Góp Mặt

1. Chung quanh mình có thể là chư thiên, hoặc nhân loại, sách báo hoặc chiếc lá vàng, một con chim hay một con gà, bất cứ hình ảnh nào, bất cứ câu nói nào của thiên hạ cũng có thể là bài học hay cho mình. Nếu mình không cảm nhận được thì bởi vì lòng mình không mở ra, không sẵn sàng.

2. Phải sống làm sao để có thể cùng một lúc là một người thầy giỏi để dạy người khác và là người trò giỏi để học người khác; mình có thể là người bạn tốt cho người khác, mình có thể là một đại dương cung cấp hơi nước cho thế giới và cũng là chỗ thu nhận nguồn nước của thế giới. Sống biết cho và biết nhận như vậy mới là tuyệt.
3. Sống làm sao mà người ở gần mình người ta nghe mát không nghe lạnh, thấy ấm chớ không thấy nực; thấy gần gũi chớ không thấy chật chội; sống làm sao mà người ta thấy sáng sủa chớ không thấy chói mắt. Chói nghĩa là cách nói, cách sống của mình làm người ta thấy khó chịu. Sống làm sao mà sự có mặt của mình là sự đóng góp chớ không phải chen lấn, và sự vắng mặt của mình là sự mất mát cho người khác chứ không phải là sự dư chỗ. Sống làm sao mà khi ra đi, sau lưng anh là một khoảng trống khó lấp đầy, một chỗ trống u buồn, một nỗi nhớ không tên, chứ đừng sống làm sao khi anh ra đi mà để lại một chỗ trống thiên hạ mơ ước mà không được. 


(Trích bài học từ lớp Kinh Tạng#Vietheravada, Sư Toại Khanh giảng, Nhị Tường ghi chép)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét