TÔI HAY CHÚNG TA

Bốn mươi tuổi đời với một Noel có quá nhiều chuyện đáng nhớ. Chuyện mình, chuyện người, chuyện chúng tôi và cả chuyện chúng ta. Một thứ đã mệt, đàng này bốn năm thứ dồn lại, mệt tim thiệt. Đó cũng là một cái cớ để đêm nay một người đạo Phật lại mượn ngày của Chúa để nói chuyện chùa.
Tôi sang Mỹ vào đúng Noel năm 1998, đêm nay là 2007, kể cũng đã lâu. Nhưng phải đến ngày ông John Kerry ra tranh cử với ông G.W Bush, tôi mới lần đầu tiên nghĩ về tên gọi, tiếng Anh của xứ sở Hoa Kỳ. Chỉ hai chữ cái US ngắn ngủi mà cơ đồ chứa chan cả thế giới và toàn bộ tinh hoa Phật giáo trong đó. Đó là chuyện của một đêm trong mùa tranh cử đó, khi tôi tình cờ nhìn thấy hàng chữ WE FIGHT FOR US gắn trước chỗ diễn thuyết của ông John Kerry. Câu tiếng Mỹ đó hiểu sao cũng được: chúng ta chiến đấu cho nước Mỹ, hay chiến đấu cho chính chúng ta, đều được cả. Vì chữ nào ở đây cũng đều được viết to bằng nhau, cùng một kiểu chữ. Đối với tôi lúc đó, cái ly kì nằm ở chính chữ US. Nếu chữ này nghĩa là Chúng Ta thì cũng nhắm đến một tập thể, một sự cộng hưởng, liên hợp. Và đó là hai chữ viết tắt của United States (chỗ kết hợp của nhiều tiểu bang) thì lại cũng chỉ cho một khối tổng hợp, gắn kết nào đó. Nói vậy, nói theo cách nào, ở ý nghĩa gì, thì chữ US cũng có ý nghĩa nhắm đến một vấn đề rất Phật pháp, rất khoa học, là nguyên tắc tương quan nhi hữu của vạn pháp. Bất cứ thứ gì trong đời này, kể cả từng người trong chúng ta cũng đều là một Hiệp Chủng Quốc, một United States, một xứ sở có tên gọi là US. Như ai cũng biết, nhất là những người Phật tử, trên đời này không hề có gì là MỘT mà có thể tồn tại. Từ đó tôi chỉ hiện hữu khi chúng ta cùng hiện hữu. Có thể đó mới chính là ý nghĩa của chữ Puthu trong puthujjana (phàm phu) của tiếng Pāḷi và chữ Côn trong Côn trùng của chữ Hán chăng!? Và nói thế có nghĩa rằng Tôi chỉ là một khái niệm giả lập, một ảo tưởng trên cái ảo tượng. Tôi chợt nhớ một câu danh ngôn của Tây phương hình như vẫn để
dành cho những trường hợp này: Nghệ thuật là tôi và khoa học là chúng ta. Trong cái riêng tư, ta có thể tung tăng tung tẩy sao cũng được, đúng sai không thành vấn đề. Nhạc tôi, tranh tôi, thơ tôi có ra sao cũng xong. Nhưng đã là một cỗ máy, một công trình khoa học thì mọi thứ không thể tùy hứng được nữa, Và đó chính là nguyên tắc tồn tại của chúng ta. Hễ nói chuyện đàng hoàng thì không có chỗ nào cho TÔI cả, chỉ có CHÚNG TA.
Tiếng Việt thật tuyệt vời ở chỗ này. CHÚNG TÔI thì đông đúc và thênh thang hơn TÔI, nhưng vẫn không bát ngát và trọn vẹn bằng CHÚNG TA. CHÚNG TÔI chỉ là hình thức nhân rộng, khuếch đại của cái TÔI. Hình như ý nghĩa tối hậu của một lý tưởng tu học là sự chuyển đổi trong khái niệm này trong lòng mình, nói khác đi là khả năng sử dụng thành thạo ba chữ này. Có nhiều người cả đời không hề biết dùng đến chữ CHÚNG TA một cách dễ thương. Ở đây tuyệt không dây dưa đến bất kỳ vấn đề tôn giáo hay chính trị nào hết, chỉ là hành trình làm người và sống đời mà thôi.
Tôi muốn thưa nghìn lần rằng dù có cách nói năng dễ gây hiểu lầm đến mấy (tuổi Kỷ Dậu thường thế), tôi vẫn chưa bao giờ và sẽ không bao giờ hoang phí chút thời gian phù du trong đời mình cho một lý tưởng chính trị nào hết. Hành trình nào của tôi cũng chỉ nhắm đến hình ảnh đức Phật, vì theo tôi, Phật không phải là TÔI hay CHÚNG TÔI, Ngài bao giờ cũng kêu gọi CHÚNG TA.
Có một chuyện vui mà có lẽ ai cũng thấy, là ngày Noel trên thế giới bây giờ không còn thu hẹp trong mấy người thờ Chúa nữa. Xem báo chí thì biết. Nhìn người Nhật, người Tàu, rồi thì người Hà Nội, Sài Gòn đón Giáng Sinh tưng bừng, ai cũng tưởng thiên hạ mấy nơi đó bây giờ theo Chúa quên chùa hết rồi. Thực ra không phải vậy. Chính cái tinh thần vui chơi thời thượng đã biến Noel thành của CHÚNG TA, chứ không còn là của riêng CHÚNG TÔI nữa. Một Noel-Không-Cần-Chúa sẽ đông đảo
hơn là một Noel-Có-Chúa. Người ta ra đường đua xe, ăn tiệm, nhảy nhót, khoe mẽ mà chẳng quan tâm gì đến Thánh Kinh, đến chuyện Ba Vua, đến máng cỏ có chúa Hài Đồng, thế là vui. Còn tôi, ngay đến đêm nay còn cứ loanh quanh với mấy chuyện vớ vẩn khó dứt khoát với chính mình, thế là ngoài lý do là một tăng sĩ, tôi còn một tỉ lý do để không thể vui vẻ đón mừng Noel như thiên hạ. Chẳng hạn lâu nay tôi cứ thấy khó chịu khi nhìn thấy thiên hạ hay dùng chữ Công Nguyên thay vì Chúa Nhật, vì tôi
cho đó là ăn gian hoặc cẩu thả. Chữ Before Christ trong tiếng Anh hay Mỹ chỉ có nghĩa là trước lúc Chúa ra đời, dịch thành Trước Giáng Sinh đã là có chút riêng tư, nói gì là Trước Công Nguyên. NGUYÊN đó là NGUYÊN của ai, chứ làm sao của tôi được mà gọi là Công Nguyên. Lại nữa, dù đành rằng trong chữ Hán chỉ có một cách viết cho cả hai chữ Chúa và Chủ (主). Trong tiếng Quan Thoại bên Tàu bây giờ, ngày Chủ Nhật được gọi là Tinh Kỳ Thiên, bên cạnh Tinh Kỳ Nhất là ngày Thứ Hai cho đến Tinh Kỳ Lục của ngày Thứ Bảy. Tinh Kỳ nghĩa là Tuần – tức đơn vị thời gian 7 ngày – không phải Tuần Lễ như người Cơ-đốc đã cố gắng buộc ta làm quen. Người không thờ Chúa làm gì có Lễ Vọng, Lễ Nhớ mà gọi là Tuần Lễ chứ!
Tôi nói lan man vài chuyện không đâu cũng chỉ để thưa rằng, bản chất và sức mạnh của chúng ta chúng nào cũng nằm ở sự kết hợp. Một bản tin của đài BBC nghe được trong đêm nay cứ khiến tôi suy nghĩ nhiều. Trong đó loan tin một số đông Việt kiều ở Anh ngày hôm nay (Dec/22) đã xuống đường biểu tình chống Trung Quốc về vụ Tam Sa, với một thông báo đáng lưu ý là ai muốn tham dự cũng được, bất kể chính kiến, miễn là không được vác cờ xí gì ráo. Một ý kiến thông minh thật. Chỉ cần có mấy lá cờ thì lập tức không còn là CHÚNG TA nữa, chỉ có CHÚNG TÔI. Gom hết CHÚNG TA tại Anh đã không được bao nhiêu, nếu đổi qua CHÚNG TÔI còn thảm đến mức nào nữa. Hay cho tuổi trẻ Việt Nam, giỏi cho tuổi trẻ Việt Nam!
Từ chuyện chính trị, chợt nhớ qua bao chuyện khác trong đời. Cái riêng hình như chỉ làm cho mọi thứ càng trở nên chật chội hơn. Trong khi chúng ta thực ra có cả một vũ trụ để mà lai vãng tung hoành. Khả năng đi, khả năng nhìn, nghe, cảm nhận của chúng ta hoàn toàn có thể đạt tới cảnh giới vô tận hay chỉ ở mức hữu hạn tù túng tùy theo việc ta có tự giam cầm mình trong những nhãn hiệu và ranh giới hay không. Dĩ nhiên tôi không muốn nói là hãy xóa bỏ tất cả những gì được gọi là riêng tư hay nhãn hiệu theo định nghĩa trong tự điển. Bản thân người viết cũng phải có một sự riêng tư độc lập nào đó mới có thể viết xong bài tùy bút này kia mà. Sự riêng tư mà tôi nhắc đến trong bài viết này là những gì riêng tư có phương hại đến thiên hạ. Đó là những ngộ nhận về một Cái Tôi độc lập vốn được làm nền tảng cho mọi phân biệt khốc liệt về tôn giáo, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Nói ra thì có vẻ tuyên truyền rao giảng, nhưng rõ ràng thiên hạ chỉ làm được cái gì đó hữu ích khi biết nghĩ nhiều về CHÚNG TA hơn là TÔI hay CHÚNG TÔI. Trong một bài viết nào đó trước đây, tôi cũng từng thưa rằng, ngay trong ý muốn thu phục quần chúng để làm đạo sư hay giáo chủ gì ấy, ai lưu tâm nhiều về cái chung sẽ thành công hơn là chỉ loay hoay với những cái riêng. Và tệ nhất trong đó chính là trường hợp cái riêng chỉ quẩn quanh trong cái TÔI nhỏ xíu của bản thân mình. Một chứng minh dễ thấy nhất ở đây là khi từng mẫu tự trong chữ TÔI không được viết thống nhất một kiểu và một cỡ chữ thì ngó kỳ cục lắm: “tÔi” hoặc “tôi”. Anh phải nghĩ đến đại cuộc để mà vong thân và nhờ vậy mà sống đẹp một kiếp người, làm hoàn hảo một cuộc hiện hữu.
Thật trùng hợp khi cũng đêm qua tôi được biết tin rằng biên giới của khối Liên Âu (Schengen) vừa được mở rộng hơn xưa giờ, để người trong vùng Đông Âu có thể dễ dàng đi lại giữa các xứ Tây Âu. Cái chung đã được mở rộng hơn nữa, để CHÚNG TÔI từng bước được thế chỗ bằng CHÚNG TA cho nhân loại được nhờ. Có điều đáng buồn là không phải ở đâu và lúc nào cũng được như thế. Tôi dốt nên chỉ sợ làm thiên hạ cười bể bụng khi đề nghị một ngày thiên hạ sẽ hiểu chữ Noel là hình thức viết
tắt của từ NO-EACH-LAND để nhân gian không còn những biên giới, như lời thi sĩ Vũ Hoàng Chương: Chúng ta mất hết chỉ còn nhau !

TOẠI KHANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét