Nhà thôi miên Wolf Messing có thể đọc ý nghĩ người khác. (Ảnh: Clipmass.com)
Wolf Messing Grigorevich là một trong những nhà ngoại cảm, thôi miên có khả năng đọc suy nghĩ người khác và tiên tri. Thời kỳ Thế chiến II, ông được cả trùm phát xít Adolf Hitler và Lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin biết tiếng.
Wolf Messing sinh ngày 10/9/1899 tại thị trấn nhỏ Gora Kalwaria gần Warsaw, Ba Lan. Thời ấu thơ, Messing bị mắc chứng bệnh mộng du.
Cha mẹ ông phải đặt một chậu nước bên cạnh giường để mỗi lần Messing mộng du, hễ đặt chân xuống, cậu bé sẽ sực tỉnh.
Messing từng khẳng định khả năng tinh thần bắt đầu phát triển ngay từ lúc ông còn rất nhỏ. Khi mới chỉ là một cậu thiếu niên, Messing đã đi biểu diễn ảo thuật trên phố. Theo những gì Messing kể, ông có thể làm thay đổi nhận thức của người khác.
“Đấy không phải can thiệp trí não, nó giống như ‘đọc cơ bắp’ hơn. Khi con người nghĩ nhiều về một vấn đề nào đó, các tế bào não sẽ truyền xung lực tới tất cả các cơ bắp trên cơ thể. Chuyển động của chúng, mắt thường không thể nhìn thấy nhưng tôi có thể dễ dàng cảm nhận”, Messing cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Bình thường, tôi thực hiện các thao tác liên quan tới tinh thần mà không tiếp xúc trực tiếp với người bị tác động. Các dấu hiệu tôi nhìn vào là hơi thở của họ, nhịp tim, âm sắc giọng nói hay cử chỉ, dáng điệu”.
Thuở thiếu thời, cha mẹ Messing muốn ông trở thành giáo sĩ Do Thái nên họ gửi Messing đến một trường dòng nhưng ông không thích nên tìm cách bỏ trốn.
Kỳ ngộ
Năm 11 tuổi, Messing quyết định nhảy tàu bỏ trốn sang Berlin, Đức. Messing mơ hồ nhận ra khả năng độc nhất vô nhị của mình cũng trên chuyến tàu này. Vì không có tiền, Messing phải trốn vé. Dù chui dưới một băng ghế nhưng Messing vẫn bị người soát vé phát hiện.
Lúc bấy giờ, không hiểu vì lý do gì, Messing đưa cho ông ta một mảnh báo cũ để vờ làm vé. Người soát vé khi nhìn thấy tờ báo Messing đưa lập tức quát: “Cậu thật kỳ quặc, sao có vé lại phải trốn”. Đây chính là lúc Messing nhận ra mình thực sự sở hữu năng lực đặc biệt. Messing có thể khiến người khác tin vào bất cứ điều gì ông nói, chỉ cần đưa ra những gợi ý đúng cách.
Tới Berlin, Messing không có công việc ổn định nên thường xuyên bị đói. Có lần đói lả, Messing ngất xỉu trên phố. Mọi người nghĩ Messing đã chết nên chuyển cậu bé tới nhà xác. Một sinh viên y khoa phát hiện Messing còn thoi thóp nên cấp cứu kịp thời. Khi tỉnh dậy, Messing nghe đâu đó có tiếng nói vọng tới rằng “phải giao cậu bé này cho cảnh sát để gửi vào trại mồ côi”. Messing hết lời cầu khẩn khiến vị bác sĩ không khỏi kinh ngạc: “Ta có nói điều đó đâu, mới chỉ nghĩ thoáng qua trong đầu thôi mà”.
Vị bác sĩ đó chính là giáo sư thần kinh học Abel nổi tiếng lúc bấy giờ. Giáo sư Abel là người đầu tiên nhận ra năng lực tinh thần hiếm có ở Messing. Ông vô cùng ngạc nhiên khi thấy Messing có thể đọc và điều khiển được suy nghĩ của người khác, thực hiện các mệnh lệnh tinh thần chính xác. Giáo sư còn quyết định dạy cho Messing kỹ năng tự kiềm chế nỗi đau.
Thân thể người còn có những bí ẩn mà chưa thể nào khám phá hết. (Ảnh minh họa từ internet)
Về sau, nhờ khả năng thiên bẩm, Messing tham gia vào một gánh xiếc, đi lưu diễn khắp nơi. Ông biểu diễn các tiết mục như tìm đồ vật bị giấu kín, đọc suy nghĩ người khác hay tiên đoán. Messing nhanh chóng trở nên nổi tiếng.
Tiếng tăm của Messing được nhiều người biết đến hơn sau khi ông đồng ý để hai nhà khoa học lỗi lạc thời ấy là Sigmund Freud và Albert Einstein làm thí nghiệm với ông khi Messing mới 16 tuổi.
Trắc nghiệm đầu tiên, Freud đề nghị Messing làm theo những gì ông nghĩ. Messing đã đi vào nhà vệ sinh lấy ra một chiếc nhíp rồi nhổ ba sợi ria mép của Einstein và không quên nói thầm: “Freud muốn tôi làm vậy”.
Nét kinh ngạc hiện rõ trên gương mặt Freud lúc bấy giờ. Hai nhà khoa học bối rối và Einstein thì cảm thấy khó hiểu vì sao Freud lại muốn ba sợi ria mép của ông.
Lần thử thứ hai, Messing lặng lẽ đưa cho Einstein một cây đàn violon. Nhà bác học nhận đàn, vui vẻ chơi một khúc nhạc. Freud lúc này không còn gì để nói, chỉ biết vỗ tay công nhận bởi quả thực, ông đã nghĩ đến việc mà Einstein vừa thực hiện.
Thử thách
Sau khi Hitler lên nắm quyền ở Đức, Messing trở về Ba Lan và đưa ra một trong những lời tiên trị nổi tiếng nhất của ông rằng: “Nếu Hitler chiến tranh với phương Đông, cái chết sẽ chờ đợi ông ta”. Sự việc khiến Hitler nổi giận, treo thưởng 200.000 mark (gần 110.000 USD) cho cái đầu của Wolf.
Lực lượng Gestapo của phát xít sau đó bắt giữ được Messing trong lúc tiến vào Ba Lan. Một lần nữa, khả năng thôi miên đã giúp ông thoát chết. Theo tương truyền, khi bị tống giam trong nhà lao, Messing đã tập trung thôi miên để điều khiển một viên lính gác mở cửa buồng giam. Ông nhanh chóng tẩu thoát sang Liên Xô vào tháng 10/1939.
Nghe về tiếng tăm của Messing từ lâu, lãnh đạo Liên Xô lúc bấy giờ là Joseph Stalin đã gửi thư đề nghị Messing tới tư dinh để phô diễn kỹ năng hiếm có. Tuy nhiên, Stalin lại không cấp quyền ra vào cho Messing bởi theo ông, nếu tài giỏi đến vậy, Messing phải biết cách qua mặt hàng rào an ninh. Không để lãnh đạo Liên Xô thất vọng, Messing vượt qua thử thách một cách dễ dàng. Messing khiến các vệ sĩ tin rằng ông là lãnh đạo an ninh quốc gia Liên Xô Beria.
Một lần khác, để tiếp tục kiểm tra khả năng điều khiển suy nghĩ của Messing, Stalin yêu cầu ông thực hiện một vụ cướp ngân hàng nhưng phải sử dụng năng lực tinh thần, không được dùng đến bất kỳ giấy tờ, tài liệu nào. Messing đã đến ngân hàng Moscow Gosbank, một mình, không vũ trang, và trở về với 100.000 rúp. Các điệp viên mặc thường phục được bố trí cả bên trong lẫn bên ngoài ngân hàng để chứng kiến.
“Tôi bước tới người nhân viên ngân hàng và đưa cho anh ta một tờ giấy trắng xé ra từ một cuốn sổ”, Messing kể.
Theo lời của các đặc vụ Liên Xô, nhân viên ngân hàng lớn tuổi nhìn vào tờ giấy rồi cứ thế tiến đến chiếc két sắt, lấy ra 100.000 rúp, đưa cho Messing, hoàn toàn bình thường như không có chuyện gì. Messing bước ra ngoài, chờ đợi các đặc vụ Liên Xô tới kiểm chứng. Họ đếm số tiền sau đó trao trả cho ngân hàng.
Lúc Messing trở lại quầy, nhân viên ngân hàng nhìn số tiền với vẻ kinh ngạc, nhìn sang Messing rồi nhìn tới tờ giấy trắng. Ông ngã xuống đất vì lên cơn đau tim.
Những năm tháng tiếp theo, Messing tiếp tục sống tại Liên Xô. Ông dành thời gian nghiên cứu khoa học, khía cạnh tinh thần, ngoại cảm. Tuy nhiên, thời kỳ này lĩnh vực mà Messing tìm hiểu không được chú trọng nên nhiều bí mật trong phương pháp của ông không còn được lưu lại. Năm 1974, Messing qua đời.
Theo NNVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét