BẠN

“Này các Tỷ-kheo, có đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cho điều khó cho, làm điều khó làm, nhẫn điều khó nhẫn. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ ba đức tánh, một người bạn cần được thân cận.”
Hôm trước tôi có nói mình với Phật không khác nhau nhiều là tôi dựa vào bài kinh này. Chư Phật chư Bồ tát là những người cho cái khó cho, nhịn cái khó nhịn, làm cái khó làm nên đắc được cái khó đắc, thấy được cái khó thấy. Còn mình cho cái khó xài, nói điều khó nghe nên mình trở thành người khó ưa.
Xem Kinh Thi-Ca-La-Việt, Trường Bộ Kinh, thì thấy Đức Phật định nghĩa bạn tốt khác với bài kinh này. Thật ra cả hai nội dung đều y chang như nhau nhưng tùy đối tượng trước mặt là ai mà Ngài có cách nói khác nhau. Ở đây Ngài định nghĩa về tình bạn ngắn gọn mà không thể đầy đủ hơn, quá sức đầy đủ. Bạn tốt dựa vào ba điều này:
Duddadaṃ dadāti: cho cái khó cho
Dukkaraṃ karoti: làm chuyện khó làm
Dukkhamaṃ khamati: nhịn được chuyện khó nhịn
Thuở xưa bên Tàu có một đôi bạn rất thân, thiên hạ đệ nhất tri kỷ, trở thành tấm gương cho người đời sau soi rọi, gọi là kim bằng chi giao. Chuyện dài lắm, vào Google gõ “Quản Trọng, Bảo thúc Nha.”. Cặp bạn này rất thân, mỗi lần đi buôn về chia tiền lời thì Quản Trọng bao giờ cũng lấy số nhiều, ra trận hành quân thì Quản Trọng đi đàng sau, rút quân thì đi trước. Bạn bè thân với Bảo Thúc Nha bèn trách: “Tôi thấy ông hơi ngu, hết người chơi rồi hay sao mà chơi với Quản Trọng, đi buôn bán thì lấy phần nhiều 6/4 chứ không phải 5/5. Rút quân thì đi trước, tiến quân thì đi sau.” Bảo Thúc Nha trả lời: “Quản Trọng không phải là người chết nhát. Quản Trọng còn cha mẹ nên phải giữ mạng để về báo hiếu cha mẹ tuổi già. Còn lúc đi buôn bán thì chia phần ít cho ta vì Quản Trọng biết ta độc thân, không có người thân phải nuôi, Quản Trọng thì có nhiều người thân người sơ phải gánh, biết ta là người thông cảm nên Quản Trọng hoàn toàn tin cậy ta”.
Quản Trọng nghe câu trả lời đó ngửa mặt lên trời mà nói: “Sinh ra ta ấy là cha mẹ, mà hiểu biết ta thì trong đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi”. Câu này đã đi vào huyền thoại lịch sử văn hóa TQ và không ít người Việt cũng biết câu chuyện này. Họ thương nhau, quý nhau và hiểu nhau từng chân tơ kẽ tóc. Ngài Xá Lợi Phất và Đức Phật trong nhiều kiếp quá khứ cũng là tri kỷ chi giao như vậy đó. Bạn thân ở đây không có nghĩa là gặp ai mình cũng xáp vô, mà phải là xác định được đó là người lành người trí thì mình mới hết lòng dốc sức kết giao với người ta. Tìm được người lành trong đời không dễ mà người đó lại là bạn của mình nữa thì đó là châu ngọc, quí kim đó quí vị. Khổ nỗi, đời khốn nạn ở chỗ người ta cứ quẩn quanh trong cơm áo gạo tiền nên người ta quên đi những giá trị tâm linh tinh thần và cô phụ những tấm lòng vàng như kim cương. Tôi không dám nhận là bạn tốt nhưng nhiều khi tôi tiếc hùi hụi, tiếc ngẩn ngơ cho một vài người khi họ đã lìa tôi mà đi. Họ vì một cớ cỏn con mà không chịu nhìn cái khác. Đó là chuyện của tôi. Tôi nhìn một vài cặp bạn khác, khi biết họ rã vì lý do không đáng, tôi tiếc lắm. Người lành tìm đã khó, huống chi họ là bạn của mình. Khi xác định đó là người lành, và biết rõ đây là bạn của mình thì chúng ta ngại khó khăn gì mà không dám vì nhau làm những chuyện khó làm, nhịn cái khó nhịn và trao ra cái khó trao. Trong dòng sinh tử này, sự nghiệp lớn nhất đó là sự nghiệp giải thoát, vì vậy người bạn đáng quý nhất là người bạn có thể đứng về phía mình trong lý tưởng giải thoát, còn nếu chỉ là bạn đời, bạn đường trong lý tưởng phàm phu thì thôi. Quí nhất là người bạn có thể chia sẻ cho mình cả hai quan điểm: thế tục và giải thoát. Nếu tìm đúng được người bạn đó rồi thì hãy nhớ rằng thân người khó được, gặp được người lành khó hơn, và nhất là người lành ấy lại là bạn của mình thì tiếc gì nhau.

#KinhTăngChi.
#SưGiácNguyên giảng
Nguồn: Facebook

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét