Trong thời vua Huyền Tông đời nhà Đường, tại kinh đô Trường An có cả một đội bốn trăm con tuấn mã thật tài giỏi. Mỗi năm, đến ngày sinh nhật của hoàng đế, chúng được đưa vào trong triều làm trò nhẩy múa và rồi, cùng một lúc, quỳ xuống dâng rượu trên hàm răng của chúng để chúc cho vua được an khang trường thọ. Vị vua này tự nhận mình là hậu duệ của Lão Tử, và Đạo Lão được phong là quốc giáo trở lại. Nhà vua cho mở những kỳ thi cam go để tuyển các nhân tài son trẻ, và có nhiều khách phương xa đến viếng thăm, như những vị thầy Mật Tông từ Java và Tích Lan, những học giả Hồi giáo, những lạt ma Tây Tạng, cùng các sứ giả ngoại quốc khác. Nước Trung Hoa sau khi trài qua một cuộc binh biến lớn, trong một thời gian cả hai kinh đô đều đã bị chiếm đóng và biên giới không ngừng bị rợ hung nô quấy nhiễu. Nhưng sau đó hòa bình đã trở lại, cả triệu em bé ra đời khiến dân số tăng vọt lên, và Trung Hoa đã bước vào một thời đại được coi là hoàng kim của lịch sử - thời đại nhà Đường.
Mặc dù đạo Lão được ưa chuộng trong triều, đạo Phật đã đi vào lòng dân gian và được tất cả tầng lớp người trong xã hội thực hành tu tập, với nhiều nét mê tín dị đoan. Hầu hết các tăng ni phải trải qua một kỳ thi mới được sắc phong chức vụ tăng sĩ, và dường như họ đều bằng lòng với địa vị thấp trong hàng giáo phẩm, vì muốn địa vị cao hơn thì phải có nhiều điều kiện cao hơn. Một số tăng được nhà vua bảo trợ, một số khác đem tiền ra chạy lấy chức tăng sĩ, điều đôi khi đã trở thành một dịch vụ phát đạt. Những vị tăng được nhà vua sắc phong thường sống trong những ngôi chùa nguy nga, còn những người bỏ tiền ra mua chức thường hay lui tới những nhà có quyền thế và được hưởng sự miễn thuế. Theo thống kê của bộ Lễ, con số tăng ni được ghi trong sổ bộ lên tới mấy trăm ngàn. Nhưng một số tăng ni khác sống ngoài vòng cương tỏa, họ thọ giới tại những làng mạc nhỏ bé, đi ngao du tuỳ thích và tự nhận mình là "tăng sĩ dân gian".
Bàng Long Uẩn là một người của thời đại này. Ông ra đời năm 740, cùng năm với vị hoàng tử thứ 30 và công chúa thứ 29 của nhà vua, là con của một vị quan giầu có và quyền thế, gia cảnh rất phong lưu. Bàng từ nhỏ đã thích học hỏi những điều hay ý đẹp, sưu tập được rất nhiều sách quý giá với sự giúp đỡ của cha, và khi trưởng thành đã lầu thông hết kinh sử của Khổng Tử, Lão Tử cũng như các kinh sách của Phật.
Bàng kết hôn với một phụ nữ tâm đầu ý hợp, sinh ra Linh Chiếu năm 762. Linh Chiếu theo chân cha, ngay từ nhỏ đã rất thích đọc sách, và họ thường cùng nhau bàn luận về văn chương đạo lý. Cô cũng có một người em trai, và trong nhiều năm họ sống với nhau êm đềm tại một trang viên ở phía nam thành phố.
Bàng phu nhân cũng là một người rất thông tuệ. Một hôm bà đem đồ đến chùa cúng. Vị sư ở đấy hỏi bà đồ cúng này hồi hướng cho ai để ông ghi tên lại cho công đức ấy được chuyển đến đúng người. Bà lấy một cái trâm cài bên tóc gài nó ra đàng sau, rồi nói rằng:
"Công đức được chuyển đi rồi."
Khi Linh Chiếu được 18 tuổi, Bàng đi hành khước đến một ngôi chùa trong núi vài tuần lễ. Lúc trở về, ông cho biết đã cúng dường trang viên, nơi cư trú của cả gia đình, cho một ngôi chùa và tất cả của cải đã đem đổ xuống sông sâu trong rừng núi.
Cả nhà nhìn ông im lặng một lúc lâu, không nói lời nào. Rồi họ lặng lẽ thu xếp đồ đạc, liền sau đó rời nhà đi nơi khác.
Bàng sống mãn nguyện trong một thời gian sau đó. Ông làm bài thơ như sau:
Có trai chẳng có dâu
Có gái chẳng có rể
Cả nhà đồng sum họp
Cùng bàn chuyện vô sinh.
Nhưng ít tháng sau đó ông bỏ đi đến núi Hoành Nhạc học đạo với thiền sư danh tiếng Thạch Đầu. Một năm sau ông nhắn tin về là đã rời chỗ Thạch Đầu và đang trên đường đến học đạo với thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất. Ông ở đó ba năm rồi trở về nhà, dẫn theo một vị sư là Đơn Hà, trông cả hai đều có vẻ rất hào hứng.
"Ta đã biết trước như vậy mà!" Ông vui vẻ nói lớn khi vừa về đến trước nhà, thấy Linh Chiếu đang đứng bên cửa với cái chổi trên tay. Ông vung vẩy cái túi sách trong đó đựng miếng lụa ấn chứng lên trên đầu. "Di thiên, di địa!" Ông và Đơn Hà cùng ôm bụng cười khanh khách. Rồi Bàng cư sĩ dùng cái túi sách đập lên đầu Đơn Hà, và họ bước vào trong nhà. Ông lớn tiếng gọi vợ: "Cho tôi bình trà!"
Đơn Hà ở lại đó một thời gian, cùng Bàng cư sĩ đàm đạo, cả hai hay nói những lời tối nghĩa, thỉnh thoảng la lớn một cách vô lối. Họ không để ý đến ai khác, chăm chú trao đổi với nhau những vấn đề, như bản chất của sự vô ngã... nhiều khi đến thật khuya vẫn còn nói chuyện ồn ào làm mọi người không ngủ được. Những lúc đó Linh Chiếu thường bị gọi ra châm thêm trà. Bàng cư sĩ rất thích cách pha trà của cô, có một chút mùi vị của hành, tỏi thêm vào cho đậm đà.
Lúc này Linh Chiếu đã 28 tuổi, cô cảm thấy muốn thay đổi, ra khỏi nếp sống xưa nay. Em trai cô cuối cùng đã lập gia đình, cả hai vợ chồng sẵn sàng rước mẹ về chăm sóc, nhưng thật ra bà cũng chẳng cần gì việc này.
Một ngày nọ Đơn Hà (còn có biệt hiệu là "Thiên Nhiên) đến thăm - bắt gặp Linh Chiếu đang rửa một rổ rau, sư hỏi "Cư sĩ có nhà không?"
Linh Chiếu buông rổ rau xuống, kính cẩn đứng khoanh tay. Sư lại hỏi lẩn nữa. Linh Chiếu cúi xuống nhặt rổ rau lên rồi bước đi chỗ khác. Cuối cùng Đơn Hà phải ra về.
Khi Bàng thông báo muốn ra đi hành khước lần nữa, cô đem kinh Duy Ma Cật ra nói: "Phật nói con người hiện thân trong tướng nam hay tướng nữ, nhưng tất cả các tướng vốn chẳng phải nam, cũng chẳng phải nữ. Tất cả các pháp cũng như thế, vốn không thực có ở đâu, mà hiển hiện nơi tất cả. Con cũng muốn đi với cha!"
Bàng Long Uẩn thật bất ngờ đối với những lời nói đó. Ông bèn thử cô: "Cổ nhân nói: "Sáng sáng trên đầu trăm ngọn cỏ, sáng sáng ý Tổ sư" là sao?"
Cô trả lời:
"Già già, lớn lớn rồi còn nói những lời ấy ư?"
Bàng hỏi:
"Thế thì con nói thế nào?"
"Sáng, sáng trên đầu trăm ngọn cỏ, sáng sáng ý Tổ sư."
Bàng Long Uẩn không nói gì hơn được nữa. Con gái của ông đã chứng tỏ cho ông thấy cô đã thấu hiểu những điều ông thường nói, về tướng không trong mọi tướng. Và như thế, Linh Chiếu biết cha mình đã chịu thua, phải cho cô đi theo tháp tùng.
Họ cùng đi ngao du trong nhiều năm, đầu tiên là chuyến đi về phía bắc dọc sông Dương Tử. Họ lần bước leo lên những đỉnh núi cao - vượt những con đường rừng trắc trở um tùm bóng cây, qua những buổi chiều hôm bóng xế nhuộm mầu tím ảm đạm, hay chìm ngập trong sương mù tuyết phủ, cho đến khi tới một thung lũng xanh tươi, một vùng đất chiến lược dài khoảng 200 dặm, được bảo vệ với những rặng núi và sông hồ chung quanh. Ở giữa vùng đất này là kinh đô Trường An, trung tâm điểm của Trung Hoa, cũng là chung điểm của Con đường Tơ Lụa.
Nơi đây có cả một hệ thống đường xá, sông hồ ngang dọc như mạng nhện dẫn đến Trường An, một thành phố tọa lạc ở một nơi lý tưởng theo các nhà địa lý. Đó là một thành phố vĩ đại nhất trên thế giới - người ta đến đó để được đoán biết vận số may rủi, để gây dựng sự nghiệp tài sản, và mất sự nghiệp tài sản cũng ở đó. Trường An có hình dạng vuông vức, được thiết kế với những đường phố lớn và nhỏ sắp xếp một cách hệ thống, mỗi khu vực nhỏ được rào lại với cổng và bờ tường chung quanh. Ở đây có giới nghiêm mỗi ngày, và có cảnh sát điều khiển giao thông. Một nơi chốn náo nhiệt, bận rộn và đẹp đẽ; ngay cả những cái giếng cũng có một mái cong bằng ngói xây ở trên. Suốt thành phố rải rác những công viên tráng lệ với hàng liễu rủ, những cây hồng, cây mơ, những cụm hoa sang trọng đầy mầu sắc tươi thắm.
Linh Chiếu và cha đi lang thang qua những khu phố sầm uất, dọc những con đường đông đúc đầy người và thương gia, với ngựa xe và kiệu qua lại ngày đêm. Bàng cư sĩ mua một quyển lịch Tam Tông Miếu có 365.25 ngày, trong đó đoán những điều xấu tốt, nên làm hay nên kiêng cử cho mỗi ngày trong năm tới. Ông nói: "Cái này cũng dùng được đây!"
Sau vài tuần ở đó, một ngày nọ trong khi đang đi bộ bỗng Bàng Uẩn vấp ngã vào một cái rãnh. Ngay lập tức Linh Chiếu cũng gieo người xuống ngã theo. Bàng Uẩn đang phủi áo, ngạc nhiên hỏi:
"Con làm gì thế?"
"Con đang giúp cha mà," Linh Chiếu trả lời, khiến ông phải bật cười với cô con gái lạ thường này, và giúp cô đứng lên.
Sau khi rời Trường An, họ đi về hướng tây rồi hướng đông, vào trong vùng bình nguyên sông Hoàng Hà. Vùng đất này có những đồi núi gồ ghề nằm xen kẽ với những mỏm đá hoa cương cao ngất, với cây lá xanh tươi chung quanh. Linh Chiếu chẻ tre, đan lạt làm những cái giỏ. Thỉnh thoàng họ ngừng lại để bán những giỏ này.
Trải qua bao thế kỷ binh biến và nội chiến, Con đường Tơ Lụa vẫn tiếp tục được đi, và vẫn rộng mở; những thành phố nằm trên con đường này trở nên thịnh vượng sầm uất. Người ta trồng những cây gai và cây dâu bên dọc đường, và có nhiều chợ bán sản phẩm thôn quê được lập ra. Bàng Uẩn và Linh Chiếu đi bộ một chút là đã thấy có người, đến một giao lộ khác, gặp những người đi hành hương, những lái buôn hay một nhóm người lao động đi qua. Trong những ngày cuối hè các nông phu bầy lúa mì và kê tươi trên đường lộ, đẩy những chiếc xe bò lăn qua lăn lại trên những đống lúa này để làm cho lúa tróc trấu ra. Những người đàn bà nhặt những hạt lúa đã tróc trấu để trong khay sàng lấy hạt ở trong.
Bàng Uẩn mặc áo cư sĩ mầu trắng, đội mũ đen của một vị tăng. Ông cầm cây gậy của một vị sư, và Linh Chiếu sách giỏ đi theo. Trong hành lý họ đem theo một cái hộp bằng gỗ gói ghém cẩn thận, trong đó là bàn thờ cầm tay với bộ tượng Phật và Bồ Tát nhỏ xíu chừng vài lóng tay. Hàng đêm, sau bữa ăn tối, Linh Chiếu đều mở bàn thờ này ra và thắp hương cầu nguyện.
Lúc này Linh Chiếu đã thông thạo với những thói quen của Bàng Uẩn. Ông đam mê tranh luận, và sau thời gian tu tập ở thiền viện ông đặc biệt chú trọng đến những câu thoại đầu. Mỗi lần ghé vào một tự viện nào trú ngụ, chỉ một lúc sau là ông lo đi tìm người nói chuyện. Và chẳng mấy chốc, ông đã đắm chìm trong những cuộc đối thoại kỳ lạ với các vị sư hay những người có kiến thức khác, tất cả đều la lớn, đổ nước vào nhau rồi tháo chạy, vừa la hét vừa nắm lấy nhau đánh như những con khỉ. Linh Chiếu ngồi trong phòng, im lặng đan giỏ.
Vào mùa đông, Bàng Uẩn cảm thấy bứt rứt, muốn di chuyển, tiếp tục đi để tìm kiếm những người khác, xem những điều mới lạ khác. Bên ngọn lửa nhỏ bé, ông ngồi thu mình làm những bài thơ. Linh Chiếu giúp ông làm những câu thơ khó, và giữ một nhật ký riêng cho mình. Thỉnh thoảng, xen kẽ với những lúc mơ mộng một mình, cô pha trà trong một cái bếp nhỏ bằng đất sét mang đi đường.
Ngay cả khi họ đang đơn độc ở trong một vùng sỏi đá hoang vu, lâu lâu ông cũng đột nhiên hét lên: "Khó! Khó!". Trước đây ở nhà ông cũng đã từng làm như vậy, lúc ấy Bàng phu nhân chỉ nói: "Dễ! Dễ! Đi ra khỏi giường đi, lão gia!"
Có lần đang ở sa mạc, trong một ngày cuối thu lạnh lẽo, cơn gió buốt thổi bay những hạt cát vào mặt cô trong khi đang đi bộ, ông bỗng la lên: "Khó!"
Linh Chiếu trả lời: "Không dễ cũng không khó!" Vừa đi cô vừa nói."Cũng như cỏ mọc thôi. Sáng, sáng trên đầu ngọn cỏ!"
Cứ thế họ đi, rồi nghỉ, rồi đi, trong khi ngày tháng vẫn vùn vụt trôi qua. Trong triều đình đang bàn tán có một trào lưu chống lại Phật giáo, cho đó là một giáo phái ngoại lai không thích hợp với tinh thần của đạo Khổng. Mọi sự đều chuyển biến, như tất cả luôn luôn vô thường chuyển biến. Bàng Uẩn càng ngày càng lớn tuổi hơn, và Linh Chiếu phải chăm nom săn sóc cho cha. Cô là con gái của ông, là người giúp đỡ, phụ tá cho ông trong chuyến đi phiêu du đó đây mà ông xem đó là cuộc đời của mình. Lý thuyết đạo Khổng thường coi nhẹ Âm tính hay phụ nữ, xem đó như nguyên nhân gây ra những sa đọa về đạo đức - là nguồn gốc của những bất ổn trên thế giới. Linh Chiếu được nuôi dạy phải hiếu đễ, kính trọng ông bà cha mẹ trong nhà. Bởi vì Bàng Uẩn là cha cô, vì ông là người lớn tuổi, và vì ông là nam giới, nên cô có bổn phận phải vâng lời ông suốt đời. Thường thì có vẻ như cô cũng làm đúng điều đó. Nhưng đôi khi, cô cũng phá lệ bất tuân, như những vị ni bước chân qua thiền viện mà không ngả nón ra chút nào.
Năm 806, Linh Chiếu lúc đó đã 43 tuổi, và cha cô đã trở thành một ông già, họ trở về nơi sinh quán của ông trước kia, ngụ tại một hang động cách núi Lộc Môn vài dặm. Mỗi tháng Linh Chiếu đi bộ 19 dặm qua lại thành phố để bán những đồ dùng thủ công và mua thực phẩm.
Một ngày mùa hạ năm 808, Bàng Uẩn bỗng đột ngột tuyên bố - như thói quen của ông hay đột ngột dóng lên một điều gì mà không cần ai đồng ý hay không - là đã đến lúc ông ra đi khỏi cõi đời này.
"Hãy đun nước cho ta". ông ra lệnh cho Linh Chiếu. "Đầu tiên ta phải tắm rửa cho sạch sẽ đã." Linh Chiếu lặng lẽ đi nhóm lửa, bưng một thùng nước đun lên cho nóng, rồi giúp cha cô tắm rửa, thay áo sạch sẽ. Ông ngồi kiết già ngay giữa tòa ngồi trên chiếc chiếu ngủ, nói vài lời cuối cùng dặn dò rồi nhập định. Đối với cô, những lời nói này không có gì hơn hay kém tất cả những lời khác ông đã từng nói.
Họ ngồi một lúc lâu, nhưng không có gì xẩy ra.
Cuối cùng ông nói, " Chừng nào mặt trời lên đúng ngọ thì cho ta hay. Lúc đó ta sẽ đi."
Linh Chiếu đi ra ngồi bên song cửa nhìn ngắm mặt trời một lúc, rồi cô vào nói, "Mặt trời đã lên đúng ngọ, nhưng bị bao phủ vì có nhật thực."
"Cái gì?" Bàng la lên. "Không thể nào được! " Ông chập choạng bước ra ngoài để đi xem nhật thực.
Trong khi ông đang đứng xem nhật thực, Linh Chiếu lẳng lặng bước vào tòa ngồi của ông trên chiếc chiếu ngủ, thân mình ngay ngắn trong thế kiết già, rồi an nhiên thị tịch, không một tiếng động.
Lúc Bàng Uẩn từ cửa đi vào nhà, thấy cảnh tượng như thế, ông cười xòa:
"Con bé này lại qua mặt ta rồi!"
Trích Danh Ni Truyện
Ngọc Bảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét