TRỞ VỀ VỚI TÂM

Con người chúng ta là sự kết hợp của thân và tâm, của vật chất và tinh thần, ai cũng biết điều đó, nhưng trên thực tế chúng ta thường quá săn sóc đến thân mà lơ là với tâm của mình, đó là một điều thiếu sót lớn, có thể nói là bất công và vô lý nữa. Bởi vì thân không thuộc về ta, nó có tiến trình riêng của nó theo con đường "thành trụ hoại không" mà ta không thể làm gì để thay đổi được. Không ai có thể bảo cho thân không được già, không được bệnh. Sự sai lầm của chúng ta là tự đồng hóa mình với thân và lấy đó làm trụ cột cho mọi hành động, suy nghĩ lo toan, mà không nhìn thấy bản chất huyễn ảo, giả tạm của nó. Nếu chỉ biết sống với thân, ta sẽ dễ dàng bị đau khổ, giam hãm trong ngục tù của thân khi một ngày nào đó thân không còn có được những hoạt động chức năng hoàn hảo như trước.

Có thể nói thời gian chúng ta dành cho thân rất nhiều, gần như suốt ngày, lo cho việc chải chuốt, làm đẹp, theo các phong trào tập thể thao, tập tai chi, yoga, khí công, khiêu vũ v.v... để mong được mạnh khỏe sống lâu. Ta tìm vui cho tâm hồn qua những cuộc du ngoạn, họp bạn, ăn uống, ca hát nhẩy múa, xem văn nghệ v.v... nhưng đó chỉ là những yếu tố bên ngoài, biến thiên và tạm bợ, có hợp rồi có tan. Chỉ có cái tâm hằng hữu là luôn ở với chúng ta, trong bất cứ giai đoạn và hoàn cảnh nào, lúc sống cũng như lúc chết. Tuy nhiên ta lại rất ít khi bỏ thì giờ chú ý đến tâm mình, tìm hiểu xem nó là gì, hoạt động như thế nào, mà chỉ phóng mình cuốn trôi theo những cảm xúc, suy nghĩ mông lung, không làm chủ được mình. Nếu ta biết dừng lại và nhìn thẳng vào những suy nghĩ cảm xúc đang có, xem chúng khởi lên từ đâu và đi về đâu, ta mới biết được thực sự tâm là gì, và thấy đó là một lãnh vực thật bao la huyền bí mà từ đó tới giờ ta không hề biết tới. Càng hiểu biết tâm mình , ta càng có thêm được sức mạnh nội tại, có cái nhìn thông suốt, không thiên lệch với những gì đến và đi trong cuộc đời.
Đức Phật nói: "Tâm làm chủ, tâm dẫn đầu các pháp", có nghĩa tất cả những gì chúng ta có, đời sống chung quanh ta, đều do tâm làm ra. "Nhất thiết do tâm tạo", tâm làm nên thế giới chúng ta đang sống. Mỗi con người chúng ta là một hoang đảo, hoàn toàn cô đơn, bởi vì những gì đến với ta chỉ có mình ta mới cảm nhận được. Không ai có thể hiểu được hoàn toàn những gì chúng ta suy nghĩ và kinh nghiệm. Vì thế, thế giới chúng ta sống là do tâm chúng ta cảm nhận như thế nào mà ra. Người thích yên tịnh sẽ có một thế giới yên tịnh, người thích huyên náo sẽ tìm đến một thế giới huyên náo. Nếu tâm đen tối, ta sẽ sống trong một thế giới đen tối. Nếu tâm trong sáng, ta sẽ sống trong một thế giới trong sáng. Mặc dù hoàn cảnh đến như thế nào, mỗi người ở trong hoàn cảnh ấy đều có những cảm nhận khác nhau và do đó có những thái độ sống khác nhau. Bởi thế, nếu ta không biết được tâm mình, không làm chủ được nó, ta sẽ bị trôi dạt trong những cảm xúc, suy nghĩ dấy lên theo ngoại cảnh, và cảm thấy hoang mang đau khổ trong những biến đổi của kiếp người.
Điều suy tư nhất của chúng ta bây giờ là gì? Có lẽ đặc biệt đối với những vị cao niên, vấn đề trước hết là sức khỏe. Vì thế chúng ta rất lo cho thân, cố tìm cách chăm sóc cho nó sao để bệnh tật đừng tới. Chúng ta không để ý đến tâm, nhưng thực ra chính tâm lại là yếu tố tác động lên thân trực tiếp nhất. Hiện nay người ta đã có những nghiên cứu khoa học về sự tương quan giữa tâm và thân, và có nhiều chứng minh rằng những trạng thái tâm lý có thể làm thay đổi được những trạng thái sinh lý trong thân. Những trạng thái tâm lý bị áp lực (stress) hay trầm cảm có thể khiến gây ra nhiều thứ bệnh trong thân. Nhưng tuy tâm có thể gây bệnh, cũng chính tâm có thể giúp lành bệnh trong thân.
Những cuộc thí nghiệm thuốc giả (placebo) đã chứng minh rằng mặc dù những thuốc giả này không có các dược chất chữa lành, nhưng bệnh nhân vẫn cảm thấy công hiệu như uống thuốc thật, vì do lòng tin mà ra. Cuộc nghiên cứu của Jo Marchant với đề tài "Heal thyself" (Tự chữa lành) cũng cho thấy rằng người có tinh thần lạc quan thường ít bị bệnh hơn, sống lâu hơn và nếu có bị những bệnh trầm trọng như ung thư, tim hay thận đều dễ hồi phục nhanh chóng, vì những tư tưởng tích cực làm tăng cường hệ thống miễn nhiễm, giảm bớt chất cortisol chống stress, kích thích hệ thần kinh đối giao cảm tạo nên sự thư giãn, khiến cơ thể có thể tự chữa lành được.
Mặt khác, người ta cũng nhận thấy rằng những người có niềm tin tâm linh, tìm được một ý nghĩa hay mục đích nào đó trong đời sống, thường sống lâu hơn và mau chữa lành bệnh hơn. Ngay cả khi mắc phải một căn bệnh vô phương cứu chữa, người ấy cũng có được sự vững mạnh để đối diện và sống tùy thuận theo thực tế .
Hiện nay trong tuổi già người ta thường lo sợ bị mất trí nhớ, và tìm những cách "vận động" não như đánh cờ, đố chữ, học một môn gì đó v.v.. để làm tăng chức năng trí nhớ của não, cho rằng đó là một cách "săn sóc" cho tâm. Điều đó có thể làm chậm hơn sự thoái hóa của não, nhưng não không phải là tâm, mà chỉ là một bộ phận của thân. Cách tác động hữu hiệu nhất đến cả thân lẫn tâm là tập thiền.
Thiền là đưa Động trở về Tịnh. Động và Tịnh tuy đối nghịch với nhau nhưng là một, vì Tịnh là nền tảng từ đó khởi lên Động. Do đó, thiền là trở về với nền tảng tĩnh lặng tự nhiên của thân và tâm. Trong sự an nghỉ, dừng mọi hoạt động của thể xác và tinh thần, chân khí, tức nguồn năng lượng cho sự sống, được hàm dưỡng và phục hồi lại. Sự buông xả và không rỗng trong thiền định gợi lên những luồng sóng gamma tạo sự tỉnh giác bén nhậy và cảm giác an lạc. Những cuộc nghiên cứu về thiền đều công nhận thiền có thể làm tăng miễn nhiễm chống lại bệnh tật, ngay cả những bệnh nan y như ung thư, giúp chống trầm cảm, giúp tập trung tư tưởng, làm cho người ta cảm thấy an bình hơn, vững chãi hơn. Không những thế, thiền còn có thể làm chậm đi sự lão hóa trong thân.
Thiền vốn là một pháp tu của đạo Phật để đạt được sự giác ngộ. Tuy nhiên, hiện nay trong xu hướng tách rời thiền khỏi căn bản đạo Phật và xem đó như một phương pháp thư giãn và trị liệu tâm lý, thiền có thể bị ngộ nhận và lạm dụng, chỉ nhằm mục đích mong cầu an lạc với những hiệu quả tạm thời, mà không thực sự đem lại sự giải thoát khỏi những nguyên nhân gốc rễ của phiền não.
Một y sĩ Trung Hoa sống đến 112 tuổi đã có lời khuyên: "Sự khỏe mạnh khởi đầu từ việc điều hòa tâm. Vì sức khỏe của bạn, hãy tu Phật. Tu Phật đạt được sự an lạc, đó là sự hưởng thụ tối cao của đời người."
Nói đến tu, nhiều người rất sợ vì nghĩ rằng tu là phải ăn chay niệm Phật, bỏ hết những gì vui thú trên đời, sống một cách kham khổ. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài, có tính cách hình thức, không phải nghĩa tu thật sự. Tu là ở nơi tâm, là sửa đổi chính mình, qua sự quán sát tâm để không vướng mắc vào những cảm xúc tư tưởng tai hại. Thật ra không có ai bỗng dưng muốn tu, hay sửa đổi chính mình, mà phải có một cơ duyên nào đó khiến người ấy bỗng nhận thức được sâu sắc sự vô thường huyễn ảo của cuộc đời cũng như của chính mình, và muốn tìm đến một điểm tựa tâm linh nào đó. Khi được hỏi về cốt yếu của sự tu, Tổ A Nan nói: "Buông mọi niệm ác, năng giữ niệm lành, giữ thân tâm thanh tịnh, ấy là lời Phật dạy". Nghe thì rất giản dị nhưng thực hành phải có sự kiên trì và nỗ lực. Như một vị thiền sư nổi tiếng đã nói: "Đứa trẻ 8 tuổi cũng biết điều đó, nhưng ông già 80 còn chưa làm được." Chúng ta thường sống theo thói quen - và thói quen đó sẽ thành nghiệp lực lôi cuốn và điều khiển con người, không cưỡng lại được. Tu là tập thói quen mới để thanh tịnh hóa thân tâm qua sự trì giới, sống giản dị, biết đủ, biết xả bỏ những ham muốn, khiến cho tâm được an định và phát huy tuệ giác. Như vậy nghiệp lực sẽ được chuyển hóa thành đạo lực, giúp người ấy có sức mạnh làm chủ chính mình, có thể sống tự tại dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Trên thế giới này, chỉ có đạo Phật là chú trọng vào việc tìm hiểu phân tích tâm con người, và có những phương cách luyện tâm để đạt được sự an lạc. Giáo lý Phật là nền tảng trên đó ta xây dựng con đường chuyển hóa đưa đến giải thoát, vượt trên những đau khổ tất yếu của sinh lão bệnh tử mà ta phải đối phó. Hiện nay người đi chùa rất nhiều, nhất là trong những dịp lễ lạc, nhưng ít có người biết và hiểu được đạo Phật. Người ta thường có cái nhìn rất phiến diện và hời hợt về đạo Phật qua những hình thức cúng lễ, xem đó như là không liên quan gì đến thực tại đời sống hàng ngày. Có lẽ một phần cũng vì các cơ sở tôn giáo chưa có đủ người và phương tiện để truyền pháp cho hữu hiệu, một phần là trong thế giới hiện nay con người bị cuốn hút trong những nhu cầu vật chất mà không nhận thức được sự thiết yếu của đời sống tâm linh. Kinh Phật nói đến thời mạt pháp, tức là lúc đạo Phật đã suy đồi đến mức không ai còn biết đến Pháp Phật nữa. Nhưng trải qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi từ nhiều thế kỷ nay, Pháp Phật tuy có lúc bị suy tàn nhưng rồi cũng có lúc được phục hồi lại. Bởi vì Pháp không có sinh diệt, không có thịnh suy, như chân lý của đời sống không có sinh diệt, không có thịnh suy. Pháp bao giờ cũng có ở đó, như chân lý bao giờ cũng có ở đó, dù có được nhận biết đến hay không nhận biết. Nếu có ai một lúc nào đó thức tỉnh, quyết tâm muốn rời khỏi những phiền não vây bủa trong kiếp nhân sinh, chắc hẳn sẽ có những nhân duyên kết hợp cho người ấy ngộ nhập được chân lý giải thoát, ngay chính ở nơi tâm.

Ngọc Bảo
(Tháng 6, 2015)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét