Hỏi: Kính thưa Sư ông giải thích chúng con hiểu, vì sao Đức Phật chế định giới cấm không cho đàn ca múa hát và không cố ý tìm nghe đàn ca múa hát?
Thầy Viên Minh: Bởi vì không phải riêng ca vũ nhạc kịch mà chìm đắm, say mê vào bất cứ điều gì cũng đều không tốt. Vì khi đó bị phân tâm, quên mình, không còn trọn vẹn tỉnh thức, sáng suốt biết mình nữa. Dù chìm đắm vào thiền định, vào an lạc đi nữa cũng vẫn khiến tâm trở nên trì trệ, thụ động hay dính mắc.
Tuy nhiên, ca vũ nhạc kịch có nhiều thể loại khác nhau, có loại lành mạnh mà các tôn giáo cũng dùng để giúp tín đồ hướng thiện. Cho nên đức Phật không cấm mà chỉ chế định học giới để người tu biết giới hạn nào nên làm giới hạn nào không nên làm. Như vậy, không nên nghe ca vũ nhạc kịch nào có hại, còn ca vũ nhạc kịch nào lành mạnh thì không sao. Có những bài hát, những cuốn phim thức tỉnh được lương tâm con người thì có nghe, có xem cũng tốt. Thí dụ thay vì đọc tụng đoạn kinh "các pháp hữu vi là vô thường..." thì nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác bài hát "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi..." khi nghe người ta dễ cảm xúc mà nhận ra thân phận vô thường. Thật ra, những pháp chế định chỉ là tương đối mà Đức Phật xem như những điều học (sikkhàpada) thiết thực, mang tính gợi ý để chúng ta nhận ra điều gì nên làm điều gì không nên làm trong những tình huống khác nhau, để có thể ứng xử trên hoàn cảnh "thực địa" của mỗi người sao cho đúng tốt thôi. Vì vậy nên căn cứ vào lương tri để giữ giới hơn là khư khư chấp vào hình thức giới điều.
Thầy Viên Minh: Thưa Sư ông, xin Sư ông giải thích, trong Tăng Chi Bộ kinh Đức Phật bảo rằng, ngay cả việc đọc kinh mà cố ngân nga hay làm cho giọng đọc của mình hay lên thì điều đó không nên?
- Đúng rồi, thay vì đọc kinh để qua lý kinh nhận ra sự thật mà giác ngộ thì lại ngâm nga cho hay để ru ngủ thì không tốt. Tuy nhiên có những trường hợp tâm đang bất an ngâm một bài kệ, như kệ tâm từ, kệ vô thường chẳng hạn, thì tâm lắng dịu lại, đó chưa phải là pháp tu rốt ráo nhưng cũng là pháp đối trị khi cần.
Nói chung đừng cứng nhắc, khi Đức Phật nói ra điều gì là Ngài chỉ nói cho mỗi một trường hợp nhất định nào đó, chẳng hạn như nói cho người đang đọc tụng ê a nghe cho hay mà quên mình, thất niệm, giống như người nghe hát điệu chầu văn mà chìm vào trạng thái đồng bóng, thì Ngài mới nói để nhắc nhở, thức tỉnh, hơn là cấm đoán.
Mục đích giác ngộ là thấy ra phạm trù tương đối để không bị mắc kẹt 2 chiều, từ đó thấy ra Pháp, thấy ra Sự Thật, thấy ra tâm mình, thấy ra cái gì đưa đến phiền não khổ đau, cái gì không đưa đến phiền não khổ đau, mới là chính. Tất cả pháp chế định đều mang tính tương đối nhằm đối trị tuỳ trường hợp mà thôi.
Có lần vua trời Sakka (Đế-thích) muốn đến đảnh lễ vấn đạo đức Phật nhưng thấy Ngài đang ngồi tĩnh lặng nên không dám, vua Sakka bèn nhờ một Gandhabba (Càn-thát-bà) đến ngồi gần chỗ đức Phật và bắt đầu đàn hát. Khi khúc nhạc vừa dứt đức Phật hỏi:" Này Pañcasikhā! Âm thanh những sợi dây đàn của ngươi hòa điệu tuyệt vời với ca từ, với giọng hát của ngươi. Đúng là nhạc sĩ trưởng tài hoa của thiên đình! Nhưng mà này Pañcasikhā! Ngươi sáng tác khúc ca ấy lúc nào?..."
Pañcasikhā thưa:" Con sáng tác khúc ca ấy vào thuở ngài thành đạo dưới cội bồ-đề, nghĩa là vừa mới đây thôi... Ca từ và nhạc điệu vừa rồi là tiếng lòng vi diệu nhất của con..., bạch đức Thế Tôn!"
Như vậy, nghe nhạc không phải là vấn đề mà chủ yếu là nghe với tâm thái thế nào mới cần tự giác.
NT trích ghi theo Trà Đạo Bửu Long 29/08/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét