Bước Đầu Tiên Trong Quá Trình Trưởng Thành Là Tách Mình Ra Khỏi Hệ Thống Giáo Dục




Nhãn mác “con ngoan trò giỏi”



Hôm nọ A nhắn tin cho tôi (trước kia tôi và A là bạn cùg lớp cấp ba) nói rằng A đang rất dằn vặt và thất vọng về bản thân khi không duy trì được phong độ học tập như hồi cấp ba nữa. Sau đó A nghĩ mình thật kém cỏi, bất tài và vô dụng nhưng không còn cách nào để cải thiện tình hình nữa rồi. Điều này cũng chẳng làm tôi ngạc nhiên là mấy.
Tôi cũng đã từng là một trong những nạn nhân của nhãn mác “con ngoan trò giỏi”, từ mẫu giáo cho đến những năm cuối cùng của trung học phổ thông.
Tôi vẫn nhớ quãng thời gian đằng đẵng khi còn là học sinh trung học phổ thông ấy, ngày nối ngày, học 8 tiếng trên lớp và 4 giờ tự học buổi đêm, thêm vào đó là 2 giờ học thêm tuỳ môn vào những buổi chiều tối. Một ngày có 24 giờ thì có ít nhất 14 giờ đồng hồ để tiếp xúc và làm việc với giấy tờ, đó là sách vở. Theo đó, là rất hiếm khi có ngày nghỉ, chỉ có thể học ít hơn một chút. Đấy là còn chưa kể những đứa đồng trang lứa như tôi, học thêm ở ngoài nhiều đến nỗi không có cả thời gian ăn. Học thêm là những khoảnh khắc ăn vội, chạy xe vội để kịp lớp này, kịp khoá kia, là những lần đầu tóc rối bù đến lớp vì chưa kịp chải, là những lần tắm xong đồng hồ đã điểm 12 giờ đêm.
Đã có những tháng ngày như thế, những tháng ngày chúng tôi sống theo một lịch trình đã được sắp đặp sẵn, để khi bước vào một môi trường khác, giả dụ như đại học, chúng tôi lại ngỡ ngàng và ngơ ngơ ngác ngác như những con cừu đi lạc, mất hoàn sự định hướng. Chẳng biết bắt đầu từ đâu, quay lại như thế nào.



Howard Gardner: Trí khôn là một tiềm năng có cơ sở sinh học và tâm lý.

Michael Moore, nhà làm phim tài liệu nổi tiếng người Mỹ trong bộ phim năm 2015 đã thực hiện một bộ phim tài liệu về các nền giáo dục của nhiều nước (Italia, Phần Lan, Tuynisia, Đức, Pháp, Slovenia, Bồ Đào Nha) và so sánh với nền giáo dục Mỹ.
Bộ phim có tên là Where to Invade Next?, trong một đoạn phỏng vấn các giáo viên một trường tiểu học ở Phần Lan, Michael Moore hỏi một thày giáo: “Theo ông mục đích của giáo dục là gì?” và nhận được câu trả lời: “Mục đích của giáo dục là giúp cho trẻ em hạnh phúc”.
Michael Moore hỏi tiếp: “Xin hỏi, ông dạy môn gì?”. Người được phỏng vấn trả lời: “Tôi là giáo viên dạy môn Toán”.
“Hạnh phúc” thì có liên quan gì đến giáo dục như là sự chuẩn bị cho trẻ em gia nhập xã hội, tìm được việc làm tốt trong nền kinh tế tương lai? Có liên quan gì đến giáo dục “thực học, thực nghiệp”?
Phát hiện quan trọng của ông là mỗi một kiểu nhà trường hay một kiểu xã hội hay nền văn hóa lại đề cao “nhất” một dạng trí khôn nào đó, phổ biến là dạng trí khôn lôgic-toán.
Nghĩa là não người chia thành hai bán cầu não: trái và phải. Hầu như đối với tất cả cả mọi người, sẽ có một bán cầu não vượt trội hơn về mặt chức năng. Cái đó là do sinh học quyết định. Nhưng chúng ta lại coi trọng loại hình thông minh logic nhất trong 8 loại hình trí khôn. Liệu có công bằng cho những người không được sinh học quy định cho phần não đó phát triển, hay ở đây là não trái. Như thế khác nào bắt một con cá tập bay không?
Lý thuyết về nhiều dạng trí khôn của nhà tâm lý học Mỹ H.Gardner đóng góp một cách nhìn cho những nhà giáo dục học về sự phát triển trí khôn đa dạng ở con người. Vì vậy, trong giáo dục cần phát huy tinh thần tôn trọng khả năng và tiềm năng riêng của học sinh thay vì coi giáo dục là quá trình làm biến đổi nhận thức của học sinh theo hướng giỏi toàn diện (phải giỏi cả văn lẫn toán…) hay là nhãn mác “con ngon trò giỏi” sẽ khiến trường học trở nên nơi chất chứa đau khổ và bạo lực….
Như A, bạn của tôi, đến bây giờ vẫn chưa khỏi bứt rứt khi không còn là học sinh giỏi trong lớp nữa. Mà vẫn còn cái cảm giác tội lỗi của cái bóng hào nhoáng trong quá khứ len lỏi, trong khi bản thân lại rất nhiều tiềm năng ẩn chứa đang chờ được phát hiện.



Thất bại chưa bao giờ là đủ

Ở trong một môi trường với học tập là hoạt động chủ đạo, hoàn thành bài tập và thông hiểu được kiến thức là một trong những nhiệm vụ chính và quan trọng đối với học sinh, thất bại chỉ ở dừng lại mức không hiểu được bài giảng và không hoàn thành được bài tập. Thất bài có thể dễ dàng khắc phục bằng a)giả vờ hiểu, b)chép bài người khác, hoặc cách ít người áp dụng nhất đó là c)cố gắng mãi cho đến khi hiểu bằng được mới thôi. Từ đó mới thấy, sự thất bại đã được chuyển sang một dạng thói quen khác – không trung thực hoặc không có trách nhiệm với lỗi lầm của bản thân, hay nói cách khác là thích đổ lỗi cho người khác. Với một sự chuyển hoá như vậy, có nghĩa là sự thất bại là vô cùng hiếm hoi để có thể xảy ra đối với lứa tuổi này.
Trong trường hợp của A là cố gắng mãi cho đến khi hiểu bằng được. Nhưng nếu như học mãi mà không hiểu thì sao? Đó là khi nỗi sợ hãi thất bại, đến nỗi mà không dám thử những điều có thể phù hợp với mình hơn. A là một người thích viết lách trong khi cô lại chọn học công nghệ thông tin chỉ vì chay theo nhu cầu của xã hội. Khi một bên là trách nhiệm, một bên là đam mê thì cô lại không thể cân bằng, cộng với sự cố chấp phải là học sinh giỏi dẫn tới thất bại. Và cô bị đắm trong vũng lầy ấy, chẳng thể tự mình đứng lên được nữa.



Thành công và thất bại, hai khía cạnh tưởng chừng đối lập nhưng lại luôn song hành cùng với nhau. Biết vươn lên sau thất bại chính là một loại thành công, còn sau khi thành công mà dễ dàng buông bỏ thì đó chính là thất bại.Đừng bao giờ nghĩ mình có thể thành công mà không phải trải qua thất bại.
Thất bại còn có một giá trị khác nữa, đó là khả năng làm bạn trở nên mạnh mẽ hơn, kiên cường hơn. Bởi thế đừng bao giờ sợ thất bại. Bạn sẽ không bao giờ đến gần được chiến thắng nếu không trải qua một lần thất bại. Cứ mỗi lần vấp ngã hay gặp thất bại, hãy nhớ một điều, bạn đang tiến gần hơn tới nguồn tiềm năng và ước mơ của mình.
Có sự khác biệt rất lớn nếu ai đó nói: “Tôi đã thất bại” thay vì “Tôi là kẻ thất bại”. Người gặp thất bại sẽ luôn biết cách rút ra những bài học từ sự thất bại của mình và luôn tiến lên phía trước. Thất bại không làm thay đổi ý chí của người đó. Ngược lại, nếu ai đó tự nhận “mình là kẻ thất bại” thì người đó sẽ không có hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Nếu bạn hay nghi ngờ về năng lực của mình mỗi khi gặp thất bại thì đã đến lúc phải dừng ngay việc đó lại. Việc phạm sai lầm cũng như việc hít thở vậy, một khi bạn còn sống thì sẽ không bao giờ tránh khỏi sai lầm. Bởi vậy, hãy học cách sống chung với nó và luôn tiến lên phía trước.
Đôi khi sự thất bại sẽ báo hiệu cho bạn biết đã đến lúc cần phải thay đổi hướng đi. Nếu cứ tiếp tục đi tới, bạn sẽ đụng đầu vào tường. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc quay trở lại và tìm cho mình một lối ra. Nếu đi theo những ngã rẽ thì đó có thể là con đường chính. Cho dù thất bại liên tiếp, nhưng chỉ cần bạn giữ được ước mơ và niềm khao khát cháy bỏng thì hãy tiếp tục tiến lên.
Nếu liên tiếp gặp thất bại nhưng vẫn muốn đứng lên và tiếp tục, thì hãy để sự thất bại dẫn lối cho bạn. Khi các cánh cửa đóng lại trước mắt bạn, đừng bao giờ đứng mãi một nơi để băn khoăn rằng, tại sao bạn không thể mở được cánh cửa nào. (Theo “Cách tư duy khác về thành công”)
Sau một quá trình dài, có xen lẫn vô số lần thất bại, tôi muốn chia sẻ với A cũng như bạn đọc rằng, mỗi người là một viên ngọc chưa được mài rũa, nếu muốn nó sáng và long lanh nhất, phải trải qua những quá trình gia công phù hợp. Hay nói cách khác là hãy trải nghiệm và thất bại thật nhiều, vì sau mỗi thất bại là một dấu mốc của thành công.

Tác Giả: Nông Thị Yến Nhi – ĐHKHXH&NV

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét