1. Những việc dạy trẻ nên làm, cha mẹ tự mình phải làm trước
Hiệu quả của giáo dục lấy mình làm gương là rất to lớn. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thấy nhiều thói quen xấu của trẻ em là học từ cha mẹ. Chúng ta thử nghĩ xem, một phụ huynh làm bất kỳ việc gì cũng vô cùng cẩn thận tỉ mỉ, con cái họ nhất định cũng sẽ cẩn thận tỉ mỉ. Ngược lại nếu một đứa trẻ sống trong một gia đình quan hệ không hòa thuận, hoàn cảnh bừa bộn bẩn thỉu, thì hành vi của nó cũng sẽ thô lỗ, nóng nảy. Trẻ em như cây non, dễ thẳng cũng dễ cong.
Một số phụ huynh lấy lý do bận bịu, rất hiếm khi hỏi han về tình hình học tập của các con. Nhưng các con trưởng thành lại là niềm hy vọng của chúng ta, những người làm cha mẹ. Chúng ta dù bận, mỗi ngày dành ra một lát thì hoàn toàn có thể, ví dụ sau bữa cơm hoặc trên bàn ăn nói chuyện chút với con về tình hình ở trường lớp, hỏi han chúng về nội dung học tập, sau đó giúp đỡ chúng, đưa ra một vài câu hỏi toán, thậm chí cùng chúng xem sách tham khảo. Như thế sẽ tăng thêm quan hệ thân mật với các con, và giúp chúng nâng cao thành tích học tập, lợi ích rất nhiều mặt.
2. Cần chủ động, tích cực bồi dưỡng năng lực tự lo liệu, năng lực bắt tay vào việc cho trẻ
Nhiều trẻ hiện nay ngay cả cặp sách cũng không biết sắp xếp, giày mình đi lỏng dây cũng không biết buộc. Điều này có thể do cha mẹ làm cho hết mọi việc tạo thành. Thực ra rất nhiều việc chỉ cần cha mẹ hướng dẫn chỉ dẫn nhiều một chút là trẻ có thể làm được. Đồ dùng học tập nên để trẻ tự mình sửa soạn.
Ở nhà, để trẻ làm những việc hợp với sức của chúng như quét nhà, rửa bát, lau bàn, hãy để trẻ bắt đầu làm từ những việc nhỏ, từng chút từng chút một, không được dựa dẫm vào người lớn, tự hưởng thành quả lao động của mình, sẽ khiến trẻ dần dần hiểu biết công việc.
Những đứa trẻ có khả năng độc lập tốt, chính là những trẻ có lòng gan dạ, có năng lực tổ chức, dám nói, dám làm, nói năng lưu loát rành mạch, khả năng biểu đạt tốt. Với những tố chất đó thì sau này khi trưởng thành, hầu hết sẽ nhất định thành công.
3. Tạo một môi trường học tập yên tĩnh lành mạnh cho trẻ
Người lớn khi sinh hoạt, vui chơi giải trí, chú ý không được ảnh hưởng đến trẻ. Hãy để trẻ đi ngủ sớm, dậy sớm, đảm bảo trẻ không đi muộn về sớm.
4. Chú ý bồi dưỡng lòng tự tin, tích cực và lạc quan cho trẻ
Đặc biệt là khi trẻ mới bước vào tiểu học, các con còn non nớt, sẽ phải đối diện với rất nhiều thách thức và khó khăn, cần dùng phương thức khen ngợi khích lệ động viên. Ngạn ngữ có câu: Thất bại là mẹ thành công, nhưng đối với trẻ ở giai đoạn này thì “thành công” mới là mẹ của thành công. Có được những tiến bộ và được biểu dương thì mới có hứng thú, có lòng tin đối với học tập.
Để đặt nền móng vững chắc cho việc học sau này, cần coi trọng từng tiến bộ nhỏ của trẻ, thường khích lệ trẻ. Trong học tập nảy sinh một số khó khăn, nhất thiết không được dùng những lời quá khích làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Những lời như thế có thể sẽ hủy hoại cả một đời trẻ.
Hãy dành thời gian cùng trẻ xem TV, tận dụng các câu chuyện trên TV khích lệ trẻ lý giải các quan niệm đạo đức cơ bản như đúng sai, thị phi, thiện ác. Thời gian và nội dung học tập tiểu học hoàn toàn khác với mẫu giáo, khi mới vào học thì cả về thể lực lẫn tâm lý đều không thích ứng, nên sẽ gặp nhiều khó khăn, cảm thấy áp lực, sẽ gặp trắc trở. Trắc trở cũng là một phần tất yếu của cuộc sống, thất bại cũng là tài sản của đời người.
Ngược lại, những đứa trẻ luôn luôn thuận buồm xuôi gió, đứng từ góc độ tâm lý mà nói, đó là nguy hiểm. Trẻ em ngày nay đại đa số đều được cha mẹ quan tâm săn sóc, lớn lên trong sự chăm chút của ông bà, được mọi thành viên gia đình yêu thương, việc gì cũng được chiều theo, thuận lợi, do đó thiếu sức chịu đựng. Biểu hiện là trẻ thích nghe biểu dương khen ngợi mà không tiếp thu phê bình. Đôi khi thành tích thi cử không tốt đã chịu không nổi, mất lòng tin. Do đó cha mẹ cần phải bồi dưỡng cho trẻ khả năng chịu đựng thất bại.
5. Gây dựng cho trẻ ý thức thời gian
Làm bài tập không được để dây dưa, cần hoàn thành trong thời gian quy định. Đặc biệt chú ý không được để trẻ vừa làm bài tập vừa ăn vặt, xem ti vi, chơi đồ chơi, những thói quen này có hại vô cùng. Làm xong bài tập tự kiểm tra lại. Không cần để cha mẹ thúc giục mới dậy, đi học, về nhà đúng giờ. Đi ra ngoài phải chào cha mẹ. Ở nhà gây dựng thói quen đọc sách, làm bài tập. Những thói quen tốt sẽ có ích cả cuộc đời.
Làm cha mẹ, cần có trách nhiệm xem xét sự phát triển của trẻ. Cha mẹ cần thường xuyên chú ý tình hình học tập, bài tập của trẻ, cần để trẻ hiểu được rằng việc quan trọng nhất của học sinh chính là học tập, hoàn thành bài tập cũng là nghĩa vụ mà chúng phải cố gắng.
6. Tạo dựng cho trẻ năng lực giao tiếp hợp tác
Cần khuyến khích trẻ giao tiếp, giao lưu trao đổi ý kiến với bạn học. Đồng thời phải chú ý giáo dục trẻ sống hòa thuận với các bạn, không được tự tư, không được tùy tiện. Bồi dưỡng lòng khoan dung cho trẻ, có thể thường xuyên dẫn trẻ đến các nơi công cộng, bồi dưỡng lòng rộng mở, tính cách thoáng đạt lạc quan trong khi tham gia các hoạt động cộng cộng, khiến trẻ ngay từ nhỏ đã có lòng khoan dung. Đó là nền móng vững chắc cho cuộc sống học tập của trẻ sau này.
Nhất thiết không được nuông chiều trẻ, vì nuông chiều khiến trẻ tự cao tự đại, ích kỷ, coi mình là quan trọng. Thói xấu này đến khi trưởng thành nhất định sẻ nảy sinh nhiều vấn đề trong giao tiếp và trong các mối quan hệ, lúc đó hối hận thì cũng chẳng kịp nữa rồi. Trong cuộc sống thường ngày, bồi dưỡng cho trẻ biết quan tâm lượng thứ người khác, biết lễ phép, tạo thành một thói quen ứng xử văn minh.
7. Bồi dưỡng cho trẻ tinh thần tiến thủ
Phụ huynh không nên lơ là bồi dưỡng ý chí tiến thủ cho trẻ. Đầu tiên cần khẳng đinh tài năng của trẻ. Ví dụ khi trẻ phải làm một việc gì đó, cha mẹ nên ủng hộ và giúp đỡ, tin tưởng vào tài năng của trẻ. Nếu trẻ gặp thất bại, hết sức tránh trách mắng, mà nhẫn nại giúp trẻ tìm nguyên nhân, phân tích tình hình, xác định các phương pháp cải tiến. Dần dà trẻ sẽ hình thành tâm lý tự tin “con có thể”, “con làm được”, bồi dưỡng chí tiến thủ.
Nam Phương
(Sưu tầm và biên dịch)
(Sưu tầm và biên dịch)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét