Bạn cần tránh nói về tín ngưỡng, chủng tộc, quốc tịch và không chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ trên đường đi du lịch.
Không ai có thể biết khả năng mình là nạn nhân của một cuộc tấn công khủng bố hay không, song nếu bạn đang đi đến một khu vực xung đột, hãy trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Những lưu ý dưới đây có thể giúp bạn ngay cả khi ở trong nước, hoặc nước ngoài.
Đảm bảo an toàn cá nhân
Trước mỗi chuyến du lịch hay đi xa, bạn nên kiểm tra danh sách những điểm đến an toàn và nơi được khuyến cáo nên tránh, do nguy cơ bị khủng bố cao. Nếu không có internet, bạn có thể cập nhật thông tin từ sứ quán, cảnh sát hay theo dõi tin tức truyền hình, báo chí.
Bạn nên ăn mặc kín đáo, tránh khoe quá nhiều hình xăm khi tới những quốc gia có quy định nghiêm ngặt về trang phục. Hãy cố gắng hòa nhập với nền văn hóa nơi bạn đến.
Khi đến một thành phố mới, hãy xác định vị trí của khách sạn bạn nghỉ lại, đánh dấu tất cả đồn cảnh sát, bệnh viện, những khách sạn gần nơi tham quan. Điều này có thể giúp bạn tìm vị trí trú ẩn gần nhất khi khủng bố xảy ra.
Từ khi lên kế hoạch, hãy chọn lịch trình bay thẳng nhất để tránh phải nối chuyến quá nhiều, bởi những vụ khủng bố thảm khốc nhất trong lịch sử thường liên quan đến máy bay hay sân bay.
Bạn cũng nên lưu ý chọn những sân bay có an ninh tốt. Khu vực cổng an ninh là nơi nguy hiểm nhất trong sân bay, hãy cố gắng hoàn thành thủ tục check-in nhanh nhất có thể và tới phòng chờ.
Một điều cần ghi nhớ là không nên chia sẻ thông tin cá nhân với người lạ, tránh nói về tín ngưỡng, chủng tộc, quốc tịch. Bạn cũng cần tránh mặc những trang phục có quốc kỳ hay trang phục theo tín ngưỡng. Nhiều tên khủng bố có xu hướng nhắm vào công dân một quốc gia hay thuộc một tôn giáo nhất định.
Tránh tập trung tại nơi đông người, sự kiện lớn hay những công trình mang tính biểu tượng của một quốc gia. Bạn nên cảnh giác cao độ nếu du lịch vào những ngày lễ tết của một tôn giáo nào đó.
Luôn sạc đầy pin điện thoại, lưu sẵn những số khẩn cấp tại nơi sẽ đến.
Xác định hoạt động mờ ám và báo cáo với các cơ quan chức năng
Hãy để mắt tới những vật dụng khả nghi, như túi xách, vali có thể chứa bom… bị bỏ rơi giữa đường. Nếu phát hiện đồ vật bất thường, hãy báo ngay cho nhân viên an ninh và rời khỏi khu vực.
Báo cảnh sát nếu bắt gặp người mang vũ khí như súng, dao… hoặc kẻ đột nhập trái phép vào một khu vực được bảo vệ.
Những tên khủng bố cũng có thể tỏ thái độ lo lắng, sợ sệt trước khi hành động. Biểu hiện của chúng là nói chuyện quá nhanh, toát mồ hôi dù trời khô hanh hoặc nhìn ngó xung quanh không ngừng.
Nếu cảnh sát và các cơ quan chức năng địa phương không hỗ trợ, bạn hãy liên lạc với sứ quán ở nước sở tại.
Phản ứng khi xảy ra khủng bố
Khi một vụ khủng bố xảy ra, bạn không bị thương nếu bom phát nổ, hãy chạy khỏi khu vực càng nhanh càng tốt. Hành động tương tự nếu có kẻ đang xả súng vào đám đông.
Nếu có thể thoát ra ngoài mà không gặp mối nguy hiểm lớn hơn, bạn cần chạy cho tới khi cách xa khu vực khủng bố. Nếu không thể, bạn cần tìm nơi ẩn náu dưới một quầy hay gầm bàn. Một căn hầm hay phòng có thể khóa từ bên trong sẽ là nơi tương đối an toàn, do bạn được che chắn bởi tường gạch và những vật dụng chắc chắn. Đừng quên chuyển điện thoại về chế độ im lặng hoặc tắt hẳn.
Nếu không thể trốn hoặc chạy đi, bạn hãy nằm xuống, bụng sát nền, bất động và vờ như bạn đã chết. Bạn không nên cố gắng nhặt vũ khí hay cố gắng giải cứu ai đó đang ở trong tay khủng bố. Nếu có cơ hội, bạn hãy chạy tháo thân hoặc tìm chỗ trốn.
Nguồn: http://cuocsonguc.info/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét