt các tầng thiền. Ngài Buddhaghosa khẳng định: “Những ai thường quán niệm về cái chết có thể sống sáng suốt, an vui và rất từ tâm, thương người, thương vật; họ không bao giờ bị mê mờ bởi sự giàu có, trái lại biết dùng tài sản vật chất có được phân phát cho những người cơ nhỡ, làm cho đời sống càng thêm thăng hoa, hiện tại họ có thể sống an vui và tương lai không sợ hãi khi đối diện với cái chết”[22].
Suy niệm về cái chết không phải là hành động bi quan yếm thế. Nếu chúng ta nghĩ về cái chết rồi buồn rầu, chán nản, không muốn làm gì hết, lúc nào cũng lo chết, cũng sợ chết, đó mới là bi quan; nhưng nếu nghĩ đến cái chết để nỗ lực tinh tấn tu tập hơn, như vậy suy niệm về cái chết là một hành động lạc quan, giúp người con Phật sống một đời sống có ý nghĩa, một đời sống thánh thiện lợi mình, lợi người. Nếu cho rằng nói hay suy niệm về cái chết là một điều bi quan thì Đức Phật – bậc được xem là toàn trí, toàn giác, ngay trong bài pháp đầu tiên sau khi giác ngộ đâu cần đề cập đến cái chết. Thực tế là khoảng 2 tháng sau ngày thành tựu Phật quả trong bài pháp đầu tiên – Kinh Chuyển Pháp Luân, Đức Thế Tôn đã nhấn mạnh chết là một sự thật (khổ đế), một điều hiển nhiên, mọi người cần phải biết. Hòa thượng Thích Nhất Hạnh dạy rằng: “Nếu ai không biết chết thế nào sẽ không biết sống ra sao, bởi vì chết là một phần của sự sống”[23]. Thật vậy, nếu ai không biết rằng cuộc sống này rất mong manh, ngắn ngủi, cứ lo làm giàu, lo hưởng thụ, mãi nuôi lớn bản ngã của mình mà không bao giờ biết nghĩ đến người khác, không bao giờ biết làm một việc thiện lành nào, và cũng không bao giờ biết rằng có một ngày nào đó mình sẽ từ bỏ tất cả để ra đi; chính vì không hiểu, không biết rõ về cái chết nên người đó đã sống một đời sống vô nghĩa, không lợi ích cho tự thân và tha nhân. Trái lại, nếu ai biết rằng cái chết là một điều chắc chắn, đời sống này rất ngắn ngủi mong manh, “thác bền sống không bền; đời người ai cũng chết”,chính nhờ sự suy niệm này giúp chúng ta tinh tấn tu học, cố gắng làm các việc thiện lành có ích cho mình, có lợi cho người, sống một đời sống thánh thiện, đạo đức, và không sợ hãi khi nói về cái chết hay ngay khi đối diện với cái chết.
Vào thời Đức Phật, một số cư sĩ tại gia muốn có được hạnh phúc thần tiên sau khi chết nên đã tìm đến gặp Đức Phật và thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn, chúng con là những Phật tử tại gia, còn bị tài sắc lợi danh trói buộc nên cảm thấy rất khó khăn trong việc thực hành đời sống phạm hạnh. Là người tại gia, chúng con chỉ mong sau khi chết được sanh về cõi trời, được hưởng thụ hạnh phúc ở cõi trời, bạch Đức Phật hãy từ bi chỉ dạy cho chúng con phải làm thế nào để có được hạnh phúc sau khi chết mà không cần phải sống đời xuất gia phạm hạnh”. Khi ấy, Đức Phật hỏi các Phật tử: Tại sao lại phải chờ đến sau khi chết mới có hạnh phúc, mọi người có thể thọ hưởng hạnh phúc, có thể sống an vui, chết nhẹ nhàng ngay tại thế gian này, ngay trong kiếp sống hiện tại này nếu như người ấy biết cách chuyển đổi nhận thức và cách sống của mình.
Kết luận
Theo Vi Diệu Pháp, sanh và tử là hai mặt của một tiến trình, sanh xảy ra trước tử, và cũng vì tử nên mới có sanh. Do vậy, kiếp sống hiện tại của mỗi chúng ta không phải là kiếp sống đầu tiên và cũng không phải là kiếp sống sau cùng, mà là chúng ta đã sanh ra và đã chết đi rất nhiều lần. Nếu chúng ta biết rằng mấy mươi năm trên cõi đời rất ngắn ngủi, chết là một điều không thể tránh khỏi, chúng ta có thể giải tỏa được rất nhiều nội kết, có thể chế tác được rất nhiều năng lượng yêu thương giúp ích cho mình, cho người.
‘Muôn pháp không thường còn, người sanh ắt có diệt’, chết là một điều chắc chắn sẽ xảy ra với mọi người, không ai có thể tránh khỏi. Để một ngày nào đó chúng ta có thể đối diện với cái chết một cách bình an, tự tại thì ngay cuộc sống hiện tại này chúng ta nên cố gắng làm các việc thiện lành và điều quan trọng nhất là tự thân mỗi người phải thường xuyên niệm tưởng về cái chết, phải sống với tâm chánh niệm trong từng hơi thở, từng lời nói và việc làm. Cuộc sống này dẫy đầy những điều bất như ý, là người con Phật chúng ta phải biết sống với tâm xả bỏ, tâm hoan hỷ và tâm chấp nhận. Thiền sư Thích Nhất Hạnh dạy: “Chúng ta phải đối diện với cái chết, phải thấy được nó và chấp nhận nó như chúng ta đã chấp nhận cuộc sống này vậy”[24]. Có như vậy, chúng ta mới có được cuộc sống an lạc giữa dòng đời đầy bất an và đau khổ này; chúng ta mới có thể được thong dong tự tại trong vòng sanh diệt, sống một ngày trọn một ngày. Việc ra đi sớm hay muộn cũng là tùy duyên mà thôi.
Sách tham khảo:
Abhidhamma Pāli: Dhammasaṅgaṇī Aṭṭhakathā: Dukamātikāpadavaṇṇanā. Vibhaṅga: Sacca-vibhaṅga. Vibhaṅga Aṭṭhakathā: Sacca-vibhaṅga; Paṭiccasamuppāda-vibhaṅga. Chaṭṭha Saṅgāyanā CD-ROM, published by Vipassanā Research Institute, India, 1999.
Bodhi, Bhikkhu tr., The Connected Discourses of the Buddha. Boston: Wisdom Publication, 2000.
Bodhi, Bhikkhu, ed. A Comprehensive Manual of Abhidhamma. Kandy: Buddhist Publication Society, 1993.
Carnegie, Dale. How to Stop Worrying and Start Living. http://aqilkhans.files.wordpress.com.
Davids, Rhys. Pāḷi – English Dictionary. Delhi, India: Motilal Banarsidass Publishers, 1997.
Dhammananda, Venerable Dr. K. Sri. How to Live Without Fear and Worry. Malaysia: Buddhist Missionary Society, 1989.
Hare, E.M., tr. The Book of Gradual Sayings. London: Pāḷi Text Society, 1995.
Horner, I. B., tr. Milinda’s Questions. London: Luzac & Company, LTD., 1964.
Janakābhivaṁsa, Ashin. Abhidhamma in Daily Life. Yangon: Ministry of Religious Affairs, 1999.
Kashyap, Bhikkhu J. The Abhidhamma Philosophy. Delhi: Bharatiya Vidya Prakashan, 1996.
Mahāsi, Sayadaw. Dhammacakkappavattana Sutta. Penang: Sukhi Hotu, 1998.
Mon, Dr. Mehm Tin. The Essence of Buddha Abhidhamma. Yangon: Mya Mon Yadanar Publication, 1995.
Ñāṇamoli, Bhikkhu and Bodhi, Bhikkhu, tr. The Middle Length Discourses of the Buddha. Kandy: Buddhist Publication Society, 1995.
Ñāṇamoli, Bhikkhu, tr. The Dispeller of Delusion. London: Pāḷi Text Society, 1996.
Ñāṇamoli, Bhikkhu, tr. The Path of Purification. Malaysia: Penang Buddhist Association, 1999.
Nārada, Venerable, tr. A Manual of Abhidhamma, 2nd ed. Yangon: Ti Ni Publishing, 1992.
Nyanaponika, Bhikkhu and Bodhi, Bhikkhu, tr. Numerical Discourses of the Buddha. Delhi: Vistaar Publications, 2005.
Nyanatiloka, Venerable. Buddhist Dictionary. Yangon: Ministry of Religious Affairs, 2003.
Suttanta Pāli: Dīgha-nikāya: Mahāpadāna Sutta; Mahāsatipaṭṭhāna Sutta. Majjhima-nikāya: Sammādiṭṭhi Sutta. Saṁyutta-nikāya: Vibhaṅga Sutta; Dhammacakkapavattana Sutta, Indaka Sutta. Chaṭṭha Saṅgāyanā CD-ROM, published by Vipassanā Research Institute, India, 1999.
Thích Minh Châu, Hòa thượng dịch. Kinh Đại Bổn, Trường Bộ Kinh. Hạ tải từ: Buddhanet.net.
Thích Minh Châu, Hòa thượng dịch. Kinh Đại Niệm Xứ, Trường Bộ Kinh. Buddhanet.net.
Thich Nhat Hanh, Venerable. The Miracle of Mindfulness. Boston: Beacon Press, 1976.
Thiṭṭila, Venerable, tr. The Book of Analysis. London: Pāḷi Text Society, 1969.
Tin, Pe Maung, tr. The Expositor. London: Pāḷi Text Society, 1976.
Walshe, Maurice, tr. The Long Discourses of the Buddha. Kandy: BPS, 1996.
Chú thích:
[1] Bhikkhu Bodhi (dịch), The Connected Discourses of the Buddha, tr. 118.
[2] Venerable Dr. Sri Dhammananda, How to Live Without Fear and Worry, tr. 118.
[3] Dale Carnegie, How to Stop Worrying and Start Living, tr. 23.
[4] HT. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh“Kinh Đại Bổn”, tập 2, tr. 30; Maurice Walshe dịch, The Long Discourses of the Buddha, tr. 209.
[5] Dīgha-nikāya, II. tr. 305, III. tr. 252; Majhima-nikāya, I. tr. 49, III. tr. 249; Samyutta-nikāya, II. tr.3, 12
[6] Rhys Davids, Pāḷi – English Dictionary, tr. 270, 524.
[7] Dhammasanganī Aṭṭhakathā, tr. 265, 292; Vibhanga, tr. 99; Vibhanga Aṭṭhakathā, tr. 100, 157, 161
[8] Venerable Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, tr. 97.
[9] Venerable Nārada, Manual of Abhidhamma, Vol. I, tr. 154; Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, tr. 124.
[10] HT. Thích Minh Châu (dịch), Trường Bộ Kinh “Kinh Đại Niệm Xứ”, tập 2, tr. 313-314; Maurice Walshe dịch, The Long Discourses of the Buddha, tr. 344.
[11] Samyutta-nikāya, II. tr. 42; Venerable Ñāṇamoli (dịch), The Middle Length Discourses of the Buddha, tr. 1098; Bhikkhu Bodhi (dịch), The Connected Discourses of the Buddha, Vol. I, tr. 534
[12] Vibhanga, tr 99; Venerable Thiṭṭila (dịch), The Book of Analysis, tr. 130; Pe Maung Tin dịch, The Expositor, tr. 429.
[13] Venerable Mahāsi Sayadaw, Dhammacakkapavattana Sutta, tr. 127.
[14] Bhikkhu Ñāṇamoli (dịch), Dispeller of Delusion, tr. 121; Bhikkhu Ñāṇamoli (dịch), The Path of Purification, tr. xxvi, 247.
[15] Dr. Mehm Tin Mon, The Essence of Buddha Abhidhamma, tr. 131-132.
[16] Venerable Nārada, Manual of Abhidhamma, Vol. I, tr. 25; Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, tr. 220; J. Kashyap, The Abhidhamma Philosophy, tr.162.
[17] Venerable Nārada, Manual of Abhidhamma, Vol. I, tr. 233f; Venerable Janakābhivaṁsa, Abhidhamma in Daily Life, tr. 227.
[18] I.B. Horner, Milinda’s Questions, Vol. II, tr. 134.
[19] Bhikkhu Nyanaponika, Numerical Discourses of the Buddha, tr. 224.
[20] E.M. Hare dịch, The Book of Gradual Sayings, Vol. III, tr. 305-306.
[21] Bhikkhu Ñāṇamoli (dịch), The Path of Purification, tr. 248.
[22] Bhikkhu Ñāṇamoli, The Path of Purification, tr. 259.
[23] Venerable Thich Nhat Hanh, The Miracle of Mindfulness, tr. 50.
[24] Sđd, tr. 51
Nguồn: thichnulienanh.wordpress.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét