Luật Trẻ em 2016 vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua có nhiều điểm đặc biệt chú ý như không được xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình…
Luật Trẻ em 2016 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/6/2017. Luật gồm 7 chương với 106 điều, có một số điểm mới nổi bật như sau:
Liên quan đến Quyền bí mật đời sống riêng tư, Luật quy định: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.
Liên quan đến trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Luật quy định:
+ Cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức. Cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật.
Thực tế, hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn thường xuyên đăng ảnh con mình lên mạng xã hội Facebook với nhiều mục đích khác nhau mà không cần hỏi hay để ý xem các con có đồng tình với việc làm này hay không.
Có ý kiến cho rằng, hành vi đăng ảnh con lên Facebook của cha mẹ sẽ là vi phạm pháp luật nếu áp dụng Luật Trẻ em 2016 khi Luật cho hiệu lực vào ngày 1/6/2017.
Trao đổi với Vietnamnet, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội khẳng định: Nếu đăng tải hình ảnh trẻ em trên mạng facebook mà không được sự đồng ý của trẻ thì sẽ là phạm pháp.
Tuy nhiên, theo ông Nam, không phải tất cả mọi hành vi đưa hình ảnh con em mình lên các trang thông tin cá nhân, trang mạng xã hội đều là vi phạm pháp luật.
“Chúng ta phải nói đến việc, nếu như những hành vi này vi phạm các quy định của pháp luật như Luật Dân sự, Luật Trẻ em về quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, về quyền của cá nhân đối với hình ảnh của mình thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, ông Nam khẳng định.
Cũng theo ông Nam, trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, không ghi cụ thể trẻ em có quyền kiện, khiếu nại nếu các hành vi đó tổn hại cho mình.
Tuy nhiên, trong Luật lần này, đã có cơ chế để trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với các em.
Có 2 biện pháp: Thứ nhất, các em có thể cung cấp các thông tin về các hành vi gây bất lợi cho mình, kể cả là của bố mẹ đến một tổ chức mà Luật quy định, đó là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Thứ hai là các em có thể gọi điện đến Tổng đài quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động Thương binh và xã hội đang vận hành.
Cục Bảo vệ Trẻ em sẽ có những biện pháp kết nối với các cơ quan chức năng, hỗ trợ các em giải quyết các vướng mắc. Nếu nhận thấy đây là các hành vi có nguy cơ vi phạm pháp luật về hành chính, hình sự, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại bảo vệ các em tốt nhất và đưa các hành vi gây tổn hại các em ra trước pháp luật.
Thực tế, việc phụ huynh đăng hình ảnh con lên Facebook đã được nhiều nước đưa vào Luật.
Chẳng hạn như ở Pháp. Các bậc phụ huynh ở Pháp có thể sẽ phải đối mặt với một khoản tiền phạt lên tới 35.000 bảng Anh và thậm chí là một năm tù giam chỉ vì đã đăng tải hình ảnh của con cái mình lên mạng xã hội.
Giới luật sư và cảnh sát ở Pháp đang lên tiếng cảnh báo các bậc cha mẹ về việc những đứa con khi trưởng thành hoàn toàn có thể đâm đơn kiện họ ra pháp luật, với lý do là cha mẹ đã làm lộ tính bảo mật và sự riêng tư của chúng khi đăng những bức ảnh chúng khi còn nhỏ lên Facebook hoặc bất kỳ nơi nào khác trên mạng Internet.
Ngoài các nguy cơ bị xâm hại bởi các loại tội phạm, sự bối rối, xấu hổ về những bức ảnh có thể gây ra cho trẻ sau này cũng chính là một lý do chính đáng để cho chúng đưa cha mẹ ra tòa…
Theo Trí thức trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét