Công việc của tôi là kinh doanh dược phẩm. Trong xã hội hiện đại, việc kinh doanh vốn có tính cạnh tranh khốc liệt, thương trường như chiến trường. Nhưng tôi đề ra nguyên tắc cho mình là phải giữ tâm cho chính, giao dịch công bằng. Tôi làm việc bằng cả niềm đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm. Kết quả là doanh số bán hàng của tôi luôn ở mức cao và ổn định, nhận được sự tin tưởng và mến mộ của khách hàng. Để có được thành quả như ngày hôm nay tôi đã trải qua bao biến cố, thăng trầm của cuộc đời…
Tuổi thơ khốn khó và mất mát đầu đời
Tôi sinh trong gia đình có 5 chị em, tôi là con thứ 3 và cũng là con trai duy nhất. Bố tôi nói rằng nuôi tôi vất vả nhất nhưng chính tôi cũng là người khiến ông khổ sở nhất. Khi tôi mới chào đời được một tháng thì mẹ tôi nhập viện vì bệnh tim. Tôi được nuôi bộ và được các chị bế đi bú chực người khác. Hoàn cảnh kinh tế của gia đình lúc đó rất khó khăn, bố tôi phải đi cấy trong đêm cho kịp vụ mùa. Do không được bú sữa mẹ nên sức khỏe của tôi không được tốt, thận yếu, tôi mắc chứng đái dầm đến tận năm học lớp 6. Bố tôi đã nhiều lần đưa tôi đến các thầy lang để chữa nhưng vẫn không khỏi. Nghe ai mách cách chữa là bố tôi liền làm theo, ngay cả việc ăn nhện nhà nướng, canh lá vông nem.
Mẹ tôi là người phụ nữ tần tảo, thương chồng thương con nhưng còn bố tôi thì rất nóng tính. Không khí trong gia đình thường xuyên căng thẳng, đỉnh điểm là cả hai muốn ly hôn ngay cả khi đã có với nhau 5 mụn con. Mẹ tôi suy kiệt về tinh thần lại do sức khỏe vốn đã yếu, khi đi tát nước cho ruộng thuốc lá mẹ đã bị cảm. Mặc dù mẹ được đưa lên bệnh viện Bạch Mai để cấp cứu nhưng mẹ đã không qua khỏi. Khi mẹ mất tôi mới vào lớp 7, em út của tôi mới 4 tuổi. Ngày mẹ mất nó vẫn ngây thơ vui cười mà chưa ý thức được nỗi đau và sự mất mát to lớn. Sau này em tôi luôn cảm thấy thiệt thòi so với các anh chị vì nó không nhớ được một chút ký ức nào về mẹ. Nhiều đêm sau khi mẹ mất, tôi thấy bố hay ngồi một mình, vừa khóc vừa gọi mẹ, rồi còn hát cho mẹ nghe. Khi ấy, tôi không hiểu sao bố yêu mẹ nhiều như vậy mà hai người lại hay xảy ra mẫu thuẫn để rồi xảy ra bi kịch này. Vì gia cảnh đông con nên bố tôi đã quyết định đi bước nữa. Các chị lớn thì không đồng thuận, tôi thì không có ý kiến gì. Mặc dù lúc đó tôi có nghĩ đến cảnh “dì ghẻ con chồng” nhưng tôi cũng nghĩ nếu người đó tốt thì tôi cũng có thể gọi là mẹ. Nhưng đáp lại thành ý đó, dì tôi lại là người rất ác khẩu nên mấy anh em chúng tôi đã bị tổn thương. Mâu thuẫn với dì lớn dần và tôi ghét lây cả bố mình. Tôi vốn là cậu bé hiền lành, ngoan ngoãn nhưng giờ tôi là nỗi bận tâm của bố. Bố tôi cũng rất khó để cân bằng mối quan hệ này. Trong đầu tôi khi đó luôn nổi lên các ý nghĩ ghen tức và muốn đấu tranh với dì. Tôi luôn phóng đại những mâu thuẫn nhỏ nhặt với dì. Ngay cả khi ăn cơm tôi cũng không còn lễ phép mời bố và dì nữa.
Đỉnh điểm của những bất hòa trong gia đình
Hoàn cảnh gia đình có lúc căng thẳng đến đỉnh điểm, nhất là năm tôi vào lớp 10. Tôi phải vào trong làng ở cùng bà nội. Cũng thời điểm này tôi khởi phát chứng viêm mũi mãn tính. Dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó làm cho cuộc sống của tôi không thoải mái. Người ta có thể nhịn ăn mấy hôm nhưng chẳng thể nhịn thở quá mấy phút. Sức khỏe của tôi không bằng một đứa trẻ con. Tôi bị nghẹt mũi thường xuyên. Tinh thần thì lúc nào cũng căng thẳng. Cuộc đời tôi như một vòng luẩn quẩn. Bố lại đưa tôi đi chữa trị đó đây, Đông Tây y đều đã thử qua, tiêu tốn không ít tiền mà sức khỏe của tôi không khá lên. Sức khỏe tuy không tốt nhưng tôi lại là một học sinh giỏi ở lớp. Vì biết hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn nên từ năm lớp 8 tôi đã nhận được học bổng của một Việt Kiều quê gốc ở Bắc Ninh. Đối với tôi, học là niềm đam mê nên tôi không gặp trở ngại gì. Nhưng đến gần kì thi tốt nghiệp lớp 12 và thi Đại học thì sức khỏe của tôi suy kiệt. Cân nặng chỉ còn 47kg, sắc mặt xanh xao, hốc hác. Nhờ chị gái cả chăm sóc tôi chu đáo mà tôi thi đỗ cả trường Đại học Dược Hà Nội và trường Đại học Y Hải Phòng. Bố muốn tôi học Y vì nghĩ “ nhất Y, nhì Dược”. Nhưng tôi tự cảm thấy nếu học y phải trực đêm thì quá vất vả nên tôi đã chọn Dược. Sau này cô em Út đã thi đậu trường Y Hải Phòng nên tâm nguyện của bố tôi coi như được bù đắp.
Chân – Thiện – Nhẫn mở ra cho tôi một chân trời mới
Suốt 5 năm học ở trường Đại học Dược Hà Nội bệnh tình của tôi vẫn vậy. Trong lớp, tôi là người không mấy năng động và ít khi giao lưu với bạn bè, phần cũng vì tự ti với bản thân, và cảm thấy không bằng chúng bạn. Khi tôi đang học năm cuối bậc Đại học, người chú họ của tôi có mang về một cuốn sách giới thiệu về Pháp Luân Công. Tôi đọc và biết nó có thể nâng cao sức khỏe, đề cao tâm tính, giúp con người hướng thiện. Đây là pháp môn tu luyện của Phật gia vừa kết hợp đọc sách vừa tập 5 bài công pháp đơn giản, nhẹ nhàng. Tôi ấn tượng nhất về vị Sư phụ của môn khí công này. Đó là việc khi ăn, thấy hạt cơm chưa tách hết vỏ trấu cũng bóc ra ăn cho hết. Vốn con nhà nông, tôi cũng biết quý từng hạt thóc nhưng cũng chưa làm được như vị Sư phụ này. Tôi vô cùng ngưỡng mộ và biết trân quý thức ăn hơn.
Tuy nhiên vì đang năm cuối Đại học, lại thêm lo lắng cho việc tìm việc làm sau khi ra trường nên tôi chỉ xem qua các động tác và tập chưa nghiêm túc. Lúc đó tôi nghĩ đơn giản khí công cũng như võ thuật chỉ chú trọng động tác chứ không chú trọng đọc sách. Nhất là khi đi tìm việc làm tôi bị người ta lừa tiền, tôi chán nản và buông xuôi luôn. Vào một buổi trưa khi đang xem phim, tôi thấy một bộ phim có tên: “Câu chuyện có thật về một cô thợ hớt tóc”. Tôi tò mò mở ra xem. Không ngờ bộ phim lại nói về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Nhân vật chính là chị Đinh Yến dù bị bức hại đến chết nhưng vẫn không từ bỏ đức tin vào Chân – Thiện – Nhẫn. Tôi đã vô cùng xúc động và khóc như một đứa trẻ. Tôi vô cùng cảm phục các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Họ thật phi thường! Kể từ đây, tôi tìm hiểu Pháp Luân Công kỹ hơn, đọc sách nhiều hơn. Cuốn sách đã mở ra cho tôi một chân trời tri thức mới. Nhân sinh quan, thế giới quan của tôi hoàn toàn thay đổi. Trước kia, những kiến thức về Đông Y rất khó nhận thức và cảm thấy huyền hoặc thì nay tôi có thể giải khai rõ ràng. Nhiều câu hỏi mà trước đây tôi không có lời giải như: Vũ trụ có biên giới hay không, nguồn gốc của Kim tự tháp, sự hình thành của sinh mệnh,…nay tôi đã tìm được câu trả lời. Tôi hiểu được nguyên nhân của những khổ đau, bất hạnh và bệnh tật đều là do nghiệp lực từ vô lượng kiếp trước mà con người tạo ra. Tôi hiểu ra nếu muốn hóa giải những mâu thuẫn trong gia đình và ngoài xã hội tôi cần có lòng từ bi, khoan dung và độ lượng. Tôi phải biết nghĩ cho người khác trước khi nghĩ đến mình. Khi mâu thuẫn xảy ra thì “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Hướng nội để tìm nguyên nhân ở bản thân mình thì sẽ tìm được cách giải quyết. Tôi cần chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn để phân biệt tốt – xấu. Càng đọc sách Chuyển Pháp Luân tôi càng thấy thích thú, đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác. Tinh thần của tôi thăng hoa lên từng ngày. Tôi lấy Chân – Thiện – Nhẫn làm thước đo, làm nguyên tắc sống của mình.
Tu luyện Đại Pháp tôi còn may mắn được biết đến tập thơ Hồng Ngâm của Sư phụ Lý Hồng Chí. Tôi say sưa học thuộc bởi mỗi bài thơ đều mang hàm nghĩa thâm sâu, có ý nghĩa dẫn dắt tôi bước đi ngay chính trên đường đời. Tôi có thể tĩnh tâm để nhìn nhận và suy xét vấn đề nhờ nghe nhạc Đại Pháp. Trước đây tôi chỉ thích nhạc trẻ nhưng khi nghe âm nhạc của Đại Pháp tôi thực sự say đắm, thật kì diệu. Đại Pháp đã đánh thức sự thiện lương trong tôi, tâm hồn tôi trở nên thuần tịnh. Tôi tin tưởng rằng từ đây cuộc đời tôi sẽ có những tháng ngày yên bình và an yên thật sự.
Tâm thay đổi, hoàn cảnh đổi thay
Trước đây tôi hay căng thẳng với chú mình. Bởi tôi vốn hay nghẹt mũi, khó ngủ còn chú tôi thì thức đêm chơi game. Tiếng lách cách phát ra từ máy tính làm tôi khó chịu. Vì thế tôi chia đôi hai mảnh ván thành hai chiếc giường đơn khiến căn phòng trọ vốn đã chật hẹp càng thêm rối mắt. Hàng xóm nhìn vào cũng thấy ái ngại thay cho tôi. Âm thanh không mất đi nhưng tôi lại thấy khoái chí vì tôi đã thể hiện được thái độ bất mãn của mình. Sau đó tôi thấy không ổn, tôi nhìn sâu vào nội tâm mình để tìm nguyên nhân. Tôi đọc sách nhiều hơn, luyện công nghiêm túc hơn. Tôi đã nhận ra tất cả mọi sự bất hòa đều do tôi chưa bao dung, chưa độ lượng. Trong các mâu thuẫn xảy ra đều do phần lỗi của tôi tạo nên. Tôi thẳng thắn nói chuyện với chú mình. Tôi không còn căng thẳng với chú mình nữa, nên sớm chấm dứt thời kỳ “ly thân”. Hai chú cháu hòa giải, sống trong vui vẻ. Căn phòng được chúng tôi dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp. Tinh thần tôi trở nên thoải mái, giấc ngủ cũng đến với tôi nhanh hơn. Tôi sống cởi mở hơn, tự tin hơn. Bạn cùng Đại học đã nhận thấy sự thay đổi đáng mừng này của tôi khi chúng tôi gặp mặt. Trước kia sức khỏe tôi không tốt. Là một dược sỹ dù biết tác hại của việc lạm dụng thuốc nhưng tôi vẫn thường xuyên dùng. Sau khi tu luyện và chăm chỉ tập các bài công pháp, sức đề kháng của tôi thực sự đã cải biến rõ rệt. Tôi từ một thanh niên chỉ nặng 47kg giờ cân nặng của tôi là 70kg. Suốt 7 năm tu luyện Đại Pháp dù là mùa đông tôi cũng tắm được nước lạnh, điều này là không thể với những ai bị viêm mũi mãn tính. Từ khi tu luyện Đại Pháp tôi còn tạo được cho mình thói quen thức khuya, dậy sớm. Tôi có nhiều thời gian hơn để làm những việc mình thích. Dù ngủ ít đi nhưng tôi vẫn khỏe mạnh, luôn cảm thấy vui vẻ, phấn chấn. Bởi tôi nhận ra rằng: Luyện công là hình thức nghỉ ngơi tốt nhất. Những mâu thuẫn, khúc mắc trong gia đình, tôi đã hướng nội tìm nguyên nhân ở bản thân mình chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Tôi nhận ra tôi chưa cư xử đúng phận làm con, luôn có cảm giác ghen tị với mẹ kế và bất mãn với sự yêu thương của bố dành cho em trai duy nhất là con của mẹ kế. Với tâm thái hòa ái, từ bi với mọi người tôi đã hòa giải được sự bất hòa giữa tôi và mẹ kế. Mối quan hệ giữa tôi và người em cùng cha khác mẹ cũng tốt đẹp hơn. Tôi không còn toan tính việc phân chia tài sản của bố tôi nữa.
Đông Y có câu: nộ hại can, vui quá hại tâm. Nền văn hóa truyền thống có câu: “Tướng do tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”. Tổ Chức Y tế Thế Giới (WHO-World Health Organization) cũng có định nghĩa về sức khoẻ: “Sức khoẻ là một trạng thái hoàn toàn thoải mái cả về thể chất, tâm thần và xã hội, chứ không phải là chỉ là không có bệnh tật hay tàn phế”, để nhấn mạnh vai trò của trạng thái tinh thần, liên quan chặt chặt với tâm tính con người mà biểu hiện ra thái độ sống. Khi tôi chiểu theo Chân – Thiện – Nhẫn thì mọi khúc mắc, mọi mâu thuẫn mà tôi gặp phải đều được giải quyết. Khi tâm tính tôi hòa ái, độ lượng hơn, những người xung quanh tôi cũng trở nên dễ mến. Mọi thứ ở nơi bản thân và xung quanh đều chuyển quanh tâm thái của mình. Thật đúng là, toan tính thiệt hơn chỉ chuốc lấy phiền muộn, vô tư độ lượng nhận phúc lành.
Thế giới cần Chân Thiện Nhẫn
Chân – Thiện – Nhẫn, ba chữ thật đơn giản, ngắn gọn nhưng lại có sức mạnh vô song, là kim chỉ nam chỉ dẫn cho tôi khi đối diện với mọi vấn đề của cuộc sống. Chiểu theo nguyên lý này tôi có thể đối diện để giải khai và cải biến mọi mâu thuẫn trong gia đình mình, cuộc đời mình. Giờ đây tôi cảm thấy vô cùng hân hoan và hạnh phúc bởi tôi không còn u uất, đắm chìm trong bệnh tật và bất hạnh nữa. Nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tôi tìm lại được chính mình, thiện lương và thuần khiết. Xã hội càng hiện đại càng cần Chân – Thiện – Nhẫn, cần cho tôi, cho bạn và cho tất cả mọi người. “Hữu xạ tự nhiên hương” với tâm thái tích cực, hòa ái và từ bi những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.
Nguyễn Văn Thông
https://www.dkn.tv/van-hoa/duoc-sy-tre-toan-tinh-thiet-hon-chi-chuoc-lay-phien-muon-vo-tu-do-luong-nhan-phuc-lanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét