Một người trúng số độc đắc, một thí sinh hoa hậu đoạt vương miện, một người có tên trên bảng vàng, có thể đang cảm nhận rất hạnh phúc, rất sướng vui… nhưng chẳng bao lâu sự bất an sẽ dồn dập đến, nỗi khốn khổ sẽ kề bên…
Một người thực sự an lạc chẳng thấy có hào hứng rộn rã bộc phát ầm ĩ nào cả; chẳng có đám đông vỗ tay với những tiếng hò reo, chẳng có vòng nguyệt quế, mà chỉ có sự lặng im, nhiều khi một mình, âm thầm, lặng lẽ. Nụ cười đến tự bên trong, nụ cười của toàn thân, của từng tế bào, không ở đầu môi khóe miệng…
Cho nên an lạc không dễ. Nó đòi hỏi sự kham nhẫn, tri túc, và cả Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Nhiều khi phải qua cái tuổi nào đó, thấm đẫm một chút cuộc đời, nghe được cái tiếng kêu ‘trần thế’ thì mới nhận ra sự thiết yếu của tự tại. Nhưng đợi đến lúc “nhìn lại mình đời đã xanh rêu” (Trịnh Công Sơn) thì thường đã trễ.
Bởi người ta có thể an lạc ở đây và bây giờ.
Ta hay chúc nhau “Thân tâm thường an lạc” như một ước vọng. Phải, an lạc thì phải cả thân và tâm. Thân tâm nhất như. Tâm có an thì thân mới lạc. Tâm có lạc thì thân mới an. Mà đời thì vô thường. Làm sao thấy thường trong vô thường đây. Trừ phi thấy Thực tướng, thấy Chơn Như…
Mấy năm gần đây, tôi thường được mời nói chuyện về “Một nếp sống an lạc” nơi này nơi khác. Có khi ở một ngôi chùa, có khi ở một trung tâm mục vụ, có khi ở một hội quán, câu lạc bộ doanh nhân, một nhóm bạn trẻ, hoặc cùng các bậc trí thức ở một quán café thân quen… Những buổi chuyện trò đó, với tôi, đều là một cơ hội để học hỏi, giao lưu, chia sẻ. Lời lẽ do vậy mà nhiều khi rề rà, cà kê… chớ không mạch lạc, khúc chiết. Có một số buổi được thu âm, ghi hình. Thế rồi một hôm, có bạn đề nghị hay là ta gom mấy bài nói chuyện này lại, chọn ra một ít rồi in thành tập sách chia sẻ với mọi người cũng hay! Nhưng nghe thì thoáng qua, trực tiếp, còn in sách thì không dễ tí nào. Nói thì cà kê, rề rà được, lại còn có những phụ trợ như chiếu slides, vẽ viết lên fl ipchart, có ‘body language” (ngôn ngữ hình thể) diễn tả… trong truyền thông trực tiếp, bây giờ phải làm sao? Dù vậy, người bạn cũng đã gom được 31 bài có thu băng, ra đĩa gì đó, cả trên mạng, chọn ra mấy bài có chung chủ đề “Nếp sống An lạc” rồi nhờ ‘’phiên tả’’, rồi biên tập… Tôi yêu cầu làm sao giữ được giọng điệu trò chuyện cà kê, kể cả tiếng địa phương, kể cả chuyện tếu táo của mình… để người đọc như đang nghe trực tiếp thì tốt. Tóm lại, đây là một cuốn sách “nói’’ chớ không phải sách viết. Người đọc thì… nghe chớ không phải xem.
Hôm rồi, ngồi với một người bạn trẻ trong một quán café nhỏ, chúng tôi bàn với nhau về hai chữ “An lạc”. An lạc có phải là well-being, là bien-être không? hay An lạc là eudaimonia, một tiếng cổ Hy Lạp thời Aristote gồm “eu” (“good”) và “daimon” (“spirit”), một đức hạnh, đòi hỏi có sự rèn tập?
Phải chăng đó cũng chính là điều Phật đã dạy trong “An lạc hạnh”, một phẩm của kinh Pháp Hoa hơn hai ngàn năm trăm năm trước: biết sống trong Hành xứ và thân cận xứ, biết an trụ trong pháp Không, trong Tùy hỷ, trong đại Từ đại Bi?
Thử “chiết tự” từ Hán Việt xem sao, thì ra An là ‘dưới mái nhà có người con gái’, còn Lạc là ‘ngôi nhà tràn đầy ánh sáng, có vườn cây xanh mát, có tiếng hát, tiếng đàn, tiếng dệt cửi, quay tơ…’:.
Rồi cùng mà cười. “Em lo gì trời gió/ em lo gì trời mưa…/ em cứ yêu đời đi/ như lúc ta còn thơ/ rồi để anh làm thơ/ và để em dệt tơ…” . (Thoi tơ, thơ Nguyễn Bính, nhạc Đức Quỳnh)
Đỗ Hồng Ngọc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét