NGƯỜI BIẾT HÀI LÒNG LÀ NGƯỜI GIÀU CÓ NHẤT

Ham muốn là thứ bẩm sinh của con người, nhưng con người cũng là động vật có lí trí. Sống trên đời, có một số thứ chúng ta cần phấn đấu để giành lấy, có được; nhưng với những thứ không thuộc về mình thì cũng không nên cố chấp làm gì.
Người ta thường nói: “Người biết đủ luôn vui vẻ”. Câu nói này bắt nguồn từ lời của Lão Tử: “Tri túc bất nhục, tri chỉ bất đãi, khả dĩ trường cửu”, ý muốn nói là một người nếu biết thỏa mãn thì sẽ cảm nhận được niềm vui.


Theo Freud, sự giải phóng năng lượng tâm lí của con người chịu sự thôi thúc của “nguyên tắc vui vẻ”. Ham muốn là vô cùng, nhưng cơ hội để thỏa mãn ham muốn thì có hạn, giữa hai bên chỉ có thể tồn tại sự tương đối, tạm thời và hài hòa. Lúc nào chúng ta cũng nuôi những giấc mơ màu hồng, nhưng mơ nhiều thì tất nhiên sẽ không thể thỏa mãn hết được, không thỏa mãn thì chắc chắn sẽ không vui. Người vui vẻ là người biết tự hài lòng, chúng ta có thể học theo trí tuệ “lùi một bước” của cổ nhân: “Ta tưởng mình nghèo, còn có người nghèo hơn ta; ta tưởng mình hèn mọn, còn có người hèn mọn hơn ta; ta tưởng mình vợ con nheo nhóc, nhưng có kẻ góa bụa cô đơn, muốn được vợ con nheo nhóc mà không được; ta tưởng mình vất vả, nhưng vẫn có người ở trong ngục tù, đồng ruộng hoang vu, cầu an cày cấy mà không được”.
Qua câu này, tác giả đã biểu đạt ý “trông lên thì chẳng bằng ai, trông xuống thì chẳng thấy ai bằng mình”. Có thể có người sẽ cho rằng quan điểm sống này là tiêu cực, không phải là quan điểm sống mà người tích cực nên có, nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác thì suy cho cùng, lòng người thực khó thỏa mãn, tham vọng khó lấp đầy, ham muốn của con người không có giới hạn. Quả thực chúng ta nên giữ được tâm thái “biết đủ” vào đúng thời điểm cần thiết.
Biết đủ thì luôn vui vẻ. Biết thỏa mãn thì sẽ không có tham vọng đòi hỏi những thứ vượt quá tầm tay của mình, biết thỏa mãn thì sẽ không mơ ước viển vông, biết thỏa mãn là có thể bình tĩnh hòa nhã. Đối với người biết đủ thì việc không phải lo chuyện cơm ăn áo mặc được coi là điều may mắn, không phải ưu sầu vì bệnh tật, tai họa là phúc phận của mình. Người ta thường nói tu thân dưỡng tính, chẳng qua chính là biết “tự lòng mình biết đủ, nhu mì ắt yên thân”, tham lam quá mức và đòi hỏi những điều quá cao xa thì chỉ càng làm tăng thêm phiền não mà thôi. Biết kiềm chế ham muốn, không tham lam, không ham hố, biết dùng vật chất để phục vụ cuộc sống chứ không để vật chất chi phối, tự nhiên ta sẽ mãn nguyện về cuộc sống của mình.

< sưu tầm >

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét