1- Có một quần sơn chập chùng, những đỉnh cao, những cô liêu lãnh thượng, quanh năm gió núi, mây ngàn, giấu mình, rồi mở ra trong lòng nó một “thung lũng treo” xanh tươi, mát mẻ; bây giờ được gọi là Rừng Thiền Huyền Không Sơn Thượng, có một nhà thơ sống lẫn với sương khói, cỏ cây cùng thiên nhiên trăng nước… Hồn thơ, hồn thiền ấy hòa quyện với đá trắng, non lam, chim trời, dế giun; với tùng bách, trúc mai, với sim mua, tràm chổi…
Thơ là tiếng lòng. Tiếng lòng của nhà thơ, của nhà sư, cũng là một du tử lang thang ngàn năm trong thế giới phiêu lãng của ngôn từ. Của “cái đẹp viết hoa” không bao giờ toàn mãn!
Ở đó có trăng, có mộng, có ước mơ, có niềm đau, nỗi nhớ cũng như sự trăn trở bất lực trong những cuộc ra đi, những cuộc trở về. Tử sinh đại sự là trò chơi hý lộng lênh đênh như dòng nước tuôn trào từ vô thức câm nín – mà hiện ra khuôn mặt tinh khôi bi tráng của chữ, của lời, của tiếng mà âm thanh đã vỡ vụn nghìn trùng từ sơ thủy bản nguyên!
Tiếng thơ ấy có thể khó hiểu như bí ẩn của tiếng “vượn hú thâm lâm”, có thể phi lý như “nghe tiếng vỗ của một bàn tay”, có thể dị giản như “ con ăn cơm chưa? Vậy thì uống nước đi!”
Thế thì đừng nôn nóng. Cứ nghe. Cứ cảm nhận bằng đôi tai trần trụi vô thanh…
2- Ôi! Cuộc lữ, cuộc tình! Tình đạo, tình đời, tình lời ru, điệu hát, tình khói rạ, nương cau, tình cây đa, bến nước, tình huynh đệ, thầy trò, tình người, tình bạn, tình viễn mộng, quê hương, tình bờ này, bờ kia, tình miên man cuộc hồng dặm gió. Nhiều lắm. Nhiều như cát sông Hằng, nhiều như lá rừng Hy-mã-lạp sơn! Chúng ta hãy cùng phủi chân, ngồi kiết già liên hoa trong cõi cô liêu tịch mịch của lòng mình để lắng nghe sự động cựa của từng nách lá, sự thở than của từng giọt sương rơi…
3- Tiếng thơ của nhà sư này, đột ngột có đốm lửa từ đâu đó rớt xuống sau am cốc tịch liêu… nhưng mà nó cháy lên từng con chữ, nó đốt hết mọi khái niệm điêu tàn của danh ngôn, của tư tưởng, của triết lý lê thê lải nhải trên bình nguyên yên ả của tâm linh! Thỉnh thoảng, tiếng thơ lại mở phơi cái sa mạc tình người, tình đời, cái hoàng hôn thê lương của các giá trị nhân văn… Và đôi khi nó cũng tự tại, thong dong như những đám mây trời đi qua đỉnh núi Hòn Vượn, miền Tây thành phố Huế, nơi tác giả đang ngụ cư như một chốn trở về:
“Có gã sơn tăng về núi cũ
Nhìn trăng đáy nước thấy dung nhan!”
Hoặc như một người khách lạ:
“ Ta làm người sơn khách
Rong chơi ở núi này
Mai kia thân mệt mỏi
Xin ngài chiếc hang mây!”…
4- Tiếng thơ này cũng có một dòng sông. Dòng sông cảm giác. Dòng sông thức tri. Dòng sông ý niệm. dòng sông tưởng tư. Dòng sông hữu vi, vô vi. Dòng sông vô ngôn bội lý. Dòng sông tử sinh miệt mài rong rêu vạn dặm… Và có một con đò, hai con đò, một con thuyền, hai con thuyền, rồi triệu triệu con đò, con thuyền trầm kha, nhức nhối, miên man qua về, ngược xuôi kiếm tìm ba ngàn tám muôn vọng tưởng…
5- Tiếng thơ này còn điểm xuyết đâu đó nửa vành trăng khuyết, một ánh sao mờ, một ngọn đèn dầu, một lư trầm, một đốm nhang, một chiếc lá xanh rơi khẽ, một tiếng chuông ngân, lời giun, lời dế, có đá, có rác và có cả cỏ thơm nữa…
Ôi! Vọng mỹ nhân hề! Thiên nhất phương!…
Nó phiêu hốt, bồng bềnh câu chữ đuổi theo nhau, chạy tìm chiếc bóng của chính nó? Không biết! Bất khả!
VÔ DANH GIẢ
http://huyenkhongsonthuong.com/tieng-tho-nha-su-minh-duc-trieu-tam-anh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét