Tất cả những chi tiết về một giai đoạn buồn bã nhất, nhưng cũng thăng hoa nhất trong cuộc đời danh họa người Hà Lan Vincent Van Gogh, đã vừa được tiết lộ trong cuốn sách hiện đang gây chú ý trong giới mỹ thuật - cuốn “Starry Night: Van Gogh at the Asylum” (Đêm đầy sao: Van Gogh trong bệnh viện tâm thần) được thực hiện bởi nhà nghiên cứu người Anh Martin Bailey.
Bức “Đêm đầy sao” - một tuyệt phẩm được Van Gogh thực hiện trong những ngày tháng ở trong bệnh viện tâm thần.
Cuốn sách vừa ra mắt đã đưa ra nhiều thông tin quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của Van Gogh. Những ngày tháng sống trong bệnh viện tâm thần lúc cuối đời là giai đoạn Van Gogh bất ổn nhất, ông trải qua nhiều đợt suy sụp tâm lý, nhưng lại bùng nổ sáng tạo với cây cọ vẽ, một số tác phẩm nổi tiếng nhất của ông được vẽ chính trong thời kỳ này.
Những bức họa được vẽ ra dựa trên quan sát và trí nhớ của họa sĩ trong những buổi đi dạo ngắn ngủi, qua góc nhìn từ ô cửa sổ có chấn song của phòng bệnh, và những buổi được ngồi vẽ trong vườn bệnh viện.
Tác giả Martin Bailey, một chuyên gia nghiên cứu về danh họa Vincent Van Gogh, đã đến bệnh viện Saint-Paul de Mausole, một bệnh viện tâm thần quy mô nhỏ nằm ở vùng ngoại ô xã Saint-Rémy-de-Provence (Pháp), để được trực tiếp xem lại những giấy tờ ghi chép về “bệnh nhân đặc biệt” Vincent Van Gogh.
Bệnh viện Saint-Paul de Mausole nay vẫn còn.
Quang cảnh xã Saint-Rémy-de-Provence, nơi có bệnh viện Saint-Paul de Mausole.
Họa sĩ đã được hưởng những sự chăm sóc đặc biệt khi ở bệnh viện này, mọi chi phí được chi trả bởi người em trai của ông - nhà buôn tranh Theo Van Gogh.
Những giấy tờ lưu lại tại bệnh viện cho thấy bệnh nhân Vincent Van Gogh (36 tuổi) người Hà Lan, nhập viện ngày 8/5/1889. Cùng thời điểm ấy, trong bệnh viện còn có 18 nam bệnh nhân khác. Van Gogh trong những thư từ viết ở bệnh viện đã gọi những người bệnh này là “những người bạn đồng hành của tôi trong khốn khó”.
Thói quen viết thư của Van Gogh không thay đổi trong những ngày tháng ở trong viện, lúc này, nội dung thư của Van Gogh thường kể về tình trạng bệnh tật của những người cùng đang điều trị với ông, về cuộc sống buồn tẻ trong bệnh viện, với những bữa ăn chỉ được phép dùng thìa vì dao và dĩa “dễ gây nguy hiểm”.
Trong một lá thư, Van Gogh miêu tả lại những đêm dài ông không ngủ được vì một số bệnh nhân trở nên quá khích: “Tôi liên tục phải nghe những tiếng la hét, tiếng hú kinh dị như thể của một bầy thú”.
Ở thời điểm ấy, em trai và bạn bè Van Gogh cho rằng ông không nên sống một mình sau khi ông đã tự cắt tai mình, rồi gói nó vào trong một tờ giấy, đem tới đưa cho một phụ nữ trẻ vốn là “gái bán hoa”. Sự việc này xảy ra sau khi tình bạn giữa Van Gogh và họa sĩ Paul Gauguin sụp đổ khiến ông bị chấn động.
Bức “Những phụ nữ hái ô-liu” được vẽ vào tháng 12/1889 khi Van Gogh đang lưu lại tại bệnh viện. Bức tranh hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Metropolitan ở thành phố New York (Mỹ).
Trong thời kỳ Van Gogh ở bệnh viện tâm thần, hầu như không ai tới thăm ông. Tất cả mọi liên hệ với thế giới bên ngoài được Van Gogh duy trì thông quá những lá thư, thường gửi tới cho em trai. Giám đốc bệnh viện tâm thần cũng viết thư thông báo cho người nhà Van Gogh về ba đợt suy sụp tâm lý nặng của ông trong vòng một năm lưu lại tại bệnh viện.
Khi ấy, Van Gogh đã nuốt màu vẽ để tự đầu độc chính mình, khiến người ta phải đem cất tất cả màu vẽ đi. Trong một lá thư thông báo, giám đốc bệnh viện khi đó - ông Théophile Peyron viết: “Có vài lần, ông ấy đã cố tự đầu độc mình bằng cách nuốt màu vẽ hoặc uống dầu hỏa vốn dùng để rót vào các cây đèn dầu”.
Thời điểm này, người em trai của Van Gogh - người bảo trợ tài chính cho ông - vừa mới cưới vợ và đang chuẩn bị có con đầu lòng, Theo Van Gogh sống ở Paris và không đến thăm anh.
Vincent Van Gogh được xuất viện ngày 16/5/1890 sau những lá thư yêu cầu em trai cho mình ra viện. Van Gogh thèm khát được vẽ những bức tranh phong cảnh mới, và viết rằng “nơi này đang nghiền nát anh”.
Bức “Hoa Iris” khắc họa những cây hoa được trồng trong vườn bệnh viện.
Sau đó, Van Gogh tới miền bắc nước Pháp và tiếp tục sáng tạo bùng nổ trong những bức tranh. Nhưng chỉ sau hai tháng sau khi ra viện, ông qua đời ở thời điểm 36 tiếng sau khi tự bắn chính mình vào bụng, khi đang ngồi vẽ ở giữa một cánh đồng trong một ngày hè.
Trong giới hội họa, có những ý kiến tranh cãi xoay quanh nguyên nhân cái chết của Van Gogh, có người cho rằng cái chết của ông là do một sơ suất với súng, không phải do ý muốn tự sát, cũng có người cho rằng Van Gogh bị sát hại vì lý do nào đó, nhưng nhà nghiên cứu Bailey - tác giả cuốn sách mới ra mắt - không đồng tình với những giả thuyết này.
Ông Bailey nhận định: “Chính tình trạng bệnh tật tâm lý đã là bằng chứng không thể chối cãi rằng Van Gogh đã tự sát, chính thời gian lưu lại trong bệnh viện đã cứu giúp cho Van Gogh, để ông sống thêm một quãng thời gian nữa và sáng tạo nên những tuyệt phẩm hội họa cho hậu thế”.
>> Ngay trước khi tự sát, Van Gogh đã “suýt” trở thành danh họa
Don McLean - Vincent (Starry, Starry Night)
Bích Ngọc
Theo Guardian
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét