Tôi tình cờ đọc trên mạng bài thơ Sen của tác giả Nguyễn Bảo Sinh. Bài thơ chỉ có bốn câu mà thật hay:
Khi mê bùn chỉ là bùn,
Ngộ ra mới biết trong bùn có sen,
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm”.
Bùn và sen. Tâm và tiền. Hai mặt sáng tối của cùng một sự vật. Tất cả sự khác nhau chỉ nằm ở hai chữ mê và ngộ. Muốn thấy được sen trong bùn phải có nhãn lực cao thâm. Muốn thấy được tâm trong tiền phải có nhãn lực cao thâm hơn nữa.
Ta thường hiểu từ “thông thần” theo nghĩa “tài năng xuất chúng”, “bản lĩnh siêu phàm”… Trong lịch sử âm nhạc Trung Quốc, theo truyền thuyết có Sư Khoáng là người am hiểu và cảm thụ âm nhạc đến chỗ tận diệu, nên người đời ca tụng ông đã ấn chứng đến cảnh giới huyền diệu “nhạc khả thông thần” (Âm nhạc có thể thông đến thần linh). Nhưng trong tiếng Trung Quốc còn có một thành ngữ… thực dụng hơn là “tiền khả thông thần”, dùng để chỉ hiệu quả của một món tiền hối lộ quá lớn có thể mua được cả thần linh. Thành ngữ này xuất phát từ một câu chuyện lý thú được ghi trong Văn Ngôn Văn Đại Toàn. Chuyện như vầy:
Quan Tể tướng đời Đường là Trương Diên Thưởng điều tra một vụ án. Biết bên trong có điều oan khuất nên ông rất ray rứt, căn dặn bọn ngục lại: “Án này kéo dài đã quá lâu rồi. Nội trong vòng mười ngày, các ngươi phải giải quyết cho xong”. Sáng hôm sau, ông lên công đường, thấy trên bàn có một tờ giấy ghi “Tiền tam vạn quan, khất bất vấn thử ngục” (Tiền ba vạn quan, xin đừng tra lại án này). Ông nổi giận, hối ngục lại làm gấp. Sáng hôm sau, ông lên công đường, lại thấy trên bàn có một tờ giấy ghi “Tiền ngũ vạn quan”. Ông càng thêm tức giận, lệnh cho bọn ngục lại nội trong vòng hai ngày phải điều tra cho xong.
Hôm sau nữa, lên công đường, lại thấy trên bàn có một tờ giấy ghi “Tiền thập vạn quan”, Trương Diên Thưởng bèn hạ lệnh không điều tra vụ án nữa. Bọn đệ tử thân cận hỏi lý do, ông đáp: “Tiền đến mười vạn quan thì có thể thông suốt đến cả thần linh, chẳng việc gì mà không xoay xở được. Ta sợ họa đến, nên không thể không nhận vậy” (Tiền chí thập vạn quan, khả thông thần hỹ, vô bất khả hồi chi sự. Ngô cụ cập họa, bất đắc bất thụ dã).
Một giai thoại thật sâu sắc và lý thú. Tiền có thể làm lung lạc và rúng động cả chư thần chứ nói gì đến con người! Câu tục ngữ “Nén bạc đâm toạc tờ giấy” của người Việt ta so ra còn quá “hiền” đối với hai chữ “thông thần”.
Mê tiền có lẽ là căn bệnh nan y của con người tự cổ chí kim. Không có một thứ gì trên cõi đời lại đem đến nhiều nghiệt oan tàn khốc cho bằng thói mê tiền. Đồng tiền có một ma lực quái dị gây mờ tối lương tri đối với những ai đã rơi vào vòng cuốn khốc liệt của nó. Khi bị cuốn trong vòng xoáy của đồng tiền mà giữ được tâm “tịch nhiên bất động” thì phải là người có định lực phi thường, hoặc phải có một cơ duyên lạ thường.
Những người khi sống trong vòng xoáy của đồng tiền và đạt đỉnh cao mà vẫn tỉnh táo để đem tiền của giúp đời, như những tỷ phú từ thiện, là những người mang “tâm bồ tát”. Đó là những giá trị nhân bản cực kỳ đáng trân trọng. Đại sư Vivekanada người Ấn cho rằng người nào làm giàu chân chính rồi sử dụng tiền bạc làm ra đó một cách cao thượng thì người đó đang thực sự phụng sự Thượng đế. Cho nên nếu làm giàu mà không để đồng tiền làm mờ tối lương tri, lại còn dùng nó như một thứ trợ duyên để giúp lương tri thêm sáng suốt thì càng nên làm giàu. Những nhân vật như Bill Gates làm tiền không phải là vì tiền mà để khẳng định trí tuệ và khả năng.
Triết gia La Mã Seneca (4 trước CN – 65 sau CN), người từng là thầy học của bạo chúa Nero, say mê làm tiền bằng đủ mọi cách, và trở thành người giàu nhất nhì La Mã, nhưng bản thân ông lại sống rất khắc khổ. Khi hoàng đế La Mã cần tiền tái thiết kinh đô, kêu gọi dân chúng đóng góp thì ông đóng góp hơn hai phần ba tài sản. Đó mới thực sự là cách làm ra tiền và biết “chơi tiền”, mà chỉ những người có trí tuệ và tâm lực như Bill Gates hay Seneca mới làm được. Đem trí lực và tâm lực thu hút tài sản trong thiên hạ về với mình, rồi khi cần thì đem trả hết lại cho xã hội – vì tiền đó là từ xã hội, không phải để hưởng thụ mà để khẳng định mình; đó là “cuộc chơi” kỳ tuyệt nhất trong mọi cuộc chơi của những tay tài tử trong kim cổ.
Nhạc đạt đến cảnh giới “thông thần” huyền diệu là nhờ cái tâm hư tĩnh; nếu “ngộ” được cảnh giới “trong tiền có tâm” thì tiền có “thông thần” cũng chưa là hiểm họa.
Báo baoquangnam.com.vn ngày 14.6.20
http://baoquangnam.vn/van-hoa-van-nghe/ma-luc-thong-than-89096.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét